Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân (sinh; kết hôn; tử; nhận cha, mẹ, con; giám hộ; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ghi vào sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài…) tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư. Quốc tịch là một phạm trù chính trị - pháp lý, thể hiện mối quan hệ gắn bó, bền vững về chính trị và pháp lý giữa Nhà nước và cá nhân, là căn cứ pháp lý xác định công dân của một Nhà nước và trên cơ sở đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ qua lại giữa Nhà nước và công dân. Nắm vững các quy định về quốc tịch sẽ bảo đảm cho việc đăng ký các sự kiện hộ tịch được khách quan, chính xác, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người dân.
1. Đăng ký khai sinh
Theo quy định tại Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014 thì thông tin về quốc tịch là thông tin cơ bản trong nội dung đăng ký khai sinh (ĐKKS), được ghi vào sổ hộ tịch, giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Pháp luật về quốc tịch Việt Nam đã có những quy định bảo đảm mọi trẻ em khi ĐKKS đều có quyền có quốc tịch, tránh bị rơi vào tình trạng không quốc tịch hoặc chưa xác định được quốc tịch.
1.1. Quy định của pháp luật hộ tịch, quốc tịch về đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài, xác định quốc tịch
- Thẩm quyền ĐKKS có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Điều 35 Luật Hộ tịch năm 2014, trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam, nhưng một bên cha hoặc mẹ là người nước ngoài/người không quốc tịch/công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc có cả cha và mẹ là người nước ngoài/người không quốc tịch/công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được xác định là ĐKKS có yếu tố nước ngoài, thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
Trường hợp trẻ sinh tại nước ngoài, về Việt Nam cư trú, có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam hoặc một trong hai người là công dân Việt Nam thì việc ĐKKS cũng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
- Hồ sơ ĐKKS có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Quốc tịch Việt Nam), trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài thì xác định quốc tịch theo thỏa thuận của cha mẹ tại thời điểm ĐKKS. Bảo đảm phù hợp với quy định này, đối với hồ sơ ĐKKS có yếu tố nước ngoài, pháp luật hộ tịch quy định ngoài tờ khai ĐKKS, giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng sinh theo quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014, nếu cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ của trẻ là người nước ngoài thì người yêu cầu ĐKKS phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con; trường hợp cha mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con khi ĐKKS phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật nước đó. Nếu cơ quan có thẩm quyền không xác nhận thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện ĐKKS cho trẻ, nhưng để trống phần ghi về quốc tịch trong giấy khai sinh và sổ ĐKKS[1].
Đối với trường hợp trẻ sinh ra ở nước ngoài, ngoài các giấy tờ nêu trên, người có yêu cầu ĐKKS còn phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp và cư trú tại Việt Nam, bao gồm: Giấy tờ chứng minh việc trẻ đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ đang cư trú tại Việt Nam[2].
- Về xác định nội dung ĐKKS (xác định quốc tịch)
Khoản 2 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định, việc xác định quốc tịch của người được khai sinh thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch. Theo đó, Luật Quốc tịch Việt Nam đã có quy định về việc xác định quốc tịch đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
+ Đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam, Điều 15 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp này, trẻ em có quốc tịch Việt Nam ngay từ thời điểm sinh ra, không phụ thuộc vào việc được khai sinh và xác định có quốc tịch nước ngoài hay chưa.
+ Đối với trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài (kể cả trong trường hợp sinh ra ở trong nước hoặc sinh ra ở nước ngoài), khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm ĐKKS cho con. Căn cứ quy định này thì trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì không đương nhiên có quốc tịch Việt Nam, trẻ chỉ có quốc tịch Việt Nam nếu tại thời điểm ĐKKS, cha mẹ trẻ có sự thỏa thuận bằng văn bản lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con.
+ Đối với trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là người không quốc tịch, theo Điều 17 Luật Quốc tịch Việt Nam, trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.
