1. Mục tiêu của Luật Ban hành quyết định hành chính
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên phạm vi cả nước, số lượng các QĐHC do các cơ quan nhà nước ban hành là rất lớn1. Những con số đó, tuy chưa phản ánh được cụ thể tình hình ban hành QĐHC ở các cơ quan, bộ, ngành, nhưng ở góc độ định tính, đã cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của nó cả trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội lẫn trong hoạt động điều hành và quản lý nhà nước.
Chính trên cơ sở đánh giá vai trò và tầm quan trọng của việc ban hành QĐHC, Quốc hội đã giao Chính phủ chủ trì xây dựng Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính2. Để triển khai xây dựng Dự án Luật này, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, tổng hợp tình hình ban hành QĐHC trên cơ sở báo cáo tổng kết của 30 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương3; kết quả khảo sát trực tiếp về tình hình ban hành QĐHC đối với cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và thẩm phán tại 05 tỉnh (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang); kết quả của các cuộc hội thảo, tọa đàm về kinh nghiệm ban hành QĐHC của các nước Hung ga ri, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, các tọa đàm về thực tiễn ban hành QĐHC tại một số địa phương.
Kết quả nghiên cứu và tổng hợp tình hình nói trên cho thấy, trong thực tiễn ban hành QĐHC của nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nên cần thiết xây dựng một đạo luật điều chỉnh lĩnh vực này nhằm đáp ứng những yêu cầu sau đây:
1.1. Xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính nhằm tạo nên một cơ chế “kiểm soát quyền lực” đối với các cơ quan nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định về cơ chế “kiểm soát quyền lực” giữa các cơ quan nhà nước4, trong đó có các cơ quan hành chính - chủ thể ban hành QĐHC, từ đó đặt ra yêu cầu phải ban hành các đạo luật để xây dựng cơ chế kiểm soát một cách phù hợp quyền lực đó trong thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mới chỉ chú trọng đến quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà chưa coi trọng đúng mức việc ban hành văn bản hành chính. Các nguyên tắc cơ bản cho hoạt động của nền hành chính, các nguyên tắc về bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ quy trình ban hành QĐHC, các quy trình tối thiểu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, cá nhân được trao thẩm quyền ban hành QĐHC chưa được điều chỉnh đầy đủ, thống nhất bởi một văn bản có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc. Bởi vậy, chưa có cơ chế thực tế để Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp - cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương, địa phương và nhân dân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, cũng như của các chủ thể khác khi ban hành QĐHC, trong khi những văn bản này lại tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân, tổ chức.
Xuất phát từ tầm quan trọng của bản thân các QĐHC và của quy trình ban hành các quyết định này, cần thiết phải xây dựng một đạo luật, trong đó tạo nên cơ chế kiểm soát quy trình ban hành các QĐHC như một bổ sung cần thiết cho cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp, nhằm bảo đảm tính hợp pháp, tính hợp lý, tính khả thi của QĐHC, qua đó bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước nói chung.
1.2. Xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm tính pháp chế trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Pháp luật hiện hành chưa đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong quá trình ban hành QĐHC, cũng như chưa có đủ các cơ sở pháp lý để thẩm phán hành chính có thể dựa vào khi đưa ra phán quyết một QĐHC được coi là hợp pháp hay bị coi là không hợp pháp. Với tư cách là một quy trình, pháp luật hiện nay cũng chưa có cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp khi họ là những đối tượng chịu tác động của QĐHC.
Hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước chỉ có thể bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, cũng như chỉ có thể bảo đảm được quyền, lợi ích của tổ chức, công dân khi trong quá trình ban hành QĐHC của mình, các cơ quan hành chính nhà nước tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc và quy trình được quy định một cách rõ ràng, minh bạch. Chỉ trong điều kiện đó, tổ chức, công dân mới có thể giám sát việc thực hiện quy trình, nguyên tắc ban hành QĐHC. Dưới góc độ này, việc ban hành QĐHC đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục có ý nghĩa như một yếu tố quan trọng bảo đảm tính pháp chế trong hoạt động của nền hành chính và bảo đảm dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu này, cần có quy định về ban hành QĐHC nhằm bảo đảm quy trình này được thực thi trên cơ sở những căn cứ pháp luật rõ ràng với trình tự, thủ tục được quy định chặt chẽ, từ đó đạt được mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
1.3. Xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính nhằm hoàn thiện pháp luật, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong ban hành và thi hành quyết định hành chính
Thực tế ban hành QĐHC hiện nay cho thấy, các chủ thể ban hành QĐHC còn nhiều lúng túng, vì từ góc độ chủ quan của người trực tiếp thực hiện việc ban hành QĐHC còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về thẩm quyền ban hành quyết định, dẫn đến tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, không thống nhất; từ góc độ khách quan, các tiêu chí cụ thể để xác định một QĐHC khi nào thì được coi là hợp pháp, không hợp pháp, khi nào bị coi là vô hiệu, các tình huống theo đó khi nào một quyết định được ủy quyền ban hành, khi nào phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu QĐHC trái pháp luật... cũng chưa được quy định đầy đủ. Tuy trong một số lĩnh vực thuộc pháp luật chuyên ngành5 đã có các quy phạm điều chỉnh về QĐHC ban hành trong lĩnh vực đó nhưng các quy định đó cũng chưa đầy đủ, đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn, chưa nhất quán, dẫn đến tình trạng quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức chưa thực sự được bảo vệ hữu hiệu.
