Tóm tắt: Bài viết khái quát tình hình huy động vốn trong kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, phân tích bất cập của pháp luật về huy động vốn trong kinh doanh bất động sản, từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Abstract: The article generalizes the situation of capital mobilization in real estate business in Vietnam, analyzes the inadequacies of the law on capital mobilization in real estate business, thereby proposing some solutions to improve the law on this issue.
1. Huy động vốn trong kinh doanh bất động sản - Thực tiễn và sự cần thiết điều chỉnh bằng pháp luật
Trong kinh doanh bất động sản, huy động vốn là hoạt động của chủ dự án bất động sản nhằm gia tăng vốn trong dự án bất động sản thông qua các hình thức khác nhau như chào bán cổ phần, cổ phiếu, phát hành trái phiếu hoặc vay của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động kinh doanh bất động sản. Nhà nước đã ban hành những quy phạm pháp luật về huy động vốn trong kinh doanh bất động sản nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực này trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, minh bạch tài chính, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp cho tất cả các chủ thể.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, chú trọng đến sự phát triển của pháp luật về huy động vốn trong kinh doanh bất động sản nhằm hướng tới một thị trường phát triển lành mạnh, hiện đại hóa, công khai hóa. Điều đó được thể hiện qua việc xây dựng khung pháp luật với xu hướng mở, nhằm thu hút ngày càng mạnh mẽ vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường đầy tiềm năng này phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Các quy định của pháp luật hiện hành đã và đang trở thành công cụ quản lý hữu hiệu thị trường vốn và thị trường bất động sản, kiểm soát và định hướng theo chiều tích cực đối với hoạt động huy động vốn trong kinh doanh bất động sản. Nhờ đó, thị trường kinh doanh bất động sản phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, nhất là đối với một số phân khúc bất động sản phát triển vô cùng hiệu quả, có tác động sâu rộng tới sự phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội của đất nước. Đặc biệt, thị trường bất động sản ở Việt Nam cũng đã và đang là cầu nối thu hút gắn kết và tạo đà phát triển cùng với các thị trường khác như: Thị trường tín dụng, tài chính, thị trường lao động, thị trường cung ứng dịch vụ...
Giai đoạn 2016 - 2021, thị trường vốn đã có bước phát triển nhanh, trở thành kênh huy động trung và dài hạn của nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ; góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế[1]. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nhưng hoạt động huy động vốn trong thị trường kinh doanh bất động sản cũng đã từng bước được khắc phục, thích ứng và dần đi vào trật tự, chuyển trạng thái tương đối linh hoạt để giữ vững được sự ổn định. Năm 2021, thị trường kinh doanh bất động sản đã thu hút được khoảng 2,6 tỷ USD vốn FDI, chiếm 8,6% tổng vốn FDI và đứng thứ 3 trong các lĩnh vực FDI. Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7 đến 1,8 tỷ đồng[2].
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về dự án kinh doanh bất động sản đã tập trung rà soát và công khai các dự án không đủ điều kiện để được phép huy động vốn từ khách hàng cũng như từ các tổ chức tín dụng. Đây là một động thái tích cực từ phía cơ quan nhà nước để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, các bên liên quan và các tổ chức tín dụng, hạn chế tối đa các vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, diễn biến nền kinh tế trở nên phức tạp, việc huy động vốn trong kinh doanh bất động sản đang trở nên khó khăn hơn. Doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động vốn thông qua trái phiếu. Đây là hệ quả bắt nguồn từ sự thiếu chặt chẽ trong kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đồng thời, trên thị trường bộc lộ những tồn tại cụ thể như: Chủ đầu tư có hành vi huy động vốn trái phép; chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích; chủ đầu tư huy động vốn từ bất động sản hình thành trong tương lai trong khi dự án nhà ở chưa đủ điều kiện; chủ đầu tư thế chấp dự án, bất động sản trong dự án tại tổ chức tín dụng, mặc dù chưa giải chấp nhưng vẫn tổ chức huy động vốn nhằm mục đích bán nhà ở theo hình thức hợp đồng đầu tư góp vốn...
Thực trạng nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau song không thể phủ nhận rằng, pháp luật về huy động vốn trong kinh doanh bất động sản hiện còn nhiều bất cập và khoảng trống trong quá trình thực thi. Điều đó cho thấy, cần phải nghiên cứu và đánh giá sâu rộng, toàn diện từ chủ trương, chính sách đối với thị trường bất động sản cho tới nội dung pháp luật thực định, cùng với những biến động diễn ra trên thị trường bất động sản để có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp, thắt chặt hoặc nới lỏng quy phạm pháp luật để tránh những vi phạm về huy động vốn.
2. Hoàn thiện pháp luật về huy động vốn trong kinh doanh bất động sản
Trên cơ sở nghiên cứu nội dung pháp luật thực định, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về huy động vốn trong kinh doanh bất động sản như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về các nguyên tắc huy động vốn trong kinh doanh bất động sản.
Về cơ bản, các nguyên tắc được quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản đã đầy đủ, phù hợp, có ý nghĩa định hướng cho hoạt động này. Tuy nhiên, nguyên tắc “bất động sản đưa vào kinh doanh phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản” cần được sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, chính xác hơn. Bởi lẽ, bất động sản được đưa vào huy động vốn là rất đa dạng, bao gồm quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng, dịch vụ tiện ích... Do đó, các điều kiện cụ thể để bất động sản được phép đưa vào huy động vốn trong kinh doanh bất động sản không chỉ tuân thủ Luật Kinh doanh bất động sản mà còn phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật có liên quan khác nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất chỉnh sửa nguyên tắc này thành: “Bất động sản đưa vào kinh doanh phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan”.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư kinh doanh bất động sản.
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh bất động sản chỉ cần có vốn pháp định tối thiểu 20 tỷ đồng là có thể đăng ký thành lập công ty kinh doanh bất động sản. Với quy định này, thị trường xuất hiện quá nhiều các công ty kinh doanh bất động sản, nhưng lại yếu kém về năng lực tài chính, hạn chế về nguồn vốn khiến cho thị trường trở nên “méo mó” và biến động ngoài quy luật. Điểm tích cực của những lần biến động thị trường chính là tăng năng lực cạnh tranh, tức là các doanh nghiệp yếu kém sẽ bị đào thải, các doanh nghiệp có năng lực sẽ trụ lại, tuy nhiên, thiệt hại mà nó gây ra cho nền kinh tế là không thể phủ nhận. Do vậy, để làm cho thị trường bất động sản minh bạch, ổn định hơn, cần tăng vốn pháp định cho các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh bất động sản, hạn chế việc các nhà đầu tư nhỏ, không đủ năng lực tài chính cũng tham gia vào gây nhiễu loạn thị trường.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về các cơ chế huy động vốn dài hạn cho các dự án kinh doanh bất động sản.
Có thể nói, tìm ra các kênh để huy động vốn trong kinh doanh bất động sản một cách hiệu quả là vấn đề trọng tâm chưa có giải pháp phù hợp cho Việt Nam. Các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản vẫn huy động vốn chủ yếu theo hình thức bán bất động sản hình thành trong tương lai và huy động vốn thông qua các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu, nguồn vốn khác chỉ chiếm từ 15% - 30%. Vì vậy, cần áp dụng các kinh nghiệm về huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, qua các quỹ tiết kiệm nhà ở, các quỹ xã hội để phát triển nhà ở cho các nhóm yếu thế như kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Singapore, Australia... Đẩy mạnh chứng khoán hóa việc huy động vốn cho kinh doanh bất động sản như kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Singapore, Thái Lan là giải pháp thay thế cho cơ chế huy động vốn thông qua bán bất động sản hình thành trong tương lai, nhằm làm giảm rủi ro đang ở mức độ cao như hiện nay.
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về các hình thức huy động vốn trong kinh doanh bất động sản.
- Hoàn thiện pháp luật về huy động vốn trong kinh doanh bất động sản thông qua vốn góp là quyền sử dụng đất. Trong thực tế, giao dịch góp vốn bằng quyền sử dụng đất để kinh doanh bất động sản và góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tạo vốn điều lệ cho doanh nghiệp là khác nhau nhưng Luật Đất đai năm 2013 không phân biệt rõ cơ chế hoạt động của hai trường hợp góp vốn trên. Do đó, cần đề xuất sửa đổi cụ thể các quy định có liên quan đến góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo hướng quy định rõ hai loại hình góp vốn kể trên, gồm:
+ Góp vốn bằng quyền sử dụng đất hình thành pháp nhân mới (có chuyển quyền sử dụng đất): Giá trị quyền sử dụng đất của người sử dụng đất chuyển hóa thành cổ phần, vốn góp trong doanh nghiệp, người sử dụng đất không được đòi lại quyền sử dụng đất sau khi góp vốn để bảo đảm doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh. Việc sửa đổi này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Đất đai và Luật Doanh nghiệp.
+ Góp vốn bằng quyền sử dụng đất không hình thành pháp nhân (không chuyển quyền sử dụng đất và có thời hạn góp vốn): Người sử dụng đất thỏa thuận trên cơ sở hợp đồng với các cá nhân, tổ chức kinh tế, để đưa quyền sử dụng đất vào hợp tác, sản xuất kinh doanh, bao gồm cả việc đưa quyền sử dụng đất vào hoạt động trong thị trường kinh doanh bất động sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đầu tư năm 2020.
Đồng thời, khoản 3 Điều 80 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) chưa quy định rõ việc chấm dứt góp vốn đối với trường hợp bên nhận góp vốn là tổ chức kinh tế đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho tổ chức hoặc cá nhân. Trong khi đó, Điều 177 Luật Đất đai năm 2013 quy định, tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cũng tức là các tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được phép chuyển nhượng tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất. Đây là sự chưa thống nhất trong nội dung của Luật và văn bản dưới Luật, do đó, đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 80 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nội dung về chấm dứt việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cụ thể: Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chấm dứt trong trường hợp bên nhận góp vốn là tổ chức kinh tế chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho tổ chức hoặc cá nhân.
- Hoàn thiện pháp luật về huy động vốn trong kinh doanh bất động sản thông qua các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh thị trường tài chính như hiện nay, tín dụng ngân hàng vẫn chính là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, để việc huy động vốn theo kênh này đạt hiệu quả cao thì cần phải tăng cường huy động vốn trung hạn và dài hạn của các ngân hàng kết hợp với nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và hài hạn. Đồng thời, cần phải thiết lập và nâng cao chất lượng các kênh thông tin về thị trường bất động sản để làm cơ sở cho các ngân hàng thẩm định dự án, đánh giá khả năng chi trả của các chủ đầu tư.
Luật Đất đai năm 2013 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 dường như chưa có đầy đủ, đồng bộ các quy định về căn cứ để xác định bất động sản hợp pháp để cho vay cũng như những quy định về việc xác định giá trị tài sản là bất động sản đã khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Do đó, cần sớm hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung một số quy định trong hệ thống pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động huy động vốn kinh doanh bất động sản. Trong đó, quy định cụ thể, thống nhất khi thế chấp dự án bất động sản để huy động vốn kinh doanh bất động sản cần xem xét đồng thời quyền sử dụng đất có đủ điều kiện thực hiện thế chấp theo quy định của Luật Đất đai hay không. Theo đó, đối với dự án bất động sản được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thì chủ đầu tư dự án được quyền thế chấp. Còn đối với dự án bất động sản được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, thì chủ đầu tư không được thế chấp toàn bộ dự án, mà trong trường hợp này, chủ đầu tư chỉ được thế chấp các công trình xây dựng, các tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của nhà đầu tư.
- Đối với hình thức huy động vốn bằng trái phiếu, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp thì pháp luật nên có hướng mở rộng thêm quyền cho doanh nghiệp được phát hành trái phiếu kèm theo quyền mua nhà hoặc ưu tiên mua nhà. Đồng thời, cần quy định chi tiết và cụ thể về điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được huy động vốn thông qua trái phiếu.
Thứ năm, hoàn thiện pháp luật về huy động vốn thông qua bất động sản hình thành trong tương lai.
Hiện nay, một số bất động sản mặc dù chưa đủ điều kiện theo Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 nhưng vẫn được đưa vào huy động vốn dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm trốn tránh các quy định của pháp luật như việc kí kết hợp đồng đặt cọc, hợp đồng thuê mua... Nhiều khách hàng sau khi thực hiện kí kết các loại hợp đồng này đã không nhận được nhà, chậm nhận nhà, thậm chí bị chủ đầu tư ôm tiền bỏ trốn. Đây chính là thực tiễn đang xảy ra đối với khá nhiều dự án bất động sản mà cho dù khách hàng có kiện ra tòa thì cũng khó đòi được tiền, chưa kể tới việc được đền bù thiệt hại. Do vậy, cần thắt chặt quy định hơn đối với các loại hợp đồng “dùng để lách luật”, quy định chi tiết về giá trị tối đa mà khách hàng thanh toán cho chủ đầu tư đối với các hợp đồng xoay quanh thị trường bất động sản, chỉ được thanh toán trước từ 30% - 50% trước khi được bàn giao bất động sản đã hoàn thiện.
Theo quy định của pháp luật, các loại nhà ở, các công trình xây dựng hình thành trong tương lai trước khi được mở bán phải được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nghiệm thu theo đúng các quy định của pháp luật, không được thiếu bất kì một điều kiện nào. Nếu như việc nghiệm thu diễn ra chưa đúng, để lọt bất động sản không đạt yêu cầu vào thị trường kinh doanh bất động sản, trách nhiệm không chỉ quy cho chủ đầu tư dự án mà những người thực hiện hoạt động nghiệm thu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đây chính là giải pháp tránh cho việc “lợi ích nhóm” xuất hiện, quyền đi liền với trách nhiệm, người thực hiện hoạt động nghiệm thu sẽ nghiêm túc thực hiện công việc của mình hơn, tránh tối đa những sai phạm xảy ra.
Thứ sáu, hoàn thiện pháp luật về huy động vốn thông qua các tổ chức tín dụng.
Khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, chủ đầu tư và các tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận về lựa chọn biện pháp bảo đảm tiền vay, gồm: Cầm cố, thế chấp, đặt cược, ký quỹ, bảo lãnh, trong đó thế chấp là biện pháp bảo đảm được sử dụng nhiều nhất. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nhà nước đã gián tiếp cho phép các chủ đầu tư được thế chấp dự án kinh doanh bất động sản của mình để huy động vốn phục vụ cho việc đầu tư, xây dựng dự án kinh doanh bất động sản đó. Khi thế chấp dự án kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể là quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2919 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 174 Luật Đất đai năm 2013, đối với tài sản là quyền sử dụng đất, để thực hiện hoạt động thế chấp thì quyền sử dụng đất đó phải là do Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho toàn bộ thời gian thuê. Vấn đề đặt ra là, nếu chủ đầu tư thế chấp toàn bộ dự án kinh doanh bất động sản, không tách biệt quyền sử dụng đất với các tài sản khác thì Bộ luật Dân sự năm 2015 không đặt ra những điều kiện hạn chế như quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Như vậy, chủ đầu tư thế chấp dự án đầu tư bất động sản sẽ không loại trừ trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Sự thiếu chặt chẽ trong quy định của pháp luật như trên đã tạo ra những kẽ hở cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản lợi dụng trong quá trình làm thẩm định tài sản thế chấp là các dự án đầu tư bất động sản. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất nghiên cứu, sửa đổi cho nội dung các quy định pháp luật đồng nhất với nhau, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn.
Thứ bảy, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm đối với hoạt động huy động vốn trong kinh doanh bất động sản.
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 chưa quy định rõ ràng về mức bồi thường thiệt hại về vi phạm đối với hoạt động huy động vốn trong kinh doanh bất động sản nên vấn đề này được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong khi pháp luật dân sự đề cao sự thỏa thuận, pháp luật thương mại quy định mức phạt không quá 8%, vì vậy, trong thực tế, chủ đầu tư thường quy định mức phạt trong hợp đồng chỉ có 0,05% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Tiếp đó, tại Điều 58 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (Nghị định số 16/2022/NĐ-CP) đã quy định chi tiết về mức xử phạt hành chính đối với sai phạm trong kinh doanh bất động sản nói chung và huy động vốn trong kinh doanh bất động sản nói riêng. So với Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, mức phạt quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã tăng lên rất nhiều với mức phạt cao nhất là 600.000.000 đồng (sáu trăm triệu đồng). Tuy nhiên, nếu so với lợi ích thu được từ việc vi phạm pháp luật về huy động trong kinh doanh bất động sản thì mức phạt này là quá thấp, nhiều nhà đầu tư biết luật nhưng vẫn cố tình làm trái luật, chấp nhận nộp phạt, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể khác. Vì vậy, cần tăng mức chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động huy động vốn trong kinh doanh bất động sản, quy định rõ quy mô, mức độ vi phạm để đề ra trách nhiệm truy cứu hình sự và thu hồi giấy phép kinh doanh trong một thời gian nhất định hoặc tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với các hành vi vi phạm quá nặng.
Huy động vốn trong kinh doanh bất động sản là một hoạt động phức tạp, có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thị trường bất động sản và sự tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, pháp luật về huy động vốn trong kinh doanh bất động sản cần hội tụ đủ các yếu tố: Tính đầy đủ, tính rõ ràng, tính thống nhất, tính ổn định. Để làm được điều này, cần phải thường xuyên rà soát, đánh giá thực tiễn thực thi để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật.
Nguyễn Thị Ngần
Vũ Thương Thảo
Sinh viên Đại học Luật Hà Nội
[1]. https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1206/71928/phat-trien-thi-truong-von-thi-truong-bat-dong-san-lanh-manh.aspx.
[2]. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Báo cáo về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 03/11/2022.
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 376), tháng 3/2023