Abstract: The article analyzes and assesses the current stipulations of Law on Enterprises of 2014 relating to capital contribution in enterprise; existing insufficiencies in the process of law implementation and from this, puts forward some suggestions on completing stipulations on capital contribution of the Law on Enterprises of 2014.
Nhận thấy tầm quan trọng của vốn góp trong doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã cải thiện các quy định liên quan đến vốn góp như tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn, tăng giảm vốn… trong doanh nghiệp nói chung và từng loại hình doanh nghiệp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình góp vốn thành lập cũng như chủ động kiểm soát số vốn trong quá trình hoạt động, kinh doanh. Tác động tích cực của các quy định mới thể hiện rõ ràng thông qua việc số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2016 đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Tuy nhiên, sau hơn hai năm đi vào thực tiễn, Luật Doanh nghiệp năm 2014 bộc lộ một số bất cập nhất định. Trong bài viết này, tác giả nhìn nhận những vướng mắc trong quy định của pháp luật doanh nghiệp về vốn góp dưới ba góc độ chính, đồng thời đề xuất một số khuyến nghị nhằm tháo gỡ một phần những khó khăn này.
1. Về định giá tài sản góp vốn
1.1. Tài sản định giá
Việc xác định đúng giá trị tài sản vốn góp là một trong những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo nguồn vốn thực cho công ty khi góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình doanh nghiệp hoạt động. Kế thừa các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các loại tài sản khi góp vốn vào doanh nghiệp phải được định giá như sau: “Tài sản góp vốn không phải là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam”. Tuy nhiên, quy định này đang có hai cách hiểu khác nhau về việc tài sản nào phải được định giá khi góp vốn vào doanh nghiệp. Cách hiểu thứ nhất cho rằng, tài sản góp vốn không phải là đồng Việt Nam, không phải là ngoại tệ tự do chuyển đổi, không phải vàng phải được định giá, cụm từ “không phải” được hiểu chung cho ba loại tài sản là “đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng”; hay nói cách khác, các loại tài sản góp vốn quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều phải định giá ngoại trừ đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng. Quan điểm thứ hai lại có cách nhìn nhận quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 dưới góc độ hoàn toàn khác, theo đó ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các loại tài sản góp vốn khác không phải là đồng Việt Nam phải được định giá. Có nhiều cách lý giải bảo vệ cho quan điểm này như sau:
Thứ nhất, xét về yếu tố cấu thành thì quy phạm pháp luật tại khoản 1 Điều 37 gồm hai bộ phận là giả định và quy định. Tương ứng với bộ phận quy định “phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam” là bộ phận giả định gồm ba đối tượng lần lượt là “tài sản góp vốn không phải là đồng Việt Nam”, “ngoại tệ tự do chuyển đổi”, “vàng”. Mỗi đối tượng trong bộ phận giả định đứng độc lập và đều chịu sự điều chỉnh của bộ phận quy định phía sau.
Thứ hai, xét về việc xác định giá trị cụ thể của một loại tài sản đưa vào góp vốn thì ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng cần phải được quy đổi. Khác với đồng Việt Nam mang tính xác định, giá trị của ngoại tệ căn cứ dựa trên tỷ giá hối đoái, khi giao dịch trên thị trường cả ngoại tệ và vàng đều có giá bán và giá mua tùy theo từng thời điểm cụ thể hay nói cách khác giá trị của hai loại tài sản này không có mức cố định cụ thể. Điều này dẫn đến trường hợp khi góp vốn bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hay vàng, các thành viên hoặc cổ đông công ty cần có sự thỏa thuận và thống nhất chung về giá trị tài sản góp vốn theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và buộc phải thể hiện dưới dạng giá trị xác định là đồng Việt Nam.
Thứ ba, các tài liệu, văn bản của doanh nghiệp như Điều lệ, sổ kế toán đều phải ghi nhận giá trị tài sản dưới dạng đồng Việt Nam (Điều 10 Luật Kế toán năm 2015) hay các giấy tờ chứng minh giá trị sở hữu vốn góp/cổ phần của thành viên/cổ đông tại doanh nghiệp như sổ đăng ký thành viên/cổ đông cũng phải thực hiện tương tự.
Qua phân tích trên có thể thấy, quan điểm thứ hai nhận định về định giá tài sản góp vốn phù hợp hơn với thực tiễn, vì đồng Việt Nam được ghi nhận là đơn vị quy đổi duy nhất để xác định giá của các loại tài sản góp vốn khác và mọi tài sản góp vốn vào doanh nghiệp đều phải định giá ngoại trừ đồng Việt Nam. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo yêu cầu quy phạm pháp luật phải đơn nghĩa, dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tế và hạn chế tình trạng quy định pháp luật có yếu tố đa nghĩa, dễ gây nhầm lẫn thì quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có thể sửa đổi như sau: “Ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản góp vốn khác không phải là đồng Việt Nam phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam” hoặc “tài sản góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật này, trừ đồng Việt Nam, phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam”.
1.2. Thẩm quyền chấp thuận giá trị tài sản định giá
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thẩm quyền chấp thuận giá trị tài sản định giá chia làm hai trường hợp là định giá tài sản khi thành lập doanh nghiệp và định giá tài sản khi doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu như thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp định giá tài sản khi góp vốn thành lập (khoản 2 Điều 37) được quy định khá cụ thể là các thành viên, cổ đông sáng lập thì thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp định giá tài sản khi doanh nghiệp đang hoạt động (khoản 3 Điều 37) chưa được quy định rõ ràng: “Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận”. Câu hỏi đặt ra ở đây là chủ thể nào trong doanh nghiệp có thẩm quyền chấp thuận giá trị tài sản góp vốn khi tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp đứng ra định giá?
Nếu doanh nghiệp không yêu cầu tổ chức thẩm định giá thì việc định giá sẽ dựa trên thỏa thuận giữa người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần. Tương tự, dựa theo nguyên tắc suy đoán thì thẩm quyền chấp thuận giá trị tài sản mà tổ chức định giá đưa ra sẽ thuộc về người góp vốn và các chủ thể nêu trên. Quan điểm suy đoán là phù hợp vì trách nhiệm liên đới nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn cũng đặt ra đối với chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần.
Vì vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ trong quy định của pháp luật về định giá tài sản, tác giả kiến nghị bổ sung thêm quy định về thẩm quyền chấp thuận giá trị tài sản trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo một trong hai phương án sau:
- Phương án 1: Bổ sung thẩm quyền vào các điều khoản đang quy định quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (khoản 2 Điều 56), chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Điều 75), Hội đồng quản trị của công ty cổ phần (khoản 2 Điều 149), Hội đồng thành viên của công ty hợp danh (Điều 177).
- Phương án 2: Sửa đổi bổ sung lại khoản 3 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo hướng: “Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần chấp thuận”.
Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng, cần phải đặt ra trách nhiệm của tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp trong trường hợp tổ chức này định giá tài sản cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định trách nhiệm liên đới góp thêm khoản chênh lệch đối với thành viên, cổ đông sáng lập (góp vốn khi thành lập) và người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị (góp vốn khi doanh nghiệp đang hoạt động). Theo tác giả, việc đặt trách nhiệm đối với tổ chức thẩm định giá trong trường hợp này là không cần thiết, tổ chức thẩm định giá chỉ đưa ra giá trị tài sản định giá còn việc chấp thuận hay không là thuộc về người góp vốn, chủ thể có thẩm quyền quyết định trong công ty. Nếu không đồng ý thì tổ chức thẩm định giá sẽ phải định giá lại tài sản hoặc chịu trách nhiệm dựa trên hợp đồng thẩm định giá đã ký kết giữa các bên. Nếu chấp thuận giá trị mà tổ chức định giá đưa ra thì người góp vốn, chủ thể có thẩm quyền trong công ty cũng đồng nghĩa phải chấp nhận những rủi ro khi định giá sai.
2. Về vốn điều lệ và vốn góp
Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định tách biệt hai loại vốn trong doanh nghiệp là vốn điều lệ và vốn đầu tư.
Vốn điều lệ do pháp luật doanh nghiệp điều chỉnh. Theo quy định tại khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”. Hay nói cách khác, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các nhà đầu tư góp để thành lập pháp nhân (công ty).
Vốn đầu tư do pháp luật đầu tư điều chỉnh. Theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật Đầu tư năm 2014, vốn đầu tư của dự án gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động. Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư nêu rõ: “Vốn đầu tư của dự án là vốn góp của nhà đầu tư và vốn do nhà đầu tư huy động để thực hiện dự án đầu tư được ghi tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”. Khác với vốn điều lệ, vốn góp thực hiện dự án đầu tư do các nhà đầu tư góp không có thời hạn cụ thể mà dựa trên tiến độ thực hiện dự án, tiến độ góp vốn ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Vướng mắc đặt ra ở đây là, hai loại vốn trên có mối liên quan như thế nào trong các tài liệu quan trọng của pháp nhân như: Điều lệ, các tài liệu về kế toán doanh nghiệp, báo cáo tài chính của doanh nghiệp…? Trường hợp nào có thể xác định vốn điều lệ chính là vốn góp? Trường hợp công ty thực hiện nhiều dự án với từng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư riêng biệt thì vốn góp và vốn điều lệ sẽ phân biệt cụ thể như thế nào? Trường hợp phát sinh những giao dịch như mua bán, sáp nhập pháp nhân mà các bên không có thỏa thuận thì căn cứ thực hiện giao dịch sẽ dựa trên vốn điều lệ hay vốn góp của chủ sở hữu? Vì vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành cần có những quy định làm rõ các nội dung về vốn điều lệ và vốn góp thực hiện dự án đầu tư trong doanh nghiệp.
3. Về phạm vi trách nhiệm của chủ thể góp vốn liên quan đến phần vốn góp trong doanh nghiệp
3.1. Đối với chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Khoản 4 Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ”. Đây là một trong những quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên so với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tuy nhiên, nội dung điều chỉnh tại khoản 4 Điều 74 đang dẫn đến sự không thống nhất trong quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:
Thứ nhất, mâu thuẫn với các quy định tại khoản 1 Điều 73 và khoản 2, khoản 3 Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Khoản 1 Điều 73 quy định: Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Điều 74 quy định: Tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (khoản 2); trường hợp chủ sở hữu không góp đủ vốn thì phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày (khoản 3). Sau khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ, chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm đối với các khoản nghĩa vụ công ty tương ứng với phần vốn thực góp, còn trước đó chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn cam kết góp. Nói cách khác, phạm vi tài sản chịu trách nhiệm của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tương tự như thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Có thể thấy, quy định tại khoản 1 Điều 73 và khoản 2, 3 Điều 74 thể hiện rõ bản chất của chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đó là chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nghĩa vụ phát sinh trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp (tương ứng vốn cam kết góp kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến trước ngày đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tương ứng vốn thực góp kể từ ngày đăng ký thay đổi vốn điều lệ). Chủ sở hữu không có nghĩa vụ bắt buộc phải đưa thêm tài sản của mình để thanh toán các khoản nghĩa vụ trong trường hợp số vốn điều lệ không đủ để chi trả. Như vậy, quy định chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản tại khoản 4 Điều 74 rõ ràng đã mâu thuẫn với các điều khoản ngay phía trên.
Thứ hai, nếu thừa nhận chế độ chịu trách nhiệm của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên căn cứ theo khoản 4 Điều 74 thì sẽ giống với trách nhiệm của thành viên hợp danh công ty hợp danh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 172 (thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty) và chủ doanh nghiệp tư nhân tại khoản 1 Điều 183 (tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp). Tuy nhiên, chế độ chịu trách nhiệm vô hạn đặt ra đối với thành viên hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân với tư cách là cá nhân trong khi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Trường hợp tổ chức là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ sẽ rất khó xác định.
Thứ ba, trường hợp chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng vốn thực góp sau thời hạn 90 ngày, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã quy định hình thức chế tài tại khoản 3 Điều 28: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký” và biện pháp khắc phục hậu quả tại điểm c khoản 5 Điều 28: “Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp”. Sau khi thực hiện biện pháp khắc phục là đăng ký điều chỉnh lại vốn điều lệ, chủ sở hữu đương nhiên sẽ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp ghi nhận tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Qua những phân tích trên có thể thấy, quy định tại khoản 4 Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2014 là không phù hợp, thậm chí mâu thuẫn với các quy định khác của pháp luật về công ty trách nhiệm hữu một thành viên. Theo đó, tác giả kiến nghị bỏ quy định tại khoản 4 Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đồng thời sửa đổi, bổ sung các khoản 2, 3 Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo hướng tách quy định về phạm vi tài sản chịu trách nhiệm thành một khoản riêng như sau:
“2. Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
4. Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các khoản nợ và nghĩa vụ khác của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ”.
3.2. Đối với thành viên góp vốn công ty hợp danh
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên góp vốn trong công ty hợp danh chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 182 Luật Doanh nghiệp năm 2014 lại quy định: Thành viên góp vốn có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp. Rõ ràng giữa hai quy định đang có sự không thống nhất về phạm vi tài sản chịu trách nhiệm và câu hỏi đặt ra ở đây đó là thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm với số vốn đã góp hay số vốn cam kết góp trong công ty hợp danh?
Theo quan điểm của tác giả, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 182 Luật Doanh nghiệp năm 2014 là phù hợp hơn. Có thể lý giải như sau: Khi thành lập công ty hợp danh, Luật Doanh nghiệp không quy định thời hạn cụ thể bắt buộc thành viên công ty hợp danh (thành viên hợp danh và thành viên góp vốn) phải góp đủ số vốn cam kết mà tạo điều kiện cho các thành viên được tự thỏa thuận và cho phép góp đủ số vốn đã cam kết trong thời hạn đó. Khi hết thời hạn thỏa thuận mà thành viên góp vốn chưa góp đủ thì khoản 3 Điều 173 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã nêu rõ: “Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty”. Điều này đồng nghĩa với việc thành viên góp vốn không được phép điều chỉnh giảm mà buộc phải góp đủ số vốn đã cam kết khi thành lập doanh nghiệp. Khi công ty hợp danh phát sinh các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản thì trước hết công ty phải sử dụng vốn điều lệ để thực hiện các nghĩa vụ đó, tương ứng với việc thành viên góp vốn sẽ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản đã cam kết góp vào vốn điều lệ.
Vì vậy, nhằm thống nhất các quy định về trách nhiệm tài sản của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh, điểm c khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên sửa đổi là: “Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty”.
Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư