Ở nước ta, trước năm 2008, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, thiếu sự tập trung và không quy củ. Sau khi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) được ban hành, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Ở trung ương, Bộ và các cơ quan ngang bộ là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (thông qua đầu mối là Vụ Pháp chế). Ở địa phương, công tác này do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện (thông qua đầu mối là Sở Tư pháp).
Qua rà soát cho thấy, các quy định có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nên dẫn đến phát sinh nhiều rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp thời gian qua. Bên cạnh đó, không ít quy định đã chậm đi vào cuộc sống do yếu kém trong tổ chức thực thi các quy định pháp luật từ phía cơ quan nhà nước, chủ thể kinh doanh. Xuất phát từ nguyên nhân do nhận thức pháp lý của các chủ thể khởi nghiệp còn kém; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của cơ quan nhà nước chưa hiệu quả; các quy định pháp luật chưa đầy đủ, còn hạn chế, khó áp dụng…
Thực trạng thực thi pháp luật trong công tác hỗ trợ pháp lý cho chủ thể khởi nghiệp; những tồn tại, hạn chế trong công tác hỗ trợ pháp lý cho chủ thể khởi nghiệp ở Việt Nam được tác giả Trần Văn Biên & Ngô Thu Trang phản ánh trong bài viết: “Hỗ trợ pháp lý cho các chủ thể khởi nghiệp – Thực trạng và giải pháp” đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Nhận diện rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp” năm 2019 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, đồng thời, tác giả cũng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao công tác hỗ trợ pháp lý cho các chủ thể khởi nghiệp. Kính mời quý bạn đọc quan tâm tìm đọc!