Ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật Tiếp cận thông tin ra đời đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân. Về nguyên tắc, mọi công dân đều có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng, không bị phân biệt đối xử[1]. Nhằm thể hiện nguyên tắc bình đẳng, không bị phân biệt đối xử đó, Luật Tiếp cận thông tin quy định Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin[2].
Để triển khai thực hiện hiệu quả, thống nhất Luật Tiếp cận thông tin, ngày 23/01/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin (Nghị định số 13/2018/NĐ-CP). Một trong những nội dung của Nghị định số 13/2018/NĐ-CP là quy định chi tiết các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin (Điều 3). Bàn về quy định này, tác giả có một số đánh giá, góp ý hoàn thiện một số quy định pháp luật liên quan các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin:
- Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận các quyền con người là tự nhiên, vốn có, chứ không phải là sự trao quyền của cơ quan công quyền. Nhà nước phải ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện, không phân biệt đẳng cấp, màu da, giới tính… Hiến pháp quy định “mọi người có quyền…”, “công dân có quyền…” và Nhà nước có trách nhiệm trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền này. Vì vậy, thay vì quy định “công dân có quyền… được thông tin” (như Điều 69 Hiến pháp năm 1992) thì Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân có quyền… tiếp cận thông tin”[3]. Nhà nước có trách nhiệm ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trong đó, có quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật. Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin xác định cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và nhận được. Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin lại quy định “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi” để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Việc quy định “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi” đã nâng cao vị thế của cơ quan nhà nước từ chủ thể “phải có trách nhiệm” sang chủ thể có quyền “tạo điều kiện”, tức là Nhà nước có những quyền năng, ưu thế vượt trội của mình để tạo ra các yếu tố hay nói cách khác người khuyết tật phải “nhờ” Nhà nước đưa ra các yếu tố cần thiết để thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Điều đó như cách “nói giảm nói tránh” trách nhiệm của Nhà nước, có thể dẫn đến nạn hách dịch, cửa quyền, quan liêu, xa dân. Bệnh quan liêu, xa dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của đất nước mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và địa phương ngày 02/7/2018[4]. Quy định đó cũng không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Chính vì thế, trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật, chủ thể có thẩm quyền phải quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung và tinh thần của Luật Tiếp cận thông tin một cách mạnh mẽ, quyết đoán rằng, việc cung cấp thông tin là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Việc bảo đảm quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử khi tiếp cận thông tin là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải thực hiện và thực hiện chính xác, đầy đủ, hiệu quả. Chính phủ phải là chủ thể có trách nhiệm kiến tạo những điều kiện tốt nhất để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Chính sách đối với người khuyết tật cần thay đổi theo hướng tới sự hòa nhập của người khuyết tật trong xã hội, làm cho họ trở thành chủ thể của luật pháp với các quyền được xác định rõ ràng. Người khuyết tật không phải là đặc điểm cá nhân bị khiếm khuyết mà là kết quả của sự tương tác giữa người đó với môi trường xung quanh[5]. Ví dụ, một người ngồi trên xe lăn có thể gặp khó khăn tiếp cận thông tin công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú, không phải là do điều kiện của người đó mà là do các rào cản như công trình giao thông từ nơi ở đến nơi có thông tin không thuận lợi, từ đó, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc phải tạo mọi điều kiện, áp dụng đa dạng các hình thức công khai thông tin phù hợp với người khuyết tật khi cung cấp thông tin.
- Thứ hai, chính vì Luật Tiếp cận thông tin quy định “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi” để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin, dẫn đến việc Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin phải phụ thuộc vào điều kiện thực tế của cơ quan cung cấp thông tin (Điều 3). Điều đó làm cho hầu như tất cả các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền của người khuyết tật nói chung và quyền tiếp cận thông tin nói riêng đều muốn vin vào khả năng điều kiện thực tế của mình để từ chối người khuyết tật[6]. Mặt khác, ý thức pháp luật của xã hội nói chung, của đội ngũ cán bộ công chức nói riêng còn thấp, chưa ngang tầm với đòi hỏi của quản lý nhà nước bằng pháp luật, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền[7]. Đó sẽ là những rào cản trì hoãn quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật. Do đó, pháp luật cần quy định theo hướng mở rộng, tăng cường trách nhiệm bảo đảm quyền để tránh tình trạng các cơ quan cung cấp thông tin vin vào khả năng điều kiện thực tế của mình để từ chối quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật. Phải lấy các tiêu chuẩn tiên tiến về tiếp cận thông tin của người khuyết tật làm yêu cầu bắt buộc đối với chủ thể có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật[8].
- Thứ ba, điểm a khoản 1 Điều 34 Luật Tiếp cận thông tin đã quy định một trong những trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin, đó là phải công khai, cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ. Điều đó có nghĩa là mọi thông tin mà cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai và những thông tin mà công dân yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thì cơ quan nhà nước phải kịp thời công khai, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, không phân biệt loại thông tin. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP lại quy định “thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức cung cấp thông tin thuận lợi cho người khuyết tật”. Điều đó có thể hiểu những thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật thì cơ quan nhà nước mới phải có trách nhiệm kịp thời công bố công khai, còn những thông tin khác thì có thể có ngoại lệ (không kịp thời công khai). Như vậy, có thể nhận thấy quy định tại Nghị định số 13/2018/NĐ-CP hướng dẫn chưa phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Hơn nữa, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP cũng không quy định rõ ràng, cụ thể những thông tin nào là thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật và khi áp dụng sẽ dẫn đến sự tùy tiện, thậm chí sẽ là “cớ rào cản” đến trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, thiết nghĩ: (i) Để cụ thể quy định tại Nghị định số 13/2018/NĐ-CP thì thông tư hướng dẫn nên quy định cụ thể các loại thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật; (ii) Hoặc không nên quy định, hướng dẫn thêm nội dung này nữa trong thông tư tránh trường hợp chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất về một nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo tác giả, tốt nhất là không nên quy định hay hướng dẫn thêm nội dung này nữa, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất về một nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật
- Thứ tư, để quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật được thực hiện hiệu quả trên thực tế, thì cần phải có những hình thức cung cấp thông tin phù hợp với khả năng của người khuyết tật trên cơ sở căn cứ, dựa vào từng dạng tật, mức độ khuyết tật của người khuyết tật. Hiện nay, theo quy định, người khuyết tật có các dạng tật: Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác[9] và người khuyết tật có 03 mức độ khuyết tật: Người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng và người khuyết tật nhẹ[10]. Trên tinh thần đó, luật quy định: “Đối với đối tượng là người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước xác định hình thức công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân”[11]. Trong khi đó, có 06 hình thức công khai thông tin được quy định trong luật bao gồm: Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật; các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định[12]. Mặc dù, Luật Tiếp cận thông tin đã quy định các cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin theo các hình thức khác để nhằm mang tính dự báo, cũng như đảm bảo cho các hình thức khác ngoài Luật Tiếp cận thông tin phát sinh cũng có hiệu lực. Tuy nhiên, ngoài việc quy định các hình thức công khai thông tin chung, văn bản hướng dẫn cần quy định cụ thể hơn nữa, căn cứ vào mỗi dạng tật, mức độ khuyết tật nhằm đảm bảo nguyên tắc dựa trên nhu cầu hợp pháp, tức là coi mục tiêu thỏa mãn nhu cầu được biết của người khuyết tật là yêu cầu đối với các chủ thể có trách nhiệm cung cấp hoặc công khai thông tin[13].
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật và điều kiện thực tiễn, tác giả có đề xuất một số hình thức cung cấp thông tin cho người khuyết tật, bao gồm:
(i) Người khuyết tật thường sống cách biệt trong những trung tâm chăm sóc hoặc những trường học dành cho người khuyết tật[14]. Do đó, trước mắt, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin có thể công khai thông tin liên quan đến người khuyết tật ở những trung tâm chăm sóc, trường học dành riêng cho người khuyết tật. Đây là nơi tập trung người khuyết tật, cũng có những lớp chuyên biệt của người khuyết tật, nên có thể giảm thiểu những chi phí phát sinh liên quan đến cung cấp thông tin nếu so với việc cung cấp thông tin đơn lẻ, hiệu quả công khai thông tin cũng cao hơn so với công khai đại trà nhiều đối tượng.
(ii) Công khai thông tin thông qua các tổ chức xã hội về người khuyết tật. Bởi vì, trên thế giới, người khuyết tật và gia đình họ vận động cho bản thân thông qua các tổ chức riêng của họ[15]. Hiện nay, các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố như: Hội Người mù; Hội Người điếc; Hội Người khuyết tật các tỉnh; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật; Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của thương binh và người tàn tật[16]. Theo quy định Luật Tiếp cận thông tin, tổ chức xã hội không phải là chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin. Ở đây, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin phối hợp với các tổ chức xã hội riêng về người khuyết tật trong việc công khai thông tin liên quan đến người khuyết tật, vừa giảm được chi phí, hiệu quả công khai thông tin cao do các tổ chức này có sự am hiểu nhất định về người khuyết tật đó và theo tôi, một cái đích rất quan trọng là xây dựng được một xã hội dân sự, mọi tổ chức đều tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội phù hợp với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam[17].
(iii) Một vấn đề đặt ra nữa, về mặt bản chất, quyền tiếp cận thông tin được hiểu là, khả năng chủ thể quyền được đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu được biết (hiểu biết được nội dung thông tin), chứ không đơn thuần chỉ là tiếp cận được hay có được thông tin (theo khoản 3 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin, tiếp cận thông tin là: Đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin)[18]. Mặt khác, theo Luật Người khuyết tật năm 2010 “tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng” (khoản 8 Điều 2). Điều đó có nghĩa là thông tin mà người khuyết tật tiếp cận được thì người khuyết tật phải sử dụng được thông tin đó. Để sử dụng được những thông tin tiếp cận thì người khuyết tật phải hiểu rõ nội dung, tư tưởng, mục đích, hoàn cảnh, ý nghĩa của thông tin. Không phải người khuyết tật nào cũng hiểu rõ được vậy. Do đó, trong quá trình cung cấp thông tin cho người khuyết tật, thì bên cạnh việc để chủ thể tiếp cận thông tin được đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cần giải thích thông tin để người khuyết tật hiểu được thông tin. Quyền tiếp cận thông tin của công dân có tác động mạnh mẽ đến sự ổn định của nền chính trị quốc gia. Chính vì có những thông tin không rõ, hiểu lầm vấn đề, hiểu không đúng bản chất sự việc trong việc người dân phản ứng liên quan tới luật đặc khu dẫn đến người dân bị lợi dụng, kích động, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội[19]. Khi người dân hiểu đúng bản chất thông tin, sẽ có sự sẻ chia cùng cơ quan nhà nước thì sẽ luôn tin tưởng vào quyết định của Đảng, Nhà nước.
Hiện nay, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập cộng đồng nói chung và thực hiện quyền tiếp cận thông tin nói riêng. Khó khăn trong việc sử dụng dụng cụ trợ giúp, phục hồi chức năng[20] đối với người khuyết tật vận động; khó khăn khi ở Việt Nam chưa có chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille cho người khuyết tật; chưa có danh mục thiết bị tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi đặc thù; các quy định về chuẩn, tiêu chuẩn trang thiết bị phục vụ giáo dục người khuyết tật[21]; khó khăn về chương trình thông tin cho người khiếm thính lại chủ yếu chú trọng tới hình ảnh[22]… Do đó, để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật được thực hiện hiệu quả trên thực tế cần phải sự chung tay toàn hệ thống chính trị, cả xã hội, nhất là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công khai, cung cấp thông tin cho người khuyết tật.
Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột
[4] Đức Tuân, Thủ tướng: Sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn, http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Suc-y-cua-cai-cach-da-xuat-hien-va-ngay-cang-lon/340473.vgp, truy cập ngày 02/7/2018.
Đến năm 2016, Việt Nam đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục ở cấp tỉnh ở trên 20 tỉnh thành phố; đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật và các triển khai giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp học phổ thông trong cả nước.
[19] P.Thảo, Chủ tịch Quốc hội nói về việc người dân phản ứng liên quan tới luật đặc khu, http://dantri.com.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-noi-ve-viec-nguoi-dan-phan-ung-lien-quan-toi-luat-dac-khu-201806110839124.htm, truy cập ngày 11/6/2018.