Trong những năm gần đây, xác định được vai trò quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN ngày 31/7/2007 của Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (nay là Bộ Công Thương); Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”; Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ… Tuy nhiên, có thể nhận thấy, ở Việt Nam trong thời gian qua, quá trình phát triển công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ nội địa thấp; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của chúng ta còn nghèo nàn về chủng loại; kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu; giá thành sản phẩm cao; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa toàn cầu rất ít; nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ ngước ngoài; nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng…
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia ký kết cho phép nhiều sản phẩm hàng hóa từ nước ngoài nhập vào Việt Nam với mức thuế nhập khẩu giảm về tới 0%, điều đó đặt ra yêu cầu nếu không nỗ lực từ cả hai phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp thì chúng ta có thể sẽ rơi vào tình trạng các nhà sản xuất lắp ráp công nghiệp hỗ trợ sẽ rút lui khỏi thị trường và chuyển sang nhập khẩu.
Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp là một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm cơ khí chế tạo với khối lượng hơn 20 triệu sản phẩm/năm, với hàng trăm chủng loại khác nhau, thường xuyên phải sử dụng các đơn hàng phụ trợ của những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, vì vậy, bên cạnh nỗ lực phát triển sản xuất, bản thân doanh nghiệp cũng rất mong đợi từ phía Nhà nước với những chính sách hỗ trợ hợp lý và hành lang pháp lý ổn định để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Được biết, Nhà nước ta đang xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn và rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Trước diễn đàn góp ý xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:
Một là, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, vì vậy, khi xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, Nhà nước cần phải đặt chủ chương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong tổng thể các chính sách đó;
Hai là, với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển, thì sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu ngày càng đi vào xác định và được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạo cơ chế cho các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp tầm cỡ đa quốc gia thường xuyên sử dụng mạng lưới xí nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẵn sàng cung cấp các sản phẩm hỗ trợ;
Ba là, Nhà nước cần có chính sách ổn định để khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ yên tâm, mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, phát động tinh thần sáng tạo, khơi dậy trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải luôn luôn duy trì một sự cơ động, mềm dẻo cao trong việc quản lý dây chuyền cung cấp các sản phẩm hỗ trợ để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu;
Bốn là, nhận diện rõ những thách thức và rào cản trong công nghiệp hỗ trợ ở nước ta hiện nay sẽ là những dữ liệu quan trọng trong việc hoạch định những chính sách và bước đi phù hợp trong xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt Nam, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa là nòng cốt.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp