Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đồng chí Hà Hùng Cường, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp; đồng chí Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị và đại diện pháp chế các bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, Bộ Tư pháp hiện nay đang nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có sửa đổi, bổ sung các quy định về giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; từ đó yêu cầu phải hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật.
Tại Hội thảo, đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã giới thiệu tổng quan các quy định của pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và hướng dẫn áp dụng pháp luật. Theo đó, giải thích pháp luật là việc làm rõ hơn về tinh thần, nội dung, phạm vi, ý nghĩa và mục đích các quy định của pháp luật so với nội dung ban đầu của nó, giúp mọi người hiểu và thực thi các quy định của pháp luật một cách chính xác và thống nhất. Thông qua việc làm rõ nội dung, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật, giải thích pháp luật sẽ giúp các chủ thể pháp luật hiểu chính xác và thống nhất các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức pháp luật của các chủ thể, giúp họ tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật một cách hợp pháp; kiềm chế và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do không nhận thức đúng các quy phạm pháp luật. Hơn thế nữa, vai trò của giải thích pháp luật được thể hiện đầy đủ và mang lại ý nghĩa to lớn trong hình thức áp dụng pháp luật - một hình thức thực hiện pháp luật được tiến hành với mục đích nhằm bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực hiện một cách triệt để hơn trong đời sống thực tế do cơ quan, tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền thực hiện và có tính chất quyết định tới quyền và nghĩa vụ của người dân.
Đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phát biểu tại Hội thảo
Căn cứ vào chủ thể tiến hành, giải thích pháp luật được phân loại thành giải thích của cơ quan lập pháp (Nghị viện, Quốc hội); giải thích của cơ quan hành pháp (Chính phủ); giải thích của cơ quan tư pháp (Tòa án) và giải thích của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác như giải thích của các luật sư, thẩm phán, nhà khoa học… Giải thích văn bản quy phạm pháp luật còn có thể chia thành: giải thích Hiến pháp, giải thích luật, giải thích pháp lệnh, giải thích văn bản dưới luật...
Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh được quy định tại khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa từ Điều 158 đến Điều 161 trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, từ nhu cầu thực tiễn về việc áp dụng thống nhất pháp luật, cần thiết quy định trách nhiệm chủ thể khác ngoài Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, văn bản do chủ thể có thẩm quyền ban hành. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó “luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư”, việc giải thích pháp luật cần được luật hóa các nguyên tắc để chủ thể có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật.
Đồng chí Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, đồng chí Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, quy trình giải thích pháp luật hiện nay còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, cần đổi mới quy trình này theo hướng “nhanh, gọn, nhẹ”. Theo quy định hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; tuy nhiên chưa có quy định nào về việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đồng chí đề nghị mở rộng thêm chủ thể khác ngoài Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật, có thể theo hướng trao quyền cho Tòa án hoặc quy định cơ quan nào ban hành văn bản thì cơ quan đó có trách nhiệm giải thích.
Đồng chí Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo
Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần phải quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giải thích văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trong luật, đồng thời đề xuất xác định tính pháp lý của văn bản giải thích.
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho rằng, việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật dưới luật nên giao cho Tòa án giải thích là phù hợp với thực tiễn và xu thế chung của thế giới. Việc giải thích pháp luật chỉ thực hiện khi văn bản được ban hành có cách hiểu khác nhau. Đối với văn bản dưới luật, vấn đề mang tính chất kỹ thuật thì quy trình giải thích cần ngắn gọn, hạn chế sửa văn bản.
Đồng chí Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp cho biết, bản chất của giải thích pháp luật là giúp người dân hiểu được ý chí của nhà làm luật trong bối cảnh cụ thể. Vì vậy, cần công nhận giá trị pháp lý của văn bản giải thích pháp luật. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giải thích pháp luật, theo đồng chí, đối với văn bản dưới luật, cơ quan nào ban hành văn bản thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn thực hiện; đồng thời, Nghị định không chỉ nhằm quy định chi tiết mà còn hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, cũng cần phải đơn giản hóa quy trình giải thích để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đồng chí Hà Hùng Cường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo
Với chủ trương mới của Đảng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây, đồng chí Hà Hùng Cường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận định, thời điểm hiện tại chính là thời cơ, cơ hội thuận lợi nhất để đưa quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giải thích pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật vào thời kỳ mới. Cần phải “phát quang” hệ thống pháp luật đơn giản hơn, dễ áp dụng và dễ tuân thủ hơn. Càng ít quy định pháp luật thì không gian sáng tạo của người dân, doanh nghiệp càng lớn, càng nhiều quy định pháp luật, càng nhiều tầng nấc thì càng ràng buộc, hạn chế sự sáng tạo đó. Các bộ, ngành cần đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết để hạn chế tình trạng ban hành quá nhiều luật và sửa đổi liên tục.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, hệ thống pháp luật cần phải phúc đáp được yêu cầu của kỷ nguyên mới với nguyên tắc phải đổi mới tư duy từ quản lý sang vừa quản lý, vừa kiến tạo cho phát triển đất nước, dứt khoát phải bỏ tư duy quản không được thì cấm; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; không được luật hóa các quy định, nghị quyết, thông tư; quy định các nguyên tắc cần phải đứng trên “mảnh đất thực tiễn Việt Nam”, không quá dài và phải mang tính ổn định. Thứ trưởng đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay là khá lớn, vì vậy, công tác giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật rất cần thiết để mọi người hiểu chính xác và thống nhất các quy định pháp luật. Từ nhu cầu thực tiễn đó, Thứ trưởng đề nghị nghiên cứu trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích nghị quyết; mở rộng phạm vi các vấn đề giải thích pháp luật; xây dựng cơ chế giải thích các văn bản dưới luật, pháp lệnh; đơn giản hóa quy trình giải thích pháp luật bảo đảm “ngắn, gọn, nhanh” thể hiện rõ trách nhiệm từng cơ quan; xác định giá trị pháp lý của văn bản giải thích pháp luật để kịp thời phản ứng chính sách./.
Hoàng Trung