Sự thiếu vắng các tiêu chí nói trên khiến các cơ quan nhà nước, kể cả các thẩm phán hành chính không có cơ sở để đình chỉ, thu hồi, huỷ bỏ QĐHC, có trường hợp phải “vay mượn” quy định của lĩnh vực này để áp dụng cho QĐHC ở lĩnh vực khác6. Về phía người dân và doanh nghiệp, cũng vì thiếu các tiêu chí đó, họ không có cơ sở pháp lý rõ ràng để khiếu nại, khiếu kiện, dẫn đến tình trạng họ gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.
Những nội dung sau đây cũng chưa được điều chỉnh cụ thể trong quy trình ban hành văn bản hành chính: Tiêu chí về đảm bảo tính hợp pháp, tính công khai, minh bạch, công bằng của QĐHC; các quy định về trình tự, thủ tục ban hành QĐHC, để trên cơ sở đó xác định và ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các chủ thể có thẩm quyền ban hành QĐHC. Ở góc độ này, tuy một số văn bản pháp luật chuyên ngành đã có những quy định nhất định về trình tự, thủ tục ban hành QĐHC phù hợp với đặc thù quản lý ngành, lĩnh vực, nhưng những quy định này chỉ áp dụng riêng lẻ cho các QĐHC trong từng lĩnh vực cụ thể, mà không áp dụng chung cho các QĐHC. Bên cạnh đó, ngay cả khi đã được điều chỉnh, nhưng trình tự, thủ tục ban hành QĐHC vẫn còn rườm rà, khi thì quá phức tạp, gây tốn kém cho người dân cả về thời gian lẫn tiền bạc, lúc lại quá đơn giản đến mức không đủ thời gian cho các cơ quan chuyên môn xem xét tính hợp pháp của hồ sơ, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Có những QĐHC, đặc biệt là QĐHC có phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng đến nhiều người như: Quyết định cho phép xây dựng các nhà máy lớn, cảng biển, sân ga, bến cảng... lại được ban hành theo một trình tự, thủ tục quá đơn giản, bất hợp lý, thiếu chặt chẽ, nên không bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Thực tế đó dẫn đến tình trạng, một số QĐHC ngay khi vừa ban hành đã gặp phải những phản ứng gay gắt của dư luận xã hội, khiến cơ quan ban hành phải thu hồi ngay, làm giảm lòng tin của người dân vào các cấp chính quyền.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ quy trình công khai, công bố QĐHC, nên người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận các thông tin liên quan ngay cả sau khi QĐHC được ban hành, vì vậy, không bảo vệ được kịp thời các quyền và lợi ích của mình.
Những vấn đề của thực tiễn nói trên dẫn đến yêu cầu phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thống nhất quy trình ban hành và thực thi QĐHC, nhằm bảo vệ hữu hiệu quyền, lợi ích của công dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.
1.4. Xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính nhằm nâng cao chất lượng của quyết định hành chính
Việc bảo đảm chất lượng của các QĐHC là vô cùng quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, vì mỗi quyết định được ban hành không chỉ phản ánh hiệu quả điều hành, quản lý xã hội của các cơ quan nhà nước, mà đằng sau nó là quyền và lợi ích của công dân, doanh nghiệp, là việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh, thậm chí là việc bảo đảm tính dân chủ trong hoạt động quản lý nhà nước. Thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước cho thấy, nếu xây dựng được một quy trình chuẩn cho việc ban hành QĐHC với những tiêu chí được xác định rõ ràng, cùng với việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức - những người trực tiếp thực thi và áp dụng quy trình đó thì chất lượng của một QĐHC chắc chắn sẽ được nâng cao.
Do đó, cần thiết phải có một đạo luật chứa đựng các nguyên tắc cơ bản về ban hành QĐHC làm cơ sở để bảo đảm việc ban hành QĐHC hợp pháp, hợp lý, khả thi, bảo đảm nâng cao chất lượng QĐHC nói riêng và hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói chung.
2. Những định hướng chính sách cơ bản xây dựng Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính
Xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn như đã được nhận dạng và phân tích trong Mục 1 nêu trên, chúng tôi cho rằng, Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính cần được nghiên cứu, xây dựng dựa trên những định hướng chính sách cơ bản sau đây:
2.1. Luật Ban hành quyết định hành chính cần quy định những nguyên tắc cơ bản, tạo khuôn khổ pháp lý chung cho việc ban hành các loại quyết định hành chính
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn ban hành và thực thi QĐHC, chúng tôi cho rằng, Dự án Luật cần chứa đựng các nguyên tắc cơ bản, tạo khuôn khổ pháp lý chung cho việc ban hành tất cả các loại QĐHC. Theo đó, nội dung cơ bản của Luật cần quy định thống nhất, cụ thể về các vấn đề sau đây: Khái niệm, thẩm quyền ban hành, hình thức của QĐHC; các vấn đề liên quan đến ủy quyền ban hành QĐHC; các nguyên tắc về hiệu lực thi hành, thời điểm có hiệu lực, các trường hợp vô hiệu... của QĐHC; các nguyên tắc về việc thu hồi, hủy bỏ, gia hạn, đình chỉ, tạm đình chỉ, sửa đổi, bổ sung QĐHC; trình tự, thủ tục ban hành QĐHC, đặc biệt là trình tự, thủ tục ban hành các QĐHC gây bất lợi cho đối tượng liên quan.
2.2. Luật Ban hành quyết định hành chính cần tạo cơ chế kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính nhằm đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, tính khả thi của quyết định hành chính
Nguyên tắc đầu tiên cần bảo đảm trong quy trình ban hành các QĐHC là bảo đảm tính hợp pháp của nó. Tính hợp pháp của QĐHC được xem xét dưới góc độ hợp pháp về nội dung, hợp pháp về hình thức và hợp pháp về trình tự, thủ tục ban hành QĐHC.
Mặc dù, pháp luật hiện hành đã có những quy định để các cơ quan nhà nước thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc ban hành QĐHC thông qua cơ chế thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật đối với hoạt động quản lý nhà nước nói chung và cơ chế phản hồi các QĐHC từ phía đối tượng bị quản lý thông qua việc phản ánh, khiếu nại, khiếu kiện và trình tự, thủ tục giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện các QĐHC đó, nhưng về cơ bản, đây là các cơ chế “kiểm soát sau”, chỉ được thực hiện sau khi các QĐHC đã được ban hành và trên thực tế, chúng đã “kịp” tác động vào đời sống kinh tế - xã hội, thậm chí đã gây ra hậu quả tiêu cực, do đó, hiệu quả quản lý nhà nước rất hạn chế. Một cơ chế “kiểm soát trước” có tính phòng ngừa ngay từ giai đoạn ban hành, nghĩa là kiểm soát tính hợp pháp của các QĐHC cả về mặt nội dung, hình thức và trình tự thủ tục hiện đang là lỗ hổng trong các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này.
Bởi vậy, để QĐHC bảo đảm tính hợp pháp, đồng thời bảo đảm các quyền của tổ chức, cá nhân có liên quan, thì các chủ thể có thẩm quyền ban hành QĐHC phải tuân thủ các nguyên tắc và quy trình nhất định. Trong mục đích ngăn ngừa, hạn chế tới mức tối đa việc ban hành QĐHC trái pháp luật, các nội dung của Luật Ban hành quyết định hành chính phải đưa ra được các nguyên tắc ban hành QĐHC, các điều kiện hủy bỏ, bãi bỏ, thu hồi QĐHC, các điều kiện vô hiệu, có hiệu lực của QĐHC, từ đó tạo nên cơ chế kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp trong toàn bộ quy trình ban hành QĐHC.
Quy trình ban hành các QĐHC hiện nay thường do ý chí chủ quan của các cơ quan ban hành QĐHC và thiếu sự tham gia của tổ chức, cá nhân, thiếu cơ chế giải trình của các cơ quan ban hành QĐHC7 và chưa bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Do đó, các quy định của Luật phải chứa đựng những tiêu chí nhằm bảo đảm tính công bằng, khách quan, bảo đảm sự tham gia của các đối tượng liên quan vào quá trình ban hành QĐHC, từ đó, làm tăng tính khả thi, tính hợp lý của mỗi QĐHC.
2.3. Luật Ban hành quyết định hành chính cần bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch trong quá trình ban hành quyết định hành chính
Sự minh bạch, rõ ràng của pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến QĐHC là yếu tố cơ bản để bảo đảm sự công bằng của mỗi QĐHC. Việc ban hành Luật này cần hướng tới việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả của quản lý hành chính cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân và lợi ích của Nhà nước. Đây là định hướng cơ bản được thể hiện rõ trong các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bảo đảm tính công bằng trong ban hành QĐHC là điều kiện tiên quyết trong việc bảo đảm chất lượng của một QĐHC, đây cũng là mục tiêu mà nền hành chính cần hướng tới trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền và thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong việc “bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”8.
Các nguyên tắc nhằm bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch và khả thi của QĐHC thể hiện ở các quy định về quy trình ban hành QĐHC như: Tạo cơ hội để người dân có thể tiếp cận các hồ sơ, tài liệu trong quá trình ban hành QĐHC, quy định quyền giải trình của bên có liên quan đối với các QĐHC; tổ chức cuộc họp, đối thoại, trách nhiệm lắng nghe, xác minh vụ việc; sự tham gia của các bên liên quan ngay trong quá trình ban hành QĐHC; trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan ban hành QĐHC; về trách nhiệm thông báo, công bố, công khai QĐHC sau khi được ban hành... Đây là những nội dung cơ bản cần được quy định trong Luật Ban hành quyết định hành chính.
2.4. Luật Ban hành quyết định hành chính cần bảo đảm sự gắn kết giữa việc ban hành quyết định hành chính với việc thực thi quyết định hành chính, sự gắn kết giữa việc ban hành Luật với việc thi hành Luật
Để bảo đảm sự gắn kết giữa việc ban hành QĐHC và thực thi QĐHC, cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng QĐHC, cần phải chú trọng tổ chức thi hành tốt QĐHC. Thực tế hiện nay cho thấy, vì thiếu sự gắn kết giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật nên tính pháp chế trong thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế. Trong hoạt động tổ chức thi hành QĐHC nói riêng và thi hành pháp luật nói chung cũng còn nhiều bất cập. Tình trạng QĐHC không được thực thi hoặc không có hiệu lực thi hành trong nhiều năm mà vẫn không được bãi bỏ, hủy bỏ, đã làm giảm đi hiệu lực của QĐHC9, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Do vậy, việc ban hành Luật không chỉ giới hạn trong phạm vi điều chỉnh các vấn đề liên quan đến ban hành QĐHC mà cần phải quy định cả về các nội dung liên quan đến thực thi QĐHC như đình chỉ, tạm đình chỉ, gia hạn, thu hồi, hủy bỏ, cưỡng chế thi hành QĐHC, các nguyên tắc chung về khiếu nại, khiếu kiện, bồi thường thiệt hại...
Đối với vấn đề cưỡng chế thi hành QĐHC, Luật cần quy định một số nguyên tắc chung thống nhất bởi trên thực tiễn hiện nay, do nhu cầu quản lý, một số địa phương đề nghị được ban hành quy định riêng của địa phương mình (chính quyền cấp tỉnh) để điều chỉnh trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành QĐHC. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của vấn đề và ảnh hưởng của nó trên thực tế, trình tự, thủ tục này không thể giao cho từng địa phương quy định mà cần được quy định thống nhất trong Luật này để áp dụng trong toàn quốc.
Ngoài ra, để bảo đảm sự gắn kết giữa việc ban hành Luật và thi hành Luật, cùng với việc ban hành Luật Ban hành quy định hành chính phải có các biện pháp, giải pháp đồng bộ bảo đảm cho Luật sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Trong số các biện pháp bảo đảm thi hành, Luật cần xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, trong đó trước tiên và chủ yếu là trách nhiệm của cơ quan ban hành QĐHC. Bên cạnh đó, Luật cũng đồng thời đề cao trách nhiệm của cơ quan tư pháp là cơ quan chuyên môn về pháp luật ở trung ương cũng như địa phương trong việc tham gia vào quá trình kiểm soát việc ban hành QĐHC.
2.5. Luật Ban hành quyết định hành chính cần thúc đẩy quá trình cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, có tính chuyên nghiệp cao, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
Việc thực hiện đường lối đổi mới kinh tế và chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nền kinh tế đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Cùng với quá trình chuyển đổi kinh tế là quá trình chuyển từ nền hành chính quan liêu, bao cấp sang nền hành chính phục vụ, vì lợi ích nhân dân. Trong bối cảnh đó, pháp luật hành chính nói chung và trong lĩnh vực ban hành QĐHC nói riêng cần phải được nhanh chóng hoàn thiện, các nguyên tắc ban hành QĐHC của Luật phải là cơ sở pháp lý góp phần bảo đảm khuôn khổ rõ ràng cho hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay. Các quy định của Luật cần góp phần đổi mới tư duy và tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, công chức hành chính trong quá trình thực thi và bảo vệ pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, mang tính phục vụ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhằm tạo môi trường pháp lý lành mạnh, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế, Luật này cũng phải là công cụ pháp lý hữu hiệu góp phần khắc phục tình trạng quan liêu của nền hành chính, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Nguyễn Thị Kim Thoa & Dương Thị Bình