Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về bảo đảm đến trật tự an toàn giao thông đường bộ tuy được quan tâm ban hành tương đối đầy đủ nhưng còn thiếu đồng bộ, thiếu ổn định, nhiều nội dung thực sự chưa phù hợp với thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính về đến trật tự an toàn giao thông. Sự bất hợp lý trong các quy định pháp luật, sự thiếu vắng của các chế tài xử phạt, hay chế tài xử phạt không tương xứng với hành vi vi phạm sẽ làm cho người tham gia giao thông “nhờn thuốc”, xem thường pháp luật; gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện của các lực lượng thực thi nhiệm vụ, làm hạn chế đến công tác quản lý nhà nước về đến trật tự an toàn giao thông. Trong bài viết này, tác giả phân tích những hạn chế, bất cập của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
1. Một số thuật ngữ quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, thống nhất
Một là, một số thuật ngữ được sử dụng trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100/2019/CP-CP) còn mang định tính, chưa được giải thích rõ ràng, như: “Rú ga (nẹt pô) liên tục”; “lạng lách, đánh võng”. Qua tra cứu một số từ điển như: Từ điển bách khoa Công an nhân dân, Từ điển Luật học, Từ điển tiếng Việt... những thuật ngữ này không có khái niệm, giải thích nên tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, thiếu thống nhất, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng, việc có xử phạt hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền xử phạt.
Hai là, về đối tượng là “trẻ em”, theo Điều 1 Công ước của Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em thì “trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”; theo Luật Trẻ em năm 2016 thì “trẻ em là người dưới 16 tuổi” (Điều 1). Như vậy, theo pháp luật Việt Nam thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 100/2019/CP-CP quy định phạt tiền đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm (trừ một số trường hợp liên quan đến trẻ em) sau đây: “Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật” (điểm k); “chở theo 02 người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật” (điểm l); “ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước” (điểm m). Theo quy định này thì đối tượng “trẻ em” được quy định ở nhiều độ tuổi khác nhau. Việc pháp luật đặt ra các quy định nhiều cấp độ tuổi như vậy mang tính nhân văn, nhân đạo, với mục đích tốt đẹp là để bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động xử phạt vi phạm hành chính, các chủ thể có thẩm quyền cũng rất khó hoặc sẽ mất nhiều thời gian để chứng minh[3] đâu là “trẻ em dưới 06 tuổi”, “trẻ em dưới 14 tuổi”, vì pháp luật cũng không quy định và không thể quy định “trẻ em” khi ngồi trên xe mô tô phải mang theo giấy khai sinh. Rồi quy định cấm người điều khiển xe “ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở “trẻ em” ngồi phía trước” (điểm m), vậy, độ tuổi “trẻ em” theo quy định này là bao nhiêu tuổi, dưới 6 tuổi, dưới 14 tuổi, hay dưới 16 tuổi…? Liệu người điều khiển xe mô tô chở trẻ em dưới 16 tuổi ngồi phía trước có bảo đảm an toàn không? Và chủ thể có thẩm quyền khi phát hiện có cơ sở pháp lý để xử phạt thì được không? Xử phạt như vậy có thuyết phục không? Việc pháp luật quy như thế đã khiến cơ sở pháp lý trở nên thiếu khoa học, lỏng lẻo và mâu thuẫn; gây nhiều tranh cãi, khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Để khắc phục bất cập này, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các nghị định hướng dẫn thi hành cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung, giải thích làm rõ những thuật ngữ còn mang định tính, chưa rõ nghĩa để bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và trong xử phạt vi phạm hành chính.
