Theo Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của liên Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức tư pháp - hội tịch đã được rà soát, hệ thống hóa và xác định rõ ràng, cụ thể, bảo đảm không chồng chéo với nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã. Cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp đã được kiện toàn thêm một bước để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Thông tư đã không còn phù hợp với các văn bản mới được ban hành (Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013; Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10/8/2012 của Chính phủ, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Bồi thường nhà nước...) cũng như thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp địa phương. Những nhiệm vụ mới và thay đổi cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương cần được hệ thống hóa trong văn bản quy định thống nhất về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp địa phương.
Tại buổi Tọa đàm, nhiều vấn đề đã được đưa ra để các đại biểu tập trung thảo luận như: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và việc triển khai công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã; quản lý công tác thi hành án dân sự ở địa phương; số lượng, tên gọi các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư Pháp; biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch; tên gọi của công chức tư pháp - hộ tịch... trong đó số lượng, tên gọi các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp; biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp; công chức tư pháp - hộ tịch và tên gọi của công chức tư pháp - hộ tịch là những vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận nhiều nhất tại Tọa đàm.
1. Về số lượng, tên gọi các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp
Theo dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009, đến nay về số lượng, tên gọi các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 của dự thảo Thông tư liên tịch. Dự thảo quy định các phòng chuyên môn nghiệp vụ được thành lập phù hợp với đặc điểm của từng địa phương theo các lĩnh vực: Xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật); kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật (bao gồm phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở); hành chính tư pháp (bao gồm hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, con nuôi có yếu tố nước ngoài, bồi thường nhà nước, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm); bổ trợ tư pháp (bao gồm quản lý luật sư và tư vấn pháp luật, trọng tài thương mại, thi hành án dân sự, các lĩnh vực tư pháp khác). Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm quản lý của công tác tư pháp cụ thể của địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể tên gọi và số lượng các phòng nghiệp vụ để bao quát các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở, nhưng số lượng các phòng nghiệp vụ không quá 6 phòng đối với các tỉnh, không quá 8 phòng đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, có 02 loại ý kiến về số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp. Ý kiến thứ nhất cho rằng nên quy định thống nhất tên gọi, số lượng các phòng thuộc Sở Tư pháp để thuận lợi cho việc quản lý tổ chức bộ máy. Ý kiến khác lại cho rằng, không nên quy định thống nhất tên gọi của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp vì vấn đề này thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân. Trao đổi về vấn đề này, các đại biểu tham gia hội thảo đều thống nhất ý kiến, cho rằng việc quy định tên gọi của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp nên thống nhất trong toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức công việc giữa các Sở Tư pháp trong cả nước. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hùng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình cho rằng nên thống nhất tên gọi các phòng nghiệp vụ của Sở Tư pháp trong toàn quốc để tạo thuận lợi trong quá trình công tác.
2. Về biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch
Biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch là một trong những vấn đề "nóng" tại buổi Tọa đàm.
Biên chế của Sở Tư pháp theo dự thảo Thông tư liên tịch: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, tính chất và đặc điểm của công tác tư pháp ở địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế công chức của Sở Tư pháp trong tổng số biên chế công chức của cấp tỉnh, đảm bảo mỗi phòng chuyên môn thuộc Sở có tối thiểu 05 người, trong đó có 01 trưởng phòng, không quá 02 phó trưởng phòng và các công chức chuyên môn. Biên chế sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo định mức biên chế và quy định của pháp luật. Việc tuyển dụng, bố trí công chức, viên chức của Sở Tư pháp phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức nhà nước theo quy định.
Biên chế công chức của Phòng Tư pháp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trong tổng biên chế công chức của huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định số biên chế tối thiểu của các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp, của Phòng Tư pháp cấp huyện, số lượng công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch tối thiểu ở mỗi cấp xã để đảm bảo đủ số lượng cán bộ triển khai nhiệm vụ, đồng thời vẫn bảo đảm thẩm quyền của địa phương quyết định cụ thể số lượng biên chế giao cho các cơ quan tư pháp địa phương và công chức tư pháp - hộ tịch. Cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định số lượng biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch vì đây là nhiệm vụ được phân cấp cho địa phương. Nhiều ý kiến thảo luận về vấn đề này. Các đại biểu tham dự Tọa đàm là đại diện của các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, là những người đang trực tiếp làm thực hiện nhiệm vụ đều cho rằng hiện nay biên chế cán bộ làm công tác tư pháp tại địa phương rất khó khăn. Ngành Tư pháp với nhiều nhiệm vụ mới như công tác lý lịch tư pháp, công tác bồi thường nhà nước và mới đây là công tác kiểm soát thủ tục hành chính, số lượng công việc tăng thêm rất nhiều nhưng không đủ cán bộ đảm nhiệm công việc. Việc chuyển giao công việc, con người làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Ủy ban nhân dân sang Sở Tư pháp cũng còn nhiều khó khăn. Có những cán bộ làm công tác này tại Ủy ban nhân dân xin chuyển sang các phòng, ban khác mà không muốn sang Sở Tư pháp hoặc những cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính chưa đạt về chuyên môn, nghiệp vụ... Các đại biểu cũng phản ánh, hiện nay cán bộ làm công tác tư pháp tại địa phương phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc mới, và đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ nghiên cứu có cơ chế phù hợp để tháo gỡ vấn đề này. Đại diện đến từ Bộ Nội vụ cũng cho biết, về biên chế từ nay đến năm 2016 với chủ trương không tăng biên chế, vì vậy việc xin thêm biên chế trong giai đoạn này là hết sức khó khăn. Các Sở Tư pháp cần chủ động trong việc bố trí nhân lực phù hợp, đảm bảo tính thống nhất về thể chế. Sở Tư pháp phải phối hợp với Sở Nội vụ để hoàn thiện đề án vị trí việc làm, nếu thực sự cần thiết phải tăng thêm biên chế thì phải thể hiện trong đề án để làm cơ sở tăng biên chế cho các Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, ở địa phương có thể nghiên cứu đến phương án đề xuất điều chỉnh biên chế từ các đơn vị sự nghiệp (viên chức) sang biên chế hành chính (công chức) theo các quy định của pháp luật về quản lý công chức, viên chức, báo cáo đề xuất để Lãnh đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu và có những chủ trương cụ thể, phù hợp.
3. Về tên gọi của công chức tư pháp - hộ tịch
Tên gọi của công chức tư pháp - hộ tịch cũng được các đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi. Hiện nay, tại Điều 8 dự thảo Thông tư liên tịch quy định: "Ở cấp xã có công chức tư pháp - hộ tịch tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tại Điều 7 của Thông tư liên tịch này. Đối với những xã, phường, thị trấn có khối lượng công việc lớn, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí ít nhất là 02 công chức tư pháp - hộ tịch đối với cấp xã loại 1 và loại 2 và ít nhất là 01 công chức tư pháp - hộ tịch đối với cấp xã loại 3".
Có ý kiến cho rằng nên đổi tên gọi của công tư pháp - hộ tịch thành công chức tư pháp cấp xã vì nay công chức tư pháp đang được giao nhiều nhiệm vụ mới, nhiều nhiệm vụ được tăng cường, mở rộng hơn trong các lĩnh vực như kiểm soát thủ tục hành chính, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở... Đồng thời, trong thời gian tới khi dự thảo Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua, khi đó chức danh hộ tịch viên sẽ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hộ tịch ở cấp xã. Do đó việc ghép chung hai loại nhiệm vụ này trong cùng một chức danh tư pháp - hộ tịch là không còn phù hợp. Việc tách chức danh công chức tư pháp - hộ tịch thành hai chức danh "công chức tư pháp cấp xã" và chức danh "hộ tịch viên" để đảm bảo tính chuyên môn hóa trong việc thực hiện các nhiệm vụ về tư pháp, hộ tịch ở cấp xã vừa đón đầu được các quy định mới trong tương lai. Ý kiến này đã được đa số các đại biểu đồng tình.
Tuy nhiên, việc tách hai chức danh này cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn về biên chế cán bộ và các chế độ chính sách kèm theo. Theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2012 của Chính phủ quy định về công chức tư pháp - hộ tịch là một trong 7 chức danh công chức cấp xã. Theo đó, việc phân bổ về số lượng công chức cấp xã, quy định về tuyển dụng, chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ chính sách khác cho công chức cấp xã (trong đó có chức danh công chức tư pháp - hộ tịch) đều phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 112/2011/NĐ-CP. Việc tách chức danh tư pháp - hộ tịch thành hai chức danh "công chức tư pháp" và "công chức hộ tịch" sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hưởng các chế độ chính sách của công chức cấp xã, do đó vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu thêm.
Nguyễn Thị Vinh