Tất cả ba phương diện trên chính là đòi hỏi cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân trong BLHS trước yêu cầu mới của đất nước.
1. Những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân
Kể từ năm 2000 đến nay, thực tiễn thi hành cho thấy về cơ bản, các quy định của Chương XIII - Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân trong BLHS đã đáp ứng được yêu cầu làm cơ sở pháp lý để xét xử nghiêm minh; kịp thời trấn áp các hành vi xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; bảo vệ các quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, từ đó đến nay, trước yêu cầu mới của đất nước đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của BLHS như sau:
1.1. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123 BLHS). Qua nghiên cứu tội phạm này cho thấy có ba vấn đề cần hoàn thiện như sau:
a) Nội dung Điều 123 BLHS chưa xác định rõ về “khoảng thời gian bắt, giam, giữ người bao lâu” mới cấu thành tội phạm này. Điều này dẫn đến thực tế còn có quan điểm khác nhau trong các vụ án được Tòa án đưa ra xét xử.
Ví dụ: Bản án số 46/HSST ngày 19/8/2002 của Tòa án nhân dân thị xã P, tỉnh N: Các bị cáo đã có hành vi bắt nạn nhân trong thời gian 15 phút. Có ý kiến của cơ quan tiến hành tố tụng còn cho rằng, có phạm tội vì luật không quy định bắt trong thời gian bao lâu thì cấu thành tội phạm nên đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể phải bị xử lý; quan điểm khác của cơ quan tiến hành tố tụng thì cho rằng không nên xử lý vì chưa gây ra hậu quả gì. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, để tôn trọng và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân, cần bổ sung cụm từ “không kể thời gian bao lâu” (1) để bảo đảm mọi trường hợp bắt, giữ hoặc giam người khác trái pháp luật không phân biệt thời gian bao lâu đều phải bị xử lý nghiêm minh.
b) Cần ghi nhận rõ việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì tính “trái pháp luật” ở đây cần được hiểu là: Sự vi phạm các quy định về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục bắt, giữ hoặc giam người đã được xác lập bởi những văn bản pháp luật như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), sắp tới là Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 (Điều 122 và Điều 123);
Như vậy, Điều 123 BLHS sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người khác không đúng các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục, không phân biệt thời gian bao lâu, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
...
1.2. Về tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124 BLHS hiện hành), có hai vấn đề cần nghiên cứu và sửa đổi như sau:
a) Nội dung Điều 124 BLHS chưa quy định rõ một người khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân “trong thời gian bao lâu” thì mới bị coi là phạm tội và xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân, từ đó dẫn đến quan điểm khác nhau trong các vụ án.
Ví dụ: Ngày 10/4/2012, ở quận X. thành phố N., trong lúc đang đi tìm túi đồ bị thất lạc, do nghi ngờ có ai cất giấu vào nhà anh Lê Hùng T., Nguyễn Trung D. đã rủ hai đồng bọn là Phạm Văn E. và Lê Văn H. đến có hành vi đuổi trái pháp luật anh Lê Hùng T. ra khỏi chỗ ở mình trong thời gian 05 phút (hoặc 10 phút, 45 phút, 2 tiếng, 4 tiếng; v.v..) để tìm đồ bị thất lạc. Vấn đề này, tương tự như Điều 123 BLHS, chúng tôi cho rằng, để tôn trọng và bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo vệ, chúng tôi cho rằng, nên quy định rõ “không phân biệt thời gian bao lâu” là căn cứ pháp lý để tất cả các trường hợp đều phải bị xử lý nghiêm minh;
b) Cần bổ sung thêm tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội nhiều lần” cho tương xứng với các tội phạm khác như tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm d khoản 2 Điều 123); tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (điểm c khoản 2 Điều 125 BLHS); v.v... đồng thời cần bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “xâm phạm chỗ ở của nhiều người” (2) vào khoản 2 điều luật nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội xâm phạm chỗ ở nói riêng, các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung.
Như vậy, Điều 124 BLHS sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 124. Tội xâm phạm chỗ ở của công dân
1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân không kể thời gian bao lâu, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Xâm phạm chỗ ở của nhiều người.
...
1.3. Về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125 BLHS hiện hành), có ba vấn đề cần hoàn thiện như sau:
a) Nội dung Điều 125 BLHS là mô tả theo kiểu liệt kê các đối tượng xâm phạm của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Điều luật này cụ thể hóa đối tượng tác động của tội phạm bao gồm: Thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính. Theo chúng tôi, sự liệt kê đó không cần thiết bởi vì về bản chất đó chỉ là các hình thức biểu hiện khác nhau của thư tín, điện thoại, điện tín do chúng được chứa đựng trong các phương tiện khác nhau hoặc vận chuyển, truyền tải bằng cách thức khác nhau. Hơn nữa, thực tiễn những hình thức này liên tục phát triển, ngày càng đa dạng, phong phú nên nếu liệt kê theo cách đó Điều 125 BLHS sẽ thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Sự mô tả liệt kê còn không cần thiết bởi vì nhiệm vụ xác định các hình thức truyền thông tin nào là thư tín, điện thoại, điện tín thuộc về các đạo luật chuyên ngành (như Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin; v.v..). Khi xuất hiện các hình thức thư tín, điện thoại, điện tín mới, những luật này sẽ cập nhật, bổ sung mà BLHS vẫn không bị lạc hậu, do đó, chỉ cần dùng thuật ngữ chung “thư tín, điện thoại, điện tín” là đầy đủ và ngắn gọn hơn;
b) Về các hình thức của thư tín, điện thoại, điện tín, BLHS không cần mô tả liệt kê nhưng đối với những hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này lại rất cần phải được làm rõ theo phương pháp đó. Bởi vậy, Điều 125 BLHS là không xác định rõ những hành vi nào bị coi là hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín. Do đó, để xác định trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, BLHS phải quy định rõ những hành vi nào bị coi là phạm vào tội này. Thực tế cho thấy, có rất nhiều hành vi có thể xâm phạm bí mật, gây mất an toàn thư tín, điện thoại, điện tín nhưng Điều 125 BLHS chỉ nêu ra một hành vi cụ thể là hành vi “chiếm đoạt” thư tín, điện thoại, điện tín, còn những hành vi khác được nhà làm luật mô tả chung bằng cụm “hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín”. Cho nên, ngoài hành vi chiếm đoạt, BLHS không xác định một cách rõ ràng, chính thức hành vi nào khác là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín. Ngoài BLHS cũng không có văn bản hướng dẫn nào xác định cụ thể những hành vi bị coi là xâm phạm đến bí mật, an toàn thư tín. Theo đó, nhận thức hành vi nào là hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín trong Điều 125 BLHS sẽ dẫn đến sự áp dụng nội dung điều luật theo cách hiểu khác nhau. Vì vậy, theo chúng tôi, ngoài hành vi chiếm đoạt, những hành vi sau đây phải bị coi là hành vi xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tín - hành vi tự tiện bóc thư, điện tín bằng văn bản của người khác để biết nội dung của thư tín, điện tín; đọc trộm, nghe trộm các loại thư tín, điện thoại, điện tín được lưu giữ, truyền gửi bằng các phương tiện viễn thông, thông tin khác; thay đổi, đánh tráo nội dung hoặc địa chỉ đến của thư tín, điện thoại, điện tín; xóa, hủy, cản trở việc chuyển gửi, ngăn chặn đường truyền thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; v.v..
c) Nội dung Điều 125 BLHS cũng xác định chưa rõ ràng về dấu hiệu “tiền sự” của chủ thể tội phạm. Ngoài yêu cầu về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự, chủ thể của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác còn phải đáp ứng điều kiện có tiền sự là “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. Tuy vậy, cụm từ “về hành vi này” có hai cách hiểu khác nhau:
- Cách hiểu thứ nhất: Người phạm tội phải thực hiện đúng hành vi xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín mà trước đây mình đã thực hiện và đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi ấy thì mới cấu thành tội phạm này.
Ví dụ: Trường hợp một nhân viên bưu điện trước đây đã xem trộm thư tín, bị cơ quan kỷ luật về hành vi này nhưng chưa đầy 6 tháng sau lại bị phát hiện xem trộm thư tín. Hoặc một sinh viên thường xuyên lấy trộm mật khẩu hộp thư điện tử của người khác để đột nhập, đọc thư từ trao đổi trong đó, đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính nhưng chưa đầy một năm sau sinh viên này lại tái diễn hành vi lấy trộm mật khẩu, đọc thư điện tử của người khác;
- Cách hiểu thứ hai: Coi là phạm tội đối với người thực hiện bất kỳ một hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín trong khi đã từng bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về một trong các hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín.
