1. Nhận thức cơ bản về hiệu quả của hình phạt
Tính quyết định xã hội của hình phạt đã chỉ ra rằng, các xu hướng phát triển của hình phạt được quyết định bởi những cơ sở, điều kiện và biến đổi xã hội trong thực tiễn[1]. Trong chiều ngược lại, khi hình phạt tác động vào đời sống xã hội nhằm thực hiện các chức năng của nó, đó chính là lúc vấn đề hiệu quả của hình phạt (HQCHP) được nảy sinh và cần được đánh giá. HQCHP được phản ánh thông qua sự phù hợp một cách thực tế trên nhiều phương diện khác nhau của hình phạt với các quan hệ xã hội đã quy định ra sự tồn tại của chế tài hình sự này. Sự phù hợp đó cao hay thấp tương ứng sẽ phản ánh các mức độ khác nhau về HQCHP. Để đánh giá sự phù hợp đó, cần phải làm sáng tỏ khách thể của các quan hệ xã hội đã quy định sự tồn tại và xu hướng phát triển của hình phạt, nghĩa là trả lời cho câu hỏi hình phạt phải phù hợp với cái gì? Các khách thể của những quan hệ xã hội đó phản ánh những lợi ích xã hội lý tưởng mà hình phạt cần đạt được trong thực tiễn. Như vậy, tất yếu cần phải đánh giá những lợi ích xã hội mà hình phạt đem lại thông qua các tác động xã hội của nó, tiếp đó so sánh những lợi ích xã hội thực tế này với những lợi ích xã hội lý tưởng mà hình phạt cần phải đạt được, từ đó, chúng ta có thể tìm kiếm các lời giải đáp, đánh giá về mức độ HQCHP hiện có.
Các lợi ích xã hội lý tưởng được đề cập trên đây chính là những mục đích của hình phạt được đề ra. Hình phạt có nhiều mục đích, tùy thuộc vào cách tiếp cận và nhiệm vụ mà hình phạt đặt ra trong những bối cảnh, thời điểm hay tình thế khác nhau. Đòi hỏi hình phạt thực sự có hiệu quả trong thực tiễn nghĩa là tối đa hóa việc đạt được và giải quyết các mục đích của hình phạt. Thực tế, việc giải quyết được đồng thời và có hệ thống các mục đích của hình phạt là rất nan giải, do đó, trong đánh giá HQCHP, cần đánh giá tính thứ bậc của các mục đích cụ thể đã đề ra để định hình các chiến lược khác nhau của việc hướng tới và đạt được những hiệu quả thực tế của hình phạt.
Cần phải thấy rằng, mục đích của hình phạt chỉ là một tiểu hệ thống các nhiệm vụ xã hội cần được giải quyết, vì vậy, trong quá trình sử dụng hình phạt, cần cân nhắc việc giải quyết các mục đích đó trong mối quan hệ hài hòa không phương hại nghiêm trọng tới các vấn đề xã hội khác. Hình phạt vốn dĩ là chế tài nghiêm khắc của Nhà nước, do đó, trong quá trình áp dụng, thi hành tất yếu sẽ để lại những hệ quả nhất định. Các hệ quả này là không thể tránh khỏi, vì vậy, điều quan trọng là làm giảm thiểu các xu hướng tiêu cực của những hệ quả đó ở những chỉ số được chấp nhận trong quan điểm HQCHP. Chẳng hạn, việc áp dụng hình phạt tiền để đẩy người chấp hành vào trạng thái khánh kiệt tài sản thì không phải là mục đích của hình phạt tiền; hình phạt tiền chỉ được coi là có hiệu quả khi nó tịch thu một khối lượng tài sản vừa đủ, tương đương với hậu quả xã hội từ hành vi phạm tội, để người chấp hành hình phạt cảm nhận độ sâu của sự trừng trị và hình thành thái độ tích cực trong tự giáo dục, tự cải tạo. Rõ ràng, nếu hình phạt bất chấp các hậu quả tiêu cực khác cho xã hội để đạt được những mục đích của mình thì vấn đề hiệu quả của nó cần được xem xét lại.
Việc tính toán các chi phí xã hội của pháp luật nói chung và các đạo luật nói riêng đang là vấn đề được quan tâm, nhất là trong bối cảnh việc sử dụng ngân sách nhà nước trong xây dựng, áp dụng pháp luật ở nước ta thời gian qua còn nhiều bất cập, lãng phí. Hình phạt là biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất, chính vì vậy, việc tổ chức triển khai hình phạt trong thực tiễn luôn tiêu tốn những nguồn lực xã hội lớn hơn so với việc tổ chức triển khai các chế tài pháp lý khác. Chẳng hạn, việc tổ chức triển khai hình phạt tù làm nảy sinh việc vận hành và quản lý các hệ thống trại giam luôn tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của hệ thống các cơ quan tư pháp.
