Vấn đề xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam là nguyện vọng chính đáng của mỗi cá nhân, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay. Pháp luật quốc tịch hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết kịp thời các yêu cầu xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, phát huy tốt vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quốc tịch, từ đó góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hiện thực hóa chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài với quê hương, đất nước.
1. Thuận lợi trong việc giải quyết yêu cầu nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam
Có thể nói, so với trước đây, pháp luật quốc tịch đã có những quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xin nhập, xin trở lại và xin thôi quốc tịch Việt Nam. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, trình tự, thủ tục giải quyết các việc xin nhập, xin trở lại và xin thôi quốc tịch Việt Nam đã được luật hóa, quy định cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch[1]. Theo đó, đối với những người xin nhập, xin trở lại hoặc xin thôi quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú (đối với người xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam hiện đang cư trú ở nước ngoài có thể nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), sau đó, Sở Tư pháp sẽ có văn bản đề nghị cơ quan công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam. Sau khi nhận được kết quả xác minh của cơ quan công an, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp. Riêng trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp. Sau khi nhận được hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chuyển đến, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, hoàn tất thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Thứ hai, thời gian giải quyết hồ sơ ở từng khâu được quy định cụ thể, tương ứng với trách nhiệm của mỗi cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp trung ương và rút ngắn so với trước đây. Trước đây, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 quy định thời hạn giải quyết đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam là không quá 12 tháng, đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam không quá 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (Điều 38). Hiện nay, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Quốc tịch Việt Nam) quy định tổng thời gian giải quyết tại các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp trung ương đối với việc xin nhập quốc tịch là 115 ngày (không kể thời gian bổ sung hồ sơ của người xin nhập quốc tịch), đối với việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam là 85 ngày (trường hợp nộp hồ sơ ở trong nước) hoặc 70 ngày (trường hợp nộp hồ sơ ở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), đối với việc xin thôi quốc tịch Việt Nam là 80 ngày (trường hợp nộp hồ sơ ở Sở Tư pháp) hoặc 65 ngày (trường hợp nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài). Các thời hạn trên là thời gian giải quyết hồ sơ thực tế tại các cơ quan có thẩm quyền, không tính thời gian trung chuyển hồ sơ. Như vậy, thời hạn giải quyết các việc về quốc tịch đã được rút ngắn đáng kể. Việc quy định thời gian giải quyết hồ sơ ở từng công đoạn tạo điều kiện cho người dân có cơ sở đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
Thứ ba, điều kiện đối với việc xin nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam được quy định cụ thể, miễn, giảm một số điều kiện. Luật Quốc tịch Việt Nam đã quy định khá cụ thể điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam tại khoản 1 Điều 19. Bên cạnh đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam và được miễn một số điều kiện (như thời gian thường trú, biết tiếng Việt...) nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật này. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho quá trình xem xét, giải quyết hồ sơ, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam (Nghị định số 16/2020/NĐ-CP) đã quy định chi tiết một số điều kiện, hay quy định cụ thể về thế nào là có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, thế nào là có lợi cho Nhà nước Việt Nam...
Đặc biệt, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP đã quy định chi tiết và hướng dẫn rõ hơn về các điều kiện xin giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng đúng quy định tại khoản 3 Điều 19, khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam. Do khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam chưa được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết nên dẫn đến cách hiểu khác nhau, do đó, để bảo đảm thống nhất cách hiểu và áp dụng, Điều 9 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP đã quy định rõ hơn về các “trường hợp đặc biệt”. Theo đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ 05 điều kiện nêu tại Điều 9 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP thì được coi là trường hợp đặc biệt và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài. Đối với trường hợp khác (không thuộc trường hợp đặc biệt), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp yêu cầu người đó phải thôi quốc tịch nước ngoài theo quy định chung của pháp luật quốc tịch khi xem xét hồ sơ quốc tịch. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho người (gốc Việt) xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo đúng tinh thần của Luật Quốc tịch Việt Nam, Điều 14 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP đã có quy định khá “cởi mở” theo hướng, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam chỉ cần đáp ứng 04 điều kiện trong Điều 14 này thì được coi là “trường hợp đặc biệt” để trình Chủ tịch nước xem xét quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài.
Thứ tư, trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết các việc xin nhập, xin trở lại hoặc xin thôi quốc tịch Việt Nam được quy định cụ thể, rõ ràng ở từng khâu. Luật Quốc tịch Việt Nam đã quy định rõ trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa Bộ Tư pháp - cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quốc tịch - với Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình xử lý, giải quyết các thủ tục xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, qua đó, đã kịp thời giải quyết nhanh chóng nhiều sự việc phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở địa phương (Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh…) trong việc giải quyết các việc quốc tịch cũng được quy định rõ, qua đó, giúp giải quyết nhanh chóng các yêu cầu về quốc tịch của người dân. Bên cạnh đó, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP đã bổ sung Điều 11 quy định chi tiết và hướng dẫn rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam (theo khoản 3 Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam). Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm chính về công tác quốc tịch, Bộ Tư pháp cần chủ động trong quá trình giải quyết hồ sơ quốc tịch.
2. Khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam
Mặc dù có những thuận lợi, nhưng việc giải quyết yêu cầu xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, gây khó khăn cho công tác giải quyết các yêu cầu về quốc tịch và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cụ thể như:
Một là, theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam thì đối với một số trường hợp phải xác minh về nhân thân của người xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục và nội dung “xác minh về nhân thân” (là xác minh những nội dung gì), điều này gây khó khăn cho cơ quan công an khi tiến hành công việc. Nhiều trường hợp không xác minh được hoặc thời gian xác minh bị kéo dài làm chậm quá trình giải quyết hồ sơ, gây bức xúc cho người dân.
Hai là, Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc cấp thẻ thường trú là khá phức tạp vì người nước ngoài phải tuân theo những điều kiện nhất định. Do đó, nhiều người nước ngoài, nhất là người không quốc tịch, không đáp ứng được các điều kiện để được cấp thẻ thường trú, trong khi pháp luật không quy định giấy tờ nào có thể thay thế thẻ thường trú trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam[2]. Đây là khó khăn lớn đối với người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam xin nhập quốc tịch Việt Nam[3].
Ba là, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam theo Điều 7, Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam. Do còn có cách hiểu và áp dụng khác nhau nên dẫn đến hệ quả là, hiện nay, có nhiều trường hợp đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng vì nhiều lý do khác nhau không được nhập quốc tịch nước ngoài nên rơi vào tình trạng người không quốc tịch, nhưng nhiều người trong số họ chưa được giải quyết cho trở lại quốc tịch Việt Nam mặc dù đã có đơn yêu cầu.
Bốn là, chưa có quy định ngoại lệ để giải quyết những trường hợp cụ thể bởi nếu áp dụng chung các quy định pháp luật thì không khả thi và rất khó cho đương sự. Chẳng hạn như:
- Đối với hồ sơ xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam mà yêu cầu mọi trường hợp phải có phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong thời gian đương sự cư trú ở nước ngoài, thì đối với trường hợp đương sự đã về cư trú lâu, ổn định tại Việt Nam, nếu yêu cầu đương sự phải quay lại nước ngoài để xin cấp phiếu lý lịch tư pháp thì có thể quá cứng nhắc, không khả thi, gây tốn kém, lãng phí và quá khó khăn đối với họ[4].
- Về trường hợp xin cho con chưa thành niên được nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam mà yêu cầu mọi trường hợp phải có ý kiến đồng ý của cả cha và mẹ thì có thể khó khả thi. Bởi quy định như vậy chỉ có thể thực hiện được khi cha, mẹ đang trong thời kỳ hôn nhân và cùng chung sống. Còn đối với các trường hợp cha, mẹ đã ly hôn, ly thân, thậm chí cắt đứt liên lạc, không liên hệ với nhau, không biết nơi ở của nhau..., thì việc yêu cầu lấy ý kiến của cả cha và mẹ của trẻ em là rất khó thực hiện[5]. Nên chăng, ở đây cần xét đến mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em mà có sự linh hoạt, chỉ cần ý kiến của người cha hoặc người mẹ mà trẻ đang sống cùng.
Năm là, chưa có quy định hướng dẫn loại trừ khi thực hiện điểm a khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam liên quan đến điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam, theo đó, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam mới được nhập quốc tịch. Điều đó dẫn đến cách hiểu khác nhau nên hệ quả là nhiều Sở Tư pháp không thụ lý hồ sơ của trẻ em, người chưa thành niên[6].
Sáu là, do quốc tịch là phạm trù chính trị - pháp lý, liên quan đến chủ quyền quốc gia đối với dân cư nên thẩm quyền quyết định cho nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc Chủ tịch nước và Luật Quốc tịch Việt Nam quy định thủ tục chặt chẽ trong giải quyết hồ sơ về quốc tịch. Theo đó, bản thân người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam phải trực tiếp nộp hồ sơ (không có quy định cho phép ủy quyền nộp thay)[7]. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đối với người dân, nhất là người dân cư trú ở những nước có vùng lãnh thổ rộng lớn lại sinh sống rải rác, không tập trung, hoặc người dân ở một số địa bàn đi lại khó khăn, hay trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số nước trên thế giới hiện nay.
Bảy là, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam còn hạn chế. Tuy pháp luật quốc tịch đã có quy định về trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành nhưng trên thực tế, việc phối hợp chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả (như ở khâu tiếp nhận, lưu chuyển hồ sơ, xác minh nhân thân...). Điều này dẫn đến một số trường hợp thời gian giải quyết hồ sơ bị kéo dài, khiến cho người dân phải đi lại nhiều lần.
3. Một số kiến nghị
Có thể nói, những hạn chế, bất cập trong các thủ tục xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, về cơ bản xuất phát chủ yếu từ văn bản quy định chi tiết thi hành (chưa quy định chi tiết hoặc tuy có quy định nhưng nhiều vấn đề chưa rõ, một số quy định thiếu tính khả thi, một số quy định không phù hợp...). Do đó, để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam theo hướng:
Một là, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, ví dụ như phiếu lý lịch tư pháp và kết quả xác minh nhân thân trong hồ sơ xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam có thể sử dụng một trong hai loại, bởi lẽ khi cấp phiếu lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp đã dựa trên kết quả xác minh của cơ quan công an; hay thỏa thuận của cha mẹ về việc đồng ý cho con thôi quốc tịch Việt Nam có thể được cha mẹ ghi ý kiến trực tiếp vào đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ có thể xây dựng mẫu văn bản thỏa thuận để người dân có thể dễ dàng sử dụng khi nộp hồ sơ... Việc quy định hợp pháp hóa giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp cũng cần được xem xét lại, đặc biệt đối với một số quốc gia mà người dân không dễ dàng có thể thực hiện được thủ tục này ở Việt Nam[8].
Hai là, bổ sung quy định cụ thể để tạo thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam theo Điều 7, Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng trường hợp đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài mặc dù họ đã có nguyện vọng xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Ba là, bổ sung quy định về thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam đối với trẻ em (có cần thiết phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam hay không, trẻ có đương nhiên được thay đổi quốc tịch theo cha mẹ khi cha mẹ được nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam hay trẻ phải có hồ sơ xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam kèm theo hồ sơ của cha mẹ…).
Bốn là, hướng dẫn một số trường hợp ngoại lệ thì được miễn nộp giấy tờ trong hồ sơ quốc tịch do nguyên nhân khách quan không thể đáp ứng được (như phiếu lý lịch tư pháp, ý kiến cha mẹ, thẻ thường trú...).
Năm là, hướng dẫn rõ về nội dung xác minh nhân thân là xác minh những gì; trách nhiệm của cơ quan công an, trình tự, thủ tục thực hiện xác minh, thời hạn xác minh...
Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam và các thủ tục khác trong lĩnh vực quốc tịch; nghiên cứu thực hiện thí điểm việc tiếp nhận hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam tại các Sở Tư pháp và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bằng hình thức trực tuyến (trước mắt có thể ở cấp độ 3); thực hiện xử lý hồ sơ quốc tịch qua môi trường mạng.
Bảy là, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc giải quyết các thủ tục xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam. Quy định cụ thể về trách nhiệm, cơ chế, trình tự, thủ tục phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết hồ sơ quốc tịch, thực hiện liên thông các thủ tục trên nguyên tắc bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tám là, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về quốc tịch tại các Sở Tư pháp và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ quốc tịch.
Chín là, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần thường xuyên tiến hành tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ quốc tịch cho đội ngũ công chức làm công tác quốc tịch tại Sở Tư pháp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quốc tịch tại cơ quan đại diện.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
[1]. Các điều 21, 25, 29, 32, 34 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
[2]. Với những trường hợp chưa được nhập quốc tịch Việt Nam nhưng đã được đăng ký thường trú thì sổ hộ khẩu gia đình có thể thay cho thẻ thường trú hay không?
[3]. Điều kiện để người nước ngoài/người không quốc tịch được cấp thẻ thường trú tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là phải có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam (khoản 1 Điều 40).
[4]. Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đã có văn bản nhất trí với đề xuất của Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh cho những người gốc Campuchia, gốc Hoa... được miễn nộp phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam do có khó khăn về việc xin loại giấy tờ này.
[5]. Ở đây, pháp luật chỉ mới thiên về việc bảo vệ quyền của cha mẹ đối với con, mà chưa chú ý đến quyền lợi đích thực, quyền lợi tốt nhất của đứa trẻ. Bởi trong trường hợp không có đủ ý kiến của cả cha và mẹ thì việc xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam của trẻ em không thể thực hiện được. Một khi không được giải quyết thì quyền lợi của trẻ em sẽ không được bảo đảm, đặc biệt đối với những trẻ em đã ra nước ngoài sinh sống cùng cha hoặc mẹ.
[6]. Một số Sở Tư pháp địa phương đã theo cách hiểu này nên không thụ lý hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của trẻ chưa thành niên, trong khi thực tế, Bộ Tư pháp vẫn tiếp nhận hồ sơ và Chủ tịch nước vẫn quyết định cho số trẻ em đã được cha mẹ làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam.
[7]. Điều 3 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP.
[8]. Thông thường, các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam đều có thẩm quyền đóng dấu xác nhận vào giấy tờ mà cơ quan trong nước đã cấp, nhưng đối với Trung Quốc, cơ quan đại diện không có thẩm quyền này nên người dân phải quay lại Trung Quốc để thực hiện, gây mất thời gian và tốn kém cho người dân.