Ví dụ: Một người đã từng có hành vi chiếm đoạt thư tín của người khác, bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt đó nhưng chưa đầy một năm sau người này lại có hành vi lắp thiết bị nghe trộm điện thoại của người khác.
Như vậy, chúng tôi cho rằng cách hiểu thứ hai chính xác hơn bởi vì cách hiểu thứ nhất là máy móc và dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Còn nếu hiểu theo cách thứ nhất thì vô tình trường hợp này sẽ bị bỏ lọt, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm. Hiểu theo cách đó thì phạm vi áp dụng của Điều 125 BLHS cũng rất hẹp, chỉ áp dụng đối với trường hợp hai lần cùng thực hiện một dạng hành vi khách quan của tội phạm này và lần trước vi phạm vẫn đang để lại một tiền sự hành chính hoặc kỷ luật. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị sửa đổi “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thành “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm” như một nhà hoạt động thực tiễn xét xử nhiều năm đã luận giải (3) mới bảo đảm sự chính xác về mặt khoa học, tránh bỏ lọt tội phạm, đồng thời phục vụ cho thực tiễn xét xử.
Như vậy, Điều 125 BLHS sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác
1. Người nào chiếm đoạt, đọc trộm, xem trộm, nghe trộm, xóa, hủy, thay đổi, đánh tráo nội dung thư tín, điện thoại, điện tín của người khác hoặc ngăn chặn, cản trở việc truyền, gửi, nhận thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
...
1.4. Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân (Điều 126 BLHS hiện hành), có hai vấn đề cần sửa đổi như sau:
a) Nội dung Điều 126 BLHS chưa mô tả đầy đủ hành vi khách quan của tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân. Theo đó, khoản 1 chỉ mô tả đó là hành vi dùng các thủ đoạn khác nhau cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân. Nếu hiểu theo đúng nghĩa của cụm từ này thì tội phạm chỉ gồm những hành vi ngăn cản, gây khó khăn, không cho công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử. Còn hành vi thúc đẩy, ép buộc, điều khiển công dân bầu cử, ứng cử không đúng với nguyện vọng của họ thì không phải hành vi khách quan của tội phạm này. Như vậy, sẽ bỏ lọt phần lớn những hành vi phạm tội trong thực tế. Do đó, để khắc phục tình trạng đó, cần phải làm rõ hành động cản trở ở đây không phải chỉ là cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử khiến cho họ không thể hoặc khó thực hiện quyền này mà phải là cản trở quyền tự do ứng cử, bầu cử theo quy định pháp luật của công dân. Nếu quy định là hành vi cản trở quyền tự do ứng cử, bầu cử thì sẽ bao hàm tất cả những hành vi ngăn cản, thúc đẩy, ép buộc... khiến cho công dân không thực hiện được việc ứng cử, bầu cử theo đúng nguyện vọng;
b) Điều 126 BLHS là không nêu rõ đối tượng tác động của tội phạm. Điều này chỉ quy định đối tượng tác động của tội phạm là hoạt động thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân mà không làm rõ là ứng cử, bầu cử vào cơ quan nào. Trong khi thực tế là có rất nhiều loại tổ chức chính trị, xã hội được tổ chức theo nguyên tắc bầu cử. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2001, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, sửa đổi năm 2002, 2010 và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003, sửa đổi năm 2010 thì các văn bản này chỉ xác lập và bảo vệ quyền bầu cử, ứng cử vào vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của công dân.
Do vậy, có thể hiểu phạm vi nội hàm quyền ứng cử, bầu cử của công dân bị tội phạm xâm hại đến trong Điều 126 BLHS là “quyền ứng cử, bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước” nói trên chứ không bao gồm quyền ứng cử, bầu cử vào các loại tổ chức chính trị - xã hội khác. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác và logíc, các nhà làm luật cần chỉ rõ tại nội dung Điều 126 BLHS, cụ thể hành vi phạm tội ở đây xâm hại tới là quyền bầu cử, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân của công dân.
Như vậy, Điều 126 BLHS sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 126. Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân của công dân
1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc tự do thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử theo quy định pháp luật vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
...
1.5. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử (Điều 127 BLHS hiện hành). Qua nghiên cứu tội phạm này cho thấy có hai vấn đề cần hoàn thiện như sau:
a) Nội dung Điều 127 BLHS (cũng giống như quy định tại Điều 126) không chỉ rõ đối tượng tác động của tội phạm. Điều này cũng không chỉ rõ kết quả bầu cử bị làm sai lệch ở đây là kết quả bầu cử vào cơ quan nào. Tương tự như đã phân tích ở Điều 126 BLHS, cần phải xác định chính thức rằng đó là kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;
b) Về giới hạn chủ thể của tội phạm có khả năng gây ra bỏ lọt tội phạm. Chủ thể tội này được luật quy định là những người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử. Trong khi tội phạm có thể được thực hiện dưới hình thức đồng phạm, vậy những người đồng phạm mà không phải là người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, đó là một điểm chưa hợp lý. Hơn nữa, có khả năng những người khác, không phải là người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử cũng làm sai lệch được kết quả bầu cử.
Ví dụ: Lợi dụng lúc những người có trách nhiệm sơ hở, một người bình thường khác đã lén đánh tráo hòm phiếu khác hoặc đổi phiếu bầu giả vào. Theo đúng quy định về chủ thể của tội phạm này thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nói trên về hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử trong khi hành vi của họ rõ ràng đe dọa tính đúng đắn của kết quả này và rõ ràng là nguy hiểm, cần phải bị trừng phạt. Về điểm hạn chế này theo chúng tôi trong lần sửa đổi BLHS tới đây cần bỏ giới hạn về chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định mà có hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử. Còn đối với chủ thể là người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà phạm tội này thì phải bị áp dụng là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng.
Như vậy, Điều 127 BLHS sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 127. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
1. Người nào giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
...
Lưu ý, về tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn (điểm c) của điều luật chính là đề cập đến trường hợp người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà phạm tội này.
1.6. Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân (Điều 129 BLHS hiện hành). Qua nghiên cứu tội phạm này cho thấy có hai vấn đề cần hoàn thiện như sau:
a) Nội dung Điều 129 BLHS mô tả chưa đầy đủ hành vi khách quan của tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân. Khoản 1 Điều này chỉ xác định hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân là hành vi phạm tội. Theo đó, hành vi ép buộc công dân tham gia cuộc họp hay gia nhập hội nào đó không cấu thành tội phạm này. Để chính xác cần phải làm rõ là hành vi phạm tội là hành vi cản trở quyền tự do hội họp, lập hội của công dân. Như vậy, tội phạm này mới bao gồm mọi hành vi ngăn cản, cấm đoán, ép buộc công dân hội họp, lập hội chính đáng;
b) Nội dung Điều 129 cũng mắc phải hạn chế giống Điều 125 BLHS là xác định không rõ ràng về dấu hiệu “tiền sự” của chủ thể tội phạm. Do đó, tương tự như Điều 125 BLHS đã nêu, chúng tôi kiến nghị sửa đổi “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thành “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm” mới bảo đảm sự chính xác về mặt khoa học, tránh bỏ lọt tội phạm, đồng thời phục vụ cho thực tiễn xét xử.
Như vậy, Điều 129 BLHS sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 129. Tội xâm phạm quyền tự do hội họp và lập hội, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân
1. Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do hội họp và lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
...
1.7. Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ (Điều 130 BLHS hiện hành), có bốn vấn đề cần hoàn thiện như sau:
a) Nội dung Điều 130 BLHS mô tả phạm vi hẹp hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ. Hành vi duy nhất được mô tả thuộc mặt khách quan của tội này là hành vi cản trở không cho phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa xã hội. Theo đó, những trường hợp vẫn cho phụ nữ tham gia các hoạt động trên nhưng phân biệt đối xử, gây thiệt thòi cho họ trong các hoạt động ấy thì không phạm tội này;
b) Nội dung của điều luật liệt kê thiếu các lĩnh vực bình đẳng của phụ nữ đã được Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2001 và Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định (các Điều 11 - 18), cụ thể quyền bình đẳng của phụ nữ đối với nam giới trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội như: Chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể thao, y tế và trong gia đình. Như vậy, Điều 130 BLHS đã liệt kê chưa đầy đủ, đặc biệt thiếu lĩnh vực bình đẳng rất quan trọng là quan hệ gia đình. Hơn nữa, ngay sự liệt kê này cũng không cần thiết bởi vì nó có thể sử dụng kỹ thuật dẫn chiếu tới các văn bản pháp luật liên quan đã quy định đầy đủ;
c) Nội dung điều luật không khẳng định động cơ phân biệt đối xử về giới của tội phạm. Nếu không xuất phát từ động cơ này thì hành vi cản trở một người phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội chưa chắc đã là hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ.
Ví dụ: Cản trở một người phụ nữ tham gia bầu cử hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội không phải vì lý do người đó là phụ nữ mà vì tư thù cá nhân khác thì phải bị xem xét trách nhiệm hình sự liên quan đến tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân được quy định ở Điều 126 BLHS;
d) Nội dung điều luật cũng chưa phản ánh đúng tinh thần của quyền bình đẳng giới. Đối tượng hưởng thụ quyền bình đẳng giới gồm cả nam và nữ nhưng điều này chỉ bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ. Do đó, tên của Điều 130 BLHS cần được sửa đổi thành “Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới”, đồng thời thay đổi nội dung quy định theo hướng thống nhất đó để bảo đảm “quyền bình đẳng nam, nữ” quy định trong Hiến pháp năm 1992 (Điều 63) và Bộ luật Dân sự Việt Nam (Điều 40). Hơn nữa, thời gian qua ở nước ta cho thấy bắt đầu có nhiều hiện tượng cản trở người nam giới, người chồng tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội... trong các gia đình, mối quan hệ nam - nữ, công tác..., mặc dù chưa nhiều, song để phòng ngừa và bảo đảm quyền lợi của công dân, cần thiết vẫn phải quy định, hơn nữa để phù hợp và tương thích với pháp luật hình sự các nước trên thế giới. Ví dụ: Tội xâm phạm quyền bình đẳng của công dân (Điều 136 BLHS Liên bang Nga). Ngoài ra, tội mua bán phụ nữ đã đổi tên gọi là tội mua bán người (Điều 119) và mở rộng đối tượng được bảo vệ là cả nam và nữ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS Việt Nam ngày 19/6/2009 của Quốc hội.
Như vậy, Điều 130 BLHS sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 130. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
Người nào vì lí do phân biệt giới mà dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác ngăn cản sự bình đẳng tham gia hoạt động của công dân ở các lĩnh vực của đời sống mà pháp luật cho phép thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân
Cùng với việc hoàn thiện các điều luật như đã nêu, thì việc ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung đối với các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân cũng rất cần thiết. Theo đó, cần ban hành văn bản giải thích nội dung tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định với tư cách là tình tiết định tội, tình tiết định khung tại khoản 3 Điều 123, điểm c khoản 2 Điều 124, điểm d khoản 2 Điều 125, điểm c khoản 2 Điều 126, điểm b khoản 2 Điều 127 và Điều 128 BLHS (4) như sau:
2.1. Trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” khoản 3 Điều 123 BLHS (tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật) được hiểu là thuộc một trong các trường hợp sau: a) Thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng là do bị bắt, giữ hoặc bị giam trái pháp luật mà người bị bắt, bị giữ, bị giam đã tự sát chết hoặc bị thú dữ tấn công hoặc vì những nguyên nhân khác mà người phạm tội không lường trước được. Nếu người phạm tội biết trước hoặc bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra thì tùy trường hợp có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người; b) Thiệt hại về sức khỏe được coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây ra là trường hợp người bị bắt, bị giữ hoặc bị giam bị tổn hại đến sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 41% trở lên ngoài ý muốn của người phạm tội; c) Thiệt hại về tài sản được coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây ra là trường hợp do bị bắt, bị giữ hoặc bị giam mà người bị hại không làm ra của cải vật chất hoặc phải chi phí do bị bắt, bị giữ hoặc bị giam có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; d) Thiệt hại khác được coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây ra là trường hợp do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đã gây ra mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, hàng trăm người kéo đến trụ sở đòi phải xử lý và trừng trị người phạm tội, gây mất trật tự xã hội nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông, đường phố trong thời gian nhiều giờ...
