Bên cạnh các thủ tục nhập, trở lại, thôi, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam trước đây đã được quy định trong Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định thì việc đưa các quy định cấp GXNQT và GXNGV từ thông tư lên nghị định đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong công tác quản lý về quốc tịch nói chung và công tác quản lý về việc cấp các loại giấy này nói riêng.
1. Những thuận lợi trong việc giải quyết yêu cầu xin cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
1.1. Quy định rõ về thẩm quyền
Điều 30, Điều 32 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và cấp hai loại giấy này là Sở Tư pháp hoặc cơ quan đại diện, nơi người có yêu cầu cấp GXNQT và GXNGV đang cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ. Riêng đối với thủ tục cấp GXNGV thì người yêu cầu còn có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao. Như vậy, có thể thấy, người có nhu cầu cấp các giấy tờ trên hiện đang cư trú tại bất kỳ đâu trong nước hay nước ngoài đều có thể đến cơ quan có thẩm quyền tại nơi đang cư trú để nộp hồ sơ.
1.2. Quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục
- Đối với thủ tục cấp GXNQT
Theo Nghị định số 16/2020/NĐ-CP, người có nhu cầu cấp GXNQT ngoài các giấy tờ phải nộp theo mẫu (ảnh, tờ khai, giấy tờ chứng minh nhân thân) thì một trong các giấy tờ quan trọng phải có là giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, cụ thể là các giấy tờ sau: (i) Giấy tờ theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Quốc tịch Việt Nam). Ngoài ra, theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016) thì thẻ căn cước công dân được sử dụng thay chứng minh nhân dân. Do đó, thẻ căn cước công dân cũng có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam. (ii) Giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường hợp nào cũng có đủ một trong các giấy tờ trên để chứng minh quốc tịch Việt Nam. Do đó, để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam có thể được cấp GXNQT, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP còn có quy định mở đó là: Trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam như trên, người yêu cầu phải lập bản khai lý lịch, kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định này để làm cơ sở xác minh quốc tịch Việt Nam.
Trên cơ sở hồ sơ của người có yêu cầu cấp GXNQT, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh, tra cứu quốc tịch Việt Nam theo các bước quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh theo quy định, nếu có đủ căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam và người đó không có tên trong danh sách được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ ghi vào sổ cấp GXNQT; người đứng đầu cơ quan ký và cấp GXNQT theo mẫu quy định cho người yêu cầu. Nếu không có cơ sở để cấp GXNQT, cơ quan thụ lý hồ sơ trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết.
- Đối với thủ tục cấp GXNGV
So với thủ tục cấp GXNQT thì hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết cấp GXNGV được quy định đơn giản hơn, cụ thể:
Ngoài các giấy tờ phải nộp theo mẫu (ảnh, tờ khai, giấy tờ chứng minh nhân thân) thì người yêu cầu cấp GXNGV phải có một trong các giấy tờ như giấy tờ được cấp trước đây để chứng minh người đó đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ để chứng minh khi sinh ra người đó có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào nêu trên thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể nộp bản sao giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30/4/1975; giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956; giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.
Về thủ tục giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan thụ lý hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra thông tin trong hồ sơ với giấy tờ do người yêu cầu xuất trình và đối chiếu với cơ sở dữ liệu, tài liệu liên quan đến quốc tịch. Nếu thấy có đủ cơ sở để xác định người đó có nguồn gốc Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ ghi vào sổ cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; người đứng đầu cơ quan ký và cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam theo mẫu quy định cho người yêu cầu. Nếu không có cơ sở để cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết.
Như vậy, có thể thấy, hiện nay, các quy định về cấp GXNQT và cấp GXNGV được quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết, tạo thuận lợi cho công dân khi làm các thủ tục xin cấp các loại giấy này, đồng thời cũng tạo điều kiện để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trong giải quyết và quản lý việc cấp các loại giấy tờ trên.
2. Những hạn chế, bất cập trong giải quyết yêu cầu xin cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam và giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết việc cấp GXNQT và cấp GXNGV, theo quy định tại Điều 1 Luật Cư trú năm 2006 thì cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú; theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú năm 2006, nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú. Như vậy, đối với những trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam trong một thời gian nhất định và không có đăng ký tạm trú (chỉ lưu trú) muốn cấp các giấy tờ trên thì Sở Tư pháp nơi người đó lưu trú không có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ mà hướng dẫn người dân nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó cư trú. Theo phản ánh của nhiều địa phương, trong thời gian qua, có nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam lưu trú trong một thời gian dài (không đăng ký tạm trú) muốn nộp hồ sơ xin cấp GXNQT/GXNGV tại Sở Tư pháp nơi đang lưu trú (vì nhiều lý do khách quan không thể quay về nước sở tại để nộp hồ sơ) nhưng Sở Tư pháp không thể tiếp nhận vì không đúng thẩm quyền theo nơi cư trú. Việc này dẫn đến những bất cập, nhất là đối với những người lớn tuổi, về Việt Nam lưu trú đã lâu, các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam không có, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đã hết hạn, sức khỏe yếu không thể trở về nước sở tại... dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của công dân.
Hiện nay, mặc dù Luật Cư trú năm 2020 và nghị định quy định chi tiết đã có hiệu lực thi hành thay thế các quy định trước đây, nhưng bất cập này có được giải quyết hay không thì vẫn cần phải chờ thực tiễn thực thi trong thời gian tới.
Thứ hai, giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam là căn cứ để cấp GXNQT. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn có một số bất cập như: Quy định trường hợp giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ, nhưng trên thực tế, hầu hết những trường hợp đăng ký khai sinh trước năm 1975 trên giấy khai sinh không có mục ghi quốc tịch nên việc yêu cầu xuất trình thêm giấy tờ của cha mẹ đã gây khó khăn cho người dân vì có nhiều trường hợp người lớn tuổi, cha mẹ đã chết từ lâu nhưng không có đăng ký khai tử hoặc không có giấy tờ tùy thân của cha mẹ. Đồng thời, gây khó khăn trong việc xác định một người có quốc tịch Việt Nam hay không. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ có hộ chiếu nước ngoài và không có giấy tờ gì chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam, nhưng họ có giấy xác nhận tàng thư hộ khẩu của cơ quan công an là trước khi xuất cảnh họ có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương, đây cũng có thể coi là giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam, tuy nhiên, Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam không có quy định về loại giấy tờ này.
Thứ ba, về tra cứu quốc tịch Việt Nam, theo quy định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp hoặc cơ quan đại diện phải kiểm tra, tra cứu hoặc có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam để biết người đó đã có tên trong danh sách được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam hay chưa. Thực tế hiện nay, Bộ Tư pháp vẫn chưa hoàn thiện xong Cơ sở dữ liệu về quốc tịch để có thể chia sẻ cho tất cả các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để có thể sử dụng và tự tra cứu. Do đó, hầu hết hồ sơ của các trường hợp có yêu cầu cấp GXNQT đều được gửi về Bộ Tư pháp để thực hiện việc tra cứu, điều đó một phần dẫn đến quá tải trong việc tra cứu và có văn bản trả lời (hiện tại trung bình mỗi tháng Bộ Tư pháp tiếp nhận đề nghị tra cứu khoảng 200 trường hợp), đồng thời, khó bảo đảm đúng thời hạn quy định của pháp luật.
Thứ tư, về khái niệm gốc Việt Nam, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam thì “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài” là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Như vậy, theo quy định này, để xác định một người có phải “gốc” Việt Nam hay không cần căn cứ trên các yếu tố: Đã từng có quốc tịch Việt Nam cộng thêm quốc tịch Việt Nam mà họ có phải được xác định trên nguyên tắc huyết thống (có quốc tịch từ cha mẹ, không phải do được nhập) và con cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài cũng được xác định là có gốc Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện quy định này, hiện nay đang có luồng ý kiến khác nhau liên quan đến khái niệm “huyết thống”. Có ý kiến cho rằng, cha mẹ có quốc tịch Việt Nam (không quan tâm đến lý do có quốc tịch Việt Nam của cha mẹ là gì), con của họ có quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì việc người con của họ có quốc tịch được coi là “huyết thống” và là người gốc Việt Nam. Ý kiến khác cho rằng, “huyết thống” phải được xác định là người có dòng máu Việt Nam (gốc gác tổ tiên lâu đời). Do có quan điểm khác nhau, nên việc triển khai trên thực tế còn gặp khó khăn.
Thứ năm, trong hồ sơ thủ tục cấp GXNGV có quy định “trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào nêu trên thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể nộp giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam”. Tuy nhiên, trên thực tế thì hiện nay chưa có quy định về mẫu giấy bảo lãnh và giấy bảo lãnh đó có cần phải chứng thực chữ ký của người cam kết, bảo lãnh hay không, nên mỗi địa phương có cách hướng dẫn khác nhau khi công dân nộp loại giấy tờ này.
Có thể thấy rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2020/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết thuận lợi, thỏa đáng các yêu cầu về quốc tịch của người dân. Tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách hành chính là rất cần thiết.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực