“Tôi được trực tiếp phản ánh từ các doanh nghiệp và một số đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp cho biết, họ rất ủng hộ Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, vì nội dung các chương trình sát với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các hoạt động đưa ra rất phù hợp, các chương trình được thực hiện bởi các chuyên gia giỏi, chuyên sâu trong từng lĩnh vực; đặc biệt có nhiều chuyên gia đã trực tiếp tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ đề pháp lý, nên thông tin đưa ra rất sát sườn, mang tính thực tiễn cho các vấn đề pháp lý cơ bản. Chương trình có sức tác động mạnh hơn, sức lan tỏa rộng hơn, hiệu quả hơn so với các chương trình phổ biến pháp luật khác”.
Ông Nguyễn Minh Tú – Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
“Chương trình có vai trò rất quan trọng đối với xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác trong đó có Hợp tác xã. Đây là kênh hỗ trợ cung cấp thông tin giúp thị trường, xã hội trở nên minh bạch hơn và mọi người có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin. Chương trình đã cung cấp những kiến thức pháp luật kinh doanh cơ bản một cách đầy đủ, có hệ thống từ các chuyên gia có uy tín và các cán bộ đang công tác tại các cơ quan xây dựng pháp luật. Chương trình đã tạo diễn đàn để trao đổi thông tin qua lại giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa các doanh nghiệp với nhau, giúp chúng ta một mặt hiểu thấu hơn về môi trường pháp luật trong kinh doanh, mặt khác, chúng ta cùng nhau cố gắng phát hiện các vấn đề khó khăn, bất cập của quy định pháp luật, từ đó cùng nhau chia sẻ để giải quyết các khó khăn, bất cập đó một cách hiệu quả nhất”. Về quy trình, cách thức triển khai các hoạt động của Chương trình, ông Tú cũng chia sẻ thêm: “Tôi có ấn tượng rất tốt với đội ngũ làm chương trình, đội ngũ làm chương trình đã rất sâu sát thực tiễn, đã đưa được hơi thở của thực tiễn đến doanh nghiệp, các câu hỏi, vấn đề pháp lý từ thực tiễn để phản ánh ra xã hội, phản ánh tới các cơ quan nhà nước, đây là vấn đề rất tốt; tạo ra phản hồi đến các cơ quan nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan làm luật”.
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đánh giá cao Chương trình:
“Nội dung chương trình rất thiết thực, tôi rất ủng hộ bởi Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, thông qua Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức pháp lý của người quản lý doanh nghiệp, về vai trò của việc hiểu biết, nắm vững các quy định pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội đã phản ánh với tôi thông tin tốt về Chương trình, đề nghị Chương trình tiếp tục triển khai thường xuyên, mạnh mẽ hơn các hoạt động”.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đánh giá:
“Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phong phú về nội dung và hình thức thực hiện, đã chuyển tải thông tin kinh doanh và pháp luật đến với doanh nghiệp một cách đầy đủ và khoa học. Chương trình có sự khác biệt so với các chương trình khác, chương trình đã chọn lọc ra các vấn đề nóng của xã hội liên quan đến hoạt động kinh doanh để phân tích, chia sẻ từ quan điểm, góc nhìn của những nhà quản lý, chuyên gia về pháp luật, chuyên gia kinh tế nổi tiếng, chủ doanh nghiệp thành công và các luật sư có kinh nghiệm để xây dựng nội dung các chương trình bám sát vào thực tế cuộc sống. Chương trình đã cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp các thông tin quan trọng về những vướng mắc, những bất cập đang diễn ra hàng ngày, làm cho hoạt động kinh doanh đi vào nề nếp, đúng quy định pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh nói riêng để triển khai thực hiện đúng, có hiệu quả, từ đó hạn chế những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự ổn định và phát triển cho doanh nghiệp”.
Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sơn Hà, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội:
“Tôi thấy đây là một Chương trình rất cần thiết vì để các doanh nghiệp có thể hiểu và tuân thủ pháp luật thì rất cần các kênh để đưa luật vào tiếp cận với doanh nghiệp. Đây cũng là một bước hoàn thiện dần dần của luật pháp khi có một kênh riêng để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt Chương trình đang triển khai mạnh mẽ trên cả nước, có tầm phổ biến rộng rãi đến mọi doanh nghiệp, mọi doanh nhân nói riêng và xã hội nói chung. Chương trình như một thông điệp truyền tải thông tin đến cho những doanh nhân, thông qua đó có thể định hướng được những hành vi đúng pháp luật. Chương trình đã đưa đến cho doanh nghiệp những vấn đề pháp lý thiết yếu thông qua những phân tích của đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia và ý kiến của chính doanh nghiệp, nên tương đối sát với thực tế”.
Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại thiết bị Âu Việt:
“Công ty tôi là doanh nghiệp nhỏ với hơn 10 người, chúng tôi không có bộ phận pháp chế, công việc lại bận rộn nên không có thời gian cập nhật về chính sách và tìm hiểu kỹ về pháp luật kinh doanh. Tôi tình cờ biết đến các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Chương trình và thấy có thông tin bổ ích và thường xuyên theo dõi các hoạt động của Chương trình. Đặc biệt, tôi được nghe các nội dung chương trình về lĩnh vực ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, chính nhờ có lưu ý của các chuyên gia đã giúp tôi tránh được thiệt hại khá lớn do sự chủ quan và sơ suất khi chuẩn bị ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa của đối tác nước ngoài. Từ đó, tôi thấy được tầm quan trọng của sự hiểu biết và tuân thủ luật pháp. Tôi xin gửi lời cảm ơn Chương trình và mong Chương trình tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động để giúp cho các doanh nghiệp và những người như tôi có thêm một kênh thông tin hữu ích về pháp luật cho hoạt động kinh doanh”.
Với tốc độ phát triển nhanh và xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu đã đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội cũng như thách thức và đặt ra những bài toán hóc búa hơn cho các nhà quản trị doanh nghiệp. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc doanh nghiệp hiểu biết pháp luật, thường xuyên cập nhật các chính sách, thông tin pháp luật trong kinh doanh là rất cần thiết để tồn tại và phát triển. Thời gian trước đây, đa số các doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng yếu tố pháp luật. Từ đó, dẫn đến nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp về tài chính, về thị trường, về uy tín và có trường hợp chủ doanh nghiệp đã bị truy tố trước pháp luật. Chính vì thế, các hoạt động của Chương trình nhằm cung cấp thông tin pháp lý, nâng cao hiểu biết về pháp luật kinh doanh là nhu cầu rất cấp thiết đối với các doanh nhân, những nhà quản lý doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng uy tín trên thương trường.
Các hoạt động của Chương trình đã cung cấp một cách có hệ thống và toàn diện các thông tin pháp lý cơ bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó chú trọng việc tuyên truyền những thay đổi của pháp luật hiện hành, phân tích tác động của sự thay đổi pháp luật đó đối với hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời, Chương trình cung cấp những thực tiễn pháp lý trong kinh doanh (dưới hình thức tình huống, phân tích của chuyên gia), những vướng mắc pháp lý doanh nghiệp thường xuyên gặp phải, cảnh báo những rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp không tuân thủ các quy định pháp luật, từ đó, nêu ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể phòng ngừa những rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Ngoài ra, trong từng nội dung chuyên đề, các chuyên gia cũng đã phân tích những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật hiện hành, từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật cụ thể
PV