Về phương diện lý luận, cơ chế bảo vệ Hiến pháp góp phần bảo vệ chế độ chính trị, chủ quyền quốc gia, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền, tự do của công dân. Sự vận hành của cơ chế bảo vệ Hiến pháp góp phần bảo đảm cơ chế thực hiện và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Về phương diện thực tiễn, hiện nay ở nước ta các quy định về bảo vệ Hiến pháp thiếu tính hệ thống, nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và cả trong các văn bản dưới luật. Một số quy phạm được quy định lặp đi lặp lại ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, thiết chế bảo vệ Hiến pháp mang tính phi tập trung và không chuyên trách, thẩm quyền bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan, cá nhân khác nhau như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước... nhưng chưa được phân công rõ ràng. Phương thức hoạt động của cơ chế bảo vệ Hiến pháp còn dàn trải, đa số các biện pháp mang tính chất tư vấn, khuyến nghị nên hiệu lực pháp lý thấp.
Sự cần thiết hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và những yêu cầu hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013 được tác giả Tào Thị Quyên trình bày cụ thể qua bài viết: "Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp theo Hiến pháp năm 2013" đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật định kỳ số tháng 6 (279) năm 2015. Kính mời quý bạn đọc quan tâm đón đọc.
Minh Trí