Theo số liệu thống kê, hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 70% tổng tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế, chi phối hơn 20% vốn đầu tư của toàn xã hội, 60% của hệ thống tín dụng tại ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư nhà nước và 70% vốn ODA. Với tỷ trọng lớn, doanh nghiệp nhà nước lại được tham gia vào thị trường trong nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước (về vay vốn, sử dụng tài nguyên, đất đai, trợ cấp, khoanh nợ, giãn nợ, bảo lãnh, trả nợ thay từ phía Nhà nước) đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Điều này đã đi ngược với nguyên tắc của kinh tế thị trường, cản trở tự do kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, trong đó nguyên nhân cơ bản tạo ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp xuất phát từ những quy định của pháp luật.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, góp phần tạo ra một nền kinh tế có động lực, thúc đẩy sự phát triển, thì quy luật cạnh tranh cần được tôn trọng. Trong bài viết đăng trên Số định kỳ (64 trang) tháng 4/2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tác giả Đỗ Thị Kim Tiên đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, bảo đảm sự bình đẳng trong kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, như: Pháp luật cần tách bạch vai trò quản lý nhà nước với vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đổi mới các quy định pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước độc quyền, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Huyền Trang