Qua gần 02 năm thực hiện, các quy định của Luật Hộ tịch về cơ bản đã bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch (ĐKHT) của cá nhân, tiếp tục ổn định công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Tuy nhiên, quá trình áp dụng, giải quyết các thủ tục ĐKHT cho thấy vẫn còn một số vướng mắc do thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy định trong Luật Hộ tịch với một số luật nội dung có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Cư trú, Luật Nuôi con nuôi. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả phân tích một số vướng mắc nổi bật phát sinh trong quá trình giải quyết các thủ tục ĐKHT, đồng thời mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ.
Đối với quyền nhân thân của cá nhân, Bộ luật Dân sự năm 2015 có nhiều điểm mới so với Bộ luật Dân sự năm 2005, trong đó đã quy định rõ hơn về quyền có họ, tên, tách riêng quyền thay đổi họ và quyền thay đổi tên thành 02 điều; cụ thể hóa các trường hợp được thay đổi họ, các trường hợp được thay đổi tên; bổ sung quy định về cách xác định dân tộc đối với trẻ em bị bỏ rơi; quy định cụ thể hơn về các trường hợp khai sinh, khai tử cho trẻ em chết sau sinh... Tuy nhiên, việc áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết các việc ĐKHT sau hiện gặp phải một số vướng mắc, cụ thể:
1.1. Việc đặt tên cho con khi đăng ký khai sinh
“Tên” là một thông tin quan trọng trong nội dung đăng ký khai sinh (ĐKKS). Thời gian qua, việc đặt tên cho trẻ khi ĐKKS là vấn đề khá rắc rối mà công chức làm công tác ĐKHT gặp phải do quy định pháp luật chưa cụ thể.
Bộ luật Dân sự năm 2015, ngoài quy định chung về quyền có họ tên, đã bổ sung nguyên tắc đặt tên: “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ” (đoạn 2 khoản 3 Điều 26). Với quy định cụ thể này, tưởng như việc đặt tên khi ĐKKS cho trẻ em không còn là vấn đề vướng mắc. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển, xu hướng hội nhập ngày càng gia tăng thì yếu tố “sính ngoại” càng xâm nhập, tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội, trong đó có “văn hóa đặt tên”. Chính vì vậy, ngay cả trong trường hợp trẻ em được sinh tại Việt Nam, có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam nhưng khi ĐKKS cho con, cha mẹ vẫn muốn lựa chọn đặt tên con theo xu hướng giống với tên nước ngoài như Lê Mai Ka, Nguyễn Mi A...
Bên cạnh đó, hiện tại cũng chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là tên bằng tiếng Việt, thế nào là tên bằng tiếng dân tộc khác của Việt Nam, tên bằng số/tên bằng một ký tự như thế nào thì không được chấp nhận. Vì vậy, nhiều trường hợp rất khó để xác định một tên gọi (như Nguyễn A Na, Dương Li Li Na Na, Nguyễn An Ton, Lý Lina, Trần Dương A...) có phải là tên tiếng Việt không.
Với trường hợp ĐKKS có yếu tố nước ngoài thì việc đặt tên còn phát sinh vấn đề phức tạp hơn. Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, công dân Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam[1]. Tuy nhiên, đối với những trường hợp ĐKKS có yếu tố nước ngoài, mặc dù cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho trẻ em nhưng do trẻ em có một bên cha hoặc mẹ là người nước ngoài nên ngoài việc lựa chọn họ nước ngoài theo họ cha hoặc họ mẹ thì cha mẹ trẻ thường muốn trẻ có tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài. Trước đây, Thông tư số 01/2008/TT-BTP[2] đã có quy định về việc đặt tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài[3]. Tuy nhiên, hiện tại, Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành lại không quy định về việc đặt tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài. Về vấn đề này, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP[4] và đoạn 2 khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể hiểu, tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, do đó, đối với trường hợp ĐKKS có yếu tố nước ngoài mà có một bên cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, nếu cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì họ của con có thể xác định theo họ của cha hoặc của mẹ là người nước ngoài, nhưng tên gọi (bao gồm cả chữ đệm) phải là tên tiếng Việt, các tên như: Close Nguyễn Dean, Nguyễn John, Lê Maika... là không phù hợp quy định pháp luật hiện hành (các từ Maika, Dean, John chỉ là tên phát âm theo tiếng nước ngoài, không thuần Việt).
