Xác định công tác TTPBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, có tầm quan trọng rất lớn trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội nói chung và trong phòng, chống tội phạm nói riêng, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc luôn coi đây là khâu đầu tiên của việc tổ chức thi hành pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Để thực hiện hiệu quả công tác TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm đến cán bộ, chiến sĩ Công an và các tầng lớp nhân dân, phù hợp với trình độ, đặc điểm pháp lý của từng đối tượng, đặc điểm địa bàn và thực tiễn công tác, chiến đấu. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, chỉ đạo của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác TTPBGDPL và căn cứ vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, hàng năm hoặc theo chuyên đề, Công an tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, trong đó xác định việc TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đưa chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm vào thực tiễn cuộc sống, cần được các đơn vị và Công an các cấp trong tỉnh triển khai rộng khắp, toàn diện, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tham gia. Hoạt động TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như: Thông qua hội nghị tập trung, nói chuyện chuyên đề, sao gửi văn bản, phát tờ rơi, tờ gấp, cấp phát sách và tài liệu pháp luật, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp qua các hoạt động thực thi công vụ, qua công tác nắm tình hình, tham mưu, đề xuất, vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật gắn với việc xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Trong những năm qua, với việc góp phần của công tác TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm được thực hiện tích cực, hiệu quả, nên nhận thức pháp luật và việc áp dụng, thi hành, chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng cao, hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật. Qua theo dõi, thống kê thi hành pháp luật cho thấy, tình hình tội phạm về trật tự xã hội và tai nạn giao thông từ năm 2011 đến năm 2016 đều giảm hơn so với năm 2010 và năm sau đều giảm hơn năm trước; số vụ trọng án xảy ra ít; không có tình trạng tội phạm lộng hành; không có tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen; tội phạm về cờ bạc, ma túy, mại dâm, tham nhũng, kinh tế hoạt động nhỏ lẻ, đơn thuần, không công khai, trắng trợn gây bức xúc trong nhân dân.
Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, công tác TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm thời gian qua cũng đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa ngang tầm với yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm. Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TTPBGDPL, tổ chức thực hiện, thực thi pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có nơi, có lúc còn chưa đúng mức. Việc vận dụng lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật vào việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy và các hoạt động khác tại địa bàn cơ sở chưa được thường xuyên. Đội ngũ cán bộ làm công tác TTPBGDPL trong lực lượng Công an còn thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng và đều kiêm nhiệm. Việc tổ chức thực hiện có nơi còn dàn trải, hình thức, nặng về phong trào, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Hình thức thực hiện chưa phong phú, chủ yếu là hội nghị, nói chuyện tập trung; biện pháp thực hiện chủ yếu là đọc văn bản, truyền đạt một chiều từ người giảng tới người nghe; nội dung và cách thức truyền đạt chưa có nhiều sự khác biệt giữa các đối tượng, địa bàn; chưa nắm bắt để truyền đạt, giải thích sâu sắc, rõ ràng những nội dung, quy định pháp luật cụ thể mà từng đối tượng được tuyên truyền cần và muốn tìm hiểu.
Thời gian tới, trong bối cảnh cả nước cũng như tỉnh Vĩnh Phúc đang bước vào thời kỳ chiến lược mới, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với những nguy cơ, khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, trong đó tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh tuy đã được kiềm chế và làm giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn chưa nghiêm. Do vậy, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm là đòi hỏi khách quan, rất cần thiết và cấp bách. Để đạt được điều đó, theo tác giả cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có công tác TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm; xác định đây là nhiệm vụ của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, với lực lượng Công an là nòng cốt, xung kích, trực tiếp. Theo đó, chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tham mưu xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt để triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm theo từng năm và từng giai đoạn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tủ sách pháp luật ở cơ sở; duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh ở các thôn, làng, khu dân cư; tăng cường TTPBGDPL thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Quá trình thực hiện phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, có khen thưởng và xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, nhất là đối với người đứng đầu.
Hai là, làm tốt công tác phân tích và dự báo tình hình tội phạm, xác định, dự báo chính xác các loại tội phạm đang và sẽ nổi lên, địa bàn đang và có khả năng xảy ra hoạt động phức tạp của tội phạm, loại đối tượng và thành phần đang và có xu hướng hoặc có khả năng gây ra hoặc bị lôi kéo phạm tội; trên cơ sở đó xác định đối tượng, địa bàn và nội dung, cách thức TTPBGDPL phòng, chống tội phạm phù hợp nhu cầu để phát huy hiệu quả cao nhất, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao và nhóm đối tượng đặc thù.
Ba là, gắn kết chặt chẽ giữa TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm với đấu tranh, xử lý tội phạm. Theo đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh với các loại tội phạm, thực hiện các biện pháp đấu tranh để xóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm nổi lên; xử lý kịp thời, triệt để, nghiêm minh tội phạm và vi phạm pháp luật, đảm bảo cho người dân có niềm tin là các quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm đã được phổ biến, tuyên truyền sẽ được thực thi và thực thi nghiêm túc.
Bốn là, đổi mới, đa dạng các hình thức TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm, chú trọng thực hiện biện pháp tuyên truyền trực quan sinh động, tác động trực tiếp đến nhận thức của đối tượng được tuyên truyền, qua đó để họ tự liên hệ, ý thức và điều chỉnh hành vi, như: Việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông phải gắn giữa nêu nội dung vụ việc, hành vi phạm tội với kết quả xử lý hoặc hình thức, mức độ xử lý cụ thể sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật; việc tuyên truyền miệng phải có liên hệ thực tế, sử dụng hình ảnh hoặc ví dụ minh họa cụ thể, chú trọng giao lưu đối thoại giữa người thực hiện tuyên truyền với người được tuyên truyền; việc tuyên truyền trên pa-nô, áp phích theo hướng nêu tội phạm, hành vi phạm tội cụ thể và các chế tài xử lý liên quan; nội dung tuyên truyền cần dễ hiểu, dễ nhớ, sát hợp với từng loại đối tượng được tuyên truyền; lồng ghép TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm với việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Năm là, tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong TTPBGDPL nói chung và TTPBGDPL về phòng, chống tội phạm nói riêng với việc đề ra cơ chế phối hợp cụ thể, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy và gắn vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức luật gia, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên các cấp và trong các cơ quan, đơn vị; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực và đảm bảo chế độ, chính sách phù hợp đối với người làm công tác TTPBGDPL để thu hút, khuyến khích mọi người tham gia và tham gia trách nhiệm.
Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Vĩnh Phúc
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp