Giai đoạn trước năm 2002: Giai đoạn này, việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài chưa được quy định trong bất cứ văn bản pháp lý nào [1].
1. Theo quy định về thủ tục đăng ký kết hôn, hai bên chỉ cần cung cấp bản sao giấy khai sinh, giấy xác nhận của tổ chức y tế, giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà đương sự là công dân cấp chưa quá ba tháng, xác nhận người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng. Đối với người nước ngoài thì còn phải có thêm giấy xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn và việc kết hôn với công dân Việt Nam được pháp luật của nước họ công nhận, nếu pháp luật của nước đó quy định việc ghi rõ là “được phép”. Giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005: Việc công nhận ly hôn trong giai đoạn này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một sốđiều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Mục 2 khoản 2,3 Điều 20 quy định về công nhận việc kết hôn, ly hôn đã được tiến hành ở nước ngoài.
“… 2. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài thì được công nhận tại Việt Nam, nếu không có đơn yêu cầu không công nhận việc ly hôn đó tại Việt Nam.
3. Việc công nhận kết hôn quy định tại khoản 1 Điều này, việc công nhận ly hôn quy định tại khoản 2 Điều này được ghi chú vào sổ đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch”
Như vậy, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP quy định việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài nếu không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam thì được công nhận tại Việt Nam, đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Quy định này rất thoáng, không bị ràng buộc bởi điều kiện “các điều ước quốc tế hay nguyên tắc có đi có lại” nên thực hiện rất thuận lợi. Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005, tại phần thứ sáu quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài. Việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài không được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch nữa, mà được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (từ Điều 342 đến Điều 349).
Tuy nhiên, đa số các trường hợp muốn xin công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án ly hôn đã được cơ quan Toà án nước ngoài giải quyết trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009 không thực hiện được vì hai lý do chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, đương sự không đủ điều kiện luật định để Tòa án Việt Nam công nhận Cụ thể, Điều 344 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu”. Khi người hôn phối không cư trú, làm việc tại Việt Nam, không có tài sản liên quan đến việc thi hành án tại Việt Nam vào thời điểm đương sự gửi đơn yêu cầu thì coi như bế tắc.
Thứ hai,Tòa án Việt Nam chỉ được xem xét công nhận, cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc nguyên tắc có đi có lại. Cụ thể, khoản 2, 3 Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “Toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài trong trường hợp quyết định được tuyên tại nước hoặc của Trọng tài của nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này. Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài cũng có thể được Toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trên cơ sở có đi có lại mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề đó”. Tuy nhiên, đến năm 2009, Việt Nam chỉ mới ký kết điều ước song phương với 14 nước và cũng chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng nguyên tắc có đi có lại để các thẩm phán vận dụng.
Thực tế, một số nước mà công dân Việt Nam có nhiều quan hệ hôn nhân như Mỹ, Canada, Đức, Úc, Trung Quốc (Đài Loan) [2]… thì nước ta lại chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự cũng như các hiệp định khác có liên quan đến việc công nhận bản án, quyết định của nhau.
Từ năm 2009 đến nay: Việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được thực hiện theo Thông tư số16/2010/TT-BTP ngày 08/10/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc ghi vào sổhộtịch việc ly hôn đãtiến hành ở nước ngoài và Nghị định số126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. Các loại bản án, quyết định ly hôn bao gồm:
1. Những bản án quyết định ly hôn do Tòa án nước ngoài xét xử;
2. Những bản thỏa thuận ly hôn do Tòa án nước ngoài công nhận;
3. Những bản thỏa thuận ly hôn do cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài (không phải là Tòa án) công nhận;
4. Các giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp công nhận việc ly hôn.
Việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài chỉ được áp dụng cho công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, sau đó ly hôn ở nước ngoài.Việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài được thực hiện theo ba nguyên tắc sau:
Thứ nhất, những bản án quyết định ly hôn, bản thỏa thuận ly hôn hoặc những giấy tờ khác công nhận việc ly hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam, thì được ghi vào sổ hộ tịch.
Thứ hai, bản án/quyết định ly hôn, bản thỏa thuận ly hôn hoặc những giấy tờ khác công nhận việc ly hôn do cơ quan có thẩm quyền của những nước đã ký với Việt Nam hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề này cấp, được coi là căn cứ cho việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài.
Thứ ba, đối với các nước chưa ký với Việt Nam hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề này, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo nguyên tắc có đi có lại.
Như vậy, sau khi ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài, đương sự có quyền đăng ký kết hôn mới. Còn việc công nhận, cho thi hành bản án ly hôn có liên quan đến phân chia tài sản, quyền nuôi con thuộc thẩm quyền của tòa án và vẫn thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
2. Thực tế ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài và một số hạn chế, bất cập
Khu vực phía Nam có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (từ Phú Yên tới Cà Mau). Trung bình mỗi năm có khoảng 9.500 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và trong đó khoảng 2.000 trường hợp ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài. Đây là một lượng lớn hồ sơ cần giải quyết, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực) và các Sở Tư pháp địa phương.
Thực tiễn giải quyết cho thấy quy trình thực hiện ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài có một số hạn chế, bất cập như sau:
Thẩm quyền thực hiện: Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Sở Tư pháp) mà trong phạm vi tỉnh, thành phố đó đương sự đã đăng ký kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn trước đây, thực hiện ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài.
Trong trường hợp công dân Việt Nam ở nước ngoài về thường trú tại Việt Nam, có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn mà việc kết hôn trước đây đã được đăng ký tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thì việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi công dân Việt Nam thường trú.
Trường hợp công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn mà việc kết hôn trước đó đã được đăng ký tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thì việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi công dân Việt Nam cư trú trước khi xuất cảnh, nếu việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn không nhằm mục đích kết hôn. Trong trường hợp việc ghi thì thẩm quyền ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn là Sở Tư pháp, nơi đương sự nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.
Trình tự, thủ tục thực hiện: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi công văn, kèm một bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp để cho ý kiến về điều kiện ghi chú. Bộ Tư pháp sẽ xem xét bản án, quyết định ly hôn, bản thỏa thuận ly hôn không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 356 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và không có đơn yêu cầu không công nhận, thì Bộ Tư pháp gửi công văn cho Sở Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp; nếu không đủ điều kiện, Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp và giải thích rõ lý do bằng văn bản. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch và cấp cho đương sự giấy xác nhận về việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài (theo mẫu). Trường hợp không đủ điều kiện để ghi chú thì phải trả lời bằng văn bản và trả lại hồ sơ cho đương sự.
Như vậy, tổng thời gian giải quyết cho một bộ hồ sơ ghi chú ly hôn là khoảng 13 ngày, nhưng thực tế người dân nhận được kết quả (giấy xác nhận) thườngchậm trễ hơn từ 10 đến 20 ngày, gây khó khăn cho người dân bởi thông thường việc ghi chú ly hôn thường kết hợp với việc đăng ký kết hôn mới, mà thời gian lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam không dài. Việc chậm trễ này chủ yếu được lý giải do thời gian hồ sơ được chuyển qua dịch vụ bưu chính.
Về lệ phí ghi chú ly hôn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/1/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, địa phương được thu không quá 75.000 đồng/trường hợp, mức thu cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với điều kiện địa phương và thực tế đa số các địa phương thu 50.000 đồng. Đây là mức thu hợp lý, phù hợp với mức thu nhập của người dân trong điều kiện hiện nay.
3. Một số đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn trong ghi vào sổ việc ly hôn ở nước ngoài
Để khắc phục những khó khăn của địa phương trong việc ghi vào sổ hộ tịch sự kiện ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài mà không yêu cầu cho thi hành bản án tại Việt Nam, cùng với việc giải quyết đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam những bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, chúng tôi xin nêu một số đề xuất như sau:
Một là,đối với những địa phương có số lượng hồ sơ nhiều, giữa Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực) và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể sử dụng máy scan hoặc chữ ký điện tử để truyền trực tiếp yêu cầu ghi chú ly hôn và hồ sơ yêu cầu ghi chú ly hôn của cá nhân từ Sở Tư pháp tới Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực qua mạng. Sau khi nhận được yêu cầu từ Sở Tư pháp qua mạng, Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực sẽ xem xét bản án, quyết định ly hôn, bản thỏa thuận ly hôn không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 356 của Bộ luật Tố tụng dân sự và không có đơn yêu cầu không công nhận, thì Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực gửi Công văn cho Sở Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp; nếu không đủ điều kiện, Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp và giải thích rõ lý do. Kết quả trả lời thông tin qua mạng được thể hiện bằng công văn có chữ ký số của Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực có giá trị như văn bản giấy (bản giấy sẽ gửi sau để kiểm soát và lưu trữ).
Hai là,số lượng đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam những bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài là không nhiều, Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực có thể cung cấp cho các Sở Tư pháp để Sở Tư pháp có thể chủ động trong việc tiếp nhận hồ sơ, xin ý kiến Bộ Tư pháp và cũng góp phần giảm thời gian chờ xin ý kiến giải quyết hồ sơ.
Ba là, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hành chính tư pháp, hộ tịch tại các địa phương theo hướng chuẩn hoá. Song song đó, cần có thu hút nguồn lực có năng lực để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu hiện tại, thực sự hướng tới sự phục vụ trong hành chính tư pháp.
Tài liệu tham khảo:
(1). Tại thời điểm này, việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo Nghị định 184/CP ngày 30/11/1994 quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam Và người nước ngoài, Nghị định 12/HĐBT ngày 01/02/1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về thủ tục kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tiến hành trước cơ quan cóthẩm quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(2) Thỏa thuận tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) ký kết ngày 12/4/2010 có hiệu lực thi hành ngày 02/12/2011.