Qua đây, có thể thấy, quyền có họ, tên là quyền cơ bản của trẻ em, tuy nhiên, việc thực hiện quyền này của trẻ em chỉ được thực hiện thông qua cha, mẹ; cha mẹ có quyền nhưng cũng có trách nhiệm lựa chọn họ, tên cho con bảo đảm đúng quy định pháp luật, đồng thời phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em. Cha mẹ không nên chỉ nghĩ đến quyền, lợi ích của mình (ý muốn của cha mẹ) khi đặt tên cho con, đặc biệt là những tên không thuần Việt, “lai căng”, nhạy cảm, quá dài… có thể gây trở ngại, bất lợi cho trẻ em sau này. Các cơ quan ĐKHT cần tăng cường tuyên truyền, giải thích rõ quy định pháp luật và khuyến khích cha mẹ lựa chọn những tên gọi tiếng Việt phổ thông, dễ sử dụng để đặt tên cho trẻ.
1.2. Việc xác định họ cho con
Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định rõ nguyên tắc xác định họ cho con phải theo họ của cha hoặc họ của mẹ, chính vì vậy, ở giai đoạn này, đã phát sinh trường hợp họ của con không theo họ của cha, cũng không theo họ của mẹ. Chỉ từ thời điểm Thông tư số 01/2008/TT-BTP có hiệu lực thi hành (ngày 17/6/2008) thì việc xác định họ cho con mới được quy định cụ thể, theo nguyên tắc tại điểm e khoản 1 mục II. Như vậy, những trường hợp trẻ em được ĐKKS trước thời điểm ngày 17/6/2008 mà không theo họ của cha hoặc họ của mẹ (kể cả trường hợp con ngoài giá thú) là do quy định của pháp luật giai đoạn đó chưa đầy đủ, rõ ràng nên cần chấp nhận yếu tố tồn tại lịch sử, cho phép người dân tiếp tục sử dụng họ, chữ đệm, tên đang có, không phải làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch. Đối với những trường hợp trẻ em ĐKKS sau thời điểm ngày 17/6/2008 mà không mang họ của cha/mẹ hoặc họ của mẹ thì được xác định là có sai sót khi ĐKHT, phải thực hiện thủ tục cải chính hộ tịch để bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật.
Nhằm bảo đảm nguyên tắc xác định họ cho con, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ”. Theo quy định này, dù được xác định trên cơ sở thỏa thuận của cha mẹ hay theo tập quán thì họ của con luôn được xác định theo họ của cha đẻ hoặc của mẹ đẻ, những trường hợp cha, mẹ thỏa thuận lựa chọn họ cho con khác với họ của cha/mẹ đẻ hoặc người mẹ “đơn thân” theo tập quán của dân tộc mình lựa chọn họ cho con khác với họ của mình là không phù hợp với quy định pháp luật.
1.3. Đăng ký giám sát việc giám hộ
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng như Bộ luật Dân sự năm 2015 đều quy định cơ chế giám sát việc giám hộ (GSGH). Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người GSGH, người GSGH chỉ được nhắc đến trong quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ, vì vậy trên thực tế, việc giám sát này chưa thực sự hiệu quả, người GSGH vẫn chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình. Để khắc phục hạn chế này, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về cơ chế GSGH, bổ sung quyền và nghĩa vụ cho người GSGH, trong đó, một điểm mới nổi bật của Bộ luật Dân sự năm 2015 là quy định trường hợp GSGH liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ, đó là sau khi cử, chọn được người giám sát, người giám sát phải thực hiện thủ tục đăng ký (GSGH) tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ. Tuy nhiên, do Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành hiện chưa có quy định về thủ tục đăng ký GSGH, trong khi thực tế thời gian vừa qua, tại địa bàn một số tỉnh (Lạng Sơn, Bình Dương, Thừa Thiên Huế)5, người dân đã có yêu cầu được đăng ký GSGH, nên cơ quan ĐKHT lúng túng, chưa biết tiếp nhận, giải quyết theo trình tự, thủ tục nào.
