Trong những năm qua, đi đôi với việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện, công tác hòa giải cơ sở luôn được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Phù Yên. Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn, đội ngũ làm công tác hòa giải cơ sở được thành lập và kiện toàn, từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, là cầu nối trực tiếp chuyển tải mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ và nhân dân, nhờ đó công tác hòa giải trên địa bàn huyện Phù Yên đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:
Thứ nhất, về quản lý nhà nước về công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Tư pháp là đơn vị tham mưu giúp Ủy ban nhân dân (UBND) huyện tổ chức triển khai thực hiện các quy định về công tác hòa giải ở địa phương; đề xuất với UBND huyện biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên.
Năm 2015, Phòng Tư pháp đã phối hợp với UBND các xã tổ chức 13 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, kinh phí từ ngân sách nhà nước chưa cấp riêng cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, thì sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương càng có ý nghĩa to lớn trong việc động viên, tạo mọi điều kiện huy động và sử dụng nguồn lực tại chỗ để đẩy mạnh công tác hòa giải.
Ở cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải, kiện toàn tổ chức, củng cố đội ngũ những người làm công tác hòa giải; căn cứ vào tình hình cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, lập dự trù kinh phí đề nghị UBND xã, thị trấn hỗ trợ cho công tác hòa giải (hỗ trợ cho việc kiện toàn tổ chức tổ hòa giải, họp sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, mua tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ hòa giải, giấy, bút, sổ sách ghi chép…).
Thứ hai, về củng cố kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở
Ngày 04/11/2008, UBND huyện Phù Yên đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải cơ sở. Đến nay, tổng số 319/319 bản trên địa bàn huyện đã thành lập và kiện toàn các tổ hòa giải. Hàng năm, Phòng Tư pháp đều hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát củng cố, kiện toàn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Theo số liệu tổng hợp quý I/2016, toàn huyện có 1.495 hòa giải viên, trong đó có 1.131 nam, 364 nữ.
Thứ ba, về kết quả hoạt động hòa giải cơ sở
- Trong năm 2015, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận hòa giải thành 133/162 vụ việc mâu thuẫn xích mích tại cơ sở.
- Thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, Hội Nông dân các cấp lấy hoà giải làm nhiệm vụ chủ yếu để tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực tế cho thấy, có những vụ việc nhỏ nếu được phát hiện và hòa giải kịp thời sẽ không phát sinh thành những vụ việc phức tạp. Các cấp Hội đã phát huy thế mạnh của tổ chức hội, đó là vừa rộng, vừa gần, vừa sâu sát, vừa có uy tín với nông dân bằng phương pháp vận động quần chúng, nắm bắt kịp thời, đầy đủ, chính xác, chi tiết của vụ việc khiếu kiện và tâm lý của đối tượng để kiên trì vận động, thuyết phục, vận dụng nhiều hình thức hòa giải linh hoạt, vừa phân tích có lý, có tình, dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em thân tộc, bằng nhiều hình thức hòa giải phong phú như thông qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ, hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể đã hòa giải thành, phần lớn vụ việc phát sinh tại bản. Trong năm 2015, Hội Nông dân các xã trên địa bàn huyện đã hòa giải thành 36 vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo của hội viên tổ chức Hội Nông dân.
Để có được những kết quả trên đây, Phòng Tư pháp huyện Phù Yên đã biết tận dụng những thuận lợi và nỗ lực vượt qua khó khăn, cụ thể:
Về thuận lợi
- Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác hòa giải ở cơ sở.
- Công tác hòa giải ở cơ sở luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp, sự tham gia phối hợp của các thành viên, UBND các xã, thị trấn.
- Tiêu chuẩn hòa giải viên cơ sở được quy định chặt chẽ, cụ thể, nhằm chọn ra những người đủ năng lực, phẩm chất thực hiện công tác hòa giải cơ sở.
- Kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở bước đầu đã nhận được sự quan tâm của HĐND,UBND các cấp.
Về khó khăn
- Việc kiện toàn, mở rộng tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở một số cơ sở tiến hành còn chậm nhất là sau mỗi lần đại hội, bầu cử.
- Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ cho tổ hòa giải chủ yếu do Phòng Tư pháp huyện Phù Yên thực hiện, cán bộ tư pháp xã chưa tham mưu thực hiện được công tác này.
- Kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải đã được quy định hỗ trợ theo Nghị quyết số 102/2014/NQ-HĐND ngày 04/12/2014 của HĐND tỉnh về mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn kinh phí vẫn chưa được cấp, phân bổ về các đơn vị, địa phương để chi cho công tác này.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải cơ sở trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần có sự nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải, phải coi trọng vai trò hòa giải của chính quyền kết hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở.
Hai là, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong quản lý công tác hòa giải ở địa phương phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của thực tiễn đặt ra như: Đảm bảo điều kiện vật chất, kinh phí… nhằm trang bị cho họ các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết cũng như các điều kiện thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ.
Ba là, cần tăng cường, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ về trình độ lý luận chính trị, thấm nhuần quan điểm, trách nhiệm vì dân, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, năng lực viết văn bản (biên bản hòa giải), năng lực quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở. Bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở, am hiểu phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của người dân để công tác hòa giải có thể đi sâu, đi sát vào cơ sở và thực sự phù hợp, có hiệu quả.
Bốn là, thường xuyên cung cấp cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã và cán bộ hòa giải ở cơ sở, các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải; văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện hòa giải (cập nhật văn bản pháp luật mới); tài liệu, sách hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, sách pháp luật phổ thông, bỏ túi, tời rời, tờ gấp… chú ý tài liệu cung cấp phải cần thiết và phù hợp với thực tế áp dụng của địa phương, đối với các vùng dân tộc, cần phải có tài liệu dịch ra tiếng dân tộc để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Năm là, Nhà nước cần phân bổ nguồn kinh phí để các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, đồng thời bảo đảm cơ sở vật chất, thiết yếu phục vụ hoạt động của tổ hòa giải (như tài liệu, văn phòng phẩm, tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận, sơ kết, tổng kết, khen thưởng...).
Sáu là, tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong công tác hòa giải, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động hòa giải ở địa phương. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào cấp ủy, chính quyền, phòng tư pháp quan tâm đến công tác hòa giải, thì ở nơi đó công tác này vận hành tốt và có hiệu quả. Các biện pháp cụ thể:
- Có kế hoạch cụ thể thể hóa nội dung về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác hòa giải ở cơ sở và việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Thường xuyên có ý kiến chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về tình hình thực hiện công tác hòa giải. Đảng lãnh đạo tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải không chỉ bằng chủ trương, đường lối mà còn bằng sự gương mẫu của các tổ chức Đảng và đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, đường lối và tích cực tham gia vào tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa UBND với các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng.
Bảy là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và các tổ chức đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp cấp huyện, xã trong quản lý tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở để hỗ trợ và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hòa giải. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên, cụ thể như:
- Phối hợp trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở.
- Cử cán bộ phối hợp thực hiện công tác rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, theo dõi, kiểm tra tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở.
- Giới thiệu những người có thành tích trong công tác hòa giải để đề nghị Chủ tịch UBND cùng cấp khen thưởng.
- Phối hợp tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở.
- Tạo điều kiện cho các thành viên của mình tham gia tích cực vào công tác hòa giải. Hiện nay, thành viên của các tổ hòa giải thường là những đại diện tiêu biểu của các tổ chức chính trị - xã hội trong cộng đồng dân cư địa phương như: Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… Chính vì vậy, việc các tổ chức chính trị - xã hội động viên, tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên của mình tham gia hoà giải sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở.
- Động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Gắn hoạt động hòa giải với việc xây dựng và thực hiện các phong trào quần chúng ở địa phương: Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư…
Tám là, thực hiện chế độ thông tin báo cáo thường xuyên về tình hình hoạt động công tác hòa giải ở địa phương kết hợp với việc thực hiện chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết 6 tháng, hàng năm để Phòng Tư pháp tổng hợp báo cáo UBND huyện, Sở Tư pháp để kịp thời hướng dẫn chỉ đạo.
Chín là, tăng cường công tác đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở. Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của đội ngũ này phải được tiến hành thường xuyên hàng năm kết hợp với việc thực hiện chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết.
Phòng Tư pháp huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La