
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nói chung và trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng nói riêng được ghi nhận trong các văn bản pháp luật khác nhau, trong đó có Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án còn được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này.
Việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra hàng ngày và số lượng ngày càng tăng. Khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình. Với tư cách là cơ quan xét xử, Tòa án tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến người tiêu dùng khi có yêu cầu. Người tiêu dùng bị thiệt hại có thể khởi kiện riêng lẻ hoặc khởi kiện tập thể. Hình thức khởi kiện tập thể cho phép một người hoặc một nhóm người nhân danh cả tập thể người bị thiệt hại được tiến hành khởi kiện yêu cầu bồi thường mà không cần có văn bản ủy quyền chính thức của những người bị thiệt hại.
Để tìm hiểu thêm các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, thực trạng giải quyết tranh chấp và những kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật về cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trân trọng kính mời quý bạn đọc đón đọc bài viết: "Giải quyết tranh chấp về quyền lợi người tiêu dùng tại Tòa án nhân dân" của Vũ Thị Lan Anh, đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật định kỳ số tháng 9 (270) năm 2014.
Minh Trí