Bộ Tư pháp nhận được phản ánh của một số đơn vị, cá nhân về việc cơ quan đăng ký hộ tịch hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất về các quy định liên quan đến giấy chứng sinh và đăng ký khai sinh cho trẻ em (Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình, chứng thực; Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24/10/2012 của Bộ Y tế quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh) .
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp hướng dẫn như sau:
Điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT-BYT quy định: “Trường hợp trẻ được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác, mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người thân thích của trẻ có trách nhiệm điền vào đơn đề nghị cấp giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này và nộp cho trạm y tế xã, phường để xin cấp giấy chứng sinh cho trẻ”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có được giấy chứng sinh để xác định sự kiện sinh, làm cơ sở cho việc đăng ký khai sinh.
Do đó, trường hợp cha, mẹ, người thân của trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế có điều kiện xin cấp giấy chứng sinh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT-BYT, thì cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn chấp nhận giấy chứng sinh này và không yêu cầu người đi đăng ký khai sinh cung cấp thêm văn bản xác nhận của người làm chứng hoặc làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Trong trường hợp không có giấy chứng sinh, thì thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng, nếu không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
2. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em mang tên nước ngoài
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 19, khoản 4 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam thì: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây.
Mặt khác, mặc dù pháp luật về hộ tịch không quy định cách đặt tên cho trẻ em có cha, mẹ là công dân Việt Nam, được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng theo quy định tại điểm c khoản 1 Mục III Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì: “Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì tên của trẻ em là tên Việt Nam (ví dụ: Đỗ Nhật Thành) hoặc tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài (ví dụ: Đỗ Nhật Randy Thành) theo sự lựa chọn của cha, mẹ”.
Từ những quy định nêu trên có thể hiểu rằng: Công dân Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Do đó, đối với trường hợp cha, mẹ là công dân Việt Nam, sinh con trên lãnh thổ Việt Nam, nay đăng ký khai sinh cho con mang quốc tịch Việt Nam, mà có yêu cầu đặt tên con là Nguyễn Ana (tên ghép giữa họ Việt Nam và tên nước ngoài) là không có cơ sở để giải quyết.
3. Liên quan đến việc xác nhận tình trạng hôn nhân
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có ý kiến như sau:
3.1. Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định: “Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, giấy tờ sử dụng trong việc đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con; công nhận việc kết hôn; ghi vào sổ việc nhận cha, mẹ, con là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó định cư hoặc cơ quan đại diện ở nước đó cấp”.
Quy định này được hiểu: Công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài mà không đồng thời có quốc tịch nước ngoài, khi làm thủ tục đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước tại Sở Tư pháp, nếu đã có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, thì không phải nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước đó cấp; nếu đã có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước đó cấp thì không phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp.
3.2. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, thì khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, đương sự phải nộp: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng.
Do đó, nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài bảo đảm nội dung xác nhận như quy định nêu trên (xác nhận đương sự hiện tại không có vợ/không có chồng) thì không phải nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thời gian cư trú ở trong nước trước khi xuất cảnh theo quy định tại khoản 2 Điều 66 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Nếu thấy cần thiết, Sở Tư pháp tiến hành thẩm tra, xác minh tình trạng hôn nhân hoặc yêu cầu đương sự cam đoan (trong trường hợp không thể xác minh rõ) về tình trạng hôn nhân thời gian cư trú trong nước trước đây.
3.3. Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ và Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch, chưa có quy định hướng dẫn về việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước theo từng giai đoạn, trước thời điểm có yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tại thời điểm yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà người có yêu cầu đang có vợ/có chồng.
Tuy nhiên, Uỷ ban nhân dân cấp xã là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý hộ tịch ở cơ sở, có trách nhiệm xác minh và làm rõ về tình trạng hôn nhân của công dân cư trú trên địa bàn (từ khi đủ tuổi kết hôn đến thời điểm yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân). Mặt khác, pháp luật cho phép công dân được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, ngoài mục đích kết hôn. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho công dân, khẳng định vai trò quản lý công dân nói chung, quản lý hộ tịch nói riêng của chính quyền cơ sở, Sở Tư pháp chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP để cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại các thời điểm theo yêu cầu của công dân, kể cả tại thời điểm công dân đang có vợ/có chồng, trong giấy xác nhận cần ghi rõ mục đích cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân theo như các ví dụ sau đây:
Ví dụ 1: Anh Nguyễn Văn A, trong thời gian cư trú tại … từ ngày ..., đến ngày … chưa đăng ký kết hôn với ai.
Ví dụ 2: Anh Nguyễn Văn A, đã đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo Bản án ly hôn số ... ngày ... tháng ... năm ... của Tòa án nhân dân ..., trong thời gian cư trú tại ... từ khi ly hôn đến ngày ... chưa đăng ký kết hôn với ai.
Ví dụ 3: Anh Nguyễn Văn A, đã đăng ký kết hôn, nhưng vợ đã chết (Giấy chứng tử số ... do ... cấp ngày ...), trong thời gian cư trú tại ..., từ khi ly hôn đến ngày ... chưa đăng ký kết hôn với ai.
Ví dụ 4: Anh Nguyễn Văn A, hiện đang cư trú tại …, đang có vợ là Trần Thị B, sinh năm … (Giấy chứng nhận kết hôn số …, đăng ký ngày … tại …)