2.2. Trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” ở điểm c khoản 2 Điều 124 BLHS (tội xâm phạm chỗ ở của công dân) được hiểu là thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Gây chết người ngoài những trường hợp dùng vũ lực; b) Gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà có tỷ lệ thương tật từ 41% ngoài trường hợp dùng vũ lực; c) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác như: Người bị đuổi ra khỏi nhà đi lang thang, phải bỏ học, bỏ kinh doanh, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, uy tín của cơ quan, đơn vị, tổ chức...
2.3. Trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” ở điểm d khoản 2 Điều 125 BLHS (tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác) được hiểu là thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Gây chết người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà có tỷ lệ thương tật từ 41%; c) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác như: Do chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax, email... mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến việc điều động người tham gia phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy...
2.4. Trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” ở điểm c khoản 2 Điều 126 BLHS (tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân) được hiểu là thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của từ 10 người trở lên; b) Làm kết quả bầu cử phải hủy và tiến hành tổ chức bầu cử lại; c) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác như: Do lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân nên đã gây dư luận xấu trong nhân dân làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chính quyền, gây mất trật tự an ninh chính trị ở địa phương, địa bàn dân cư...
2.5. Trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” ở điểm b khoản 2 Điều 127 BLHS (tội làm sai lệch kết quả bầu cử) được hiểu là thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Làm sai lệch kết quả bầu cử dẫn đến kết quả bầu cử phải hủy bỏ và tổ chức lại; b) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; c) Gây hậu quả nghiêm trọng khác như: Gây dư luận xấu trong nhân dân làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chính quyền, gây mất trật tự an ninh chính trị ở địa phương, địa bàn dân cư...
2.6. Trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” ở Điều 128 BLHS (tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật) được hiểu là thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Do buộc người lao động thôi việc trái pháp luật dẫn đến người lao động và gia đình họ lâm vào tình trạng khốn khó, phải bán nhà, tài sản để thanh toán các khoản nợ; b) Gây bất bình cho người lao động, cán bộ, công chức trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị dẫn đến đình công, biểu tình...; c) Gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xấu trong nhân dân làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chính quyền, gây mất trật tự an ninh chính trị ở địa phương, địa bàn dân cư...
Tóm lại, từ ý kiến khoa học của GS. TSKH. Đào Trí Úc: “Pháp luật, dù có hoàn thiện đến mấy cũng không thể phản ánh và quy định hết được tất cả những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống...”# nên việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của BLHS về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cấp bách trước yêu cầu mới của đất nước. Tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu các điều khoản của BLHS có vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm mà chưa có điều kiện sửa đổi, bổ sung để chuẩn bị phương án cho việc sửa đổi, bổ sung toàn diện BLHS vẫn luôn là đòi hỏi có tính thời sự hiện nay.
TS. Trịnh Tiến Việt
ThS. Nguyễn Xuân Hà
(1) Xem: Ban soạn thảo BLHS sửa đổi, Dự thảo ngày 19/4/2012 về “Đề cương định hướng xây dựng Dự án BLHS (sửa đổi)”, Bộ Tư pháp, Hà Nội, tr.6.
(2) Xem: TS. Trịnh Tiến Việt, ThS. Nguyễn Thị Thanh: Pháp luật về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21(11)/2011, tr.48.
(3) Xem: ThS. Lê Thiết Hùng, Tội xâm phạm chỗ ở của công dân trong luật hình sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr. 84.
(4) Xem: ThS. Đinh Văn Quế: Bình luận chuyên sâu BLHS, Tập III - Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.150.
(5) Về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 123, điểm c khoản 2 Điều 124, điểm d khoản 2 Điều 125, điểm c khoản 2 Điều 126, điểm b khoản 2 Điều 127 và Điều 128 BLHS chúng tôi thấy những đề xuất từ thực tiễn của ThS. Đinh Văn Quế là hợp lý và chúng tôi bổ sung thêm ý kiến của mình để kiến nghị trong bài viết này. Xem: ThS. Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học BLHS Phần các tội phạm, Tập III - Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.61-62, 83-84, 100-101; 118-119; 130-131.
(6) Xem: GS. TSKH. Đào Trí Úc, Luật hình sự Việt Nam (Quyển I - Những vấn đề chung), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr.209.