Abstract: The article generally assesses the achievements, shortcomings and limitations after 10 years of implementing the Law on Legal Dissemination and Education of 2012, from which, proposes solutions to implement this work in the next time.
1. Qua tổng kết, đánh giá 10 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và đánh giá 02 năm triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW (Kết luận số 80-KL/TW) cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được tăng cường tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể:
- Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL tiếp tục được nâng lên theo chủ trương công tác PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
- Công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được tăng cường thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả hơn. Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp, trong đó, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL ở Trung ương là Phó Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương được tăng cường, chặt chẽ hơn, nhất là phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL. Đồng thời, Bộ Tư pháp tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, đề án quan trong về công tác PBGDPL như: Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022); Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022); Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022).
- Các bộ, ngành đã tích cực xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các văn bản, đề án nêu trên, đồng thời chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản, đề án trong phạm vi lĩnh vực quản lý của mình như: “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2027”, Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”; Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027”… Theo đó, công tác PBGDPL đã được thực hiện tương đối đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương và có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm và huy động sự vào cuộc của nhiều lực lượng ở cơ sở.
- Hình thức PBGDPL đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng, địa bàn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng PBGDPL cho đối tượng đặc thù, yếu thế bảo đảm hiệu quả, thiết thực hơn; công tác phản ứng chính sách đối với các vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội được thực hiện linh hoạt, kịp thời.
- Công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật đã được thực hiện chủ động hơn, góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công khai, minh bạch và tạo đồng thuận xã hội.
Kết quả các hoạt động nêu trên đã từng bước đổi mới công tác PBGDPL theo định hướng tại Kết luận số 80-KL/TW, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động PBGDPL, là tiền đề quan trọng để đưa pháp luật vào cuộc sống; nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của pháp luật, tăng cường ý thức tôn trọng, chấp hành, tuân thủ pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như:
- Công tác PBGDPL ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm chuyển biến và mang tính hình thức; chất lượng, hiệu quả chưa cao.
- Công tác phối hợp trong triển khai PBGDPL tại một số bộ, ngành, địa phương mặc dù đã được coi trọng nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác nắm bắt, theo dõi, hướng dẫn PBGDPL về những lĩnh vực pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
- Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL chất lượng chưa đồng đều; cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL còn hạn chế.
3. Ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW), trong đó xác định rõ mục tiêu “đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”. Đồng thời, đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng là: “Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; “tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”; “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”. Để triển khai kịp thời hiệu quả các chủ trương, đường lối được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới, công tác PBGDPL cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới công tác PBGDPL theo hướng Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, xây dựng, thiết lập các điều kiện cần thiết để người dân tiếp cận, chủ động chấp hành, tuân thủ, sử dụng pháp luật. Đồng thời, PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị khi thi hành công vụ; xác định rõ trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức PBGDPL theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, chú trọng đối tượng đặc thù; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường. Có giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL, chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu làm điểm, tổng kết và lựa chọn các mô hình, cách thức PBGDPL hay, hiệu quả để nhân rộng; chú trọng giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành, sử dụng pháp luật qua vụ việc, tình huống, sự kiện cụ thể gắn với việc biểu dương, khen thưởng gương người tốt, gương sáng, điển hình trong xây dựng, PBGDPL, tổ chức thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL. Tăng cường phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo thực hiện công tác PBGDPL cũng như trách nhiệm các thành viên Hội đồng trong tổ chức triển khai công tác PBGDPL thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý, nhất là các văn bản, đề án Thủ tướng Chính phủ mới ban hành và gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức triển khai hiệu quả Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm. Gắn kết công tác PBGDPL với công tác tuyên giáo, dân vận của hệ thống chính trị, công tác vận động quần chúng và các cuộc vận động, các phong trào xã hội rộng lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động để phát huy đầy đủ nhất vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tập hợp, vận động Nhân dân học tập, tìm hiểu, tuân theo pháp luật. Kết hợp PBGDPL với giáo dục đạo đức, tư tưởng, văn hóa và định hướng dư luận xã hội. Phát huy đầy đủ vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, mạng lưới thông tin cơ sở trong công tác PBGDPL. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước trong việc tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, lấy cái tốt, cái tích cực đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Thực hiện tốt công tác thông tin pháp luật để bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia văn bản quy phạm pháp luật (trung ương và địa phương); đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia và các cơ sở dữ liệu thông tin về pháp luật khác. Cung cấp đầy đủ các thông tin pháp luật trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; tăng cường các hoạt động đối thoại chính sách pháp luật gắn với vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn.
Thứ năm, xây dựng cơ chế nắm bắt thông tin, thực hiện phản biện xã hội qua thực tiễn tổ chức hoạt động PBGDPL nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, lỗ hổng, điểm nghẽn lớn trong thể chế, chính sách, cũng như cơ chế tổ chức thực hiện để từ đó đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.
Thứ sáu, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu công tác PBGDPL; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề luật như luật sư, luật gia, huy động sự tham gia tích cực của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong công tác này. Có chính sách ưu tiên sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL. Đồng thời bảo đảm kinh phí PBGDPL theo hướng chú trọng đối tượng đặc thù và tại các địa bàn có điều kiện khó khăn. Tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL; có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia.
TS. Nguyễn Thanh Tịnh
Thứ trưởng Bộ Tư pháp