Để có được một mô hình đại nghị như ngày hôm nay, chính thể của vương quốc Anh đã trải qua một sự tiến triển được đánh giá là “tuy chậm chạp nhưng vững chắc và ôn hòa”[4], với những cột mốc quan trọng từ Đại Hiến chương (Magna Carta) 1215, Đạo luật về các quyền (Bill of rights) 1689, tới đạo luật về Nghị viện (Parliament Act) 1911. Có một sự tương đồng khá thú vị giữa chính thể đại nghị ở Anh và chính thể xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đó chính là ở vai trò nổi bật của cơ quan dân cử cao nhất (Nghị viện - Quốc hội)[5]. Vì vậy, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp và tư pháp nói chung cũng như hoạt động giám sát của Nghị viện đối với nhánh quyền tư pháp nói riêng ở vương quốc Anh sẽ có nhiều giá trị tham khảo cho Việt Nam.
1. Đạo luật Cải cách Hiến pháp[6] và sự thay đổi trong quan niệm về giám sát tư pháp của Nghị viện ở vương quốc Anh
Sự ra đời của Đạo luật Cải cách Hiến pháp (Constitutional Reform Act) 2005 đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong hệ thống tư pháp vương quốc Anh. Về mặt bối cảnh xoay quanh mối quan hệ giữa Nghị viện và nhánh quyền tư pháp, phải thấy rằng, ngay từ xa xưa, ưu thế rõ ràng của nhánh quyền lập pháp so với tư pháp ở Anh đã là một đặc điểm của chính thể đại nghị này. Montesquieu tuy đề cao việc phân định rõ các nhánh quyền lực nhưng lại ca ngợi việc ở Anh có những cơ chế để cơ quan lập pháp (mà ông nhấn mạnh chủ yếu vào Quý tộc viện) can thiệp nhằm ngăn ngừa sự sai trái và thiếu sót của tư pháp[7]. Điều này có thể giải thích trên hai khía cạnh: (i) Bản thân nhánh quyền lập pháp ở Anh được coi là có rất nhiều quyền hạn. Hình thức nghị viện manh nha ra đời từ thế kỷ XI khi người Normand cai trị nước Anh nhưng không hiểu rõ luật lệ của địa phương nên phải triệu tập các lãnh chúa để hỏi ý kiến. Đến sau các cuộc cách mạng tư sản, quyền lực của nhà vua suy yếu và Nghị viện nắm rất nhiều quyền[8]. (ii) Bản thân nhánh quyền tư pháp với đại diện là các vị quan tòa cũng biểu lộ những bất cập, đặc biệt là trong hệ thống Thông luật, nơi luật bất thành văn ngự trị. Từ thế kỷ XVIII, Bentham đã đánh giá các quan tòa Anh là “thiên vị, đồi bại và có tính khí thất thường”. Ông đề xướng việc đặt ra luật thành văn rõ ràng để các quan tòa ít phải giải thích luật[9]. Như vậy, có thể thấy rằng, sự chi phối của Nghị viện lên hệ thống cơ quan xét xử là có nguyên nhân sâu xa từ trong lịch sử cũng như chính trị của Anh và đặc biệt là trong bối cảnh đất nước này nổi tiếng với một chế độ đại nghị điển hình. Điều đó vẫn còn được biểu hiện một cách khá rõ nét trong pháp luật Anh đương đại, nhất là trước khi có Đạo luật Cải cách Hiến pháp. Trong đó có một số biểu hiện quan trọng như:
- Trước Đạo luật Cải cách Hiến pháp 2005 và trên thực tế là vào năm 2009, Tòa án tối cao được tích hợp trong Thượng viện (hay Quý tộc viện - House of Lords) với người đứng đầu là Lord Chancellor (Đại chưởng Ấn) và các thành viên được gọi là Law Lords (các Nghị sĩ pháp luật). Khi đó vương quốc Anh không có Tòa án tối cao mà chỉ có Ủy ban Phúc thẩm (Appellate committee) thuộc Thượng viện nắm quyền xét xử.
- Về mặt tổ chức, Đại chưởng ấn vừa là một Thượng nghị sĩ, vừa là một bộ trưởng trong nội các, lại vừa là một thẩm phán đứng đầu các thẩm phán trong Ủy ban Phúc thẩm[10]. Ngoài ra, Đại chưởng ấn còn nắm các vị trí trong giáo hội Anh giáo và văn phòng hoàng gia[11].
- Việc bổ nhiệm thẩm phán trên nguyên tắc là thuộc thẩm quyền của Hoàng đế theo đề xuất của Thủ tướng (đối với thẩm phán Tòa tối cao) và Đại chưởng ấn (đối với thẩm phán Tòa cao cấp) nhưng trong quy trình này, Ủy ban Nội vụ (và sau này là Ủy ban Các vấn đề hiến định) của Hạ viện có quyền thẩm tra việc này thông qua điều trần hoặc các cơ chế báo cáo[12].
- Cả hai viện đều có quyền yêu cầu Hoàng đế loại bỏ một thẩm phán của Tòa cấp cao hoặc Tòa phúc thẩm theo khoản 3 Điều 11 Đạo luật về Tòa án tối cao 1981 với nền tảng có từ Đạo luật về sự chuyển giao 1701. Quyền này cho đến ngày nay vẫn còn được duy trì nhưng thực tế rất ít khi được sử dụng. Riêng ở nước Anh và xứ Wales chưa bao giờ có thẩm phán nào bị bãi nhiệm (trường hợp duy nhất xảy ra vào năm 1830 ở Bắc Ireland)[13].
- Ngân sách của cơ quan xét xử tối cao phải xin trực tiếp từ Thượng viện bởi nó là một bộ phận của Thượng viện. Theo Chris Ballinger, ngân sách dành cho Ủy ban Phúc thẩm khi nó còn thuộc Thượng viện là rất nhỏ và người đứng đầu cơ quan này dường như khó có thể thương lượng một cách rõ ràng về các khoản chi hàng năm[14].
Tuy nhiên, kể từ sau Đạo luật Cải cách Hiến pháp 2005, tính độc lập của Tòa án được nhấn mạnh hơn và sự ảnh hưởng của Nghị viện lên nhánh quyền tư pháp có xu hướng giảm bớt. Theo một tài liệu nghiên cứu của Hạ viện Anh thì nguyên nhân ra đời Đạo luật trên một phần là do yêu cầu phân chia quyền lực được đặt ra tại đoạn 1 Điều 6 Công ước châu Âu về nhân quyền, trong khi đó, luật hiến pháp ở Anh vẫn còn bị đánh giá là “hỗn hợp quyền” chứ không phải phân quyền[15].
Có thể nói, tính độc lập tư pháp được nhắc đi nhắc lại trong Đạo luật này như là một yêu cầu và nhiệm vụ gắn với pháp quyền. Hầu hết cải cách từ Đạo luật đều hướng tới việc bảo vệ tính độc lập tư pháp. Điều này khẳng định sự chuyển đổi rõ rệt về mặt quan niệm của Nhà nước Anh về việc Nghị viện không nên can thiệp quá sâu vào tư pháp. Bản thân nhánh quyền tư pháp có thể tự tồn tại một cách độc lập dựa trên hai nền tảng lớn là tính minh bạch và nguyên tắc hai cấp xét xử. Điều này là đủ để đảm bảo tính đúng đắn của việc vận dụng quyền tư pháp. Ở đây, cần thấy rằng, nguyên tắc hai cấp xét xử là cách thức tự kiểm soát của nhánh quyền tư pháp nhằm đảm bảo tính đúng đắn của hoạt động xét xử. Trong khi đó, tính minh bạch mà Tòa án phải đảm bảo lại phản ánh sự kiểm soát từ bên ngoài, trong đó có cơ chế nghị viện. Vì thế, ở phần tiếp theo, tác giả sẽ làm rõ một số khía cạnh của việc Nghị viện giám sát tư pháp dựa trên những trụ cột lớn, trong đó tập trung vào sự cân bằng giữa tính độc lập của Tòa án với nhu cầu bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan này thông qua hoạt động của Nghị viện.
2. Một số biện pháp giám sát của Nghị viện đối với nhánh quyền lực tư pháp trong pháp luật Vương quốc Anh
2.1. Chế độ báo cáo định kỳ
Điều 54 Đạo luật Cải cách Hiến pháp quy định một cách ngắn gọn về chế độ báo cáo định kỳ hàng năm của Tòa án tối cao. Cụ thể, sớm nhất sau mỗi năm tài chính, Tòa án tối cao phải chuẩn bị một bản báo cáo về các vấn đề của mình trong năm đó và chuyển tới các địa chỉ sau: Đại chưởng ấn (Lord Chancellor) kiêm Bộ trưởng Tư pháp, Thủ tướng Scotland, Thủ tướng Bắc Ireland và Thủ tướng xứ Wales. Đại chưởng ấn sau đó phải chuyển báo cáo này tới cả Thượng viện và Hạ viện. Khi Đạo luật Cải cách Hiến pháp mới ra đời, vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể về nội dung báo cáo này. Người phụ trách về tư pháp trong Thượng viện Anh khi đó chỉ trả lời chung chung rằng, “báo cáo này sẽ gồm những thứ mà chúng ta đang quan tâm”[16]. Cho đến hiện nay, báo cáo thường niên của Tòa án tối cao thường có những nội dung như sau: Tổng quan về sứ mệnh, mục tiêu; báo cáo về sự thay đổi nhân sự (nếu có); báo cáo về công tác xét xử, bao gồm các số liệu và thông tin về một số vụ việc quan trọng được đưa ra xét xử trong năm; báo cáo về công tác quần chúng; báo cáo về công tác đối ngoại; báo cáo về hoạt động hợp tác; Báo cáo về hệ thống quản trị; báo cáo về trách nhiệm; báo cáo về tài chính.
Với một bản báo cáo nội dung tương đối dày (riêng báo cáo năm 2017 có tới 116 trang)[17], các báo cáo thường niên này là một nguồn cung cấp thông tin quan trọng cho Nghị viện và đồng thời cho cả công chúng theo đúng nguyên tắc minh bạch trong hoạt động của Tòa án. Để đảm bảo sự độc lập của Tòa án, đặc biệt sau khi Tòa tối cao tách ra khỏi Thượng viện một cách chính thức từ năm 2009, cơ chế báo cáo đối với Nghị viện có phần giảm bớt sức ép. Trước đó, vào mỗi năm, Ủy ban Phúc thẩm trong Thượng viện phải trình báo cáo để xin cấp ngân sách cho năm tài chính tiếp theo. Cơ chế này được nhận xét là khiến các Thượng nghị sĩ pháp luật bị gò bó trong một thủ tục nghị viện cổ hủ[18]. Ngày nay, kinh phí của Tòa án tối cao không phải trực tiếp xin từ Nghị viện mà được hình thành từ các nguồn sau[19]: Nguồn cung từ Bộ Tư pháp; tiền án phí và các khoản tài trợ từ chính quyền Scotland, Bắc Ireland; tiền cho thuê nhà, bán đồ lưu niệm, tiệm cà phê của Tòa án tối cao.
Nói chung, nguồn thu quan trọng và chủ yếu nhất của Tòa án tối cao vương quốc Anh đến từ Chính phủ mà đại diện là Bộ Tư pháp. Theo một Bản ghi nhớ giữa Bộ Tư pháp và Tòa án tối cao năm 2013[20], về vấn đề tài chính, Tòa án tối cao sẽ ước tính một khoản kinh phí cần thiết và thảo luận về định mức này với Bộ Ngân khố cũng như Bộ Tư pháp sau khi đã đệ trình cho Đại chưởng ấn. Sau khi cả hai cơ quan này kiểm tra kỹ lưỡng về tính đúng đắn của định mức kinh phí trên, Bộ Ngân khố sẽ đưa nó vào tổng dự tính chi hàng năm của Chính phủ để trình Hạ viện theo khoản 4 Điều 6 Đạo luật về Kinh phí và nguồn lực của Chính phủ năm 2000[21]. Như vậy, chúng ta có thể thấy phần nào sự phụ thuộc giữa Tòa án tối cao vào Nghị viện tuy đã giảm bớt, từ việc phải xin kinh phí hoạt động trực tiếp từ Nghị viện thì nay khoản tiền này đã nằm trong tổng dự toán kinh phí của Chính phủ. Tuy nhiên, vai trò của Nghị viện cũng không mất đi hoàn toàn. Trong một báo cáo của Ủy ban về các vấn đề hiến định của Hạ viện[22], cơ quan này cho biết, nếu cần thiết, Nghị viện có thể tổ chức những phiên điều trần liên quan đến vấn đề nhu cầu hỗ trợ tài chính của Tòa án. Và theo họ, các bản báo cáo công tác thường niên sẽ tạo cơ hội đối thoại giữa Tòa án và Nghị viện, đặc biệt là trong các vấn đề mang tính xây dựng như ngân sách.
