Abstract: The article mentions some limitations and inadequacies in the Penal Code of 2015, particularly in the regulations on criminal trial in first instance and from this to propose amendments and completion of regulations on criminal trial in first instance.
Để đảm bảo hiệu quả của công tác xét xử sơ thẩm hình sự, đòi hỏi quy định pháp luật về trình tự, thủ tục xét xử tại phiên tòa hình sự sơ thẩm phải rõ ràng, cụ thể, bao quát được các tình huống có thể xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, dù đã được sửa đổi, bổ sung bởi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhưng những quy định pháp luật về phiên tòa hình sự sơ thẩm vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến việc xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, việc đưa ra những đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về phiên tòa hình sự sơ thẩm là nhu cầu cấp thiết hiện nay.
1. Một số bất cập của pháp luật về phiên tòa hình sự sơ thẩm
Một là, thủ tục bắt đầu phiên tòa
Đây là phần mở đầu của phiên tòa xét xử được quy định từ Điều 300 đến Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Thủ tục bắt đầu phiên tòa được mở đầu bằng việc chủ tọa phiên tòa tuyên bố khai mạc phiên tòa rồi đọc Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi thư ký báo cáo danh sách những người có mặt, vắng mặt tại phiên tòa thì tùy theo lý do vắng mặt có chính đáng hay không mà hội đồng xét xử quyết định tiếp tục xét xử hay hoãn phiên tòa. Thủ tục bắt đầu phiên tòa theo quy định hiện hành là khá rõ ràng, cụ thể và hợp lý. Tuy nhiên, Điều 303, Điều 304 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trách nhiệm cam đoan làm tròn nhiệm vụ, khai trung thực của người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người làm chứng nhưng chưa rõ ràng, vì vậy, cần quy định cụ thể hơn về thủ tục, hình thức thực hiện cam đoan như tuyên thệ trước Tòa án hay ký xác nhận cam đoan... nhằm nâng cao trách nhiệm tôn trọng sự thật của các chủ thể này.
Hai là, thủ tục tranh tụng tại phiên tòa
Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa bao gồm thủ tục xét hỏi và thủ tục tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, được quy định từ Điều 306 đến Điều 325 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Thủ tục xét hỏi được mở đầu bằng việc kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày những ý kiến bổ sung, nếu có. Sau đó, hội đồng xét xử sẽ để cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trình bày ý kiến của mình về bản cáo trạng và các tình tiết của vụ án rồi mới hỏi thêm về những điểm nào đó mà họ trình bày chưa đủ hoặc có mâu thuẫn. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, phiên tòa hình sự sơ thẩm sẽ chuyển sang thủ tục tranh luận. Kiểm sát viên trình bày lời luận tội của mình, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ nội dung của cáo trạng hay rút bớt một phần nội dung truy tố của cáo trạng hoặc kết luận bị cáo phạm tội nhẹ hơn, đồng thời đề nghị loại hình phạt, mức hình phạt cũng như các biện pháp tư pháp khác. Sau lời luận tội của kiểm sát viên, bị cáo hoặc người bào chữa cho bị cáo sẽ trình bày lời bào chữa, bị cáo có quyền trình bày ý kiến bổ sung vào lời bào chữa. Tiếp theo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ lần lượt được trình bày ý kiến về việc luận tội của kiểm sát viên và đưa ra các đề nghị để bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như nếu có người bảo vệ quyền lợi của đương sự thì người này được quyền đề nghị, trình bày ý kiến của mình đối với lời luận tội và ý kiến để bảo vệ quyền lợi cho người mà mình nhận bảo vệ. Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến, người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, chủ tọa phiên tòa không hạn chế thời gian tranh luận và phải tạo điều kiện thuận lợi để cho những người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến của mình, nhưng chủ tọa có quyền cắt những ý kiến không liên quan hoặc những ý kiến trùng lặp đã được đối đáp rồi. Đồng thời, chủ tọa cũng có quyền yêu cầu kiểm sát viên phải đối đáp lại những ý kiến yêu cầu của người bào chữa hoặc của những người tham gia tố tụng khác nếu như những ý kiến đó chưa được tranh luận. Đây là quy định mới được bổ sung nhằm đảm bảo cho việc xét xử được công bằng dân chủ, đáp ứng yêu cầu tranh tụng mà chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra. Quy định này góp phần khắc phục những tồn tại trước đây khi tranh luận, nhiều trường hợp kiểm sát viên không đưa ra được những lập luận để phản bác với ý kiến của bị cáo, của người bào chữa cho bị cáo hoặc của những người khác, không đối đáp mà chỉ trả lời giữ nguyên ý kiến luận tội hoặc giữ nguyên quyết định truy tố. Tuy nhiên, quy định về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm vẫn còn một số bất cập sau đây:
- Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Chủ tọa phiên tòa phải hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem ai có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không”. Quy định này nhằm bảo đảm sự bình đẳng trước Tòa án giữa đại diện Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng trong việc giải quyết các yêu cầu, cung cấp nguồn chứng cứ cũng như đưa ra chứng cứ trực tiếp. Tuy nhiên, yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét chỉ được giải quyết khi tiến hành thủ tục bắt đầu phiên tòa nhưng lại không được quy định trong phần thủ tục tranh tụng tại phiên tòa. Như vậy, khi vụ án đang tiến hành thủ tục tranh tụng mà người tham gia tố tụng muốn yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét thì lại không có căn cứ để hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu.
- Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Tòa án có thể vẫn tiến hành xét xử vắng mặt người làm chứng và khi tiến hành xét hỏi thì hội đồng xét xử sẽ công bố lời khai của người làm chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, trong trường hợp chứng cứ được công bố trong lời khai của người làm chứng mâu thuẫn với các chứng cứ mà Tòa án thu được trực tiếp tại phiên tòa mà việc giải quyết được mâu thuẫn đòi hỏi phải triệu tập thêm người làm chứng. Nếu kiểm sát viên hoặc người tham gia tố tụng có yêu cầu thì yêu cầu này sẽ không thể được chấp nhận, vì việc giải quyết yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét chỉ tiến hành ở phần thủ tục bắt đầu phiên tòa.
- Theo quy định tại Điều 302 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì việc thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật chỉ được đặt ra tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa. Trong trường hợp căn cứ để thay đổi những người nêu trên đã xuất hiện từ thủ tục bắt đầu phiên tòa nhưng đến khi phiên tòa chuyển sang thủ tục tranh tụng, thì những người có quyền đề nghị mới phát hiện có các căn cứ này đề nghị thay đổi. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại không quy định về việc cho phép trở lại phần thủ tục mà chỉ cho phép trở lại phần xét hỏi (Điều 323 Bộ luật Tố tụng hình sự) được quy định ở phần thủ tục tranh tụng, như vậy có thể ảnh hưởng quyền của bị cáo và ảnh đến chất lượng xét xử.
- Theo quy định hiện hành, thì việc xét hỏi tại phiên tòa được thực hiện chủ yếu bởi hội đồng xét xử. Việc xét hỏi nhằm làm rõ những tình tiết dùng làm chứng cứ để truy tố bị cáo lại không phải là nhiệm vụ chính của Viện kiểm sát mà phụ thuộc vào hội đồng xét xử. Quy định như trên là không hợp lý, vì Viện kiểm sát thực hiện chức năng buộc tội nên tại phiên tòa, kiểm sát viên phải thực hiện việc xét hỏi để bảo vệ sự buộc tội đó, người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội, nên họ được thực hiện việc xét hỏi để bào chữa cho bị cáo. Trong khi đó, Tòa án đóng vai trò “trung gian”, chỉ xét xử và ra phán quyết trong phạm vi giới hạn của sự buộc tội. Vì vậy, trách nhiệm xác định các tình tiết buộc tội thuộc về Viện kiểm sát; trách nhiệm xác định các tình tiết gỡ tội thuộc về người bào chữa bị cáo; trách nhiệm xác định đầy đủ, khách quan các tình tiết buộc tội cũng như gỡ tội thuộc về Tòa án. Cho nên, khi tiến hành thủ tục xét hỏi, hội đồng xét xử chỉ lắng nghe và chủ tọa phiên tòa chỉ giữ quyền điều hành phiên tòa, quyết định cho ai hỏi ai, duy trì thời gian hỏi và có quyền cắt các ý kiến các câu hỏi không đúng trọng tâm. Hội đồng xét xử không được có những lời lẽ khẳng định hay phủ định bất cứ một vấn đề nào mà các bên tham gia tranh tụng nêu ra, cũng như không được đánh giá, nhận xét đúng sai ngay tại phiên tòa. Bởi lẽ, chức năng của Tòa án là xét xử thông qua việc xét hỏi, nghe các bên tranh luận, hội đồng xét xử sẽ đưa ra phán quyết bằng bản án nêu rõ hành vi của bị cáo có phạm tội hay không phạm tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp khác. Việc hội đồng xét xử thể hiện quan điểm ngay tại phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến việc tranh tụng giữa các bên, làm giảm hiệu quả tranh luận.
Ba là, thủ tục nghị án và tuyên án
Theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: “Chỉ có thẩm phán và hội thẩm mới có quyền nghị án…” và “…các thành viên của hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số từng vấn đề một…”. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn chưa quy định cụ thể về trường hợp nghị án nhưng không đạt được kết quả đa số như luật định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “... Nếu không có ý kiến nào chiếm đa số thì phải thảo luận và biểu quyết lại từng ý kiến của các thành viên hội đồng xét xử đã đưa ra để xác định ý kiến chiếm đa số...”. Như vậy, trong trường hợp đã biểu quyết lại nhưng các thành viên của hội đồng xét xử vẫn giữ nguyên quan điểm, thì vẫn chưa có phương án cụ thể để giải quyết. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì hội đồng xét xử có quyền ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 18 và Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự. Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm”. Việc quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của hội đồng xét xử hiện nay là không hợp lý vì những lý do sau đây:
- Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, thì Tòa án có hai chức năng là: Chức năng xét xử và chức năng thực hiện quyền tư pháp, trong khi đó, chức năng khởi tố vụ án hình sự không phải là nội dung của một trong hai chức năng này; đó là một nội dung trong chức năng buộc tội. Theo quy định hiện hành, Tòa án không được thực hiện chức năng buộc tội.
- Quy định cho phép Tòa án khởi tố vụ án sẽ không đảm bảo tính độc lập, khách quan của Tòa án trong việc giải quyết vụ án. Việc pháp luật tố tụng hình sự cho phép Tòa án phát động tố tụng (khởi tố vụ án) sau đó cũng chính Tòa án là chủ thể có thẩm quyền xét xử vụ án đó thì yếu tố độc lập, khách quan của Tòa án sẽ khó được đảm bảo.
- Thực tiễn cho thấy, Tòa án hiếm khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nên quy định này hầu như ít được thực hiện trên thực tế. Nếu Tòa án muốn ra được quyết định khởi tố vụ án hình sự, thì Tòa án cần phải tiến hành hoạt động kiểm tra, xác minh các thông tin về tội phạm để xác định có dấu hiệu tội phạm hay không. Việc này đòi hỏi phải có thời gian và phải tiến hành nhiều hoạt động khác nhau, có thể là những hoạt động rất phức tạp để củng cố hồ sơ, chứng cứ, tài liệu. Hơn nữa, việc quyết định khởi tố cũng rất khó chính xác nếu chưa kiểm tra, xác minh lại những thông tin về tội phạm và người phạm tội mới chỉ được phản ánh qua lời khai của người tham gia tố tụng hoặc những tài liệu đã có trong hồ sơ, thì việc kiểm tra xác minh lại các thông tin này bằng các hoạt động ngoài phiên tòa cũng khiến việc đưa ra quyết định khởi tố vụ án khó khăn hơn.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án, như vậy, sau khi hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án, sau khi điều tra thấy không có căn cứ khởi tố theo quy định Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì ai là người sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, vì thẩm quyền của hội đồng xét xử vụ án đó đã kết thúc sau khi tuyên án.