2. Pháp luật xử lý vi phạm hành chính không quy định việc áp dụng biện pháp ngăn chặn “tạm giữ phương tiện” đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm quy định về “đội mũ bảo hiểm” và “chở quá số người quy định” dẫn đến tình trạng không thể khắc phục triệt để hậu quả do vi phạm hành chính này gây ra
Điểm b khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về tạm giữ phương tiện “để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”. Trên cơ sở này, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã quy định “tạm giữ phương tiện” đối với 19 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ của người điều khiển xe mô tô nhằm ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính góp phần trừng trị, răn đe, ngăn ngừa vi phạm, hạn chế xảy ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Tuy nhiên, một số hành vi của người điều khiển xe mô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như: “Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật” (điểm i, k khoản 2 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP), hoặc “chở theo từ 03 người trở lên trên xe” (điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) chỉ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền mà không được pháp luật quy định biện pháp ngăn chặn “tạm giữ phương tiện”. Nếu chỉ áp dụng hình thức xử phạt tiền đối với những trường hợp này mà không áp dụng biện pháp ngăn chặn “tạm giữ phương tiện” thì chẳng khác nào thỏa hiệp với tư duy “phạt và đồng ý cho tồn tại”. Tất nhiên, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ yêu cầu người có hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Nhưng sau khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, liệu chủ thể có thẩm quyền đang thi hành công vụ có thể kiểm soát được đầy đủ hoạt động, hành vi của người vi phạm không, hay người vi phạm sẽ tiếp tục “không đội mũ bảo hiểm”, tiếp tục “chở theo từ 03 người trở lên trên xe”? Và thực tế cho thấy, sau khi chủ thể có thẩm quyền đã chấn chỉnh, giáo dục, xử lý xong, nhưng nếu người vi phạm không có ý thức tự giác chấp hành thì đến vị trí ngoài tầm kiểm soát của chủ thể có thẩm quyền họ lại tiếp tục hành vi vi phạm “không đội mũ bảo hiểm”, “chở theo từ 03 người trở lên trên xe”, do chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần xem xét bổ sung vào Nghị định số 100/2019/NĐ-CP việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn “tạm giữ phương tiện” đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm điểm i, k khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Sự bổ sung này sẽ góp phần xử lý nghiêm, triệt để hành vi vi phạm của người điều khiển xe mô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do tai nạn giao thông gây ra.
3. Bất cập của quy định về xử lý xe mô tô vi phạm hành chính đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính
Đoạn 2 khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước”.
Đây là một bước tiến quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008). Theo đó, chỉ khi nào “chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước” (đoạn 3 khoản 1 Điều 126). Có thể hiểu: (i) Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng phương tiện nếu biết trước được mục đích thuê, mượn của người đi thuê, mượn xe mô tô (ví dụ, thuê, mượn để điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định, để đua xe) nhưng vẫn đồng ý cho thuê, mượn (có lỗi cố ý); khi xảy ra vi phạm hành chính (thuộc trường hợp bị tịch thu phương tiện) thì xe mô tô sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước nhằm răn đe, giáo dục, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; (ii) Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng phương tiện không biết được mục đích của người thuê, mượn xe mô tô và họ không có lỗi trong việc để phương tiện bị sử dụng vào vi phạm hành chính (ví dụ, buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường…) thì phương tiện sẽ không bị tịch thu mà phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
Có quan điểm cho rằng, khi các vi phạm hành chính mà tính chất, mức độ nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông thuộc trường hợp pháp luật có quy định phải tịch thu phương tiện (như các hành vi buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường…) thì phải tịch thu phương tiện khi xử lý, không cần đặt vấn đề phải xem xét “quyền sở hữu” phương tiện là của ai. Nếu quy định trả lại phương tiện vi phạm do đối tượng vi phạm mượn, thuê thì sẽ rất dễ nảy sinh tình trạng lạm dụng kẽ hở của luật pháp để vi phạm, thiếu tính răn đe, giáo dục trên thực tế. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chủ phương tiện cho mượn, cho thuê đúng quy định[4] (giao ngay tình) - lỗi vô ý hoặc không có lỗi nên không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra; nếu tịch thu phương tiện bị sử dụng trái phép sẽ làm phương hại đến quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ; đồng thời, làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội khác như cho mượn, cho thuê tài sản. Ngay cả trong Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ, trong trường hợp “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp” (khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Để bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp và người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Mục đích bảo đảm trách nhiệm của người điều khiển xe mô tô đối với vi phạm hành chính của mình và đối với quyết định xử phạt của chủ thể có thẩm quyền, nhằm trừng phạt đối với người vi phạm, răn đe, giáo dục chung nhưng điều luật chỉ dừng lại ở đó mà không quy định cụ thể hơn.
Chính sự quy định chưa cụ thể, rõ ràng này dẫn đến thực trạng có sự giải quyết không thống nhất của các chủ thể có thẩm quyền trong thực tiễn áp dụng pháp luật, tâm lý “uy quyền” đây đó bộc lộ, các chủ thể có thẩm quyền thường giải quyết theo phương pháp “quyền uy - phục tùng” thúc ép, buộc cá nhân vi phạm hành chính “phải nộp” một khoản tiền tương đương phương tiện vi phạm mới giải quyết để chủ sở hữu, người sử dụng, quản lý hợp pháp nhận lại phương tiện, tang vật. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp đối với tài sản của họ.
Vấn đề pháp lý đặt ra là, nếu người vi phạm không nộp (hoặc không thể nộp) một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước thì chủ thể có thẩm quyền xử lý như thế nào? Có được áp dụng các biện pháp cưỡng chế (Điều 86) hoặc xem xét hoãn thi hành quyết định phạt tiền (Điều 76); giảm, miễn tiền phạt (Điều 77) như đối với thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không? Chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có được nhận lại phương tiện, tang vật hay không? Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 hoàn toàn không quy định.
Sau hơn 04 năm Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đi vào cuộc sống, để khắc phục bất cập này, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định áp dụng cưỡng chế tại khoản 1 Điều 11a: “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thay thế cho việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu không nộp thì bị cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.
Như vậy, pháp luật đã quy định, nếu người vi phạm không tự nguyện nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước thì chủ thể có thẩm quyền áp dụng cưỡng chế theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. Còn trong trường hợp người vi phạm hành chính không có khả năng nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước và có áp dụng biện pháp cưỡng chế cũng không thu được “khoản tiền tương đương” thì chủ thể có thẩm quyền có giải quyết trả lại “tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính” không? Người vi phạm có được xem xét hoãn, giảm, miễn tiền phạt như quy định đối với thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không, thì pháp luật xử phạt vi phạm hành chính chưa có quy định.
Từ những bất cập nêu trên, để bảo đảm nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể thực thi, áp dụng pháp luật trong thực tiễn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu hợp pháp tang vật, phương tiện và các chủ thể có liên quan, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng: (i) Trường hợp người vi phạm có khả năng nộp một khoản tiền tương đương giá trị phương tiện vi phạm nhưng cố tình không nộp vào ngân sách nhà nước thì áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, như khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm; hay kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá...; (ii) Trường hợp người vi phạm không thể nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách (do đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc) thì xem xét hoãn thi hành quyết định phạt tiền (Điều 76); hoặc giảm, miễn tiền phạt (Điều 77).
4. Bất cập trong việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm về nồng độ cồn khai báo bị mất giấy phép lái xe hoặc không có giấy phép lái xe
Có thể khẳng định, sau hơn 03 tháng triển khai, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Nhất là quy định tăng mức tiền xử phạt, và thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đã có sức răn đe người tham gia giao thông, mang lại những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính, phát hiện một số trường hợp vi phạm khai báo không có hoặc “cố ý” khai báo không có giấy phép lái xe, hay bị mất giấy phép lái xe. Do đó, chủ thể có thẩm quyền chỉ áp dụng được hình thức xử phạt chính (phạt tiền), không áp dụng được hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).
Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, hành vi người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 mà không có giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 21); điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh mà không có giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (điểm b khoản 7 Điều 21). Còn đối với vi phạm nồng độ cồn, tuỳ tính chất, mức độ vi phạm có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng; hoặc từ 16 tháng đến 18 tháng; hoặc từ 22 tháng đến 24 tháng (các điểm e, đ, g khoản 10 Điều 6). Trong các hình thức trên thì hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thể hiện sự nghiêm khắc hơn. Như vậy, có thể dẫn đến sự chuyển hóa là người có giấy phép lái xe sẽ khai báo là không có giấy phép lái xe để “tự nguyện” nộp phạt tiền. Đây là một “kẽ hở” của quy định pháp luật mà người vi phạm có thể lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm hành chính mà chủ thể có thẩm quyền xử phạt đang gặp khó khăn trong thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính hiện nay, nhất là quy định tăng hình thức xử phạt đối với người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn.
Từ thực tiễn nêu trên, để bổ sung, hướng dẫn các quy định xử lý chặt chẽ, mang tính răn đe, hạn chế tình trạng “lách luật”, tiếp diễn hành vi vi phạm, ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính (phạt tiền) cho các hành vi vi phạm tương ứng, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, bổ sung hình thức xử phạt bổ sung như sau:
Một là, đối với trường hợp người điều khiển xe mô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn mà “thực sự” không có giấy phép lái xe, thì tuỳ vào tính chất, mức độ vi phạm chủ thể có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe ,thời hạn tương ứng với thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của người vi phạm có giấy phép lái xe”.
Hai là, đối với trường hợp người điều khiển xe mô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn “cố ý” khai báo không có giấy phép lái xe hoặc bị mất giấy phép lái xe, thì chủ thể có thẩm quyền áp dụng mức phạt tiền gấp đôi đối với hành vi vi phạm “không có giấy phép lái xe” (quy định tại điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP); đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thời hạn tương ứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm của người điều khiển xe mô tô không chấp hành quy định về nồng độ cồn.
5. Bất cập về quy định mức phạt tiền và biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt
Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được Quốc hội ban hành đến nay, riêng trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Chính phủ đã 05 lần ban hành các nghị định để hướng dẫn thi hành quy định về xử phạt vi phạm vi phạm hành chính[5]. Có thể nhận thấy pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính những năm qua không ngừng thay đổi, hoàn thiện phù hợp với thực trạng vi phạm hành chính và những thay đổi của đời sống xã hội, nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 218 hành vi, nhóm hành vi về quy tắc giao thông đường bộ, trong đó tăng cao mức xử phạt đối với 61 hành vi, nhóm hành vi[6]… Tuy nhiên, trong thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính khi tăng mức phạt tiền, nhất là tăng cao mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đã bộc lộ nhiều bất cập phát sinh khi quá nhiều vụ việc phải “đẩy” lên cấp có thẩm quyền cao hơn để xử lý, trong khi thẩm quyền xử phạt của một số chức danh như chiến sỹ công an nhân dân, trạm trưởng, đội trưởng bị “thu hẹp” lại, không bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong xử phạt vi phạm hành chính.
Hoặc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ”. Từ năm 2012 đến nay, điều kiện kinh tế - xã hội, mức thu nhập đã thay đổi tăng lên rất nhiều; mức tiền phạt quy định trong các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng được sửa đổi, điều chỉnh tăng lên. Ví dụ: Theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, thì chiến sỹ công an nhân dân có thể ra quyết định “xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản” (người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ) đối với 30 hành vi, nhóm hành vi có mức phạt tiền từ 60.000 đồng đến 200.000 đồng quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 6; còn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì chiến sỹ công an nhân dân chỉ có thể ra quyết định “xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản” đối với 16 hành vi, nhóm hành vi có mức tiền phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng quy định tại khoản 1 Điều 6 (giảm thẩm quyền xử phạt đối với 14 hành vi, nhóm hành vi).
Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định “tạm giữ phương tiện” đối với 19 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ của người điều khiển xe mô tô nhằm “Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội” (điểm b khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Thẩm quyền tạm giữ phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính được quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính”. Trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, rất nhiều người sở hữu các phương tiện có giá trị cao (hiện nay, xe mô tô giá trị trên 20.000.000 đồng được sử dụng rất phổ biến). Theo quy định này, dẫn đến có thể chủ thể có thẩm quyền xử phạt tiền ở cấp này, nhưng ra quyết định tạm giữ phương tiện lại phải do chủ thể có thẩm quyền ở cấp cao hơn thực hiện. Và thời hạn phải báo cáo thủ trưởng của mình ra quyết định tạm giữ phương tiện bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính: “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này để xem xét, ra quyết định tạm giữ…” (khoản 4 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Quy định này đã tạo ra những khó khăn, bất cập nhất định trong thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính hiện nay, nhiều trường hợp giá trị phương tiện bị tạm giữ cao vượt quá thẩm quyền của Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, của Giám đốc Công an cấp tỉnh[7] dẫn đến tình trạng phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền cao hơn (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) để ra quyết định tạm giữ phương tiện. Chưa kể đến các tổ công tác, lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát lưu động, xa trung tâm, đơn vị công tác phải vất vả để “chạy đua” với thời hạn quy định 24 giờ cho kịp báo cáo thủ trưởng, người có thẩm quyền để ra quyết định tạm giữ phương tiện.
Từ những bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung tăng mức phạt tiền tối đa để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt và tăng thẩm quyền được “tạm giữ phương tiện” cho các chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP để hạn chế tình trạng quá tải trong việc xử phạt cho một số chủ thể có thẩm quyền cấp trên, bảo bảo tính khả thi trong thực tiễn khi thi hành xử phạt vi phạm hành chính; bảo đảm nguyên tắc “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”, cụ thể:
(i) Sửa đổi tăng mức phạt tiền tối đa quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để làm cơ sở điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương II Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (từ Điều 38 đến Điều 51);
(ii) Sửa đổi tăng mức tiền phạt đối với hình thức “xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản” từ mức 250.000 đồng đối với cá nhân như quy định hiện nay lên bằng mức xử phạt theo thẩm quyền của chiến sỹ công an nhân dân;
(iii) Sửa đổi các Điều 75, 76, 77 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP theo các sửa đổi, bổ sung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, theo hướng tăng mức tiền phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;
(iv) Sửa đổi một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (từ Điều 38 đến Điều 51; Điều 125) theo hướng tăng thẩm quyền được “tạm giữ phương tiện” cho các chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ có giá trị gấp đôi mức tiền phạt tối đa của chủ thể có thẩm quyền xử phạt (thay vì giá trị phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt tối đa của chủ thể có thẩm quyền xử phạt như quy định hiện nay).
Công an tỉnh Phú Yên
[6] Trần Phong Anh (2020), “Một số thay đổi trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, [http://mt.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/1111/64235/mot-so-thay-doi-trong-nghi-dinh-so-100-2019-nd-cp-cua-chinh-phu-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-giao-thong-duong-bo-va-duong-sat-.aspx] (truy cập ngày 20/4/2020).