Ngoài ra, Điều 18 Luật Quốc tịch Việt Nam còn quy định việc xác định quốc tịch của trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam, trường hợp trẻ tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài hoặc chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài thì trẻ chưa đủ 15 tuổi không còn quốc tịch Việt Nam.
1.2. Một số tình huống khi giải quyết việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài liên quan đến vấn đề quốc tịch
Thứ nhất, về tên gọi của trẻ, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam (khoản 3 Điều 26). Luật Quốc tịch Việt Nam cũng quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam (khoản 4 Điều 19). Như vậy, nếu mang quốc tịch Việt Nam thì các tên như Close Nguyễn Dean, Nguyễn John, Lê Maika... là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp ĐKKS có yếu tố nước ngoài, mặc dù cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho trẻ nhưng do trẻ có một bên cha hoặc mẹ là người nước ngoài nên ngoài việc lựa chọn họ nước ngoài theo họ cha hoặc họ mẹ thì cha mẹ trẻ thường muốn trẻ có tên nước ngoài (đặc biệt đối với trẻ đang cư trú ở nước ngoài). Trước đây, Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có quy định về việc đặt tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài (điểm c khoản 1 mục III). Tuy nhiên, hiện tại, Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết thi hành không quy định về việc đặt tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài, do đó, cơ quan đăng ký hộ tịch giải thích cho người dân trong quá trình thụ lý hồ sơ.
Thứ hai, một số trường hợp trẻ sinh ra tại nước ngoài được thân nhân đưa về Việt Nam sinh sống, yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch của Việt Nam ĐKKS, nhưng thông tin quốc tịch của trẻ được cung cấp không xác thực (thân nhân thường cam đoan trẻ chưa được ĐKKS tại nước ngoài, chưa có quốc tịch nước ngoài, để được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với thông tin quốc tịch Việt Nam). Kết quả xác minh của cơ quan quản lý hộ tịch sau khi phối hợp với các cơ quan có liên quan cho thấy, các trường hợp này đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và được nước sở tại cấp hộ chiếu. Do vậy, đối với những trường hợp này, các thông tin liên quan đến sự kiện sinh cần được xác minh chặt chẽ, nhất là việc trẻ đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hay chưa. Cơ quan hộ tịch của Việt Nam chỉ tiếp nhận, giải quyết nếu có cơ sở khẳng định trẻ chưa được ĐKKS; đồng thời, hồ sơ phải có các giấy tờ chứng minh việc trẻ nhập cảnh vào Việt Nam; nếu trẻ đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì hướng dẫn người yêu cầu liên hệ với cơ quan đại diện của nước ngoại tại Việt Nam để được hỗ trợ, giải quyết.
Thứ ba, một số trẻ có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, sinh ra ở nước ngoài nhưng có hai giấy chứng sinh, nên đã sử dụng hai giấy chứng sinh để ĐKKS hai lần tại hai cơ quan đăng ký hộ tịch (nước ngoài và Việt Nam). Các trường hợp này đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài với thông tin theo giấy chứng sinh thứ nhất (cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ không đúng với thực tế) và đã nhập cảnh về Việt Nam bằng hộ chiếu nước ngoài. Sau khi về Việt Nam, cha hoặc mẹ đẻ của trẻ (là công dân Việt Nam) lại xuất trình giấy chứng sinh thứ 2, trong đó, thông tin về cha, mẹ không trùng khớp với giấy khai sinh đã đăng ký tại nước ngoài, nhưng có kèm theo kết quả giám định ADN khẳng định quan hệ cha - con/mẹ - con và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ĐKKS kết hợp với giải quyết nhận cha - con/mẹ - con. Về nguyên tắc, những trẻ này là công dân nước ngoài (đã có hộ chiếu nước ngoài), do đó, cần phải phối hợp với cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để kiểm tra, xác minh việc ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài với thông tin không chính xác, xác minh việc cùng một trẻ nhưng được hai cơ sở y tế của nước ngoài cấp hai giấy chứng sinh với thông tin khác nhau về cha, mẹ và có hướng xử lý đối với quốc tịch nước ngoài của trẻ.
Thứ tư, trường hợp trẻ em là con chung của phụ nữ Việt Nam với công dân nước ngoài, nhưng cha, mẹ trẻ không đăng ký kết hôn như trường hợp, mẹ của trẻ là công dân Việt Nam, đã từng xuất cảnh ra nước ngoài theo diện kết hôn (có trường hợp vẫn còn quốc tịch Việt Nam, có trường hợp đã thôi quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch nước ngoài), sau khi ly hôn với người chồng nước ngoài, đã chung sống (không đăng ký kết hôn) với người đàn ông khác, sau đó về Việt Nam sinh con. Do cha, mẹ trẻ không đăng ký kết hôn, người cha cũng không có yêu cầu đăng ký nhận con nên trẻ được ĐKKS theo diện con ngoài giá thú. Tuy nhiên, trong số này có trường hợp người mẹ đã thôi quốc tịch Việt Nam, nên để có cơ sở xác định thẩm quyền ĐKKS cho trẻ, cần xác minh thông tin về quốc tịch của người mẹ. Nếu người mẹ còn quốc tịch Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mẹ giải quyết yêu cầu ĐKKS cho trẻ theo diện trẻ chưa xác định được cha, quốc tịch của trẻ được xác định là quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam. Nếu người mẹ đã thôi quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch nước ngoài thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người mẹ có thẩm quyền giải quyết ĐKKS cho trẻ, quốc tịch của trẻ được xác định theo quốc tịch của người mẹ.
Thứ năm, ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài: Theo quy định tại Điều 15 Luật Quốc tịch Việt Nam thì trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam (quốc tịch theo huyết thống). Trong khi đó, một số nước áp dụng nguyên tắc quốc tịch theo “nơi sinh”, theo đó, trẻ sinh ra trong phạm vi lãnh thổ thì có quốc tịch nước này mà không phụ thuộc vào quốc tịch của cha mẹ. Từ xung đột pháp luật trên, một số trẻ đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, giấy khai sinh đã ghi quốc tịch nước ngoài nhưng khi về Việt Nam, cha mẹ trẻ có nguyện vọng ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để được cấp giấy tờ hộ tịch của Việt Nam, xác định quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp này, mặc dù trên giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp ghi quốc tịch nước ngoài, tuy nhiên, vì trẻ có quốc tịch Việt Nam theo nguyên tắc huyết thống nên có cơ sở để tiếp nhận yêu cầu ghi chú khai sinh, thông tin quốc tịch của trẻ trong trích lục ghi chú khai sinh và sổ ĐKKS được ghi là quốc tịch Việt Nam. Nếu tên của trẻ trong giấy khai sinh là tên nước ngoài, cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn cha mẹ trẻ lựa chọn tên tiếng Việt để ghi vào trích lục ghi chú và giấy khai sinh bản sao.
Thứ sáu, theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam thì giấy khai sinh là một trong những giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam của cá nhân. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp giấy khai sinh được cấp không đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là việc xác định quốc tịch Việt Nam khi ĐKKS, vì vậy, khi giải quyết hồ sơ cần phải xem xét trong mối quan hệ với Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam (căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam).
Thứ bảy, việc xác định quốc tịch của con chưa thành niên khi có sự thay đổi quốc tịch của cha mẹ được thực hiện theo quy định tại Điều 35, Điều 36 Luật Quốc tịch Việt Nam.
2. Đăng ký kết hôn
2.1. Thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định, Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài cư trú tại Việt Nam với nhau.
Luật Quốc tịch Việt Nam quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể thế nào là định cư/cư trú lâu dài ở nước ngoài, do đó, trên thực tế, nhiều trường hợp công dân Việt Nam đã định cư ở nước ngoài nhưng chưa xóa hộ khẩu thường trú trong nước, ngược lại, có những trường hợp cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài nhưng lại chưa được cấp thẻ định cư gây khó khăn cho công chức làm công tác hộ tịch khi xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn.
Để xác định rõ hơn thẩm quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau hoặc với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, tránh tình trạng hiểu và xác định không đúng về thẩm quyền giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015-NĐ-CP (Thông tư số 04/2020/TT-BTP) đã quy định: Trường hợp công dân Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp giấy tờ cho phép cư trú, có yêu cầu kết hôn với nhau hoặc kết hôn với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước thì thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014.
Trường hợp công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới kết hôn với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới (khoản 1 Điều 18 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP)).
2.2. Hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Một trong những giấy tờ mà người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp là giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân (đối với người nước ngoài) hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó cư trú (đối với trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài) cấp còn giá trị sử dụng, xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
- Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa có quốc tịch nước ngoài phải nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
- Đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì ngoài giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp, phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Một số ý kiến cho rằng, quy định này chưa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc “chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam” nêu tại Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đặt trong mối liên hệ với pháp luật hộ tịch, việc yêu cầu công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài phải nộp cả giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nhằm bảo đảm quyền lợi của chính công dân đó trong quan hệ hôn nhân và gia đình, đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định về trách nhiệm cung cấp chính xác tình trạng hôn nhân đối với trường hợp công dân đã từng cư trú tại nhiều nơi khác nhau quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
Việc ghi quốc tịch trong giấy chứng nhận kết hôn, sổ đăng ký kết hôn vẫn bảo đảm nguyên tắc nêu trên, trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thì chỉ ghi quốc tịch “Việt Nam”.
Việc xác định quốc tịch của cá nhân khi kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc khi có sự thay đổi quốc tịch của một bên vợ/chồng được quy định tại Điều 9, Điều 10 và khoản 2 Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam. Từ những quy định này cho thấy, trừ việc bị tước quốc tịch thì việc nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam của một cá nhân trước hết trên cơ sở đơn tự nguyện của cá nhân đó, mà không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi quốc tịch của một bên vợ/chồng.
3. Đăng ký khai tử
3.1. Thẩm quyền đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài
Thẩm quyền đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 51 Luật Hộ tịch năm 2014, khoản 1 Điều 20 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
3.2. Hồ sơ đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài
Ngoài tờ khai đăng ký khai tử, người đi đăng ký khai tử phải nộp giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay cho giấy báo tử.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thì thẩm quyền đăng ký khai tử cho công dân Việt Nam chết ở nước ngoài thuộc cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú cuối cùng của người chết, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp gia đình của người chết không đăng ký khai tử tại cơ quan đại diện có thẩm quyền mà mang tro cốt/đưa thi hài về Việt Nam và yêu cầu đăng ký khai tử tại cơ quan đăng ký hộ tịch trong nước. Đối với những trường hợp này, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, Ủy ban nhân dân cấp xã - nơi cư trú cuối cùng của người chết vận dụng quy định tại Mục 7 Chương II Luật Hộ tịch năm 2014, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thực hiện đăng ký khai tử.
4. Giải quyết các việc hộ tịch khác
4.1. Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Thực tiễn cho thấy, một số trường hợp đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn sử dụng giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân… để chứng minh quốc tịch Việt Nam trong các giao dịch dân sự... Việc này đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, cũng như ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người có liên quan. Để khắc phục tình trạng này, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam (Nghị định số 16/2020/NĐ-CP) đã có quy định về việc hủy giá trị giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 4), đồng thời quy định đầy đủ hơn về trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết về quốc tịch.
Trách nhiệm thông báo, ghi chú vào sổ hộ tịch việc thay đổi quốc tịch được quy định tại Điều 25 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP.