Chế độ báo cáo định kỳ có ý nghĩa rất quan trọng trong mối liên hệ giữa Tòa án và Nghị viện. Mặc dù vậy, xu hướng ngày nay cho thấy, các báo cáo định kỳ hàng năm của Tòa án chủ yếu hướng tới công chúng nhằm nâng cao tính minh bạch tư pháp. Dù sao, đây cũng là một cơ sở quan trọng để Nghị viện có thể thi hành vai trò giám sát tư pháp của mình, đặc biệt là trên lĩnh vực ngân sách.
2.2. Cơ chế giám sát thực thi pháp luật
Với tư cách là cơ quan lập pháp, Nghị viện Anh thường xuyên thực hiện các hoạt động giám sát việc thực thi những sản phẩm lập pháp của mình, hay còn gọi là giám sát hậu lập pháp (Post-legislative Scrutiny). Ở Anh, việc giám sát thực thi pháp luật không có một cơ sở pháp lý ở tầm đạo luật mà chủ yếu biểu hiện thông qua các hoạt động cụ thể của các Ủy ban của cả hai viện. Hoạt động này được khởi động và hoàn thiện dần qua các năm gần đây. Trong một tài liệu nghiên cứu được thực hiện bởi Bộ Tư pháp[23], lý do của việc tiến hành các hoạt động giám sát thực thi pháp luật này bao gồm: (i) Quy định tốt hơn; (ii) Tập trung vào quá trình thực thi; (iii) Hiệu quả của các chính sách; (iv) Chính sách tốt; (v) Chất lượng lập pháp. Thực tế cho thấy, phần lớn các hoạt động giám sát thực thi pháp luật chú trọng vào hoạt động của cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Nghị viện có thể tham khảo các cách tiếp cận của Tòa án trong nhũng vụ việc cụ thể. Một ví dụ điển hình là từ năm 2006, một Ủy ban kết hợp giữa Hạ viện và Thượng viện về nhân quyền đã thực hiện những nghiên cứu giám sát để tìm hiểu cách tiếp cận của Tòa án trong việc định nghĩa khái niệm “thẩm quyền công” và “chức năng của một thực thể công”[24]. Sau cuộc giám sát, Ủy ban trên đã kết luận rằng, những phán quyết và lập luận của Tòa án đã co hẹp những khái niệm kia hơn mục đích ban đầu của Nghị viện. Nói chung, thông qua việc giám sát thực thi pháp luật mà trong trường hợp này là tìm hiểu quan điểm của Tòa án, Nghị viện có thể xem xét tới những sự giải thích tư pháp và đối chiếu nó với quan điểm lập pháp của mình để hướng tới việc dung hòa và làm rõ hơn những vấn đề pháp lý liên quan. Đây cũng được đánh giá như một cơ chế đối thoại mang tính chất xây dựng giữa Nghị viện và Tòa án[25]. Mặc dù Nghị viện không thể can thiệp trực tiếp vào bản án nhưng thông qua giám sát thực thi pháp luật việc áp dụng pháp luật có thể thống nhất hơn.
Theo Franklin De Vieze, hoạt động giám sát thực thi pháp luật của Nghị viện được thực hiện dựa trên nhiều nguyên lý khác nhau[26]. Trong số đó, giám sát thực thi pháp luật xem xét tới ảnh hưởng của một đạo luật tới toàn thể xã hội, không chỉ thể hiện ở các quy định của pháp luật mà còn ở cách Tòa án giải thích, cách người dân vận dụng quy định của pháp luật. Như vậy, cách tiếp cận, giải thích và vận dụng pháp luật của Tòa án là một nguồn quan trọng cho hoạt động giám sát thực thi pháp luật.
Xét trên một phương diện nhất định, sự giám sát thực thi pháp luật của Nghị viện cũng là cách thức để phần nào nâng cao tính minh bạch của Tòa án thông qua việc giảm thiểu những mâu thuẫn trong cách giải thích pháp luật với dụng ý của nhà làm luật. Các kết luận giám sát thực thi pháp luật của Nghị viện chỉ có tính tham khảo mà không làm thay đổi kết quả bản án. Đây là điểm mà cơ chế này dừng lại ở việc cân bằng giữa tính độc lập tư pháp và phát huy sự minh bạch của Tòa án.
2.3. Vai trò của các Ủy ban
Nhìn chung, trong cơ chế Nghị viện, các Ủy ban có vai trò rất quan trọng trong hầu hết công việc, từ làm luật cho đến giám sát. Ở Anh, trong giai đoạn đầu hình thức toàn bộ nghị sĩ cùng họp (hay còn gọi là Ủy ban toàn viện) là chủ yếu nhưng dần dần đã bị thay thế vai trò bởi các Ủy ban thường trực vì cơ chế toàn viện vừa lâu đời lại quá ư cồng kềnh[27]. Hiện nay, vai trò của các Ủy ban, đặc biệt là các Ủy ban làm việc về các vấn đề liên quan tới Hiến pháp, tư pháp, nhân quyền... trong việc giám sát hoạt động tư pháp là khá tích cực. Cụ thể, các thẩm phán có thể được yêu cầu phải trình bày dưới hình thức các phiên điều trần trước các Ủy ban của Nghị viện. Về cơ bản, các Ủy ban có thể đặt vấn đề với các thẩm phán về hệ thống quản trị hay cách thức vận hành của Tòa án. Tuy nhiên, việc thảo luận về các vấn đề bên ngoài cũng được chấp nhận. Chẳng hạn, đã có những thẩm phán được yêu cầu trình bày quan điểm về các vấn đề pháp lý rộng hơn như công dụng của luật so sánh, sự phân biệt giữa Điều 3 và Điều 4 của Đạo luật Nhân quyền hay sự giải thích phán quyết của vụ Pepper v. Hart[28]. Về mặt lịch sử, trước nửa cuối của thế kỷ 20 thì gần như không có một thẩm phán nào phải xuất hiện trước các Ủy ban của Nghị viện[29]. Tuy nhiên, về sau, việc các thẩm phán phải điều trần trước Nghị viện được trở nên ưa thích và được coi như là một cách tạo sự gắn kết giữa nhánh tư pháp và lập pháp. Hơn thế, nó cũng là một cách để giúp hoạt động của Tòa án minh bạch hơn. Theo một nghiên cứu, kể từ khi Đạo luật Cải cách hiến pháp có hiệu lực cho đến năm 2014, đã có 120 lần thẩm phán đương nhiệm xuất hiện trước các Ủy ban của Nghị viện[30]. Bản thân Ban Thực thi tư pháp (Judicial Executive Board), một cơ chế thuộc Tòa án tối cao đã ban hành một văn bản hướng dẫn cho các thẩm phán khi ra điều trần trước các Ủy ban của Nghị viện[31]. Theo văn bản này, nếu một thẩm phán được yêu cầu phải trình bày trước một Ủy ban nào đó, yêu cầu phải được thông qua văn phòng vị Chánh Tư pháp (Lord Chief Justice)[32]. Ngoại lệ cho việc tham dự một phiên điều trần như vậy là khi nội dung có liên hệ tới những vụ việc đã có hiệu lực pháp lý khi thảo luận về những nguyên tắc chung của pháp luật.
Ví dụ, một phiên điều trần gần đây nhất mà hai thẩm phán đứng đầu của Tòa án tối cao đã ra trước Ủy ban của Nghị viện, đó là cuộc điều trần ngày 21/3/2018 tại Ủy ban Hiến pháp Thượng viện[33]. Các vấn đề được thảo luận hôm đó bao gồm:
- Những thách thức nào mà Brexit đặt ra cho hệ thống Tòa án, để đối phó thì cần những bước nào?
- Tòa tối cao đang tuyển thêm thẩm phán, những điều gì cần làm để thu hút thêm một diện đa dạng hơn những ứng cử viên?
- Trách nhiệm của Tòa án tối cao trước Nghị viện là thế nào? Liệu mối liên hệ giữa Tòa án tối cao và Nghị viện có nên tăng cường không?
