Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Căn cứ theo quy định trên thì hợp đồng mẫu có những điểm bất lợi nhất định cho người được đề nghị ký hợp đồng mẫu. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dự liệu được các vấn đề trên nên có những quy định giảm thiểu rủi ro cho bên được đề nghị ký kết hợp đồng theo mẫu. Bài viết này phân tích quá trình giao kết hợp đồng theo mẫu thông qua các yếu tố về chủ thể, nguyên tắc giao kết và trình tự giao kết, từ đó, làm nổi bật những đặc trưng cơ bản của hợp đồng theo mẫu so với các hợp đồng thông thường.
1. Chủ thể giao kết hợp đồng theo mẫu
1.1. Bên đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu
Đặc trưng cơ bản của hợp đồng theo mẫu đó là tính áp dụng nhiều lần cho số lượng lớn các chủ thể khác nhau, do vậy, bên đề nghị giao kết phải là bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách chuyên nghiệp. Bên đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu có thể là cá nhân hoặc tổ chức, miễn sao bảo đảm được yếu tố về năng lực chủ thể để cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách chuyên nghiệp đến cho khách hàng. Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: (a) Thương nhân theo quy định của Luật Thương mại; (b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”. Tuy nhiên, quy định nêu trên bỏ sót các pháp nhân phi thương mại như các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc các doanh nghiệp xã hội khi đây cũng là những đơn vị thường xuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Về điểm này, chúng ta có thể học hỏi thêm Bộ luật Tiêu dùng Cộng hòa Pháp về “bên chuyên nghiệp”, theo đó: “Bên chuyên nghiệp là bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân công hay tư thực hiện các hoạt động cho các mục đích thuộc phạm vi hoạt động thương mại, công nghiệp, nghề tự do hoặc nông nghiệp, kể cả khi thực hiện hoạt động nhân danh hoặc dưới danh nghĩa một bên chuyên nghiệp khác”[1].
Một đặc điểm khác là bên đề nghị giao kết có lợi thế về mặt thông tin khi giao kết hợp đồng do họ có kỹ năng, có kinh nghiệm, có chuyên môn sâu về lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ cung cấp và nắm bắt thông tin vượt trội so với bên còn lại. Đồng thời, khi số lượng các giao dịch mà bên đề nghị giao kết thực hiện là rất lớn, nên chi phí bỏ ra cho từng giao dịch sẽ trở nên thấp hơn, từ đó, tạo ra điều kiện về tài chính cho bên đề nghị giao kết tiếp tục đầu tư vào hoạt động nghiên cứu để có thêm thông tin phục vụ cho các giao dịch. Bên cạnh đó, do có sự mất cân bằng giữa cung và cầu trong các giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có sử dụng hợp đồng theo mẫu, bởi nhiều lĩnh vực áp dụng hợp đồng theo mẫu là những lĩnh vực thiết yếu, cơ bản, nên một số doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực đó có lợi thế về sự cạnh tranh, thậm chí là độc quyền trong khi khách hàng không thể không sử dụng những hàng hóa, dịch vụ này. Cả hai điểm trên tạo ra vị thế áp đảo rõ ràng của bên đề nghị giao kết hợp đồng so với bên còn lại và đây là cơ sở cho việc áp đặt các nội dung của hợp đồng theo mẫu lên ý chí của họ.
1.2. Bên được đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu
Chủ thể được đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu chính là người tiêu dùng, là chủ thể thường xuyên và phổ biến nhất do loại hợp đồng này được sinh ra để áp dụng cho số lượng lớn người tiêu dùng khi tham gia vào các quan hệ mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng là “người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Theo Điều 2 Chỉ thị số 93/13/EEC về các điều khoản bất công bằng của Hội đồng Châu Âu, người tiêu dùng phải là con người tự nhiên. Bộ luật Tiêu dùng của Cộng hòa Pháp đưa ra khái niệm: “Người tiêu dùng là bất kỳ cá nhân nào thực hiện các hoạt động cho các mục đích không thuộc về hoạt động thương mại, công nghiệp, thủ công, nghề tự do hoặc nông nghiệp của chính người đó”[2]. Bên cạnh đó, Bộ luật này còn đưa ra khái niệm về “bên không chuyên nghiệp” để ghi nhận các pháp nhân giao kết hợp đồng vì mục đích tiêu dùng, bản thân các pháp nhân này cũng nhận được sự bảo vệ của pháp luật tương tự như đối với người tiêu dùng.
Tóm lại, mặc dù còn nhiều góc nhìn khác nhau về người tiêu dùng là cá nhân hay tổ chức, nhưng dưới góc độ là chủ thể được đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu thì đã là người tiêu dùng, dù là cá nhân hay tổ chức, cũng sẽ đều có vị thế thương lượng thấp hơn so với bên đề nghị giao kết.
2. Nguyên tắc giao kết hợp đồng theo mẫu
Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định riêng về nguyên tắc giao kết hợp đồng mà việc giao kết hợp đồng nói chung phải tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều 3, bao gồm: Nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; nguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc tôn trọng lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; nguyên tắc tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, hợp đồng theo mẫu là một loại hợp đồng đặc biệt với những đặc trưng riêng và trong số những nguyên tắc cơ bản nêu trên thì có hai nguyên tắc bị hạn chế khi giao kết hợp đồng theo mẫu, đó là:
(i) Nguyên tắc tự do ý chí là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong hệ thống luật hợp đồng. Trong giao kết hợp đồng, nguyên tắc tự do ý chí được thể hiện ở các khía cạnh như: Tự do quyết định việc có tham gia giao kết hợp đồng hay không; tự do lựa chọn loại hợp đồng sẽ giao kết; tự do lựa chọn đối tác sẽ giao kết; tự do thỏa thuận về các nội dung của hợp đồng; và tự do lựa chọn hình thức của hợp đồng. Tuy nhiên, khi các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng theo mẫu, việc giao kết hợp đồng ảnh hưởng đến nguyên tắc tự do hợp đồng như sau:
- Việc giao kết hợp đồng theo mẫu cho bên được đề nghị giao kết quyền quyết định có tham gia giao kết hay không. Điều này được thể hiện ở bản chất của hợp đồng theo mẫu, đó là “chấp nhận toàn bộ hoặc từ chối giao kết”. Nếu chủ thể được đề nghị cảm thấy nội dung của hợp đồng không phù hợp với các nguyện vọng và mong muốn của mình, họ có thể chọn cách từ chối giao kết hợp đồng mà không ai có quyền ngăn cản hay ép buộc họ phải giao kết.
- Việc giao kết hợp đồng theo mẫu bảo đảm sự tự do lựa chọn loại hợp đồng sẽ giao kết. Tự do lựa chọn loại hợp đồng giao kết được hiểu là các chủ thể mong muốn tham gia vào lĩnh vực nào, muốn được cung cấp loại hàng hóa, dịch vụ ra sao, lựa chọn loại hợp đồng mua bán, tặng cho, thuê, vay hay dịch vụ... là quyền của các chủ thể. Việc giao kết hợp đồng theo mẫu không can thiệp vào ý chí của chủ thể trong những trường hợp này, vì khi cân nhắc giao kết hợp đồng theo mẫu, tức là các chủ thể đã lựa chọn được loại hàng hóa, dịch vụ muốn sử dụng và cách thức cung cấp các hàng hóa, dịch vụ đó.
- Việc giao kết hợp đồng theo mẫu bảo đảm quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết. Tuy nhiên, quyền tự do lựa chọn này phụ thuộc vào lĩnh vực tham gia cũng như loại hàng hóa, dịch vụ các bên mong muốn sử dụng. Có những lĩnh vực chỉ có một nhà cung cấp độc quyền như điện, nước, đường sắt, thì người tiêu dùng hay bên được đề nghị giao kết dù muốn hay không, cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất mà thôi. Có những trường hợp mặc dù không có sự độc quyền nhưng những nhà sản xuất, nhà cung cấp chiếm thị phần lớn trên thị trường đã bắt tay cùng nhau để cùng nhau phân chia thị trường, tạo ra sự độc quyền theo nhóm. Trong trường hợp này, mặc dù bên được đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu có thể lựa chọn nhà cung cấp khác, song không chắc lợi ích của mình sẽ được đảm bảo.
- Việc giao kết hợp đồng theo mẫu không cho phép sự tự do thỏa thuận các nội dung hợp đồng. Đây là đặc trưng của hợp đồng theo mẫu khác biệt hoàn toàn so với những hợp đồng thông thường. Hợp đồng theo mẫu do bên đề nghị giao kết chuẩn bị, đưa ra và bên còn lại không được thỏa thuận mà chỉ có thể chấp nhận giao kết hoặc từ chối giao kết. Điều này xuất phát từ lý do số lượng người tham gia hợp đồng theo mẫu là vô cùng lớn, nên bên đề nghị giao kết không có đủ nhân lực, chi phí, thời gian để đàm phán, thương lượng với từng khách hàng đơn lẻ. Bởi vậy, nội dung hợp đồng được tiêu chuẩn hóa theo mẫu để giao kết với nhiều khách hàng trên cùng một nội dung giống nhau. Tuy nhiên, sự tiêu chuẩn hóa này cũng chịu sự kiểm soát về nội dung của pháp luật...
- Việc giao kết hợp đồng theo mẫu không cho phép tự do lựa chọn hình thức của hợp đồng. Mặc dù hình thức chỉ là sự thể hiện ra bên ngoài của nội dung, nhưng hình thức phải phù hợp để bảo đảm an toàn về mặt pháp lý cũng như bảo đảm quyền lợi cho các bên, đồng thời hình thức cũng là sự kiểm soát của Nhà nước để đảm bảo bên đề nghị giao kết không lợi dụng hình thức để gây khó khăn cho việc giao kết hợp đồng theo mẫu của bên còn lại.
(ii) Nguyên tắc bình đẳng cũng là nguyên tắc bị hạn chế trong việc giao kết hợp đồng theo mẫu, thể hiện ở các khía cạnh sau:
- Các bên khi giao kết hợp đồng theo mẫu không có sự bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin có liên quan đến hợp đồng. Điều này được thể hiện ở chỗ, bên đề nghị giao kết thường là những doanh nghiệp lớn, được cơ cấu, tổ chức vô cùng chặt chẽ, đảm bảo được hoạt động là cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, người tiêu dùng không có điều kiện chuyên sâu để tìm hiểu từng nội dung về hợp đồng nói chung và sản phẩm, hàng hóa. Ngoài ra, tâm lý của người tiêu dùng cũng cho rằng, chỉ thực hiện giao dịch một lần duy nhất, nên không có động lực để tìm hiểu thông tin, rất ít người chịu khó đọc khi ký kết các hợp đồng theo mẫu.
- Các bên giao kết hợp đồng theo mẫu không có sự bình đẳng trong việc soạn thảo nội dung hợp đồng. Điều này một phần xuất phát từ sự bất bình đẳng về thông tin, thêm vào đó, hợp đồng theo mẫu lại là loại hợp đồng hàng loạt, sử dụng cho số lượng lớn, nên việc để đối tác soạn thảo sẽ dẫn đến việc hai bên phải tiếp tục quá trình đàm phán, thương thảo rồi mới đi đến giao kết hợp đồng. Điều này hoàn toàn trái với bản chất của hợp đồng theo mẫu vì xuất phát từ sự hạn chế về thời gian, nhân lực và chi phí thì hợp đồng theo mẫu mới được sinh ra để một lần soạn thảo cho nhiều lần sử dụng, chứ không thể trao đổi, thỏa thuận với từng chủ thể. Do vậy, pháp luật đã trao quyền được soạn thảo nội dung hợp đồng cho bên đề nghị giao kết, tuy nhiên, bên đề nghị cũng phải chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm không lạm dụng quyền của mình mà gây bất lợi cho bên được đề nghị giao kết.
3. Trình tự giao kết hợp đồng theo mẫu
3.1. Đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu
Quá trình giao kết hợp đồng nói chung bao giờ cũng được bắt đầu bởi một bên khi bên này đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng để thể hiện ý chí của mình về việc mong muốn giao kết hợp đồng cùng bên còn lại với những nội dung cụ thể. Đối với đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu, một điểm đặc biệt là nội dung đề nghị giao kết chính là nội dung của một hợp đồng gần như hoàn chỉnh với đầy đủ các điều khoản chứ không chỉ là những nội dung tối thiểu thể hiện ý định giao kết hợp đồng như các đề nghị giao kết hợp đồng thông thường. Đối với hợp đồng theo mẫu, không tồn tại quá trình thương thảo giữa các bên, mà nội dung đề nghị giao kết cũng gần như là phiên bản cuối cùng để bên còn lại, nếu chấp nhận giao kết, sẽ tiến hành ký kết hợp đồng luôn. Các điều khoản hợp đồng đã được soạn thảo sẵn bởi bên đề nghị giao kết, bên được đề nghị không thể thay đổi hoặc bổ sung, trừ việc cụ thể hóa một số điều khoản liên quan đến các thông tin cá nhân của bên được đề nghị.
Nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu hay nội dung của hợp đồng theo mẫu sẽ phải được công khai, thông báo cho bên được đề nghị trước khi giao kết hợp đồng. Điều này được quy định chung đối với hợp đồng tại khoản 1 Điều 387 Bộ luật Dân sự khi “trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết”, quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự khi “hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng”... Khoản 6 Điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ “thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch”. Khoản 4 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng cũng ghi nhận: “Trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thực hiện: (a) Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng; (b) Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin”. Việc công khai các nội dung của hợp đồng theo mẫu cho bên còn lại là vô cùng quan trọng và cần thiết để bên được đề nghị giao kết có cơ sở nắm bắt các thông tin trong hợp đồng, từ đó, cân nhắc việc có chấp nhận giao kết hợp đồng hay từ chối giao kết hợp đồng. Đồng thời, cả Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều có quy định thêm về việc phải dành thời gian hợp lý để bên còn lại nghiên cứu về hợp đồng trước khi đưa ra quyết định về giao kết hợp đồng theo mẫu.
3.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu
Quá trình giao kết hợp đồng theo mẫu kết thúc khi bên được đề nghị trả lời yêu cầu giao kết hợp đồng của bên đề nghị. Việc trả lời này có thể dẫn đến một trong hai hậu quả: Chấp nhận đề nghị giao kết hoặc từ chối đề nghị giao kết.
Khi bên được đề nghị từ chối đề nghị giao kết, lúc này hợp đồng không được hình thành do ý chí của các bên không gặp nhau, không thống nhất với nhau về các nội dung của hợp đồng. Còn nếu như bên được đề nghị chấp nhận đề nghị giao kết, hợp đồng sẽ được hình thành. Việc chấp nhận đề nghị giao kết ở đây được hiểu là bên được đề nghị sẽ phải chấp nhận toàn bộ các nội dung mà bên đề nghị đưa ra mà không được chỉnh sửa, bổ sung bất cứ điều gì. Nếu như trong giao kết hợp đồng thông thường, việc một bên điều chỉnh nội dung đề nghị giao kết của bên kia sẽ dẫn đến đảo ngược vai trò của các bên khi bên được đề nghị trở thành bên đề nghị, liên tục như vậy khi quá trình đàm phán diễn ra. Quá trình giao kết hợp đồng theo mẫu không có sự thay đổi vai trò, việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trong hợp đồng theo mẫu không phải là kết quả cuối cùng sau nhiều lần trao đi đổi lại giữa các bên, mà chỉ diễn ra sau một hoạt động đưa ra đề nghị giao kết duy nhất của bên đề nghị.
Việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu cũng phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định thông qua lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Do hợp đồng theo mẫu có tính chất hàng loạt với số lượng lớn, mọi thứ đều theo một quy trình được tiêu chuẩn hóa và áp dụng giống nhau giữa các chủ thể. Vì vậy, im lặng không được xem là sự chấp nhận đối với trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Điều 1 Bộ luật Tiêu dùng Cộng hòa Pháp (sửa đổi năm 2016).
[2]. Điều 1 Bộ luật Tiêu dùng Cộng hòa Pháp (sửa đổi năm 2016).