Các chi phí xã hội lớn trong sử dụng hình phạt là không thể tránh khỏi, vì vậy điều quan trọng là cân nhắc việc tiêu tốn các nguồn lực xã hội đến đâu, trong mức độ tương quan với những điều kiện xã hội cụ thể nào, để nhằm giải quyết các mục đích của hình phạt trên cơ sở nguyên tắc tiết kiệm các chi phí xã hội[2]. Nguyên tắc tiết kiệm các chi phí xã hội không cổ súy cho việc càng ít chi phí xã hội được tiêu tốn thì HQCHP càng cao. Giới hạn các chi phí xã hội được quyết định bởi những điều kiện kinh tế - xã hội, chính sách hình sự, quản lý hành chính - tư pháp và sự phát triển của các thành tựu khoa học kĩ thuật… Mối quan hệ giữa HQCHP với các chi phí xã hội dành cho nó cần phải tuân thủ nguyên tắc: Khả năng lớn nhất giải quyết các mục đích xã hội đi đôi với việc tiết kiệm nhất các chi phí xã hội của việc sử dụng hình phạt.
Để hình phạt phát huy khả năng của mình, tất yếu đòi hỏi cần có những điều kiện, yếu tố bảo đảm cho việc thực hiện thuận lợi các chức năng của nó. Không có những điều kiện thuận lợi, hình phạt khó lòng bảo đảm tính hiệu quả của nó trong hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, để đánh giá chính xác mức độ HQCHP, cần xuất phát từ những cơ sở hợp lý có tính căn cứ. Do đó, mức độ HQCHP chỉ có thể được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí cụ thể. Chung quy lại có thể thấy, đánh giá mức độ HQCHP cần thiết phải được tiến hành trên cơ sở đánh giá mức độ đạt được các tiêu chí và khả năng, triển vọng của các yếu tố bảo đảm. Khi nói đến HQCHP, cần phải làm rõ mức độ hiệu quả của từng khía cạnh cụ thể của hình phạt. Xét ở khía cạnh quá trình, mức độ HQCHP được hợp thành từ mức độ hiệu quả của quá trình xây dựng, áp dụng và thi hành hình phạt. Xét ở cấu trúc hình thức bên trong, mức độ HQCHP được hợp thành từ mức độ hiệu quả của hệ thống hình phạt nói chung, cụ thể là của từng loại hình phạt nói riêng.
Tính hiệu quả phải được bảo đảm xuyên suốt cả quá trình của hình phạt. Việc xây dựng, thiết kế nội dung, quy định, loại và hệ thống hình phạt chặt chẽ, khoa học, phù hợp với nhu cầu đấu tranh tội phạm, thuận tiện trong áp dụng và thi hành là xuất phát điểm quan trọng để hình phạt có khả năng đạt được những hiệu quả cao trong thực tiễn. Dĩ nhiên, mỗi quá trình của hình phạt có những vai trò cụ thể góp phần hình thành các mức độ hiệu quả khác nhau, cho nên không thể vì lẽ đó mà tuyệt đối hóa vai trò của bất kì giai đoạn, quá trình riêng lẻ nào của hình phạt. Bởi lẽ, việc có được các quy định pháp luật hình sự về hình phạt chất lượng nhưng việc áp dụng và thi hành chúng trong thực tiễn lại tùy tiện, không theo những nguyên tắc, thể hiện quan điểm chính sách hình sự thì HQCHP vẫn không được bảo đảm xét từ khía cạnh tổng thể.
Dưới góc độ là một chế định pháp luật hình sự, hình phạt bao gồm trong nó các loại hình phạt cụ thể, tạo nên một chỉnh thể hệ thống hình phạt. Do đó, cần phải bảo đảm các điều kiện phát huy hiệu quả của từng loại hình phạt trong hệ thống hình phạt. Mỗi hình phạt có những vai trò thuyết phục, cưỡng chế, khối lượng trừng trị riêng và hướng tới việc tác động vào những nhóm đối tượng cụ thể và giải quyết những nhiệm vụ khác nhau trong chỉnh thể mục đích chung của cả hệ thống hình phạt. Điều này cho thấy, trong đánh giá mức độ HQCHP, không thể chỉ chú trọng vào những hình phạt này mà quên đi vai trò của những hình phạt khác. Hiệu quả của hệ thống hình phạt được bảo đảm bởi sự đồng đều trong hiệu quả của từng loại hình phạt. Căn cứ vào từng đặc thù khác nhau, mỗi loại hình phạt có những tiêu chí đánh giá và yếu tố bảo đảm cụ thể.
Đánh giá HQCHP cần có những phương pháp cụ thể, bao gồm các phương pháp định tính và định lượng. Các phương pháp định tính và định lượng được áp dụng một cách hài hòa trong việc xử lí các thông tin phản ánh mức độ đạt được các kết quả thực tế của hình phạt. Các phương pháp định tính, định lượng được sử dụng nhiều trong việc phân tích các thông số cụ thể của từng chỉ số, chỉ báo trong các tiêu chí và yếu tố bảo đảm HQCHP. Các phương pháp này có vai trò cụ thể hóa, tiêu chuẩn hóa các chỉ số, chỉ báo để đánh giá từng tiêu chí và yếu tố bảo đảm HQCHP.
Có thể thấy rằng, nhận thức về HQCHP là một chỉnh thể các vấn đề có tính liên hoàn, hệ thống. Bản chất của đánh giá HQCHP chính là mức độ đạt được các kết quả xã hội của nó trong mối tương quan các chi phí bỏ ra, cân nhắc tỉ mỉ ở từng quá trình, từng loại hình phạt. Với nhận thức đó, có thể khái quát những đặc điểm cơ bản của HQCHP thông qua khái niệm: “Hiệu quả của hình phạt là sự hiện thực hóa và thỏa mãn các lợi ích xã hội trong quá trình tác động vào thực tiễn của từng loại, hệ thống hình phạt tương xứng với mục đích đã đề ra và khả năng chi phí xã hội cho phép”.
2. Hướng nghiên cứu về hiệu quả của hình phạt trong giai đoạn hiện nay
Giá trị của việc nghiên cứu HQCHP không chỉ làm sáng tỏ các vấn đề lý luận cơ bản, mà còn là cơ sở triển khai đánh giá thực tiễn hiệu quả của từng loại hình phạt, của hệ thống hình phạt trong đời sống xã hội, phù hợp với chính sách hình sự của quốc gia đang theo đuổi. Để phát triển chủ đề này thành một xu hướng nghiên cứu trong khoa học pháp lý hình sự, cần phải quan tâm những khía cạnh cơ bản như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu mối quan hệ giữa các lợi ích xã hội và hậu quả xã hội của hình phạt. Lợi ích và hậu quả là hai mặt cơ bản của hình phạt, bởi lẽ, chế tài hình sự này vừa đem đến những kết quả và hậu quả khi chúng được áp dụng trong thực tiễn. Quan điểm về HQCHP phụ thuộc rất lớn vào việc đề ra như thế nào các mục đích của hình phạt, trong khi đó, mục đích của hình phạt là kết quả của sự điều tiết giữa những lợi ích xã hội và hậu quả xã hội của hình phạt. Do đó, việc tìm hiểu để nhận diện, đánh giá và định hướng các lợi ích xã hội, hậu quả xã hội của hình phạt có giá trị cơ bản nhất trong mọi nghiên cứu về HQCHP[3].
Thứ hai, các chi phí xã hội của hình phạt. Các nghiên cứu về chi phí xã hội của hình phạt cần phân tích những vấn đề cơ bản như: Nhận diện các chi phí xã hội hiện hữu trong quá trình xây dựng, áp dụng, thi hành hình phạt; phương thức tính toán các chi phí xã hội đó; nguyên tắc và các giải pháp tiết kiệm chi phí xã hội của hình phạt… Chủ đề này có thể mở ra các hướng nghiên cứu để đánh giá các chi phí xã hội của từng quá trình xây dựng, áp dụng, thi hành hình phạt hoặc chi phí xã hội của từng loại hình phạt. Cần phải thấy rằng, đây là hướng nghiên cứu mới và vô cùng phức tạp khi phải sử dụng tổng hợp các kiến thức liên ngành và thu thập đánh giá một khối lượng lớn các số liệu thực tiễn khác nhau chứ không chỉ là việc phân tích các quy phạm thuần túy.
Thứ ba, mức độ hiệu quả của từng quá trình của hình phạt. Hình phạt trong đạo luật hình sự là những quy phạm nhưng việc vận dụng chúng trong thực tiễn lại là một quá trình xã hội. Như đã đề cập, HQCHP được quyết định bởi một yếu tố vô cùng quan trọng là hiệu quả của từng quá trình của hình phạt, từ khi xây dựng, áp dụng cho đến lúc thi hành. Mỗi quá trình có những đặc thù cụ thể, có những điều kiện và các yếu tố riêng để đánh giá và bảo đảm hiệu quả của từng quá trình đó trong yêu cầu chung về HQCHP. Từ đó cho thấy, việc hình thành các xu hướng nghiên cứu chung về hiệu quả của từng quá trình của hình phạt là vô cùng cần thiết.
Thứ tư, mức độ hiệu quả của từng loại hình phạt. Nghiên cứu về hiệu quả của từng loại hình phạt không phải là chưa từng được nêu ra trong giới nghiên cứu pháp lý hình sự. Tuy nhiên, các mối quan tâm về chủ đề này thường được lồng ghép trong các nghiên cứu quy phạm thực định về hình phạt, mà chưa được tách biệt ra thành một đối tượng nghiên cứu riêng. Nghiên cứu về hiệu quả của từng loại hình phạt có những lý thuyết và giá trị thực tiễn riêng của nó.
Thứ năm, các tiêu chí đánh giá HQCHP. Các tiêu chí là những căn cứ định tính, định lượng cụ thể nhằm đánh giá mức độ HQCHP, hay nói cách khác, chúng ta không thể đánh giá mức độ HQCHP mà không có các công cụ, tiêu chí trong tay. Vì vậy, định hướng nghiên cứu này là cần thiết với tư cách là một vấn đề cơ bản của lý luận về HQCHP. Các nghiên cứu về tiêu chí đánh giá HQCHP phải làm sáng tỏ các vấn đề về khái niệm các tiêu chí, phân loại các tiêu chí, cơ sở của tiêu chí, mối quan hệ của các tiêu chí, các chỉ số, chỉ báo, tiêu chuẩn của tiêu chí…
Thứ sáu, các yếu tố bảo đảm HQCHP. Các nghiên cứu về yếu tố bảo đảm HQCHP phải làm sáng tỏ các vấn đề về khái niệm các yếu tố bảo đảm, phân loại các yếu tố bảo đảm, cơ sở của các yếu bảo đảm, mối quan hệ của các yếu tố bảo đảm, các chỉ số, chỉ báo, tiêu chuẩn của các yếu tố bảo đảm. Tùy theo cách tiếp cận, có thể phân loại các yếu tố bảo đảm HQCHP theo các nhóm như sau: Nhóm các yếu tố chung (chính sách, pháp lý, thiết chế, tổ chức thực hiện, nhân thân con người), các yếu tố bảo đảm theo từng loại hình phạt cụ thể, các yếu tố bảo đảm theo từng quá trình cụ thể của hình phạt.
Thứ bảy, các phương hướng và giải pháp nâng cao HQCHP. Mọi nghiên cứu sẽ trở nên vô nghĩa nếu đích đến cuối cùng của chúng không phải là đề xuất các phương hướng, giải pháp. Nghiên cứu về HQCHP không chỉ nhằm trang bị nhận thức nội hàm về hiệu quả của chế tài hình sự này mà còn hướng tới nâng cao hiệu quả của chúng. Phương hướng và giải pháp nâng cao HQCHP chỉ có căn cứ khi xuất phát từ nền tảng kết quả của ít nhất sáu hướng nghiên cứu nêu trên.
Các định hướng nêu trên có sự độc lập trong đối tượng nghiên cứu, nhưng khi triển khai có thể thấy rõ mối quan hệ hữu cơ và bổ trợ lẫn nhau. Vì vậy, về mặt giả thuyết, đó là những hướng nghiên cứu độc lập nhưng khi lựa chọn một chủ đề để theo đuổi, các tác giả không thể không cân nhắc và sử dụng những kết quả của các hướng nghiên cứu còn lại. Chẳng hạn, khi nghiên cứu hiệu quả của hình phạt tù, nhất thiết phải đề cập tới hậu quả xã hội và các chi phí xã hội của hình phạt tù, các tiêu chí và yếu tố bảo đảm trong quá trình xây dựng, áp dụng, thi hành của hình phạt tù, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hình phạt này. Một trong những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 là quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, từ đó xây dựng một hệ thống hình phạt dành riêng cho nhóm chủ thể này. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được dự đoán có thể là một xu hướng nghiên cứu mới trong thời gian tới. Do đó, cần thiết phải triển khai đồng bộ các nghiên cứu về HQCHP được sử dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội trên cơ sở các lý thuyết về HQCHP nói chung đang có hiện nay.
[1]. Xem thêm: Võ Khánh Linh, “Tính quyết định xã hội của hình phạt: Một số khía cạnh lý luận”, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 10(41)/2016, tr. 30 - 36.
[2]. Xem thêm: Nguyễn Minh Khuê, “Hiệu quả của các hình phạt chính trong hệ thống hình phạt của Việt Nam - đánh giá dưới góc độ chi phí xã hội”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 1/2014, tr. 57 - 64.
[3]. Đối với hướng nghiên cứu này, cần tham khảo thêm cuốn “Lợi ích xã hội và pháp luật” của GS.TS. Võ Khánh Vinh được công bố năm 2003 Nhà xuất bản Công an nhân dân.