1. Một số vấn đề về nguyên tắc hạn chế quyền con người
Sự hạn chế đối với một quyền con người nào đó được hiểu là việc Nhà nước không cho phép các chủ thể thụ hưởng quyền có thể thực hiện quyền đó ở mức tuyệt đối[1]. Điều này có thể hiểu là quyền của con người sẽ bị giới hạn trong một phạm vi nào đó để không xâm phạm các quyền của xã hội và của người khác. Sự hạn chế quyền con người một cách hợp pháp và hợp lý trong một số trường hợp đặc biệt chính là sự bảo đảm quyền con người (số đông) nói chung. Thực tế không một quốc gia nào trên thế giới coi quyền tự do của con người là tuyệt đối, bởi lẽ, nếu tự do tuyệt đối thì xã hội sẽ trở nên hỗn loạn. Quyền tự do của mỗi con người trong từng quốc gia đều được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia đó. Chính vì vậy mà tự do phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật, có nghĩa là tự do thực hiện quyền của mình phải bị giới hạn trong khuôn khổ mà pháp luật cho phép. Ngay từ thời kỳ Cách mạng Tư sản, các nhà tư tưởng phương Tây đã thừa nhận nguyên tắc này và đã được Hiến pháp năm 1791 của Cộng hòa Pháp ghi nhận tại Điều 4 như sau: “Tự do là có thể làm mọi cái không hại cho người khác. Vì vậy, việc thực hiện các quyền tự nhiên của mỗi con người chỉ có giới hạn là việc bảo đảm cho những thành viên khác của xã hội cũng được hưởng những quyền ấy”. Quy định này chính là sự khởi nguồn cho triết lý sâu xa về hạn chế quyền con người.
Hạn chế quyền con người ngày nay đã được thế giới ghi nhận chính thức thông qua Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948. Cụ thể, khoản 2 Điều 29 UDHR năm 1948 quy định: Khi thực hiện các quyền tự do của mình, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định (determined by law), nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. Ở Việt Nam, nguyên tắc hạn chế quyền con người được Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 2 Điều 14 như sau: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và khoản 4 Điều 15 đó là: Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Qua đó có thể nhận thấy rằng, quyền con người phải được hạn chế trong khuôn khổ nhất định và không được vượt quá lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hiến pháp đã quy định 06 lý do để hạn chế quyền con người bao gồm: Quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Như vậy, có thể hiểu một cách tổng quát thì hạn chế quyền con người là việc các quốc gia bằng các quy định của pháp luật, đặt ra các điều kiện đối với việc thụ hưởng, thực hiện các quyền con người nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, của cộng đồng hoặc bảo vệ các lợi ích chung của xã hội[2].
2. Hạn chế quyền con người của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam
Thứ nhất, hạn chế bằng các quy định cấm của pháp luật. Bằng cách này pháp luật sẽ ban hành các quy định cấm người đó thực hiện một hành vi mà pháp luật không cho phép. Ví dụ như, cấm phân biệt đối xử, cấm buôn lậu, trốn thuế... Tiếp cận về sự hạn chế quyền con người của bị cáo trong vụ án hình sự, pháp luật tố tụng hình sự cũng quy định cấm trong một số trường hợp như: Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người (Điều 10); Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm (Điều 23); Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác (Điều 32); Nghiêm cấm điều tra viên, cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can (Điều 184)...
Thứ hai, hạn chế bằng việc pháp luật đặt ra các điều kiện khi thực hiện. Đây là việc hạn chế bằng pháp luật đối với những trường hợp không đủ điều kiện để thực hiện những quyền pháp luật quy định. Ví dụ: Điều kiện để kết hôn là phụ nữ phải đủ từ 18 tuổi trở lên và nam giới phải đủ từ 20 tuổi trở lên. Trong tố tụng hình sự phải khi là bị cáo thì người bị buộc tội mới được bổ sung thêm một số quyền hạn như: Đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa (điểm d khoản 2 Điều 61); được quyền tranh luận tại tòa (điểm i khoản 2 Điều 61). Còn đối với người bào chữa cho người bị buộc tội thì thời điểm người bào chữa được tham gia tố tụng là từ khi khởi tố bị can nếu không thuộc trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Điều 74). Như vậy, trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì pháp luật tố tụng hình sự đã hạn chế quyền bào chữa của bị cáo cho đến khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra. Hay nói cách khác điều kiện để người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can là không thuộc trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Tại phiên tòa xét xử quy định bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác, hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, hỏi người làm chứng nếu được chủ tọa phiên tòa đồng ý (Điều 309, Điều 310, Điều 311). Điều kiện hạn chế đó là phải có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa có cho phép bị cáo được hỏi hay không...
Thứ ba, giới hạn bằng việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội như tạm giam, tạm giữ dễ dàng nhận thấy đã hạn chế quyền con người của họ, một trong các quyền hạn chế đó đó là quyền tự do đi lại, tự do tiếp xúc và tiếp cận chứng cứ của người bị buộc tội.
Thứ tư, không luật hóa một quyền hiến định. Điều này có nghĩa là khi luật không quy định thì quyền con người của người bị buộc tội nói chung và bị cáo nói riêng không được bảo đảm thực hiện, nghĩa là có những lúc họ không được tạo điều kiện để thực hiện quyền này. Ví dụ như, chưa quy định quyền im lặng trong luật tố tụng hình sự, chưa có quy định cho phép bị cáo được tư vấn pháp luật và tiếp xúc với người bào chữa của họ trong quá trình xét xử, chưa cho phép bị cáo được quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ; quyền được yêu cầu sao chụp biên bản, tài liệu, số hóa để phục vụ cho việc tự bào chữa...
Đánh giá về các cách hạn chế quyền con người của bị cáo nói trên thì cách pháp luật đặt ra điều kiện khi thực hiện và không luật hóa một quyền hiến định cho bị cáo thực hiện là cách được thực hiện nhiều nhất, nhìn chung các cách hạn chế quyền này chủ yếu nhằm bảo vệ các lợi ích của Nhà nước nói chung. Đối với việc hạn chế quyền bằng các quy định cấm của pháp luật thì chủ yếu áp dụng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm bảo đảm cho họ thực hiện đúng các quy định nhằm gián tiếp bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chỉ quy định nghiêm cấm thực hiện mà thiếu đi chế tài xử lý nếu vi phạm. Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật ít áp dụng các quy định cấm đối với người bị buộc tội nhưng cũng chưa quy định cho phép người buộc tội được thực hiện những gì mà pháp luật không cấm nên trong thực tế những quyền pháp luật không cấm thì công dân được thực hiện nhưng không chắc bảo đảm thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi.
3. Thực trạng việc hạn chế quyền con người của bị cáo trong xét xử theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và phương hướng hoàn thiện
Nguyên tắc hạn chế quyền con người không chỉ được quốc tế và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận mà còn được ghi nhận trong các luật chuyên ngành trong đó có luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh chung nhất thì việc hạn chế quyền con người trong luật tố tụng hình sự cần phải được ưu tiên xem xét vì nó ảnh hưởng lớn nhất đến quyền con người, quyền công dân bởi lẽ đặc thù của tố tụng hình sự đó là việc sử dụng sức mạnh của Nhà nước buộc người phạm tội phải thi hành hình phạt. Việc hạn chế quyền con người (thiểu số) để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng và của người khác nhưng cũng cần phải bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội (thiểu số), đây cũng là mục đích hướng tới của luật tố tụng hình sự nhằm không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hiện nay, việc hạn chế quyền con người trong tố tụng hình sự đã được quy định nhưng có những hạn chế ở một số nội dung sau:
3.1. Hạn chế quyền đối với người bào chữa cho bị cáo
Thứ nhất, pháp luật tố tụng hình sự không quy định một trình tự, thu thập chứng cứ của người bào chữa. Khoản h Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) đã quy định người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ nhưng lại thiếu quy định trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ đó. Tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Để thu thập chứng cứ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này”, trong khi đó đối với hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa, chỉ quy định “… quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án…” (khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) mà không có quy định trình tự, thủ tục để căn cứ theo trong Bộ luật. Điều này có thể dẫn tới việc chứng cứ sau khi thu thập nhưng không được chấp nhận với lý do không được thu thập theo trình tự, thủ tục (Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Theo tác giả, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần có những quy định cụ thể về trình tự, thu thập chứng cứ của người bào chữa giống như quy định đối với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đồng thời, việc quy định này sẽ là tiền đề cho việc bổ sung khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với nội dung đầy đủ như sau: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa,… dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Việc thu thập chứng cứ, các tài liệu, đồ vật, yêu cầu liên quan đến vụ án của người bào chữa tuân thủ theo quy định của Bộ luật này”.
Thứ hai, hạn chế chủ thể được thực hiện bào chữa. Theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bào chữa là luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân hoặc trợ giúp viên pháp lý. Để thực hiện triệt để nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo theo tác giả không nên quy định người bào chữa là một người nào cụ thể mà nên mở rộng cho tất cả mọi người. Chính quy định “bất cứ người nào” đã cho phép mở rộng để mọi người có thể tham gia bào chữa cho bị cáo. Vì vậy, chúng ta nên quy định người bào chữa là bất cứ ai do bị cáo nhờ hoặc Tòa án chỉ định đều có quyền bào chữa nếu biết hoặc liên quan đến vụ án của bị cáo, chỉ loại trừ những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thứ ba, hạn chế quyền bằng việc thực hiện biện pháp ngăn chặn. Tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Có thể thấy, việc người bào chữa có điều kiện tiếp xúc vụ án càng sớm bao nhiêu thì càng giúp cho người bào chữa có cơ hội để thu thập chứng cứ và bảo vệ bị cáo trước phiên tòa tốt bấy nhiêu. Việc hạn chế quyền tham gia tố tụng của người bào chữa trong trường hợp này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quyền của người bị buộc tội, nhất là quyền được bào chữa. Do đó, theo tác giả cần có những nghiên cứu thêm về trường hợp này, thay vì hạn chế người bào chữa tham gia từ giai đoạn điều tra thì nên quy định bằng những chế tài xử lý nghiêm khắc như tước quyền bào chữa và xử lý bằng các hình thức phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trong từng mức độ vi phạm, đồng thời kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam áp dụng hình thức kỷ luật như cấm hành nghề có thời hạn… Chính việc quy định các chế tài nghiêm khắc như vậy sẽ loại trừ được lo lắng người bào chữa làm lộ bí mật như quy định hạn chế tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, cần làm rõ nội hàm của các trường hợp đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và trường hợp cần thiết để hạn chế. Đây là những vấn đề rất quan trọng, nếu không làm rõ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật về hạn chế quyền trong thực tế bởi bản thân nguyên tắc hạn chế quyền vốn đã mang tính trừu tượng, việc vận dụng trong thực tiễn không hoàn toàn đơn giản[3].
3.2. Hạn chế quyền đối với bị cáo
Thứ nhất, hạn chế quyền tranh luận tại phiên tòa. Theo khoản 3 Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm “không liên quan vụ án” được hiểu như thế nào chưa được luật làm rõ nên thực tế không loại trừ trường hợp Chủ tọa phiên tòa có thể dùng quyền của mình để cắt ý kiến của bị cáo và người bào chữa cho họ. Liên quan đến vấn đề tranh tụng tại phiên tòa. Theo tác giả, pháp luật tố tụng hình sự nên có những quy định cụ thể khái niệm “không liên quan vụ án” trong khoản 3 Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đó là trong trường hợp nào thì Chủ tọa phiên tòa được quyền cắt ý kiến của người bào chữa và trường hợp nào thì không[4].
Thứ hai, hạn chế quyền được hỏi của bị cáo tại phiên tòa. Tại các điều 309, 310, 311 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị cáo có quyền hỏi bị hại, nguyên đơn dân sự, người làm chứng... nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý. Như vậy, quyền đặt câu hỏi của bị cáo vẫn bị hạn chế là phụ thuộc vào đề nghị hỏi của bị cáo có được Chủ tọa phiên tòa đồng ý cho phép hỏi hay không. Ở đây pháp luật đặt ra điều kiện để thực hiện quyền hỏi của bị cáo đối với những người tham gia là phải có sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Quy định này tuy bảo đảm cho việc giữ trật tự và đúng theo trình tự tại phiên tòa nhưng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quyền của bị cáo. Vì vậy, việc hạn chế một quyền nào đó cần phải được xem xét giữa lợi ích của các quyền khác. Theo đánh giá của tác giả trong trường hợp này quyền của bị cáo vẫn có thể được bảo đảm bằng quy định khác mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước và trật tự xã hội cũng như để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thì cần mở rộng hơn nữa quyền hỏi của bị cáo, chỉ nên giới hạn Chủ tọa phiên tòa chỉ được cắt những câu hỏi của bị cáo khi xét thấy những câu hỏi đó lặp lại, vòng vo hoặc trong những trường hợp cụ thể. Tham khảo từ pháp luật của Hoa Kỳ khi “thẩm phán không đồng ý nêu câu hỏi, thì lý do câu hỏi bị bác được đưa vào biên bản phiên tòa”[5]. Do đó, trong những trường hợp Chủ tọa hạn chế quyền được hỏi của bị cáo đối với những người tham gia tố tụng khác cần phải giải thích lý do.
Thứ ba, chưa luật hóa quyền được tư vấn pháp luật và tiếp xúc với luật sư. Quyền được tư vấn pháp luật và quyền được tiếp xúc luật sư cũng như quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ; quyền được yêu cầu sao chụp biên bản, tài liệu, số hóa nhằm phục vụ cho việc tự bào chữa của bị cáo. Việc tư vấn pháp luật và tiếp xúc với luật sư là những quyền quan trọng giúp bị cáo hiểu rõ được những quyền mà pháp luật đã trao cho mình, cũng như giúp bị cáo tự tin hơn trong việc thực hiện bào chữa. Còn quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ; quyền được yêu cầu sao chụp biên bản, tài liệu, số hóa để phục vụ cho việc tự bào chữa mới chỉ quy định dành cho người bào chữa, trong khi đó bị cáo là chủ thể chính của việc buộc tội lại bị giới hạn những quyền này so với người bào chữa của họ. Nếu trong trường hợp những người bị buộc tội không có người bào chữa thì họ sẽ gặp khó khăn trong việc tự bào chữa do không có những quyền này. Vì vậy, để bảo đảm được quyền của bị cáo trong xét xử, tác giả kiến nghị nên bổ sung Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền của bị cáo. Cụ thể, cần bổ sung thêm quyền được tư vấn pháp luật và tiếp xúc với luật sư trong quá trình xét xử và trong quá trình tạm giam chờ xét xử. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung thêm quyền được ghi chép những số liệu, tài liệu trong quá trình xét hỏi; quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ; quyền được yêu cầu sao chụp biên bản, tài liệu, số hóa…
Để bảo đảm các lợi ích chung của nhà nước và toàn xã hội thì quyền con người cần thiết phải hạn chế. Tuy nhiên, hạn chế như thế nào, ở mức độ nào và phạm vi nào được coi là chấp nhận được trong các hoàn cảnh khác nhau thì cần phải nghiên cứu và làm rõ thêm. Trong phạm vi tố tụng hình sự thì việc hạn chế quyền con người là khá nhạy cảm và có thể gây ra hậu quả rất lớn dẫn đến oan sai và có thể tước đi mạng sống của một con người. Do đó, cơ chế hạn chế quyền con người trong lĩnh vực này đòi hỏi cần phải rất chặt chẽ, tránh các hành vi lạm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều quan trọng là cần phải có sự những quy định rõ ràng và áp dụng nhất quán các nguyên tắc hạn chế quyền con người theo luật pháp quốc tế và Hiến pháp hiện hành./.
Nguyễn Anh Hoàng
NCS. Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội
[1] Aharon Barak, Proportionallity: Constitutional Rights and Their Limitations, Cambridge University Press, 2012, tr. 102.
[2] Nguyễn Linh Giang, Cơ sở lý luận và thực tiễn về hạn chế quyền con người ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022, tr. 26.
[3] Nguyễn Văn Hiển & Trương Hồng Quang, Nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội, 2019, tr. 96 - 97.
[4] Nguyễn Anh Hoàng, Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo luật tố tụng hình sự Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 06 (478), tháng 03/2023, tr. 26.
[5] Trần Quang Tiệp (2022), Những vấn đề cơ bản trong Luật tố tụng hình sự một số nước trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tr. 240