Nhìn chung, các câu hỏi được đưa ra đều xoay quanh các vấn đề lớn của Tòa án, trong đó có nhiều vấn đề mang tính chất thời sự. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Nghị viện tới hệ thống Tòa án là rất rõ ràng. Mục đích hướng tới của hoạt động này, theo tác giả, không chỉ dừng lại ở việc tạo thêm những liên hệ sâu hơn giữa Nghị viện với Tòa án mà còn chính là ở chỗ thúc đẩy thêm sự minh bạch của Tòa án. Chính những trao đổi công khai và liên tục với Nghị viện sẽ giúp Tòa án tránh rơi vào tình trạng khép kín và cô lập bởi một trong những ý nghĩa quan trọng của điều trần chính là nâng cao tính minh bạch của các cơ quan nhà nước đồng thời hỗ trợ cho việc thực hiện chức năng giám sát của cơ quan dân cử[34].
Nói chung, các Ủy ban của Nghị viện tránh can thiệp sâu vào hoạt động xét xử của Tòa án. Vậy nên nội dung của các cuộc điều trần như vậy luôn cần tránh sa đà vào các vụ việc cụ thể hay đòi hỏi thẩm phán thay đổi quan điểm của mình. Đó chính là điểm cân bằng giữa tính minh bạch và tính độc lập của Tòa án.
3. Kết luận và hàm ý tới Việt Nam
Thông qua các nội dung vừa được trình bày, cả trên phương diện lịch sử, chính trị lẫn trên phương diện thực tiễn, có thể thấy một điều rất đáng phải rút ra đó là nước Anh đã và đang thiết lập một cơ chế giám sát của Nghị viện tới Tòa án theo hướng cân bằng giữa hai yếu tố cần thiết cho hệ thống Tòa án, đó là tính minh bạch và tính độc lập. Một mặt, Tòa án phải được hoạt động một cách độc lập nhằm đảm bảo sự vô tư, khách quan trong xét xử. Mặt khác, các hoạt động của Tòa án phải được minh bạch nhằm và chịu sự giám sát từ người dân[35]. Vậy, có một vấn đề đặt ra là liệu Tòa án có bị ảnh hưởng bởi các ý kiến bên ngoài, từ cả công chúng lẫn các cơ quan nhà nước khác khi mọi hoạt động của Tòa án đều bị đưa ra “soi mói” một cách công khai hay không? Tính độc lập của Tòa án có bị ảnh hưởng không nếu cơ quan này vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận? Theo tác giả, đó chính là mâu thuẫn giữa việc Tòa án vừa phải độc lập lại vừa phải minh bạch.
Độc lập không có nghĩa là tự cô lập và minh bạch không có nghĩa là phải chạy theo quần chúng. Vấn đề là phải cân bằng được hai yếu tố trên và nước Anh là một ví dụ điển hình cho điều đó. Hệ thống Tòa án Anh đã thoát ra khỏi Nghị viện về cả cơ cấu tổ chức lẫn một quy trình lựa chọn thẩm phán độc lập hơn. Tuy vậy, Nghị viện Anh vẫn đòi hỏi Tòa án phải minh bạch hơn thông qua những góc độ cụ thể mà tác giả đã trình bày, bao gồm:
- Chế độ báo cáo thường niên;
- Giám sát thực thi pháp luật;
- Điều trần trước các Ủy ban.
Trong mỗi hoạt động đó, yếu tố trung tâm mà Nghị viện Anh hướng tới là làm sao để Nghị viện “hiểu” Tòa án hơn là để Nghị viện “chỉ huy” Tòa án. Với vai trò là cơ quan dân cử, thiết nghĩ, các hoạt động đó của Nghị viện cũng chính là cầu nối để đưa Tòa án gần với công chúng hơn. Ở Việt Nam, chúng ta cần định hình được mục đích của mình trong công cuộc cải cách tư pháp là gì, đặc biệt là khi hệ thống Tòa án còn đang yếu cả về tính độc lập lẫn minh bạch.
Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội
Xem: Montesquieu, Tinh thần pháp luật, Hoàng Thanh Đạm dịch, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2018, tr. 148, 149.
77/HC 410); Seventh Report of Session 2003–04, The Meaning of Public Authority under the Human Rights
Act (HL Paper 39/HC 382).
para 420.
https://www.judiciary.uk/wp-content/uploads/JCO/Documents/Guidance/select_committee_guidance.pdf.