Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích một số vướng mắc, bất cập về xử phạt vi phạm hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), từ đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định này.
Abstract: The article focuses on analyzing a number of problems and inadequacies in sanctioning administrative violations in the 2012 Law on Handling of Administrative Violations (amended and supplemented in 2020), thereby, proposing solutions to improve the regulation.
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây gọi là Luật Xử lý vi phạm hành chính), sau hơn 10 năm đi vào đời sống, đã trở thành một trong những công cụ pháp lý quan trọng của các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác xử lý các hành vi vi phạm hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đem đến sự thay đổi tích cực trong công tác thực thi pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý vi phạm hành chính.
Sau lần sửa đổi, bổ sung năm 2020, nội dung về xử phạt hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã phần nào khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật xử phạt vi phạm hành chính, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính, vừa bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung cần xem xét trên cơ sở khoa học, thực tiễn, kỹ thuật lập pháp để hoàn thiện hơn, góp phần tạo tiền đề để công tác xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm đúng các nguyên tắc, quy định của pháp luật và thống nhất, đồng bộ. Cụ thể:
Thứ nhất, về thẩm quyền.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Giám đốc Công an tỉnh có thẩm quyền xử phạt như một đơn vị trực thuộc cục nghiệp vụ trong lĩnh vực an ninh trật tự. Khi vượt thẩm quyền thì trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc cục nghiệp vụ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hai cơ quan này đều từ chối ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, dẫn đến chồng chéo trong xử lý vi phạm hành chính và hành vi vi phạm hành chính có mức xử phạt cao sẽ không bị xử lý.
Bên cạnh đó, Giám đốc Công an tỉnh chỉ được xử phạt 50% mức tối đa, trong khi đó, thẩm quyền của Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh được xử phạt mức tối đa trong lĩnh vực tương ứng. Vì vậy, theo tác giả, cần quy định tăng thẩm quyền cho Giám đốc Công an tỉnh theo hướng tăng thẩm quyền được xử phạt mức tối đa. Bên cạnh đó, để tránh chồng chéo trong xử phạt vi phạm hành chính thì nên gộp khoản 5, khoản 6 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thực tế thời gian qua cho thấy, một số chủ thể có thẩm quyền xử phạt do nhận thức chưa đầy đủ về nguyên tắc xử phạt về mức tiền phạt nên khi áp dụng xử phạt thường đùn đẩy trách nhiệm xử phạt. Để khắc phục tình trạng chuyển hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm hành chính không đúng quy định, theo tác giả, các cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt cần hiểu và nắm chắc các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính để áp dụng đúng, tránh đùn đẩy công việc; việc xử phạt phải bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và không để xảy ra tình trạng phải hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì xử phạt không đúng thẩm quyền (nếu có khiếu nại, khởi kiện xảy ra).
Thứ hai, về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định hai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, trong đó thủ tục không lập biên bản chỉ được áp dụng trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, đến 500.000 đồng đối với tổ chức. Tất cả các trường hợp còn lại đều áp dụng theo thủ tục có lập biên bản. Với quy định như vậy, tác giả nhận thấy còn có sự bất cập, cụ thể: Việc xử phạt hành vi vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, tuy nhiên, sau đó lại quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án nhưng vẫn phải lập biên bản vi phạm hành chính thì khi đó, vi phạm hành chính đã xảy ra khá lâu và các cơ quan tố tụng đã có nhiều hoạt động nhằm ghi nhận, xác minh thông tin liên quan đến vi phạm đó nhưng chưa lập biên bản. Lúc này, việc lập biên bản vi phạm hành chính chủ yếu mang tính hình thức. Như vậy, theo tác giả, để bảo đảm nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đúng thủ tục theo quy định của pháp luật thì cần có quy định về trường hợp ngoại lệ, trường hợp phải lập biên bản nhưng vẫn áp dụng thủ tục không lập biên bản vi phạm hành chính, tránh việc lập biên bản chỉ là hình thức, thiếu tính thực tế.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức…”. Trên thực tế, quy định này có thể được hiểu là: (i) Bất cứ hành vi nào có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức thì mới phải lập biên bản; (ii) Một cá nhân, tổ chức trong một lần bị xử phạt bất kể thực hiện mấy hành vi nếu tổng mức phạt là trên 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì phải lập biên bản; (iii) Trong một lần xử phạt, có thể có nhiều người bị xử phạt, có thể xử phạt về nhiều hành vi nhưng tổng tiền phạt trong lần xử phạt đó là trên 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì phải lập biên bản. Nếu hiểu theo các cách khác nhau như vậy, sẽ có nhiều cách áp dụng thủ tục xử phạt khác nhau, thiếu tính thống nhất mà vẫn theo quy định của pháp luật. Do vậy, tác giả đề xuất sửa đổi quy định này như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp hành vi vi phạm bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức…”.
