1. Tác động chung
Một là, CPTPP mang lại cơ hội tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam nhờ hoạt động xuất khẩu. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, với CPTPP, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích không nhỏ từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch hơn 04%, tương đương khoảng 04 tỷ USD. Việc tăng xuất khẩu sẽ chủ yếu ở nội khối với tốc độ tăng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP tăng thêm 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương 2,61 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang các quốc gia ngoài CPTPP sẽ tăng thêm 1,7% (tương đương 1,4 tỷ USD). Mặc dù hài lòng với thành công trong việc thúc đẩy đàm phán, việc ký kết CPTPP, tạo ra cơ hội phát triển tầm cỡ quốc gia, nhưng cần đối mặt với sự thật rằng, nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm kém phát triển so với nhiều quốc gia thành viên khác của CPTPP. Do đó, CPTPP là tiềm năng và cơ hội, nhưng có tận dụng được những cơ hội hay không mới là yếu tố quyết định sự thành công của Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế. Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Thế giới (WB), các lợi ích của CPTPP mang lại cho Việt Nam thấp hơn so với những lợi ích từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cụ thể, với kịch bản cơ bản, CPTPP dự kiến sẽ giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 1,1%, thấp hơn so với mức 3,6% mà TPP-12 mang lại. Kim ngạch xuất khẩu nếu có CPTPP tăng thêm 4,2%, trong khi với TPP-12 là 19,1%. Nhập khẩu cũng ước tính tăng trưởng thấp hơn, chỉ ở mức khoảng 5,3%, thấp hơn so với mức 21,7% khi tham gia TPP.
Hai là, CPTPP đem lại cơ hội cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế. Bên cạnh những nhóm ngành được hưởng lợi, một số ngành tốc độ tăng trưởng sản lượng có thể giảm như chăn nuôi, chế biến thực phẩm hay dịch vụ bảo hiểm... Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành chăn nuôi có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất từ CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này còn yếu. Mặt khác, thuế quan hiện hành của các nước đối với sản phẩm chăn nuôi cũng không cao, do vậy quá trình cắt giảm thuế quan trong CPTPP sẽ không tạo ra nhiều tác động tích cực đến xuất khẩu. Ngược lại, việc cắt giảm thuế quan nhập khẩu từ CPTPP được dự báo có thể tác động khiến sản lượng của ngành chăn nuôi giảm 0,3% và xuất khẩu giảm khoảng 8%. Trong trường hợp hạ thấp thuế quan và mở cửa dịch vụ, mức giảm xuất khẩu còn có thể lên đến hơn 9%. CPTPP cũng được cho là sẽ làm tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm giảm từ 0,37% đến 0,52%, tuy nhiên vẫn giúp xuất khẩu của ngành này tăng thêm khoảng 2% đến 2,35%. Ðiều cần chú ý là, ngành chế biến thực phẩm có lộ trình cắt giảm thuế quan khá chậm so các nhóm ngành khác (về 0% sau 15 năm). Do đó, tác động này cũng không thật sự lớn nếu tính bình quân %/năm cũng như ở giai đoạn đầu của CPTPP.
Ba là, CPTPP đặt ra yêu cầu cải cách thể chế cho cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài những rủi ro về kinh tế, việc tham gia CPTPP đặt ra nhu cầu sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực. Ví dụ, tham gia CPTPP là chấp nhận trong tương lai gần Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động, một việc chưa từng có trong tiền lệ. Vấn đề cạnh tranh và thu hút đoàn viên công đoàn là điều tất yếu sẽ xảy ra với Công đoàn Việt Nam và các tổ chức đại diện người lao động được thành lập ở doanh nghiệp. Công đoàn Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên, nguồn lực đảm bảo cho hoạt động sẽ bị chia sẻ và giảm sút, môi trường hoạt động công đoàn cũng thay đổi lớn do quan hệ lao động diễn biến phức tạp. Không chỉ về mặt lập pháp, Chính phủ Việt Nam giờ đây còn phải đối mặt với nguy cơ bị kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp theo cơ chế bảo đảm thực thi của CPTPP nếu có những hành động đi ngược với cam kết.
2. Tác động đối với một số nhóm ngành cụ thể
2.1. Ngành nông nghiệp và thủy sản
Về quy mô thị trường, các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD, lại bao gồm các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tham gia CPTPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Tham gia CPTPP sẽ là cơ hội để ngành nông nghiệp tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 lao động. Đối với lợi ích về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đôla Mỹ/ngày. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, như phân tích ở phần trên, việc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu cũng tạo ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhiều thách thức. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang nhóm nước CPTPP tương đối thấp, ước đạt khoảng 1,3 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017. Quy định về cắt giảm thuế quan đối với hàng nông sản của Việt Nam có sự khác nhau giữa các mặt hàng, ví dụ như gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại không được hưởng lợi đáng kể từ CPTPP do đây là mặt hàng lương thực chủ chốt và có tính nhạy cảm cao (không được hưởng ưu đãi tại Nhật Bản, Australia, Malaysia và Peru hoặc được giảm thuế quan song có lộ trình kéo dài đến 10 năm tại Mexico).
Đối với ngành thủy sản, số liệu thống kê trước khi có CPTPP không có nhiều hứa hẹn, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản sang các nước thuộc CPTPP năm 2017 ước đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam (chiếm tỷ trọng 15,7% trong tổng kim ngạch). Tương tự với ngành dệt may, lợi ích từ việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan là không đáng kể do mức thuế suất hiện nay đang áp dụng với mặt hàng thủy sản của Việt Nam là tương đối thấp: Mức thuế 0% đối với các nước trong ASEAN; 0% đối với Canada và Peru; 3,5 - 7,3% đối với Nhật Bản… Mặc dù, hàng rào thuế quan cơ bản được dỡ bỏ, song các quy định phi thuế quan có xu hướng ngày càng khắt khe và thắt chặt hơn (biện pháp kiểm tra vệ sinh, phòng vệ thương mại và các rào cản kỹ thuật…) sẽ là lực cản lớn đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam[1].
Mặc dù vậy, phải ghi nhận sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tại thị trường Canada, với nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này, điển hình là cá ba sa gần như chiếm 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu. Với mặt hàng thủy sản, năm 2019 chắc chắn kim ngạch sẽ vượt xa mốc 240 triệu USD xuất khẩu của năm 2018. Lý do là 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã được hưởng thuế suất 0% từ ngày 14/01/2019. Trong khi đó, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ Latinh sau Brazil và Argentina. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,24 tỷ USD. Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/01/2019, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi CPTPP có hiệu lực.
Ngoài sự chênh lệch giữa kỳ vọng và khả năng thực tế, nông nghiệp Việt Nam còn đứng trước những tác động tiêu cực từ CPTPP, điển hình là chăn nuôi. Việc mở cửa hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật sẽ giúp hàng hóa là sản phẩm chăn nuôi từ các quốc gia thành viên CPTPP có nền chăn nuôi phát triển như Australia, New Zealand, Peru tràn vào thị trường Việt Nam với mức giá rất cạnh tranh. Trong khi đó, ngành chăn nuôi Việt Nam chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ lại lệ thuộc vào việc nhập khẩu con giống và thức ăn chăn nuôi từ nhiều nước ngoài khối CPTPP như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Điều này khiến giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa tại Việt Nam cao hơn các quốc gia thành viên CPTPP rất nhiều. Nếu ngành chăn nuôi gặp sức ép về giá, nguy cơ mất việc của hàng trăm ngàn lao động là hiện hữu bởi chăn nuôi luôn là ngành sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam.
2.2. Ngành dệt may
Từ lâu, dệt may luôn được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp lớn vào GDP quốc gia của Việt Nam. Dệt may đứng trước cơ hội lớn trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu và mở rộng thị trường. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm của dệt may được dự báo sẽ ở mức cao (từ 8,3% đến 10,8%), do đây là ngành có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được các thị trường chủ lực là Mỹ và EU. Việc tham gia CPTPP sẽ là cơ hội lớn để ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước nội khối, nhất là những thị trường tiềm năng như Australia, Canada. Ðây là hai thị trường có sự phát triển cao, mức tiêu thụ khoảng 10 tỷ USD/năm trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào các thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD. Chính vì vậy, dung lượng để mở rộng thị phần rất lớn, đóng góp chung vào mục tiêu tăng trưởng hơn 10% của ngành.
