Thực hiện Kế hoạch đối ngoại của Bộ Tư pháp năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ Shi Arjun Ram Meghwal, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Việt Nam thăm và làm việc tại Ấn Độ từ ngày 30/6 – 03/7. Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp hai nước có hoạt động trao đổi Đoàn ở cấp Lãnh đạo Bộ. Tham dự hội đàm có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải.
Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp hai nước có hoạt động trao đổi Đoàn ở cấp Lãnh đạo Bộ. Tham dự hội đàm có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải.
Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và nâng cấp lên Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Quan hệ hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển toàn diện trong các lĩnh vực. Về kinh tế, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại thứ 17 của Ấn Độ. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác song phương về pháp luật và tư pháp có thể nói là còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của mỗi Bên (chủ yếu mới dừng ở việc trao đổi một số đoàn cấp chuyên viên hoặc cùng tham dự một số diễn đàn hợp tác đa phương như Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi - AALCO).
Hội đàm giữa Bộ trưởng Tư pháp hai nước
Tại buổi hội đàm giữa hai Bộ trưởng vào ngày 02/7/2023, Bộ trưởng Bộ Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ Shi Arjun Ram Meghwal vui mừng chào đón Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam trên mảnh đất của các vị thánh, nhà hiền triết, nơi khởi nguồn của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Nhấn mạnh chuyến thăm diễn ra vào dịp 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 7 năm thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ đang đẩy mạnh Chính sách hành động hướng Đông, Bộ trưởng Shi Arjun Ram Meghwal đánh giá cao kết quả hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Thống kê gần đây cho thấy cộng đồng người Ấn Độ tại Việt Nam cùng với khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đã lên tới hơn 6.500 người.
Toàn cảnh hội đàm
Giới thiệu khái quát về Bộ Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ, Bộ trưởng Shi Arjun Ram Meghwal nhấn mạnh đây là Bộ lâu đời nhất ở Ấn Độ (thành lập từ thời thực dân Anh đô hộ theo một đạo luật do Nghị viện Anh thông qua vào năm 1883). Về cơ cấu Bộ Pháp luật và Tư pháp có 3 Tổng vụ: Tổng vụ lập pháp, Tổng vụ các vấn đề pháp lý và Tổng vụ Tư pháp.
(i) Tổng vụ lập pháp có sứ mệnh, tầm nhìn trở thành cơ quan xây dựng pháp luật kiểu mẫu, thực hiện các hoạt động đào tạo kỹ năng xây dựng pháp luật cho các Bộ, ngành ở cả cấp trung ương và cấp bang (bằng cả tiếng Anh và tiếng Hindi). Ngoài ra, Tổng vụ này còn thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân thông qua sáng kiến pháp điển hóa các văn bản pháp luật đơn lẻ thành các Bộ luật để người dân tra cứu thuận tiện trên internet;
(ii) Tổng vụ các vấn đề pháp lý đóng vai trò tư vấn các vấn đề pháp lý cho Chính phủ; thẩm định các đề nghị xây dựng pháp luật và cấp ý kiến pháp lý đối với các đề nghị này; giúp Chính phủ trở thành một “bên đương sự” có trách nhiệm và hoạt động hiệu quả; thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (trọng tài, hòa giải); nâng cao chất lượng đào tạo luật, các nghề luật cũng như phát triển các dịch vụ pháp lý;
(iii) Tổng vụ Tư pháp là 1 đơn vị mới chuyển từ Bộ Nội vụ về Bộ Pháp luật và Tư pháp từ tháng 1/2010, chịu trách nhiệm bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm thẩm phán, trả lương, phụ cấp...từ cấp Tòa án tối cao đến Tòa cấp cao; quản lý về mặt hành chính hệ thống Tòa án. Tổng vụ này còn phụ trách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống Tòa án, nhất là hệ thống tòa án điện tử; phát triển hệ thống trợ giúp pháp lý cho người nghèo nhằm tăng cường khả năng tiếp cận công lý; cung cấp tài chính cho Học viện tư pháp quốc gia nhằm thực hiện các hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp trong toàn quốc.
Các đại biểu tham dự hội đàm chụp ảnh lưu niệm
Về hợp tác song phương, Bộ trưởng Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ bày tỏ thiện chí đàm phán, tiến tới ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác (MOU) với Bộ Tư pháp Việt Nam. Bộ trưởng gợi ý một số lĩnh vực mà hai Bên có thể ưu tiên tiến hành hợp tác như: trao đổi kinh nghiệm về xây dựng pháp luật; nâng câp năng lực cơ chế giải quyết tranh chấp (bao gồm cả tranh chấp thương mại quốc tế, trọng tài, hòa giải...); chuyển đổi số trong công tác tư pháp...
Bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm và làm việc tại Ấn Độ, Bộ trưởng Lê Thành Long giới thiệu sơ bộ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp Việt Nam, điểm qua một số thành tựu trong công tác xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp ở Việt Nam, đặc biệt là vào cuối năm 2022 vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới với trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh cải cách tư pháp, đảm bảo quyền độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Về dự thảo Bản Ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định dù hệ thống pháp luật và tư pháp của hai Bên có một số khác biệt song việc nỗ lực ký được MOU giữa hai Bộ sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai Bộ, xứng tầm với Quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Về các lĩnh vực hợp tác, Bộ trưởng Lê Thành Long cơ bản đồng tình với một số gợi ý của Bộ trưởng Shi Arjun Ram Meghwal, đồng thời nhấn mạnh thêm lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp và các chức danh tư pháp.
Kết thúc hội đàm, hai Bộ trưởng thống nhất giao đơn vị đầu mối của hai Bên tiếp tục nỗ lực đàm phán, sớm hoàn thành thủ tục nội bộ theo quy định của mỗi Bên để tiến tới ký MOU giữa hai Bộ. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng trân trọng mời Bộ trưởng Shi Arjun Ram Megh thu xếp thăm Việt Nam vào một dịp phù hợp. Bộ trưởng Shi Arjun Ram Megh cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Thăm Trung tâm Trọng tài quốc tế New Delhi
Trước đó, vào ngày 30/6/2023, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã thăm và làm việc với Trung tâm Trọng tài quốc tế New Delhi. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Vibhu Bakhru, Chủ tịch Trung tâm cùng ban lãnh đạo Trung tâm.
Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc với Trung tâm Trọng tài quốc tế New Delhi
Giới thiệu về Trung tâm Trọng tài quốc tế New Delhi, ông Giám đốc cho biết đây là Trung tâm trọng tài lớn nhất ở Ấn Độ và là Trung tâm lớn thứ hai trên thế giới (xét về số vụ tranh chấp được xử lý). Kể từ khi thành lập (2009) đến nay, Trung tâm đã xử lý 50.000 vụ (hiện đang thụ lý 4019 vụ). Với phương châm “sự thật sẽ luôn chiến thắng”, Trung tâm ngày càng trở thành một thiết chế tài phán ngoài Tòa án có uy tín, là địa chỉ tin cậy cho các doanh nhân khi phát sinh tranh chấp. Về mặt hành chính, Trung tâm là một đơn vị trực thuộc Tòa cấp cao New Delhi, tuy nhiên về hoạt động tố tụng thì hoàn toàn độc lập, Tòa án không có thẩm quyền can thiệp. Tòa án chỉ có vai trò giám sát hoạt động của Trung tâm thông qua việc bổ nhiệm một Ủy ban giám sát (gồm 6 thẩm phán) với chức năng chính là chỉ định trọng tài viên nếu các bên không đạt được thỏa thuận và giải quyết khiếu nại về tính trung lập của trọng tài viên. Chính phủ không cấp chứng chỉ hành nghề đối với trọng viên mà những ai có đủ điều kiện đều có quyền nộp đơn lên Trung tâm trọng tài để đăng ký. Ủy ban giám sát sẽ xem xét công nhận danh sách trọng tài viên 2 năm một lần. Ngoài ra, Ủy ban giám sát cũng lập một danh sách các thẩm phán nghỉ hưu, chuyên gia pháp luật hàng đầu để các bên lựa chọn.
Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Việt Nam thăm Trung tâm Trọng tài quốc tế New Delhi
Theo chương trình của chuyến công tác, Bộ trưởng Lê Thành Long sẽ có cuộc tiếp kiến Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng nghị viện Ấn Độ, làm việc với Chánh án Tòa án tối cao Ấn Độ.
Vụ Hợp tác quốc tế
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
Tóm tắt quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Ấn Độ
I. Về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ
1. Cơ sở pháp lý
Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt) áp dụng với hai nước từ 01/10/2016.
2. Tình hình thực hiện:
Số liệu yêu cầu ủy thác tư pháp về tống đạt giấy tờ giữa hai nước trong thời gian từ 01/01/2019 đến 16/9/2022 như sau:
- Yêu cầu từ Ấn Độ đến Việt Nam: 09 (tuy nhiên cả 09 hồ sơ đều chưa hợp lệ theo quy định của Công ước tống đạt và tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Công ước nên Bộ Tư pháp đã trả lại).
- Yêu cầu từ Việt Nam đi Ấn Độ: 41 (Việt Nam đã nhận được phản hồi 31/41 trường hợp, chiếm 75% tổng số các yêu cầu).
Ngoài ra, liên quan đến nội dung thu thập chứng cứ, Việt Nam đã gia nhập Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (có hiệu lực từ ngày 17/4/2021). Tuy vậy, Ấn Độ chưa chấp nhận tư cách thành viên của Việt Nam, do đó các yêu cầu tương trợ tư pháp về thu thập chứng cư giữa hai quốc gia chưa thể thực hiện theo Công ước mà được thực hiện theo kênh ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
II. Về vấn đề quốc tịch và hộ tịch của công dân hai nước
Thời gian qua, Việt Nam và Ấn Độ chưa có hoạt động hợp tác chính thức trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chưa ghi nhận khó khăn, vướng mắc nào liên quan đến việc đăng ký hộ tịch của công dân Ấn Độ sinh sống tại Việt Nam. Trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến đăng ký kết hôn, Bộ Tư pháp đều gửi Công hàm chính thức tới Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đề nghị phối hợp cung cấp thông tin pháp luật hộ tịch của Ấn Độ để đảm bảo việc đăng ký kết hôn được thống nhất giữa pháp luật hai nước.
Tính đến năm 2021, Việt Nam đã giải quyết 05 trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam của công dân Ấn Độ (đây đều là các trường hợp sinh ra tại Việt Nam và có mẹ đẻ là công dân Việt Nam); không có trường hợp nào xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch Ấn Độ.
III. Về hoạt động của luật sư và tổ chức luật sư Ấn Độ tại Việt Nam
Hiện nay, có 02 luật sư mang quốc tịch Ấn Độ làm việc tại Công ty luật Vilaf-Hồng Đức và Công ty luật Grünkorn & Partner tại Việt Nam và các luật sư này đều đang chấp hành nghiêm quy định của Luật Luật sư và quy định pháp luật có liên quan trong quá trình hành nghề luật tại Việt Nam.
IV. Về hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan của Ấn Độ chủ yếu mới dừng ở việc trao đổi một số đoàn cấp chuyên viên hoặc cùng tham dự một số diễn đàn hợp tác đa phương như Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi - AALCO. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai Bên, từ năm 2011, Bộ Tư pháp đã chủ động liên hệ, đề xuất với Bộ Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ (thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam) về việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bên. Hiện nay, hai Bên đang nỗ lực thống nhất một số điểm khác biệt hướng đến mục tiêu sớm ký kết Bản Ghi nhớ.
|