Chiến lược phát triển nhân lực tư pháp quốc gia đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Báo cáo dẫn đề Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định nâng cao nguồn nhân lực pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đồng chí, mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển nguồn nhân lực tư pháp quốc gia - nguồn nhân lực cực kỳ quan trọng của đất nước là phát triển nhân lực tư pháp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tư pháp; có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tư pháp, cải cách tư pháp, của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đồng chí cũng đưa ra một số giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm thu hút mọi nguồn lực để phát triển nhân lực tư pháp quốc gia một cách hiệu quả và chất lượng.
Nhu cầu nhân lực có trình độ cử nhân luật tại Bộ Tư pháp và trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2025 - 2030
Tại Hội thảo, theo ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Hương Ly, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp và đồng chí Phạm Thành Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự thì với chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của Bộ, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cử nhân luật là nhu cầu tự nhiên và thiết yếu. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ có trình độ cử nhân luật của Bộ là rất lớn, đặc biệt đối với các đơn vị chuyên môn về xây dựng, theo dõi, thi hành pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày một tăng, nhất là trong bối cảnh thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Dự báo giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu về tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ có trình độ cử nhân luật tại Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục tăng, với số lượng khoảng 30 người/năm đối với các đơn vị thuộc Bộ và khoảng 200 người/năm đối với hệ thống thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, các đại biểu còn được nghe các báo cáo viên trình bày một số tham luận về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cử nhân luật làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật, công tác hội nhập quốc tế, công tác bổ trợ tư pháp, công tác trong lĩnh vực quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trong giai đoạn 2025 - 2030 cũng như thực trạng và một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chính sách về các vấn đề này.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến, thảo luận thẳng thắn, thiết thực. Ngày nay, khi nhu cầu nguồn nhân lực tư pháp của xã hội ngày càng tăng đặt ra yêu cầu về chất lượng đội ngũ có trình độ cử nhân luật càng lớn. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực tư pháp trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải gắn với việc xây dựng một quy chuẩn đầu ra đại học chung cho các trường đại học, tạo mặt bằng chung về chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc, giảm bớt khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đỗ Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp đánh giá, Hội thảo đã bước đầu sơ kết được nhiều nội dung xoay quanh vấn đề về nguồn nhân lực có trình độ cử nhân luật giai đoạn 2025 - 2030. Trong thời gian tới, nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cử nhân luật còn rất nhiều và cần thiết, đặc biệt trong các lĩnh vực tư pháp như: Luật sư, đấu giá, pháp chế doanh nghiệp… Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải xây dựng chương trình đào tạo cụ thể; quy trình đào tạo chặt chẽ, chất lượng, kiểm soát đầu vào và đầu ra; phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm thực tiễn… góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực về tư pháp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Diệp Linh