2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về phiên tòa sơ thẩm hình sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra là: Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Để thực hiện được nhiệm vụ nêu trên, thì việc hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng hình sự về phiên tòa hình sự sơ thẩm là vấn đề được ưu tiên thực hiện hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, quy định cụ thể về trách nhiệm cam đoan làm tròn nhiệm vụ, khai trung thực của người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người làm chứng tại Điều 303 và Điều 304 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới thì việc cam đoan làm tròn nhiệm vụ, khai trung thực của những người nêu trên phải được thể hiện bằng văn bản và được đọc trực tiếp tại phiên tòa. Do đó, nhằm cụ thể hơn nữa trách nhiệm cam đoan của người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người làm chứng để nâng cao trách nhiệm tôn trọng sự thật của những chủ thể này, tác giả đề xuất việc cam đoan phải được thể hiện bằng văn bản, có chữ ký xác nhận của người cam đoan và phải được họ đọc trực tiếp tại phiên tòa trước khi làm nhiệm vụ. Văn bản cam đoan phải có nội dung sau: (i) Cam đoan của người làm chứng: “Tôi cam đoan tôi sẽ nói sự thật, toàn bộ sự thật và không phải là cái gì khác ngoài sự thật mà tôi được biết, nếu có điều gì sai trái trong lời nói của tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật”; (ii) Cam đoan của người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản: “Tôi cam đoan tôi sẽ làm tròn nhiệm vụ được giao, nếu có điều gì sai sót, tôi sẽ chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật”.
Thứ hai, sửa đổi các quy định về thủ tục xét hỏi theo hướng Tòa án chỉ là nơi phân xử, quyết định của hội đồng xét xử dựa trên kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa
Theo quan điểm của tác giả, thì trình tự xét hỏi quy định tại Điều 307 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần sửa đổi theo hướng: Kiểm sát viên xét hỏi trước, tiếp theo là người bào chữa, người bảo vệ quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tiến hành xét hỏi. Kiểm sát viên hỏi về các tình tiết liên quan đến việc buộc tội; người bào chữa hỏi về các tình tiết liên quan đến việc gỡ tội; người bảo vệ quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà mình bảo vệ. Bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác xét hỏi về những tình tiết có liên quan đến mình. Nếu thấy tình tiết có mâu thuẫn thì hội đồng xét xử có quyền trực tiếp xét hỏi để làm rõ mâu thuẫn giữa các tình tiết. Khoản 2 Điều 307 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần được sửa đổi như sau: “Khi xét hỏi từng người, kiểm sát viên hỏi trước rồi đến người bào chữa, người bảo vệ quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền xét hỏi về những tình tiết có liên quan đến mình. Sau khi các bên hỏi xong, chủ tọa phiên tòa và các thành viên hội đồng xét xử có quyền hỏi nếu thấy có tình tiết mâu thuẫn”.
Thứ ba, bổ sung các quy định về việc cho phép triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét; cho phép đưa ra yêu cầu thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật khi tiến hành tố tụng trong bất kỳ giai đoạn nào tại phiên tòa sơ thẩm hình sự
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì các yêu cầu nói trên chỉ được quy định tại thủ tục bắt đầu phiên tòa. Vì vậy, nếu các yêu cầu này phát sinh sau khi phiên tòa đã chuyển sang thủ tục tranh tụng thì những người có quyền đề nghị sẽ không có các căn cứ để thực hiện các yêu cầu nói trên. Các yêu cầu liên quan đến triệu tập thêm người làm chứng, yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay yêu cầu thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật có ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án cũng như đảm bảo sự khách quan, vô tư của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Vì vậy, tác giả kiến nghị bổ sung quy định như sau: “Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định mọi yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét và mọi đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ”.
Thứ tư, bãi bỏ quy định cho phép Hội đồng xét xử quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm
Quy định về việc hội đồng xét xử có thẩm quyền khởi tố vụ án trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về chức năng của Tòa án, không đảm bảo tính độc lập, khách quan của Tòa án trong việc giải quyết vụ án cũng như phù hợp với thực tiễn khi hội đồng xét xử hầu như không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trên thực tế .
Tòa án nhân dân Quận 7, TP. Hồ Chí Minh
Các tin khác
Bàn về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế Một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất ở Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào hiện nay Đưa Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống theo lời Bác Hồ Một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Hợp tác xã Những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng hành chính Công tác phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-Pu-Chia đánh bạc thực trạng và giải pháp