Thứ ba, về nguyên tắc.
- Đối với nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm: Nguyên tắc này bảo đảm hình thức, mức xử phạt hoàn toàn tương xứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Tuy nhiên, do hành vi vi phạm hành chính thường được quan niệm là có mức độ nguy hiểm cho xã hội không cao, trong khi thực tế, vi phạm hành chính xảy ra rất thường xuyên nên việc xử phạt vi phạm hành chính cần được tiến hành một cách đơn giản, nhanh chóng. Vì vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cách xác định mức tiền phạt là nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức phạt tiền là mức trung bình của khung. Cho nên, ở mức độ chi tiết thì hành vi vi phạm hành chính có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau nhưng nếu thuộc một khung tiền phạt thì mức phạt tiền được áp dụng là như nhau. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể, định lượng mức độ vi phạm để có mức phạt tiền phù hợp, nếu chỉ căn cứ vào tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định mức phạt tiền là chưa phù hợp, dễ dẫn đến cào bằng khi quyết định mức tiền phạt. Tuy nhiên, để bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, theo tác giả, cần có những khung tiền phạt trên cơ sở có định lượng cụ thể đối với hành vi và biên độ mức xử phạt của hành vi thuộc mỗi khung tiền phạt không nên quá rộng dễ dẫn đến áp dụng mức phạt tùy tiện, cảm tính.
- Đối với nguyên tắc người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; cá nhân, tổ chức có quyền chứng minh mình không vi phạm hành chính:
Nguyên tắc người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính có tính tất yếu vì nếu không chứng minh được vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền không thể tiến hành xử phạt. Để tránh khả năng người có thẩm quyền xử phạt tùy tiện, cảm tính theo hướng chỉ chứng minh vi phạm hành chính thì Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của người có thẩm quyền tương tự như quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định trực tiếp về quyền giải trình, chứng minh của người bị xử phạt trong xử phạt vi phạm hành chính, song mới chỉ quy định người bị xử phạt có quyền giải trình khi bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức. Như vậy, nếu người bị xử phạt với hành vi có mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt thấp hơn mức trên hoặc không phải là bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thì không được giải trình và thực chất cũng không có cách thức nào để chứng minh mình không vi phạm hành chính. Để bảo đảm nguyên tắc người bị xử phạt có quyền chứng minh mình không vi phạm hành chính thì cần mở rộng phạm vi quyền chứng minh cho người bị xử phạt.
- Đối với nguyên tắc đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân: Trong xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền là hình thức xử phạt được áp dụng phổ biến nhất. Mức phạt tiền cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phụ thuộc vào khách thể mà hành vi xâm phạm tới, thiệt hại thực tế hành vi gây ra, công cụ, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi, điều kiện, hoàn cảnh hành vi được thực hiện, hình thức lỗi… nhưng không phụ thuộc vào chủ thể thực hiện hành vi theo nghĩa là cá nhân hay tổ chức. Bởi vậy, cần xem xét lại cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý của nguyên tắc này. Đánh giá tác động của việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế một cách khách quan, khoa học để quyết định duy trì hay bãi bỏ nguyên tắc này trong xử phạt vi phạm hành chính, nhằm tạo sự bình đẳng cho các chủ thể cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
ThS. Lê Thị Phương
Khoa Luật, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)