Việc tham gia CPTPP sẽ khiến giá vốn sản xuất của các doanh nghiệp dệt may giảm xuống do nguyên liệu được miễn, giảm thuế. Do đó, các doanh nghiệp đang nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các quốc gia thành viên CPTPP sẽ hưởng lợi. Theo số liệu thống kê được công bố gần đây của Bộ Công thương, tín hiệu xuất khẩu sang thị trường CPTPP rất khả quan, 03 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường CPTPP tăng tới 22,5% so với cùng kỳ và cao hơn cả mức chung toàn ngành. Đáng lưu ý là xuất khẩu vào 2 thị trường mà trước đây doanh nghiệp Việt Nam khai thác chưa nhiều là Canada và Mexico. Điều đó cho thấy, thị trường CPTPP đang mở ra cơ hội, tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Theo cam kết của Canada, CPTPP có hiệu lực, 42,9% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Canada có thuế 0% từ năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ tư. Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi trên, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước rủi ro không tận dụng được lợi thế về thuế suất do việc áp dụng nguyên tắc xuất xứ nguyên liệu của hàng dệt may (Phụ lục 4 - A Quy tắc xuất xứ cụ thể hàng dệt may). Theo nguyên tắc này, nếu muốn hưởng thuế suất 0% thì doanh nghiệp cần chứng minh nguồn gốc nguyên liệu phải hoàn toàn được sản xuất trong nước hoặc nhập từ các quốc gia thành viên CPTPP. Trên thực tế, ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ, do đó, nếu không có phương án thay thế, việc hưởng ưu đãi thuế quan với hàng dệt may là không đáng kể đối với Việt Nam.
Không chỉ tồn tại rủi ro về thuế quan, doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn đứng trước nguy cơ bị thu hẹp thị trường. Theo thống kê năm 2017, đầu tư FDI vào ngành dệt may ở Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 2.000 dự án nhằm đón đầu lợi thế CPTPP và chỉ trong nửa đầu năm 2018, dệt may Việt Nam thu hút 2,8 tỷ USD từ nguồn vốn FDI, đưa lũy kế đầu tư nước ngoài vào ngành đạt 17,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 25% về số lượng nhưng đóng góp 62% vào kim ngạch xuất khẩu may mặc. Đây là sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp dệt may trong nước, vì các đối thủ có vốn đầu tư nước ngoài luôn có lợi thế về công nghệ, quy trình quản lý khiến giá thành sản xuất luôn ở mức rất cạnh tranh.
3. Phương hướng hành động của Việt Nam để tận dụng lợi thế từ CPTPP
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách khối doanh nghiệp nhà nước. Theo báo cáo tại buổi họp báo công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp (chỉ với 0,5%) nhưng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn toàn bộ khu vực doanh nghiệp, cao hơn nguồn vốn của khu vực FDI. Trong khi đó, hiệu suất sinh lời của khối doanh nghiệp này lại không tương xứng với tổng nguồn vốn. Việc tham gia CPTPP bắt buộc Việt Nam phải chấp hành các nội dung hạn chế vai trò của khu vực kinh tế nhà nước khi CPTPP này yêu cầu các doanh nghiệp phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường và phải công khai, minh bạch. Các tiêu chuẩn của CPTPP buộc khu vực kinh tế nhà nước phải cải cách hiệu quả hoạt động của mình.
Thứ hai, phát triển nền công nghiệp phụ trợ. Để tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP, một yêu cầu cấp thiết là Việt Nam phải xây dựng được nền công nghiệp phụ trợ tương xứng và kết nối được với chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quyết định sự sống còn cho các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản...
Thứ ba, nâng cao khả năng thích nghi với CPTPP cho doanh nghiệp. Có thể thấy, doanh nghiệp là chủ thể thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có CPTPP, do vậy để tận dụng những cơ hội cũng như hạn chế những thách thức mà CPTPP mang lại, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần:
- Chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan theo CPTPP đối với những mặt hàng nước ta đang có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu.
- Thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng trình độ nhân lực, quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước.
- Chủ động xúc tiến thương mại và đầu tư, lựa chọn thị trường và đối tác để bổ sung nguồn vốn và tiếp cận công nghệ hiện đại từ các tập đoàn kinh tế lớn, tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Các địa phương và doanh nghiệp cần có chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia CPTPP.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Báo cáo tác động của CPTPP lên một số nhóm ngành của Việt Nam, Khối nghiên cứu chiến lược và quan hệ kinh doanh quốc tế - Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, năm 2018.