Ở Việt Nam hiện nay, để các ngân hàng thương mại hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò của mình, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế thì cần phải tăng cường chất lượng công tác giám sát đối với hệ thống ngân hàng thương mại. Giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước của các chủ thể giám sát ngân hàng đối với hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại để thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại, vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao chất lượng giám sát, ngoài những yếu tố về địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy cơ quan giám sát, chất lượng đội ngũ làm công tác giám sát... thì phải có hình thức và phương pháp giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại phù hợp.
Trong những năm gần đây, pháp luật về giám sát tài chính - ngân hàng được xây dựng, củng cố, hoàn thiện theo xu hướng chung của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhằm tạo một hệ thống tài chính - ngân hàng an toàn, lành mạnh, trong đó có pháp luật về hình thức và phương pháp giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, pháp luật về hình thức và phương pháp giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại còn có những hạn chế, bất cập gây trở ngại không nhỏ cho hoạt động giám sát của các cơ quan giám sát ngân hàng.
Để hiểu rõ hơn những bất cập của pháp luật hiện hành về hình thức và phương pháp giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại, kính mời độc giả đón đọc bài viết "Hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại" của tác giả Nguyễn Đình Phúc đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số định kỳ tháng 10 (271) năm 2014.
Bùi Huyền