Công tác lập hiến, lập pháp của Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2015 chứng kiến sự ra đời của nhiều văn bản quan trọng ghi nhận quyền con người, quyền công dân như Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật quan trọng như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015… Lĩnh vực trợ giúp pháp lý (TGPL) cũng có những thay đổi quan trọng trong hoạch định chính sách, cải cách hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động TGPL. Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 (Đề án đổi mới) và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã đưa ra những định hướng đúng đắn, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL làm trung tâm, đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL theo hướng chuẩn hóa và chuyên nghiệp. Trên cơ sở những định hướng này, công tác TGPL ở Lạng Sơn đã được triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng. Qua 04 năm thực hiện Đề án đổi mới và hơn 01 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 tại địa phương, công tác TGPL tại Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực, được ghi nhận thông qua các con số, vụ việc, thông qua các kết quả cụ thể tại địa phương. Từ đó, có thể khẳng định những định hướng kịp thời và đúng đắn của Đề án đổi mới và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đối với công tác TGPL. Cụ thể như sau:
1. Tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 27/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính là trợ giúp các vụ việc cụ thể. Nhiệm vụ tập trung thực hiện vụ việc TGPL cũng đã được cụ thể thông qua chính sách ngân sách trung ương hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình tại Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình (Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg). Cụ thể, từ năm 2016 đến ngày 31/12/2018, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện TGPL 1.559 vụ việc, cho 1.559 lượt người, trong đó có 824 vụ việc tham gia tố tụng; 735 vụ việc tư vấn (gồm tư vấn tại trụ sở Trung tâm, chi nhánh và tư vấn ngoài trụ sở).
So với trước khi thực hiện Đề án đổi mới, số vụ việc tham gia tố tụng tại địa phương đã có bước biến chuyển mạnh mẽ, tăng số lượng vụ việc tham gia tố tụng, đi vào bản chất của hoạt động TGPL. Cụ thể, năm 2016, số vụ tham gia tố tụng đạt 220 vụ (tăng 130 vụ, tăng 144% so với năm 2015); năm 2017, số vụ tham gia tố tụng đạt 224 vụ (tăng 134 vụ, tăng 150% so với năm 2015); năm 2018, số vụ tham gia tố tụng đạt 380 vụ (tăng 290 vụ, tăng 320% so với năm 2015). Số vụ việc bằng hình thức tham gia tố tụng tăng nhanh qua các năm. Những thay đổi mạnh mẽ tăng mạnh số lượng vụ việc tham gia tố tụng là dấu hiệu tích cực nhất khẳng định tính đúng đắn trong định hướng tập trung thực hiện vụ việc TGPL của Đề án đổi mới và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Một trong những điểm nhấn trong định hướng của Đề án đổi mới và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 chính là ban hành chỉ tiêu tham gia tố tụng hàng năm cho trợ giúp viên pháp lý. Quy định này không chỉ tạo cơ sở cho địa phương thực hiện hoạt động TGPL tập trung đúng với định hướng của Đề án đổi mới mà còn giúp đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thường xuyên được trau dồi, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực thực hiện TGPL của mình.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu tham gia tố tụng rất đáng khích lệ, trong 03 năm thực hiện chỉ tiêu tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp giao, 100% trợ giúp viên pháp lý thực hiện đạt chỉ tiêu. Riêng năm 2017 và năm 2018, số trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu tốt tăng từ 84% lên 100%. Tổng số vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoàn thành đạt 434 vụ. Kết quả này đã cho thấy việc tập trung thực hiện vụ việc TGPL là định hướng đúng đắn của Đề án đổi mới và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 để đưa chính sách TGPL đến gần hơn với người được TGPL.
Qua số liệu nêu trên, có thể khẳng định, sự hưởng ứng tích cực từ địa phương đối với định hướng tập trung thực hiện vụ việc TGPL một mặt giúp cho việc sử dụng nguồn lực (nhân sự, tài chính) tại địa phương được sử dụng hiệu quả (vì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân), mặt khác giúp người thực hiện TGPL có cơ hội thực hành kỹ năng nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, hiệu quả lớn nhất mà chủ trương này mang lại đó là người dân được thụ hưởng dịch vụ có chất lượng.
2. Về nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý
Định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL đảm bảo tính chuyên nghiệp và chuyên sâu là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Để đạt được mục tiêu trên, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nội dung sau:
2.1. Phát triển đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Trung tâm TGPL đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực tham gia TGPL. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã ký hợp đồng thực hiện TGPL với 06 tổ chức (bao gồm 05 tổ chức hành nghề luật sư và 01 tổ chức tư vấn pháp luật), đồng thời chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước ký hợp đồng thực hiện TGPL với 08 luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn. Số người thực hiện TGPL tăng lên 31 người (tăng 19 người so với trước khi thực hiện Đề án đổi mới).
Số trợ giúp viên pháp lý thực hiện tại Trung tâm là 06 trợ giúp viên pháp lý (trong đó có 02 trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm sau khi thực hiện Đề án đổi mới), 06 viên chức tham gia đào tạo và hoàn thành lớp bồi dưỡng nghề luật sư (trong đó có 02 viên chức đã hoàn thành kỳ kiểm tra kết quả tập sự TGPL năm 2019, dự kiến thời gian tới sẽ được bổ nhiệm).
2.2. Nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý
Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm TGPL đã tổ chức 12 hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hiện TGPL như: Kỹ năng thực hiện TGPL trong vụ án hình sự, kỹ năng TGPL trong tố tụng hành chính, kỹ năng thực hiện TGPL cho các đối tượng đặc thù... Phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện tổ chức 02 hội nghị tập huấn về thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho những người thực hiện TGPL. Ngoài ra, Trung tâm đã bố trí công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho viên chức được tham gia các hội nghị tập huấn về kỹ năng TGPL do Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức. Sau các lớp tập huấn, kỹ năng thực hiện vụ việc của người thực hiện TGPL và chất lượng giải quyết vụ việc đã được nâng lên đáng kể, vai trò của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng và người được TGPL ghi nhận.
2.3. Đánh giá chất lượng hoạt động tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư
Chất lượng hoạt động tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL từng bước được nâng lên thể hiện tính đúng đắn của định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL bằng các hoạt động của mình trong quá trình giải quyết vụ án, cùng với sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng được TGPL. Sau khi kết thúc vụ việc, Trung tâm lấy ý kiến đánh giá của người dân, kết quả cho thấy, người được TGPL hài lòng về thái độ phục vụ, cách thức thực hiện TGPL của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL.
Điển hình có những vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm không giải quyết được, đặc biệt là những vụ tranh chấp liên quan đến đất đai đã trải qua nhiều cấp xét xử khi có sự trợ giúp của trợ giúp viên pháp lý thì vụ việc được giải quyết thành công, quyền sử dụng đất của người dân được bảo vệ. Có vụ việc hình sự sau khi có sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý bị cáo được tuyên miễn trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Vụ án Lưu Văn Ch. bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc khởi tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”, đề xuất áp dụng hình phạt tù giam đối với Lưu Văn Ch, tuy nhiên trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm tham gia bào chữa, trong bản luận cứ bào chữa của mình trợ giúp viên đã đưa ra các căn cứ thuyết phục, kết quả bị cáo Lưu Văn Ch. đã được Tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự. Sau mỗi thành công của từng vụ án, niềm tin của nhân dân đối với công tác TGPL lại được nhân lên, người dân có thái độ hợp tác trong giải quyết các vụ việc TGPL, người thực hiện TGPL có thêm động lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
3. Khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của người thực hiện trợ giúp pháp lý
Trong quá trình triển khai Đề án đổi mới, có thể thấy rõ một định hướng quan trọng đó là khuyến khích sự tham gia của người thực hiện TGPL. Mục tiêu này được thể hiện thông qua một số định hướng như: Tăng mức bồi dưỡng đối với luật sư thực hiện vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, nâng mức bồi dưỡng đối với trợ giúp viên pháp lý. Ngay sau khi có Đề án đổi mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, theo đó đã nâng mức thù lao cho luật sư thực hiện vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng từ 0,2 mức lương tối thiểu tương đương 210.000 đồng/ngày làm việc lên mức 500.000 đồng/buổi làm việc (1.000.000 đồng/ngày làm việc). Mức bồi dưỡng cho trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng cũng đã được nâng từ 20% mức áp dụng đối với luật sư lên mức 40%.
Tiếp đến, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý một lần nữa điều chỉnh mức thù lao tham gia tố tụng lên 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc đối với luật sư và 0,31 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc đối với luật sư thực hiện đại diện ngoài tố tụng. Quy định thù lao theo mức lương cơ sở sẽ bảo đảm quyền lợi cho người thực hiện TGPL, qua đó đã khuyến khích, động viên người thực hiện TGPL tận tâm, có trách nhiệm hơn trong thực hiện vụ việc TGPL. Đến năm 2018, lượng án tham gia tố tụng đối với luật sư tăng lên 102 vụ (tăng 82 vụ so với năm 2014), trợ giúp viên pháp lý đạt 243 vụ (tăng lên 210 vụ so với năm 2014 trước khi có Đề án). Kết quả này khẳng định việc khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của người thực hiện TGPL có vai trò quan trọng trong việc làm tăng số lượng vụ việc TGPL mà mỗi trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL cần tự nghiên cứu, nâng cao kỹ năng, trách nhiệm thực hiện vụ việc TGPL.
4. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý
Xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần quảng bá rộng rãi công tác TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng đến với người dân, các cơ quan, tổ chức. Do đó, Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg được ban hành trong đó chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung tác truyền thông về TGPL phải phù hợp với tình hình địa phương. Công tác truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú gồm:
- Biên soạn, tổ chức in cuốn cẩm nang pháp luật về TGPL; hợp đồng truyền thông trên sóng truyền thanh 2 - 3 số/tháng; trong thời gian là 01 năm với 10/11 đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thông tin về TGPL tới tận các cụm, thôn, bản, người dân trên địa bàn.
- Thiết lập và duy trì đường dây nóng về TGPL bằng điện thoại cố định và các phương tiện hỗ trợ khác để kịp thời tiếp nhận các thông tin liên quan đến hoạt động TGPL như: Thông tin về yêu cầu TGPL của công dân; phản ánh, kiến nghị của người được TGPL đối với việc thực hiện TGPL thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm; thông tin về việc phối hợp thực hiện TGPL của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động TGPL; thông tin về tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức và người lao động trong Trung tâm TGPL nhà nước và cộng tác viên TGPL của Trung tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về TGPL trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; xây dựng và phát hành tờ rơi miễn phí giới thiệu về TGPL và cung cấp địa chỉ liên hệ của Trung tâm TGPL và các chi nhánh trên địa bàn tỉnh đến người dân…
- Trong 02 năm (2017, 2018), Trung tâm TGPL đã tổ chức được 104 đợt truyền thông về TGPL cơ sở tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc 10/11 huyện trên địa bàn tỉnh. Số người đến yêu cầu TGPL liên tục tăng và có sự thay đổi về yêu cầu TGPL (yêu cầu TGPL tư vấn pháp luật tiền tố tụng và yêu cầu TGPL trong các lĩnh vực tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng trong các vụ, việc hình sự, dân sự, hành chính…). Điều này cho thấy, những hiệu quả không nhỏ của công tác truyền thông về TGPL, giúp Trung tâm TGPL trở thành địa chỉ tin cậy cho người được TGPL khi có vướng mắc về pháp luật.
5. Nâng cao nhận thức của chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan
Việc nâng cao nhận thức của chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan đã được thay đổi rõ rệt. Kinh phí, đặc biệt là kinh phí nghiệp vụ chi cho thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và các hoạt động TGPL đã được quan tâm đặc biệt đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
Trung tâm TGPL đã thực hiện tốt việc phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã chỉ đạo người tiến hành tố tụng và cán bộ làm công tác tiếp công dân thực hiện việc giải thích về quyền được TGPL cho người được TGPL trong từng giai đoạn tố tụng.
Hoạt động phối hợp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cũng được Trung tâm thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Trung tâm và Đoàn Luật sư tỉnh đã tăng cường phối hợp thực hiện các hoạt động như: Triển khai văn bản, chính sách pháp luật mới liên quan đến công tác TGPL; phối hợp giới thiệu và thực hiện TGPL; giới thiệu, lựa chọn luật sư tham gia thực hiện TGPL, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; thông tin, truyền thông về TGPL và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ TGPL.
Điểm qua những mặt công tác trên đây có thể thấy, hoạt động TGPL ở tỉnh Lạng Sơn sau khi thực hiện Đề án đổi mới và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã có những bước chuyển đáng kể (cả về số lượng và chất lượng). Số lượng vụ việc tăng lên, năng lực của người thực hiện TGPL được quan tâm bồi dưỡng, do đó, chất lượng vụ việc cũng được nâng lên rõ rệt, mang đến sự hài lòng của người dân. Những kết quả nêu trên một lần nữa khẳng định tính đúng đắn trong định hướng của Đề án đổi mới và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Các nội dung định hướng đã được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu đưa công tác TGPL đi vào thực chất; nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về TGPL; bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho đối tượng thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước; giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội về tiếp cận pháp luật; góp phần bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013; thực hiện đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng về công tác xóa đói, giảm nghèo.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn