Tại Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 08/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác công an trong tình hình mới đã xác định “lực lượng công an nhân dân được thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang, biệt phái cán bộ sang các ngành để làm nhiệm vụ có liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật”. Để tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Luật An ninh quốc gia (Luật ANQG) và Luật Công an nhân dân (Luật CAND), trong đó Luật ANQG quy định: “Các biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia gồm: Vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang” và Luật CAND quy định: Lực lượng công an nhân dân được “áp dụng các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội”.
Như vậy, có thể thấy rằng, biện pháp pháp luật là một thuật ngữ chính trị - pháp lý mới ra đời trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, cả hai đạo luật trên mới chỉ dừng lại ở việc quy định tên biện pháp, chưa đưa ra quy phạm định nghĩa về biện pháp pháp luật. Để triển khai áp dụng quy định về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của Luật ANQG và Luật CAND, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 18/5/2011 về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trong đó, tại khoản 1 Điều 3 có quy định: “Biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh trật tự là cách thức, phương pháp xây dựng pháp luật, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và sử dụng pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế để bảo vệ an ninh, trật tự”.
Biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được các điều tra viên cơ quan an ninh điều tra Công an TP. Hải Phòng vận dụng linh hoạt và đạt hiệu quả cao trong tất cả các khâu của quá trình điều tra vụ án tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ cho tới kết thúc điều tra, lập hồ sơ, đề nghị hình thức xử lý. Cụ thể, từ năm 2003 đến nay, cơ quan an ninh điều tra Công an TP. Hải Phòng phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh, Công an TP. Hải Phòng đã điều tra, xử lý 10 đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, trong đó có 07 đối tượng trong 02 vụ án đã khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, đó là vụ án “Nguyễn Xuân Nghĩa và đồng bọn tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” và vụ án “Phạm Thanh Nghiên tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. 03 đối tượng khác cơ quan có thẩm quyền không đưa ra xét xử mà áp dụng các hình thức xử lý khác nhằm đảm bảo yêu cầu chính trị và nghiệp vụ đặt ra.
Trong thời gian tới, tuyên truyền chống Nhà nước vẫn là một trong những phương thức, thủ đoạn của hoạt động phá hoại tư tưởng nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Các đối tượng phản động trong nước tiếp tục móc nối với các thế lực thù địch ở nước ngoài để tiến hành các hoạt động phá hoại trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng… trong đó phá hoại về văn hóa, tư tưởng vẫn là nhân tố đột phá và quan trọng nhất. Do vậy, tình hình tội phạm tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ có những diễn biến phức tạp cả về đối tượng cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội. Để áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam trên địa bàn TP. Hải Phòng đạt hiệu quả cao, chủ động trước những thay đổi theo hướng ngày càng phức tạp của tình hình tội phạm, chúng ta cần làm tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của chủ thể áp dụng biện pháp pháp luật về các quan điểm của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ an ninh quốc gia cũng như trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Quá trình áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cán bộ của Cơ quan an ninh điều tra cần nhận thức rằng: Việc giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN là mục tiêu quan trọng hàng đầu, không khoan nhượng, thỏa hiệp, nhưng trong quá trình đấu tranh, xử lý đối với các đối tượng phạm tội trong từng trường hợp cụ thể phải linh hoạt, khôn khéo, mềm dẻo nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đảm bảo các yếu tố thuận lợi cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, cơ quan an ninh điều tra phải nhận thức đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại góp phần to lớn vào việc bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, cơ quan an ninh điều tra một mặt cần tính toán, cân nhắc hình thức xử lý đối tượng phạm tội đảm bảo yêu cầu chính trị, đối ngoại, phát huy nội lực và ngoại lực đưa nền kinh tế xã hội của đất nước không ngừng phát triển, mặt khác không để các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp, chống phá, cản trở quan hệ đối ngoại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các nước.
Bên cạnh đó, khi điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trên địa bàn TP. Hải Phòng, cơ quan an ninh điều tra công an TP. Hải Phòng cần sớm xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc công an TP. Hải Phòng, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng Cục An ninh để tạo sự thống nhất ngay từ đầu trong công tác chỉ đạo giữa trung ương với địa phương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cơ quan cấp trên trong quá trình chỉ đạo công tác điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam cần thống nhất quan điểm, tạo thành ý chí chung chỉ đạo Cơ quan an ninh điều tra công an TP. Hải Phòng, qua đó giúp cơ quan an ninh điều tra xây dựng kế hoạch và kịp thời triển khai các hoạt động cần thiết nhằm phát huy tối đa hiệu quả biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội.
Thứ hai, xây dựng, đào tạo đội ngũ điều tra viên đáp ứng yêu cầu công tác, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Lực lượng điều tra viên của cơ quan an ninh điều tra các cấp là lực lượng nòng cốt trong công tác điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc ga nói chung, các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam nói riêng. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội của cơ quan an ninh điều tra thì việc xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ điều tra viên nói chung , đội ngũ điều tra viên trực tiếp thụ lý điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam nói riêng đảm bảo về số lượng và chất lượng là yêu cầu cần thiết, cấp bách.
Để làm được điều này, lãnh đạo các cấp trong công an nhân dân cần quan tâm tăng cường biên chế, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ điều tra viên, nhất là đào tạo đội ngũ điều tra viên có trình độ cao. Lãnh đạo cơ quan an ninh điều tra cần chú trọng công tác đào tạo gắn liền với thực tiễn thụ lý điều tra, xử lý các vụ án. Xây dựng đội ngũ điều tra viên trở thành những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ điều tra, có trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác.
Bên cạnh đó, Cục An ninh điều tra cần thường xuyên hoặc định kỳ tổ chức các hình thức mở lớp tập huấn, các cuộc hội thảo trong lực lượng an ninh điều tra nhằm bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức và kinh nghiệm điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia nói chung, các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam nói riêng. Đồng thời, qua đó tạo điều kiện cho đội ngũ điều tra viên ở các địa phương giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là được trao đổi, học tập với đội ngũ điều tra viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nghiệp ở Cục An ninh điều tra và ở các địa phương.
Cục An ninh điều tra cũng cần thường xuyên thực hiện công tác hướng dẫn cơ quan an ninh điều tra công an địa phương tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, trong đó có các đối tượng phạm tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam có tính chất điển hình mà địa phương đã xử lý để phổ biến rộng rãi cho địa phương khác học tập.
Cơ quan an ninh điều tra công an TP. Hải Phòng có thể chủ động mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ có trình độ, có nhiều kinh nghiệm điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam báo cáo chuyên đề hoặc tọa đàm, trao đổi góp phần nâng cao nhận thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn điều tra cho đội ngũ điều tra viên của địa phương, trên cơ sở đó họ có thể vận dụng vào quá trình điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Thứ ba, cần nắm vững và vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các hoạt động thu thập chứng cứ và hoàn thiện hồ sơ, đề nghị xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan an ninh điều tra phải hết sức thận trọng khi quyết định các vấn đề như có khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo đúng tội danh tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam hay không; thời điểm khởi tố khi nào; trường hợp chuyển đổi tội danh thì căn cứ khởi tố có đảm bảo không và khởi tố về tội gì; phạm vi vụ án cần khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; cần thiết khởi tố những bị can nào, về tội gì…
Cơ quan an ninh điều tra nên khởi tố theo đúng tội danh tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong một số trường hợp sau:
+ Có yêu cầu đấu tranh với các đối tượng, cần ngăn chặn ngay hoạt động chống phá Nhà nước của các đối tượng. Tài liệu, chứng cứ về các tội khác còn yếu hoặc chưa nhiều.
+ Các đối tượng không thuộc loại “nhân thân đặc biệt”, không được bên ngoài quan tâm chú ý.
Trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần linh hoạt, sáng tạo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc ngăn chặn hành vi phạm tội của đối tượng, đồng thời phục vụ tốt các yêu cầu chính trị, đối ngoại và nghiệp vụ trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Trong áp dụng các hoạt động thu thập chứng cứ, Cơ quan an ninh điều tra phải chú ý thực hiện ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu cho đến khi kết thúc điều tra. Cơ quan an ninh điều tra không chỉ thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam mà còn cần thu thập tài liệu, chứng cứ về các tội danh khác mà đối tượng đã thực hiện, thu thập cả tài liệu, chứng cứ buộc tội và tài liệu, chứng cứ gỡ tội và phải chú ý thu thập chứng cứ từ nhiều biện pháp khác nhau.
Khi hoàn thiện hồ sơ, đề nghị hình thức xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam cần chú ý:
Quá trình điều tra phải tập trung làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam và các hành vi phạm tội khác của đối tượng (nếu có). Đối với các đối tượng quyết định đưa ra xét xử về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam để răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật thì cơ quan an ninh điều tra cần hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị xử lý đúng với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam mà đối tượng đã thực hiện.
Đối với các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam nhưng do yêu cầu chính trị, đối ngoại hoặc nghiệp vụ thì có thể củng cố, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý đối tượng về các tội khác hoặc xem xét chuyển sang xử lý bằng các hình thức khác, nhưng vẫn phải hoàn thiện hồ sơ vụ án về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam để xử lý khi cần thiết.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan an ninh điều tra với các cơ quan, đơn vị chức năng trong điều tra, xử lý đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Các đối tượng phạm tội luôn nhận được sự hậu thuẫn từ bên ngoài hoặc can thiệp trực tiếp vào quá trình điều tra, xử lý của cơ quan an ninh điều tra. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan an ninh điều tra với các đơn vị chức năng như lực lượng trinh sát, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân để quá trình điều tra, xử lý đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam được thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.
Giữa cơ quan an ninh điều tra và lực lượng trinh sát an ninh, cần trao đổi và xử lý thông tin về việc chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, chẳng hạn như những tài liệu dùng làm căn cứ khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ; những thông tin về các hoạt động trinh sát đã và đang tiến hành xét thấy cần trao đổi với lực lượng điều tra, thông qua các hoạt động điều tra tham gia hỗ trợ lực lượng trinh sát như xác định mục tiêu, hướng thu thập tài liệu, lựa chọn các biện pháp đối sách với từng đối tượng đang đấu tranh; tính toán chuyển hóa tài liệu trinh sát thành chứng cứ… Ngay trong việc tiến hành một số hoạt động điều tra cụ thể như bắt, khám xét, hỏi cung bị can, lực lượng trinh sát cần nắm di biến động của đối tượng cũng như những tình hình có liên quan để kịp thời cung cấp cho lực lượng điều tra. Khi xuất hiện những tình huống ngoài dự kiến, cần nhanh chóng báo cho lực lượng điều tra để kịp thời giải quyết như: Đối tượng không có ở nhà, đối tượng đang tìm cách tiêu hủy tài liệu, vật chứng, xuất hiện người lạ mặt… Lực lượng điều tra trong khi thực hiện việc bắt, khám xét đối tượng phát hiện thấy những tài liệu, đồ vật có liên quan đến công tác trinh sát thì cần kịp thời thông tin cho lực lượng trinh sát để có hướng giải quyết phù hợp.
Với Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan an ninh điều tra cần phối hợp thực hiện trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể, cơ quan an ninh điều tra cần chủ động trao đổi thông tin với Viện kiểm sát về những vấn đề liên quan đến khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn… phục vụ cho việc tiến hành các hoạt động tố tụng và giám sát quá trình điều tra của Viện kiểm sát theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan an ninh điều tra cũng cần chủ động phối hợp với Viện kiểm sát thẩm định các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan an ninh điều tra đã thu thập, chứng minh về hành vi phạm tội của đối tượng đã khởi tố, phục vụ cho việc định hướng điều tra tiếp theo và xử lý đối tượng phạm tội khi kết thúc điều tra. Bên cạnh đó, những khó khăn,vướng mắc thường nảy sinh trong quá trình điều tra, xử lý đối tượng phạm tội giữa cơ quan an ninh điều tra và Viện kiểm sát có thể là: Về tội danh khởi tố, về áp dụng biện pháp ngăn chặn, về đánh giá tài liệu, chứng cứ… Cơ quan an ninh điều tra phải chủ động phối hợp với Viện kiểm sát để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, phục vụ cho việc xử lý đối tượng phạm tội đạt kết quả cao.
Trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu chính trị, đối ngoại và nghiệp vụ, kết quả điều tra về hành vi phạm tội của đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan an ninh điều tra phối hợp với Viện kiểm sát và Tòa án để thống nhất về chủ trương, hình thức xử lý đối tượng phạm tội. Việc phối hợp có thể được tiến hành ngay từ việc tiếp xúc hồ sơ vụ án, đánh giá, nhận định về tài liệu, chứng cứ, về tội danh, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. cơ quan an ninh điều tra cũng cần chủ động phối hợp với Tòa án để thống nhất áp dụng một số hình phạt bổ sung được quy định trong Bộ luật Hình sự như trục xuất, quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân đối với đối tượng phạm tội.
Với các đơn vị chức năng khác như cơ quan ngoại giao, cơ quan ngôn luận, các cơ quan nhà nước khác… Cơ quan an ninh điều tra cần phối hợp tiến hành các hình thức tuyên truyền như tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng dư luận trong và ngoài nước. Cơ quan an ninh điều tra cần phối hợp tổ chức họp báo, cung cấp thông tin có liên quan đến quá trình điều tra vụ án để cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cơ quan tư tưởng, ngôn luận cần chọn và đăng bài viết phê phán, phản bác lại quan điểm sai trái của các đối tượng. Việc chọn thời điểm, hình thức và nội dung của vụ án đưa ra tuyên truyền trước công luận cần được tính toán cụ thể, cẩn thận, không làm ảnh hưởng xấu đến quá trình điều tra vụ án, vừa có tác dụng định hướng dư luận nhưng vẫn phải đảm bảo bí mật điều tra. Những vấn đề nào dự định đưa ra cần báo cáo xin ý kiến lãnh đạo bộ, lãnh đạo Tổng cục theo quy định.
Với một số giải pháp đã được trình bày ở trên, tác giả mong muốn góp phần giúp các điều tra viên cơ quan an ninh điều tra các cấp có thể có thêm được một số kinh nghiệm hữu ích phục vụ cho quá trình điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia nói chung, các vụ án phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam nói riêng đạt hiệu quả cao, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội của Tổ quốc.
Công an Quận Hải An, TP. Hải Phòng