Khi nhận được thông báo ghi chú vào sổ hộ tịch việc thay đổi quốc tịch, trường hợp sổ hộ tịch được lưu trữ tại hai cấp thì cơ quan đăng ký hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch và thông báo tiếp cho cơ quan đang lưu trữ sổ hộ tịch còn lại để ghi vào sổ hộ tịch, bảo đảm cập nhật đồng bộ. Trường hợp cơ quan đã đăng ký hộ tịch không còn lưu giữ sổ thì vẫn phải thống kê, lập danh sách theo dõi để thực hiện việc đăng ký lại khai sinh đúng theo quy định khi có yêu cầu.
4.2. Đăng ký lại khai sinh/đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ giấy tờ cá nhân là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có bản sao giấy khai sinh trước đây được cấp hợp lệ thì nội dung ĐKKS được ghi theo nội dung bản sao giấy khai sinh; phần khai về cha, mẹ được ghi theo thời điểm đăng ký lại khai sinh. Trường hợp người yêu cầu không có bản sao giấy khai sinh nhưng hồ sơ, giấy tờ cá nhân có sự thống nhất về nội dung khai sinh thì đăng ký lại theo nội dung đó. Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh thì nội dung khai sinh được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên.
Đồng thời, Điều 9 Thông tư số 04/2020/TT-BTP cũng quy định cụ thể các giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh.
Khi đăng ký lại khai sinh có yếu tố nước ngoài, cần lưu ý quy định tại Điều 10 Thông tư số 04/2020/TT-BTP, theo đó, nếu hiện tại, thông tin về cha, mẹ, bản thân người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có thay đổi so với trước đây thì người đó có trách nhiệm xuất trình giấy tờ chứng minh việc thay đổi. Nếu việc thay đổi thông tin là phù hợp với quy định pháp luật thì nội dung đăng ký lại khai sinh được xác định theo thông tin thay đổi; nội dung thông tin trước khi thay đổi được ghi vào mặt sau của giấy khai sinh và mục “Ghi chú” trong sổ ĐKKS.
Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh chỉ xuất trình giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài thì trong giấy khai sinh chỉ ghi quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, người yêu cầu cũng phải có hồ sơ, giấy tờ cá nhân: Giấy tờ tùy thân quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; sổ hộ khẩu; sổ tạm trú; giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trong đó ghi nơi sinh tại Việt Nam.
4.3. Bổ sung thông tin quốc tịch trong giấy tờ hộ tịch
Khoản 13 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: Bổ sung hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật thông tin hộ tịch còn thiếu cho cá nhân đã được đăng ký.
Thực tế cho thấy, có những trường hợp, do chưa có cơ sở để xác định tại thời điểm đăng ký nên một số thông tin hộ tịch của cá nhân (như dân tộc, quốc tịch, quê quán…) được để trống. Luật Hộ tịch năm 2014 quy định khi người dân có yêu cầu và có cơ sở chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ thực hiện bổ sung nội dung tương ứng vào sổ hộ tịch và giấy tờ hộ tịch.
Tuy nhiên, đối với yêu cầu ghi “bổ sung thông tin quốc tịch” vào giấy khai sinh, công chức làm công tác hộ tịch cần lưu ý: Chỉ được thực hiện đối với giấy tờ hộ tịch đã cấp cho công dân Việt Nam kể từ ngày 01/01/2016, sau khi có căn cứ để xác định người yêu cầu đang có quốc tịch Việt Nam (khoản 2 Điều 18 Thông tư số 04/2020/TT-BTP). Việc xác định cá nhân có quốc tịch Việt Nam phải dựa trên căn cứ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam (Điều 14), chứ không chỉ đơn giản dựa trên giấy tờ mà người đó có.
4.4. Quốc tịch của con nuôi chưa thành niên
Quốc tịch của con nuôi chưa thành niên được xác định theo Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
[1]. Khoản 1 Điều 36 Luật Hộ tịch năm 2014; khoản 2 Điều 7 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Thông tư số 04/2020/TT-BTP).
[2]. Điều 7 Thông tư số 04/2020/TT-BTP.