Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), cùng với việc thực hiện các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các đề án, chương trình, kế hoạch PBGDPL của UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lập Thạch trong thời gian qua đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác PBGDPL đem lại nhiều kết quả quan trọng như: (i) Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, cơ bản đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng; (ii) Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đã được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn; (iii) Nội dung tuyên truyền, phổ biến ngày càng đa dạng, được chọn lọc thông qua việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của địa phương, từ đó có kế hoạch tập trung ưu tiên tuyên truyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống dân sự, hình sự, kinh tế, kinh doanh, việc làm của các tổ chức, cá nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân; (iv) Nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tiết kiệm thời gian và chi phí của các cơ quan nhà nước và công dân; (v) Giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; (vi) Thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao hiệu lực của pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật của các cấp chính quyền…
Trong 02 năm (2015, 2016), dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL hàng năm gắn với việc triển khai đồng bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trên địa bàn toàn huyện. Tập trung triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Hàng năm triển khai đồng bộ việc kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, báo cáo viên pháp luật huyện; đối với các xã, thị trấn kiện toàn đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên pháp luật, gắn với việc kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 22 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 45 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 485 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 216 tổ hòa giải ở các thôn và các tổ liên gia với 1.636 hòa giải viên. Trong 02 năm (2015, 2016), UBND huyện đã mở được 50 lớp tập huấn với trên 7.500 lượt người tham gia. Đối với các xã, thị trấn đã mở được trên 60 lớp tập huấn cho các tổ hòa giải, tổ liên gia ở cơ sở, tổ chức các cuộc thi hòa giải viên giỏi…
Công tác PBGDPL thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở thời gian qua cũng được UBND huyện quan tâm, chú trọng. UBND huyện đã tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ hòa giải ở cơ sở vừa nắm được kiến thức pháp luật, vừa tìm hiểu các quy định của pháp luật phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở đảm bảo có chất lượng, hiệu quả. So với giai đoạn năm 2010 - 2012, tỷ lệ hòa giải thành chỉ đạt từ 75 - 78% thì giai đoạn năm 2015 - 2016 tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 81 - 82%, chủ yếu các vụ việc liên quan đến mâu thuẫn tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình và trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn huyện hàng năm đã có sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước của tỉnh Vĩnh Phúc; thường xuyên tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tới các xã nghèo, xã có đồng bào dân tộc thiểu số, xã có trẻ em, người tàn tật… Thông qua công tác trợ giúp pháp lý, cán bộ tuyên truyền pháp luật của tỉnh đã góp phần quan trọng giúp cho người dân hiểu pháp luật, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn huyện nói chung và PBGDPL thông qua hình trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập chủ yếu đó là: (i) Công tác chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền pháp luật ở cơ sở còn hạn chế, chưa có chiều sâu và đồng bộ. (ii) Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chưa kịp thời, dẫn đến một số vụ việc hòa giải chậm hoặc hòa giải không thành. (iii) Một số hòa giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải. (iv) Việc huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL chưa được tiến hành một cách đồng bộ và rộng khắp. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác này còn rất hạn hẹp, nhất là ở cơ sở, dẫn đến hiệu quả giáo dục pháp luật chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng cường hiệu lực pháp luật trong đời sống xã hội. (v) Nhiều người dân có biểu hiện coi thường pháp luật, chưa thực sự tin tưởng vào sự công bằng, vào lẽ phải, vào sự công minh của pháp luật. (vi) Việc thực hiện pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ, chưa nghiêm minh và triệt để.
Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL chưa đầy đủ, chưa có sự quan tâm đúng mức. Hình thức PBGDPL có lúc, có nơi còn đơn điệu, không hấp dẫn người nghe. Hiện nay, hình thức chủ yếu vẫn là tuyên truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ gấp, tờ rơi, qua tủ sách pháp luật. Những hình thức giáo dục pháp luật khác như hòa giải ở cơ sở, câu lạc bộ, hội thi thu hút được đông đảo người tham gia lại ít có điều kiện tổ chức. Chất lượng dạy học môn giáo dục công dân, môn pháp luật ở các trường học còn thấp. Đội ngũ làm công tác PBGDPL đa số là kiêm nhiệm, kiến thức pháp luật, năng lực sư phạm, kỹ năng truyền đạt của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giáo dục pháp luật. Mặt khác, chế độ thù lao đối với những người làm công tác PBGDPL chưa tương xứng, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ cho họ khi thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Kinh phí dành cho hoạt động PBGDPL có nơi còn khó khăn, nhất là ở cơ sở, mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng. Cùng với điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, phương tiện đi lại... cũng ảnh hưởng tới hiệu quả PBGDPL.
Trong tình hình hiện nay, việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân ngày càng được coi trọng. PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở là một trong các hình thức tuyên truyền đơn giản, thiết thực và hiệu quả. Để phát huy vai trò tích cực của phương thức này cần tiến hành các giải pháp sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, tăng cường các hoạt động phổ biến thông qua trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở.
Hai là, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên để nâng cao nhận thức cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên. Theo đó, hàng năm, Ngành Tư pháp nói chung và Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng cần có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên. Nội dung tập huấn cần mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù công tác hòa giải ở địa phương. Có thể tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải và PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở hoặc giới thiệu các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Ba là, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động. Các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi là một trong các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL có sức hấp dẫn và hiệu quả. Thông qua các hội thi, những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động; đối tượng của hội thi rất rộng, tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thoải mái và hoàn toàn chủ động, qua đó khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao. Vì vậy, pháp luật có điều kiện lan tỏa, đi vào cuộc sống người dân. Các hội thi này một mặt khuyến khích, động viên phong trào hòa giải trong toàn huyện nói chung và từng địa phương nói riêng, mặt khác còn là dịp tốt để các hòa giải viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động hòa giải. Ngoài ra, có thể tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các hòa giải viên, đưa công tác hòa giải lồng vào các hoạt động phong trào khác của địa phương như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...
Bốn là, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật có thể gồm: Đề cương tuyên truyền PBGDPL, sổ tay nghiệp vụ hòa giải, bài báo, tạp chí liên quan đến luật, sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông, tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Vì vậy, các cơ quan tư pháp ở địa phương cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên.
Năm là, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, các cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về công tác PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải. Qua các cuộc hội nghị, tọa đàm một mặt theo dõi tổng hợp, đánh giá về tổ chức đội ngũ hòa giải viên tại các tổ hòa giải, mặt khác còn là diễn đàn để các hòa giải viên có thể học tập lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hòa giải. Đồng thời, qua việc sơ kết, tổng kết hoạt động hòa giải ở cơ sở giúp chính quyền địa phương có điều kiện hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, cũng như kiến nghị về công tác hòa giải nói riêng và công tác PBGDPL nói chung.
Sáu là, bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và PBGDPL. Để nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hiện nay, cần phải dành khoản kinh phí nhất định để chi cho các hoạt động hòa giải như: Kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng công tác hòa giải, tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên... nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và công tác PBGDPL ở địa phương.
Bảy là, kết hợp PBGDPL với trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý với hòa giải ở cơ sở là kênh tuyên truyền pháp luật quan trọng tạo cơ sở nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn huyện
Trưởng phòng Tư pháp huyện Lập Thạch