Tác giả cho rằng, yêu cầu đăng ký GSGH là quyền lợi chính đáng của người dân, do đó, trước mắt, trong thời gian pháp luật chưa có quy định cụ thể về thủ tục đăng ký này, Bộ Tư pháp cần hướng dẫn Sở Tư pháp hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ thực hiện đăng ký GSGH, hồ sơ, trình tự thủ tục vận dụng thực hiện tương tự quy định về đăng ký giám hộ. Về lâu dài, cần bổ sung quy định đăng ký GSGH trong Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết yêu cầu của công dân, đồng thời, phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Vướng mắc khi áp dụng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình
2.1. Việc xác định tình trạng hôn nhân cho các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987
Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực thi hành) mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Từ quy định này, các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 được phân thành 02 diện:
Diện thứ nhất, nam, nữ chung sống như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và hiện vẫn đang tiếp tục chung sống với nhau nhưng chưa đăng ký kết hôn. Đây là trường hợp được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế, do vậy, nếu có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thì cơ quan ĐKHT thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 15/2015/TT-BTP[6], cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu, trong đó ghi rõ “…hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông…”[7].
Diện thứ hai, nam, nữ chung sống như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987, hiện tại hai người không còn tiếp tục chung sống với nhau nữa, nay một trong hai bên có yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Vậy tình trạng hôn nhân của trường hợp này được xác nhận như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014[8] thì đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, nếu chưa đăng ký kết hôn, thì sẽ áp dụng quy định tại Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP[9] để xem xét quan hệ hôn nhân đó có phải là hôn nhân thực tế hay không, trên cơ sở đó xác nhận tình trạng hôn nhân cho các bên.
Để xác định quan hệ chung sống của hai bên nam, nữ có phải là hôn nhân thực tế không, cần phải đối chiếu với các tiêu chí về “chung sống như vợ chồng” đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP (điểm d mục 2). Như vậy, trường hợp nam, nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, chưa đăng ký kết hôn, qua kết quả kiểm tra xác minh nếu thấy họ có 01 trong 04 dấu hiệu quy định tại điểm d mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, thì quan hệ đó được xác định là hôn nhân thực tế.
Liên quan đến vấn đề này, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP[10] cũng có hướng dẫn về việc xác định “người đang có vợ hoặc có chồng”, theo đó, đối với người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ/chồng của họ chết hoặc vợ/chồng của họ không bị tuyên bố là đã chết thì được xác định là người đang có vợ hoặc có chồng.
Do đó, đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, hiện tại họ không còn tiếp tục chung sống nữa nhưng chưa làm thủ tục ly hôn hoặc không có sự kiện vợ/chồng của họ chết/bị tuyên bố là đã chết thì tình trạng hôn nhân của họ được xác nhận là “hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông...” theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP.
