Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2285/QĐ-UBND ngày 21/11/2007 kiện toàn tổ chức bộ máy và bổ sung nhiệm vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý, đồng thời ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý (Quyết định số 74/QĐ-UBND ngày 14/01/2009). Đến nay, công tác trợ giúp pháp lý đạt được nhiều kết quả tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực cho những người thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý trên địa bàn.
Từ năm 2007 đến nay, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện tăng dần qua các năm. Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 10.014 vụ việc, trung bình 1.252 vụ việc mỗi năm cho 9961 người được trợ giúp pháp lý. Chất lượng vụ việc ngày càng nâng cao, bảo vệ tương đối tốt cho quyền và lợi ích hợp pháp của các nhóm đối tượng, không có vụ việc nào phát sinh thiệt hại và trách nhiệm bồi thường, vì vậy, người dân ngày càng tin tưởng hơn vào chính sách trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý cũng trở thành một trong những địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khi có vướng mắc pháp luật.
Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng ngày càng lớn mạnh, hiện nay Trung tâm trợ giúp pháp lý đã có 19 trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng ở tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, lao động. Ngoài ra Sở Tư pháp cũng ký hợp đồng cộng tác với 105 cộng tác viên, trong đó có 17 cộng tác viên là luật sư.
Để đạt được những kết quả như trên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trong việc ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, đáp ứng yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý, còn phải kể đến sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hải Phòng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ, cụ thể là:
Thứ nhất, trong công tác thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý. Để từng bước đưa Luật Trợ giúp pháp lý tiếp cận đông đảo đời sống người dân, lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý đã phối hợp với các cơ quan phát thanh, truyền hình địa phương như Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử thành phố, Báo Pháp luật Việt Nam, các Đài phát thanh quận, huyện để xây dựng các chuyên mục “Pháp luật cuộc sống”, “Hộp thư truyền hình”, “Giải đáp pháp luật”, “Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý”, “Trợ giúp pháp lý cho trẻ em”, đưa tin, bài truyên truyền về ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở; tổ chức các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật; giải đáp trực tiếp vướng mắc pháp luật; phát hành các loại tờ gấp pháp luật về trợ giúp pháp lý, giới thiệu về Trung tâm trợ giúp pháp lý, về quyền được trợ giúp pháp lý được gửi rộng rãi ở những địa điểm mà người dân dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, Trung tâm phối hợp với Tổng đài 1088 để tuyên truyền và trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu về pháp luật của người dân.
Thứ hai, Trung tâm trợ giúp pháp lý tham mưu cho Sở Tư pháp ký các quy chế phối hợp liên ngành với các sở, ban, ngành trong thành phố. Cụ thể, ký quy chế liên ngành Tư pháp, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án về phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng; phối hợp giữa Sở Tư pháp, Thanh tra, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Luật sư thành phố tuyên truyền, phổ biến trợ giúp pháp lý cho nhân dân; phối hợp giữa Sở Tư pháp, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo để trợ giúp pháp lý cho trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người bị nhiễm HIV…
Thứ ba, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý được chú trọng. Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý ở tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, lao động. Do vậy, số lượng vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên tăng lên hàng năm và chất lượng các vụ việc được bảo đảm ở mức rất tốt. Nhiều vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân có tác động tích cực tới dư luận xã hội địa phương và được các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cao. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý về kỹ năng trợ giúp pháp lý và văn bản pháp luật mới. Qua các lớp tập huấn, học viên được cập nhật kiến thức, học hỏi trao đổi kinh nghiệm thông qua tình huống cụ thể và từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thứ tư, hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật được thực hiện thường xuyên; công tác đánh giá chất lượng được thực hiện ngay sau khi vụ việc hoàn thành.
Mặc dù vẫn còn có những hạn chế và bất cập trong quá trình thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, nhưng với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Ngành Tư pháp Hải Phòng trong thời gian qua, đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của toàn tỉnh, là cơ sở vững chắc để Tư pháp Hải Phòng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Bùi Thu Hiền
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp