Tóm tắt: Thẻ tín dụng đang dần trở thành phương tiện thanh toán phổ biến tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam về thẻ tín dụng hiện nay vẫn còn có những nội dung chưa phù hợp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thẻ tín dụng tại Việt Nam.
Abstract: Credit cards are gradually becoming a popular means of payment in most countries around the world, including Vietnam. However, the current Vietnamese law on credit cards still contains inappropriate contents. Within the scope of this article, the author analyzes some inadequacies and makes recommendations to improve the law on credit cards in Vietnam.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hoạt động thanh toán bằng thẻ ngân hàng nói chung và thẻ tín dụng nói riêng đã trở thành một trong những phương thức thanh toán chủ đạo trong các hoạt động mua bán hàng hóa trên thị trường. Trong đó, thẻ tín dụng có thể được coi là một loại hình tương đối đặc biệt bởi nó là sự kết hợp của hoạt động thanh toán và hoạt động cấp tín dụng. Hiện nay, thanh toán bằng thẻ tín dụng đã trở thành một xu thế phổ biến ở các quốc gia phát triển bởi sự tiện lợi, nhanh chóng, linh hoạt cũng như những ưu đãi mà các tổ chức phát hành thẻ dành cho khách hàng. Để đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng về quy mô thị trường thẻ tín dụng cũng như sự biến động không ngừng của hoạt động thanh toán bằng thẻ tín dụng thì một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có khung pháp lý hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định pháp luật Việt Nam về thẻ tín dụng vẫn còn bất cập cần phải kịp thời khắc phục.
1. Khái quát về thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng được phát hành lần đầu tiên vào năm 1951 bởi Ngân hàng Franklin National Bank (nay là Ngân hàng Europe American Bank). Tại Việt Nam, thẻ tín dụng đã chính thức được giới thiệu thông qua sự kiện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) ký kết hợp đồng đại lý thanh toán thẻ Visa với Ngân hàng BFCE Singapore vào ngày 27/6/1990. Kể từ đó tới nay, thẻ tín dụng đã dần trở thành một phương thức thanh toán phổ biến và được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam.
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy, có khá nhiều định nghĩa khác nhau của học giả quốc tế về “thẻ tín dụng”. Chẳng hạn, trong cuốn sách “Economics: Principles in action”, hai nhà kinh tế học Arthur O’Sullivan và Steven M. Sheffrin cho rằng: “Thẻ tín dụng là một loại thẻ thanh toán được cấp cho người sử dụng (chủ thẻ) để chủ thẻ có thể thanh toán tiền hàng cho người bán và các dịch vụ dựa trên lời hứa của chủ thẻ với tổ chức phát hành thẻ về việc thanh toán cho họ số tiền cộng với các khoản phí đã thỏa thuận khác”[1]. Tác giả Gary Schneider (Đại học kinh doanh California) đã chú thích thêm trong cuốn sách “Electronic Commerce”: “Thẻ tín dụng khác với thẻ tính phí, yêu cầu số dư phải được thanh toán đầy đủ trong mỗi tháng”[2].
Tại Việt Nam, khái niệm thẻ tín dụng lần đầu tiên được đề cập tại Điều 24 Quyết định số 22/QĐ-NH1 ngày 21/02/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành “Thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt”. Trong đó, thẻ tín dụng được liệt kê là một trong ba loại thẻ thanh toán và chỉ “áp dụng đối với khách hàng có đủ điều kiện được ngân hàng đồng ý cho vay tiền. Khách hàng chỉ được thanh toán số tiền trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được ngân hàng chấp thuận bằng văn bản”. Sau đó, ngày 19/10/1999, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ ngân hàng (kèm theo Quyết định số 371/1999/QĐ-NHNN1) ghi nhận thẻ tín dụng là một trong hai loại thẻ ngân hàng và “là loại thẻ cho phép chủ thẻ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ, rút tiền mặt trong hạn mức tín dụng được tổ chức phát hành thẻ chấp thuận theo hợp đồng”. Năm 2007, một lần nữa, định nghĩa về thẻ tín dụng đã được sửa đổi trong Quyết định số 20/2007/QĐ-NHNN ngày 15/5/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng, theo đó, thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Giao dịch thẻ ở đây được hiểu là việc sử dụng thẻ để gửi, nạp, rút tiền mặt, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ, sử dụng các dịch vụ khác do tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ cung ứng. Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, được sửa đổi, bổ sung các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 (Thông tư số 19/2016/TT-NHNN) vẫn tiếp tục kế thừa, giữ nguyên định nghĩa này.
Theo quan điểm của tác giả, thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán không sử dụng tiền mặt được phát hành bởi các tổ chức tín dụng (bao gồm cả ngân hàng thương mại) theo thỏa thuận với chủ thẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng của chủ thẻ trong một hạn mức nhất định. Các tổ chức phát hành thẻ sẽ đánh giá và thẩm định dựa trên tài liệu chứng minh thu nhập của chủ thẻ cũng như các điều kiện cần thiết nhằm cấp cho chủ thẻ một hạn mức tín dụng để sử dụng trong thời hạn nhất định. Vào cuối mỗi kỳ tín dụng, chủ thẻ thanh toán với ngân hàng toàn bộ hoặc một phần số tiền đã chi tiêu theo bảng kê sau khi hạch toán (bảng kê chi tiết các khoản chi tiêu của chủ thẻ trong tháng). Về bản chất, thẻ tín dụng chính là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cho phép “chi tiêu trước, trả tiền sau”.
2. Bất cập trong quy định pháp luật Việt Nam về thẻ tín dụng
Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đồng thời, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng, cơ quan lập pháp Việt Nam đã ban hành và thường xuyên sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến thẻ tín dụng. Các quy định này tập trung ở một số nội dung chủ yếu như quản lý, điều tiết và kiểm soát đối với hoạt động của các chủ thể liên quan đến thẻ tín dụng; quy định nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động kinh doanh, lưu hành, sử dụng thẻ tín dụng; quy định các điều kiện, trình tự, thủ tục, phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ tín dụng; chấp thuận hoạt động nghiệp vụ thanh toán và phát hành thẻ tín dụng quốc tế; quy định biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động liên quan đến thẻ tín dụng nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động thẻ; hướng dẫn cách thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thanh toán bằng thẻ tín dụng,...
Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng trên thực tế, một số quy phạm pháp luật về thẻ tín dụng đã bộc lộ bất cập, vướng mắc gây khó khăn trong việc phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về đối tượng sử dụng thẻ: Điều 16 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định độ tuổi chủ thẻ chính là cá nhân là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Tác giả cho rằng, tuổi 18 chưa phải là độ tuổi hợp lý để chứng minh một người có khả năng độc lập về tài chính để có thể thực hiện hành vi mua sắm “chi tiêu trước, trả tiền sau” bởi phần lớn người trẻ ở độ tuổi này vừa mới tốt nghiệp trung học phổ thông và bắt đầu “bước chân” vào ngưỡng cửa đại học nên vẫn cần phụ thuộc tài chính vào bố mẹ, người giám hộ. Quy định như vậy sẽ khiến cho tình trạng lạm dụng thẻ tín dụng diễn ra thường xuyên ở những người trẻ tuổi, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng nợ quá hạn tín dụng, tiềm ẩn rủi ro cho tổ chức cấp tín dụng. Đồng thời, pháp luật hiện nay vẫn chưa có quy định khống chế số lượng thẻ tín dụng mà mỗi khách hàng được sở hữu nên đã gây ra tình trạng một số khách hàng không kiểm soát được việc chi tiêu của mình dẫn đến bội chi, vướng vào nợ nần cùng lúc với nhiều tổ chức cấp tín dụng khác nhau.
Thứ hai, về hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng: Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN chỉ quy định các nội dung tối thiểu cần phải có trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thẻ vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi tổ chức phát hành thẻ và khách hàng phải thỏa thuận kỹ lưỡng. Những nội dung này thường được thể hiện trong mẫu đơn xin cấp thẻ tín dụng cùng với bảng điều khoản và điều kiện của thẻ tín dụng được ban hành bởi các tổ chức phát hành thẻ. Trong đó, mẫu đơn xin cấp thẻ tín dụng được hiểu là một văn bản để khách hàng điền các thông tin cá nhân để đơn vị phát hành thẻ thẩm định khả năng tài chính và xem xét có cấp thẻ tín dụng hay không; còn bảng điều khoản và điều kiện của thẻ tín dụng được thể hiện dưới hình thức như một hợp đồng có quy định quyền và nghĩa vụ của các bên khi cấp thẻ tín dụng. Trên thực tế, hiện nay, mỗi tổ chức phát hành thẻ đều tự ban hành những mẫu đơn xin cấp thẻ tín dụng và bảng điều khoản với những nội dung, điều kiện khác nhau. Điều đáng nói là hầu hết các mẫu đơn và bảng điều kiện đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc bảo vệ tối đa lợi ích cho tổ chức phát hành thẻ và sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành dẫn tới khách hàng không có chuyên môn về tài chính - ngân hàng thường gặp khó khăn trong việc hiểu và thực hiện đúng nội dung hợp đồng.
Thứ ba, về mục đích sử dụng thẻ: Hiện nay, Thông tư số 19/2016/TT-NHNN có quy định người vay phải bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích đã ký kết và ngân hàng có quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng[3]. Đồng thời, tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã quy định rõ ràng: “Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng” (Điều 94). Tuy nhiên, các quy định này chưa bảo đảm tính khả thi bởi việc kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng nguồn tiền vay dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng là một nhiệm vụ tương đối khó khăn bởi số lượng thẻ cũng như số lượng giao dịch của thẻ tín dụng hiện nay có xu hướng gia tăng nhanh chóng khiến ngân hàng hoàn toàn không thể tra soát hết được các giao dịch này sử dụng với mục đích gì. Thậm chí là xuất hiện tình trạng, nhiều tổ chức, cá nhân đã công khai cung cấp dịch vụ quẹt thẻ tín dụng qua POS sau đó trả tiền mặt cho chủ thẻ với chi phí thấp hơn so với lãi suất rút tiền mặt trực tiếp, làm cho giao dịch ghi nợ trên sao kê được thể hiện như một giao dịch chi tiêu, mua sắm hàng hóa dịch vụ thông thường nhưng về bản chất đây đều là những giao dịch không có thật, hay còn gọi là giao dịch khống. Sau khi rút được tiền mặt tại POS thì chủ thẻ tùy ý sử dụng vào mục đích khác so với mục đích đã ký kết trên hợp đồng mà ngân hàng không thể kiểm soát được.
Thứ tư, về phí sử dụng thẻ: Điều 5 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN hiện cho phép các tổ chức phát hành thẻ được thu phí dịch vụ thẻ nhưng không quy định rõ đó là những loại phí nào và mức phí là bao nhiêu. Điều này dẫn tới một thực trạng dễ nhận thấy tại các hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng hiện nay đó là sự xuất hiện quá nhiều loại phí mà chủ thẻ cần phải chi trả nếu muốn sử dụng thẻ tín dụng, ví dụ như phí thường niên, phí yêu cầu hóa đơn giao dịch, phí giao dịch qua SMS, phí thông báo, phí khiếu nại và điều tra sự cố, phí cấp lại PIN, phí chênh lệch tỷ giá, phí thay đổi hình thức bảo đảm, phí xác nhận hạn mức tín dụng... khiến cho khách hàng e ngại việc sử dụng thẻ tín dụng. Thêm nữa, các mức phí dịch vụ thẻ của các ngân hàng hiện nay đang có sự không đồng nhất. Chẳng hạn như sự chênh lệch về các mức phí chậm trả khác nhau tại các ngân hàng như hiện nay đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra khó khăn và bất tiện cho khách hàng trong việc lựa chọn sử dụng thẻ tín dụng.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, cần phải nghiên cứu và xem xét tăng độ tuổi sử dụng thẻ và thắt chặt các yêu cầu chứng minh tài chính đối với các đối tượng sử dụng thẻ. Mặc dù 18 tuổi là độ tuổi được phép sử dụng thẻ tín dụng phổ biến tại một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada,... nhưng tác giả cho rằng, đây chưa phải là độ tuổi có thể chịu trách nhiệm độc lập về tài chính để có thể “chi tiêu trước, trả tiền sau”. Về vấn đề này, nhà làm luật Việt Nam có thể tham khảo Đạo luật thẻ tín dụng năm 2009 của Hoa Kỳ trong đó có quy định độ tuổi được sử dụng thẻ tín dụng là từ đủ 21 tuổi trở lên và nếu dưới 21 tuổi thì phải có tài liệu chứng minh sự độc lập về tài chính với bố mẹ (hoặc người thân)[4]. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn người 21 tuổi vẫn đang là sinh viên nên tác giả cho rằng, độ tuổi bắt đầu được cấp thẻ tín dụng nên là từ đủ 22 tuổi trở lên, lúc này, họ đã tốt nghiệp đại học, bắt đầu phải chịu trách nhiệm tài chính cho những hành vi tiêu dùng cá nhân.
Thứ hai, cần nghiên cứu ban hành một mẫu hợp đồng chung về phát hành và sử dụng thẻ tín dụng và yêu cầu các tổ chức tín dụng (bao gồm cả ngân hàng thương mại) phải nghiêm túc áp dụng. Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc thống nhất mẫu hợp đồng tín dụng, hạn chế tình trạng khách hàng phải tiếp cận với quá nhiều loại hợp đồng tín dụng được ban hành bởi nhiều tổ chức tín dụng khác nhau dẫn đến khó hiểu và khó tuân thủ trong quá trình thực hiện. Đồng thời, hợp đồng mẫu này nên được xây dựng một cách ngắn gọn, mạch lạc, giải thích rõ ràng những thuật ngữ chuyên ngành nhằm giúp khách hàng hiểu và tuân thủ đúng nội dung hợp đồng. Bên cạnh đó, hợp đồng mẫu cũng cần có các điều khoản chuẩn mực quy định về những nội dung cơ bản như: Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, lãi suất, khoản phí phát sinh trong quá trình sử dụng thẻ. Đây cũng là một biện pháp góp phần hạn chế tối đa tình trạng tổ chức phát hành thẻ lợi dụng mẫu đơn xin cấp tín dụng và bảng điều khoản để áp đặt hàng loạt mức phí gây bất lợi cho khách hàng.
Thứ ba, cần siết chặt các quy định giám sát nội bộ và quy định kiểm soát, tác nghiệp để kiểm tra chứng từ đáng ngờ trong hoạt động thanh toán thẻ tín dụng nhằm hạn chế tình trạng giao dịch khống trên thẻ tín dụng như hiện nay. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư liên ngành về giám sát chứng từ giao dịch thẻ tín dụng. Cơ chế kiểm soát sẽ được thực hiện theo quy trình như sau: Các tổ chức tín dụng (bao gồm cả ngân hàng thương mại) có nghĩa vụ sao kê các chứng từ thanh toán thẻ tín dụng gửi cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm đối chiếu kiểm soát những chứng từ này tại các cơ sở kinh doanh bởi nếu có giao dịch trên thực tế thì cơ sở kinh doanh buộc phải kê khai báo cáo thuế. Từ đó, chứng từ giao dịch thẻ tín dụng nếu bị giao dịch khống cũng sẽ dễ dàng bị cơ quan thuế phát hiện ra.
Thứ tư, cần phải có quy định chi tiết về các loại phí dịch vụ thẻ tín dụng mà các tổ chức phát hành thẻ được phép thu và mức phí trần cụ thể để các tổ chức không được phép vượt quá mức này. Chẳng hạn, cần quy định mức phí chậm trả không được vượt quá số tiền phải trả để tạo động lực và khuyến khích khách hàng tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng sau khi trả phí. Đồng thời, việc điều chỉnh các loại phí phát sinh và các khoản phạt (nếu có) cần phải được tổ chức phát hành thẻ thông báo kịp thời cho khách hàng thông qua nhiều phương tiện liên lạc khác nhau như điện thoại, email, SMS... để bảo đảm khách hàng đã hiểu rõ và chấp nhận sự thay đổi, tránh tình trạng tổ chức phát hành thẻ tự động tăng phí mà không có cơ sở, gây bất tiện cho quá trình sử dụng thẻ của khách hàng.
Tựu trung lại, thẻ tín dụng đang và sẽ trở thành xu thế thanh toán không sử dụng tiền mặt phổ biến và quan trọng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy nên, việc hoàn thiện khung pháp lý về thẻ tín dụng tại Việt Nam là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm khắc phục bất cập trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ, bảo đảm cho hoạt động thanh toán trở nên thuận tiện, kích thích nhu cầu mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ của khách hàng, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển nền kinh tế quốc gia.
ThS. Lê Bích Ngọc
Khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
[1]. Arthur O’Sullivan & Sheffrin Steven M, “Economics: Principles in action” (Textbook). Upper Saddle River, New Jersey 07458: Pearson Prentice Hall, 2003, tr. 261.
[2]. Gary Schneider, “Electronic Commerce”, 9th Edition, Cambridge: Course Technology, 2010, tr. 497.
[3]. Điều 15, Điều 17 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-NHNN ngày 07/12/2021 của Ngân hành Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
[4]. The 111th United States Congress, The Credit Card Accountability Responsibility and Disclosure Act of 2009 (Credit CARD Act of 2009), Sec.301.
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 376), tháng 3/2023