2.2. Đăng ký nhận cha cho con đối với trường hợp trẻ em sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của người mẹ nhưng không phải là con chung của hai vợ chồng
Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, về nguyên tắc, trẻ em được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân được xác định là con chung của vợ chồng, kể cả trong trường hợp 03 bên vợ, chồng và người thứ 3 thống nhất thừa nhận đứa trẻ đó không phải là con của cặp vợ chồng, mà là con của người vợ và người thứ 3; do đó, khi ĐKKS, phần thông tin về cha, mẹ vẫn phải ghi thông tin của người mẹ và người chồng (pháp lý) của người mẹ. Trong trường hợp người chồng của mẹ không thừa nhận trẻ em đó là con của mình hoặc người mẹ không thừa nhận người chồng là cha của đứa trẻ thì cần yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha - con theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, thời gian qua, yêu cầu xác định cha cho con trong trường hợp này thường bị Tòa án từ chối giải quyết với lý do “không có tranh chấp”, do đó, đương sự lại quay trở lại đề nghị cơ quan ĐKHT giải quyết việc nhận cha - con với sự đồng thuận của cả 3 bên. Vậy cơ quan ĐKHT có cơ sở để giải quyết không? Như chúng ta đã biết, cùng với quyền được ĐKKS, một trong những quyền cơ bản của trẻ em là quyền “trong chừng mực có thể được biết cha mẹ mình là ai”, quyền cơ bản này cần phải được bảo đảm trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy, nếu Tòa án không thụ lý giải quyết hoặc đình chỉ việc giải quyết, trước mắt, để giải quyết kịp thời yêu cầu của công dân, bảo đảm quyền lợi của trẻ em, theo quan điểm của tác giả, cơ quan ĐKHT có thể tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nếu trong hồ sơ đăng ký nhận con có văn bản từ chối hoặc đình chỉ giải quyết của Tòa án và kết quả giám định ADN. Về lâu dài, các Bộ, ngành có liên quan cần phối hợp để chỉ đạo giải quyết dứt điểm, nhất quán vấn đề này.
3. Vướng mắc khi áp dụng Luật Nuôi con nuôi
Đăng ký nuôi con nuôi (NCN) cũng là một loại việc hộ tịch, tuy nhiên, do tính chất đặc thù nên việc NCN được điều chỉnh bởi Luật Nuôi con nuôi và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này với những quy định khá khác biệt về trình tự, thủ tục đăng ký NCN.
Mặc dù việc NCN được đăng ký theo trình tự, thủ tục riêng, tuy nhiên, quá trình giải quyết thủ tục đăng ký NCN cũng như giải quyết yêu cầu thay đổi thông tin trong giấy tờ hộ tịch của trẻ em được nhận làm con nuôi có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, thực tiễn việc thực hiện các quy định của Luật Hộ tịch và Luật Nuôi con nuôi còn có một số vướng mắc:
3.1. Ghi chú việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Nuôi con nuôi thì “sau khi hoàn tất các thủ tục nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi, công dân Việt Nam có trách nhiệm làm thủ tục ghi chú việc NCN tại Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú”; đồng thời, điểm a khoản 3 Điều 49 Luật này cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền “đăng ký, theo dõi việc NCN trong nước, ghi chú việc NCN có yếu tố nước ngoài”. Như vậy, theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì ghi chú việc NCN có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Hộ tịch thì thẩm quyền ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (bao gồm cả việc NCN) là thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đồng thời, khoản 2 Điều 1 Luật Hộ tịch cũng xác định rõ: “Thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, NCN được thực hiện theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Nuôi con nuôi, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Vậy trong trường hợp này, Luật Hộ tịch đã có quy định trực tiếp về thủ tục ghi chú việc NCN, bên cạnh đó, Luật Hộ tịch được ban hành sau Luật Nuôi con nuôi, nên sẽ áp dụng quy định của Luật Hộ tịch để xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết ghi chú việc NCN theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc ở đây là hiện tại pháp luật chỉ quy định về thẩm quyền ghi chú việc NCN nhưng chưa quy định về các điều kiện để ghi vào sổ hộ tịch việc NCN. Vậy đối với những trường hợp đã đăng ký việc NCN tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nay về Việt Nam đề nghị ghi vào sổ hộ tịch việc NCN thì có cơ sở tiếp nhận, giải quyết hay không? Để giải quyết vấn đề này, cần làm rõ tính pháp lý của quyết định NCN của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để làm căn cứ cho việc ghi chú việc NCN. Do đó, trước hết cần tiến hành xác minh, làm rõ việc trẻ được nhận làm con nuôi đã xóa đăng ký thường trú tại Việt Nam hay chưa. Nếu trẻ em chưa xóa đăng ký thường trú thì thẩm quyền giải quyết việc NCN là của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Trong trường hợp này, không có cơ sở để ghi chú việc NCN đã giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Nếu trẻ em đã xóa đăng ký thường trú thì quyết định nhận NCN của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là phù hợp; quyết định nhận NCN của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sau khi được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt sẽ được xem xét để ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch. Thẩm quyền giải quyết việc ghi vào sổ hộ tịch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam[11], nhưng do trẻ em đã xóa đăng ký thường trú trong nước, nên có thể vận dụng quy định này để xác định Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thường trú trước khi xuất cảnh của trẻ em thực hiện việc ghi chú.
Trong bối cảnh việc giải quyết những yêu cầu liên quan đến NCN có yếu tố nước ngoài không những được điều chỉnh bằng quy định của nội luật, mà còn được điều chỉnh bằng những quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì cần sớm bổ sung các quy định điều kiện ghi vào sổ hộ tịch việc NCN đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để có cơ sở pháp lý giải quyết yêu cầu của công dân.
3.2. Việc thay đổi thông tin về cha mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi
Liên quan đến việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh và sổ ĐKKS của con nuôi, trước đây, theo quy định tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, nếu có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 09 tuổi trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ĐKKS cho trẻ em thu hồi giấy khai sinh và thực hiện ĐKKS lại với các thông tin mới cho trẻ em; tại cột ghi chú của sổ ĐKKS phải ghi rõ là cha mẹ nuôi. Quy định này đáp ứng được yêu cầu về việc bảo đảm bí mật trong quan hệ nhận NCN.
Hiện tại pháp luật hộ tịch không quy định việc thu hồi lại giấy khai sinh cũ và thực hiện việc ĐKKS lại với sự thay đổi phần khai về cha, mẹ của trẻ em (theo cha, mẹ nuôi). Trường hợp cha mẹ nuôi có yêu cầu thay đổi phần khai về cha mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký thì thực hiện theo trình tự, thủ tục thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch[12]. Sau khi thực hiện thủ tục thay đổi hộ tịch và được cấp trích lục thay đổi hộ tịch, cơ quan ĐKHT sẽ ghi những nội dung thay đổi vào mặt sau giấy khai sinh[13]. Việc thực hiện quy định này có bất lợi là không bảo đảm giữ bí mật thông tin đối với trẻ em được nhận làm con nuôi, khi sử dụng bản chính giấy khai sinh với những thông tin về cha mẹ đẻ ghi ở mặt trước, thông tin về cha mẹ nuôi ghi ở mặt sau dễ dẫn đến tâm lý mặc cảm, tự ti của trẻ.
Tuy nhiên, để khắc phục hạn chế này, pháp luật hộ tịch có quy định, sau khi thực hiện việc thay đổi, ghi thông tin thay đổi vào sổ ĐKKS, trẻ sẽ được cấp trích lục khai sinh (bản sao) với các thông tin mới (đã được thay đổi), việc sử dụng trích lục khai sinh này sẽ đáp ứng được nguyện vọng giữ bí mật thông tin về quan hệ NCN. Do vậy, các cơ quan ĐKHT cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích để người dân hiểu và thực hiện. Về lâu dài, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, xem xét vấn đề này khi tiến hành việc sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP bảo đảm thống nhất và bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp
[1]. Khoản 4 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
[2]. Thông tư ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.
[3]. Xem điểm c khoản 1 mục III Thông tư số 01/2008/TT-BTP.
[4]. Nghị định ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
[5]. Nguồn: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
[6]. Thông tư ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
[7]. Khoản 3 Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP.
[8]. Khoản 1 Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.
[9]. Thông tư liên tịch ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10.
[10]. Thông tư liên tịch ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
[11]. Khoản 1 Điều 48 Luật Hộ tịch.
[12] .Khoản 2 Điều 26 Luật Hộ tịch.
[13]. Khoản 2 Điều 28 Luật Hộ tịch.
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp