Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp luật về các biện pháp cưỡng chế trong điều tra hình sự, từ đó, đưa ra những kiến nghị hoàn thiện.
Abstract: The article focuses on analyzing and clarifying the difficulties and obstacles in the legal regulations on coercive measures in criminal investigation, thereby, making recommendations for improvement.
1. Khái quát về các biện pháp cưỡng chế trong điều tra hình sự
Trong quá trình điều tra hình sự, các biện pháp cưỡng chế có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với các cơ quan có thẩm quyền điều tra. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền điều tra không chỉ hỗ trợ cho các hoạt động điều tra được thực hiện thuận lợi mà còn góp phần quan trọng đối với việc giải quyết yêu cầu, nhiệm vụ thu hồi tài sản trong giai đoạn điều tra hình sự. Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định: Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Theo đó, trong giai đoạn điều tra hình sự, các cơ quan có thẩm quyền điều tra có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế gồm áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế này, các cơ quan có thẩm quyền điều tra phải tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về chủ thể áp dụng, đối tượng áp dụng, căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành. Cụ thể:
- Đối với biện pháp áp giải, dẫn giải: Theo quy định tại khoản 3 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự, chủ thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải trong điều tra hình sự bao gồm điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, kiểm sát viên. Đối tượng bị áp dụng biện pháp áp giải trong giai đoạn điều tra hình sự bao gồm người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội. Đối tượng bị áp dụng biện pháp dẫn giải là người làm chứng, người bị hại, người bị tố giác về tội phạm thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự. Về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp áp giải, dẫn giải, cơ quan, người có thẩm quyền điều tra tuân thủ theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 466 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Đối với biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản: Theo quy định tại khoản 2 Điều 128, khoản 2 Điều 129 và khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự, chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong giai đoạn điều tra hình sự gồm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Đối tượng bị áp dụng kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra hình sự là bị can thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo khoản 1 Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự, đối tượng bị áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là “người bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước” hoặc “đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội”. Trình tự, thủ tục kê biên tài sản được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự; trình tự, thủ tục phong tỏa tài khoản được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 130 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định về trường hợp, trình tự, thủ tục thực hiện hủy bỏ các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.
Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự đã có quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi tại Điều 419; đối với pháp nhân tại Điều 436, Điều 437, Điều 438 và trình tự, thủ tục hợp tác quốc tế trong thực hiện các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản tại Điều 507.
Nhìn chung, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định cụ thể về căn cứ, trường hợp, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền điều tra áp dụng vào quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm cũng như quá trình điều tra vụ án hình sự. Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền điều tra đã tích cực áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Kết quả thực hiện các biện pháp cưỡng chế trong quá trình điều tra hình sự đã giúp các cơ quan có thẩm quyền điều tra nhanh chóng tổ chức thực hiện được các hoạt động thu thập chứng cứ như hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng…; đồng thời, kịp thời tịch thu được tài sản của đối tượng do phạm tội mà có, thu hồi tài sản bảo đảm bồi thường thiệt hại, qua đó giải quyết được các yêu cầu điều tra đặt ra.
2. Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong điều tra hình sự
Bên cạnh những quy định cụ thể về căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế, pháp luật tố tụng hình sự còn có những bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan có thẩm quyền điều tra khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong quá trình điều tra hình sự. Cụ thể:
Thứ nhất, quy định pháp luật về các trường hợp áp dụng biện pháp áp giải còn chưa cụ thể.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự, các cơ quan có thẩm quyền điều tra có thể áp dụng biện pháp áp giải đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ có quy định về trường hợp áp dụng biện pháp áp giải đối với bị can theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 60 và khoản 3 Điều 182. Theo đó, đối với trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì bị can có thể bị áp giải. Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa có quy định về trường hợp áp dụng biện pháp áp giải. Thực tiễn cho thấy, quá trình điều tra hình sự, các cơ quan có thẩm quyền điều tra thường áp dụng biện pháp áp giải đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ và với bị can đang bị tạm giam khi trích xuất phục vụ cho các hoạt động điều tra, giám định pháp y tâm thần.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết”. Tuy nhiên, “trường hợp thật cần thiết” là những trường hợp nào thì Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định rõ cũng như chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định đối với các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong xác định các trường hợp áp dụng biện pháp áp giải đối với những người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.
Thứ hai, phạm vi đối tượng áp dụng biện pháp dẫn giải còn hẹp, trường hợp áp dụng biện pháp dẫn giải khó xác định trong quá trình điều tra hình sự.
Hiện nay, đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp dẫn giải bao gồm người làm chứng, người bị hại, người bị tố giác và người bị kiến nghị khởi tố thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự và đối với người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 440 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, ngoài những người tham gia tố tụng nói trên, các cơ quan có thẩm quyền điều tra thường triệu tập, lấy lời khai đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, song nhiều trường hợp những người này không đến làm việc theo giấy triệu tập, đồng thời không đưa ra lý do về việc vắng mặt. Trong các trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền điều tra không thể áp dụng biện pháp dẫn giải nhằm cưỡng chế, buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có mặt để lấy lời khai.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền điều tra không thể áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trong mọi trường hợp họ vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Để áp dụng được biện pháp dẫn giải đối với những người này, ngoài việc thu thập căn cứ xác định vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, các cơ quan có thẩm quyền điều tra còn phải thu thập căn cứ xác định họ liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án. Tuy nhiên, việc xác định này thường chỉ thực hiện được khi kết thúc quá trình kiểm tra, xác minh tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Thứ ba, đối tượng áp dụng biện pháp kê biên tài sản còn hẹp, phạm vi kê biên tài sản còn chưa cụ thể.
Khoản 1 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại”. Theo đó, cơ quan điều tra chỉ áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với bị can; còn đối với những người tham gia tố tụng khác, cơ quan điều tra không được áp dụng. Với quy định này, việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản chưa phát huy được hiệu quả cao nhất trong việc thu hồi tài sản của đối tượng phạm tội. Các đối tượng phạm tội có thể lợi dụng việc chưa bị khởi tố bị can để chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản cho người khác khi bị tố giác, kiến nghị khởi tố nhằm che giấu tài sản do phạm tội mà có. Đặc biệt là khi Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định về việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng như chưa có biện pháp tạm ngưng giao dịch tài sản đối với những người chưa bị khởi tố bị can.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự, các cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Việc xác định mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại của bị can là việc làm rất khó khăn đối với các cơ quan có thẩm quyền điều tra. Bởi lẽ, các cơ quan có thẩm quyền điều tra có đủ căn cứ xác định chính xác mức bồi thường thiệt hại, mức tài sản cần tịch thu thường vào giai đoạn kết thúc điều tra. Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền điều tra cũng khó xác định được phần tài sản kê biên tương ứng có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại, nhất là trong trường hợp bị can chỉ có một tài sản, tài sản đó có giá trị lớn hơn so với mức giá trị cần kê biên; hoặc tài sản cần kê biên có thêm người khác cùng có quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Thứ tư, phạm vi đối tượng áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản còn hẹp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra chỉ áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản đối với người bị buộc tội hoặc người khác nếu thuộc các trường hợp luật định. Theo đó, cơ quan điều tra không thể áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Điều này dẫn đến việc các đối tượng phạm tội lợi dụng để tấu tán tài sản trong tài khoản ngay từ giai đoạn bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, từ đó làm giảm hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có, hoặc để bảo đảm quá trình thi hành án của các đối tượng này sau khi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về các biện pháp cưỡng chế trong điều tra hình sự
Một là, nghiên cứu sửa đổi khoản 1 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung quy định về trường hợp áp dụng biện pháp áp giải. Các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, bổ sung quy định trường hợp áp dụng biện pháp áp giải đối với từng đối tượng cụ thể. Theo đó, đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam có thể bị áp dụng biện pháp áp giải trong trường hợp phục vụ cho việc các hoạt động điều tra, khám bệnh, chữa bệnh, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự… Với trường hợp bị can không bị tạm giam, đã triệu tập nhưng vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải. Việc sửa đổi khoản 1 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng trên sẽ bảo đảm sự phù hợp với quy định tại Điều 60, Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
Hai là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung diện đối tượng áp dụng biện pháp dẫn giải bao gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Đồng thời, sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bỏ cụm từ “mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án” để tạo thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền điều tra buộc người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo giấy triệu tập, trong trường hợp không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị dẫn giải; bảo đảm sự phù hợp với quy định tại Điều 466 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Ba là, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung diện đối tượng áp dụng biện pháp kê biên tài sản bao gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án khi có căn cứ xác định tài sản của người này đứng tên quản lý, sử dụng có liên quan đến hoạt động phạm tội của người bị buộc tội. Việc sửa đổi, bổ sung diện đối tượng áp dụng biện pháp kê biên tài sản theo hướng này sẽ đáp ứng được thực tiễn công tác điều tra, góp phần khắc phục việc các đối tượng tẩu tán tài sản do phạm tội mà có sau khi bị phát hiện, khởi tố, điều tra, qua đó nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong điều tra vụ án hình sự.
Bốn là, xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành thực hiện các biện pháp cưỡng chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong thời gian tới, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cần nghiên cứu tổng kết thực trạng việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự. Trên cơ sở đó các cơ quan phối hợp nghiên cứu, xây dựng thông tư hướng dẫn áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự. Nội dung thông tư xây dựng không chỉ quy định về trình tự, thủ tục thực hiện từng biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự cụ thể mà còn giải thích các thuật ngữ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự về các biện pháp cưỡng chế. Cụ thể:
- Xác định rõ trường hợp “vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan” trong quy định về việc triệu tập bị can, triệu tập người làm chứng, bị hại... Để xác định được các trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền có thể nghiên cứu, kế thừa quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và thực tiễn điều tra hình sự nói riêng, thực tiễn thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự nói chung. Theo đó, các trường hợp xác định có lý do bất khả kháng có thể do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh; các trường hợp do trở ngại khách quan có thể là trường hợp người bị triệu tập không nhận được giấy triệu tập mà không phải do lỗi của họ, hoặc người bị triệu tập đang đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể có mặt theo thời gian triệu tập, hoặc người bị triệu tập bị tai nạn, ốm đau đến mức mất khả năng nhận thức...
- Xác định cụ thể mức tương ứng trong quy định “chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại” tại khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự.
- Xác định rõ các “trường hợp thật cần thiết” quy định tại khoản 1 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự về áp dụng biện pháp cưỡng chế với người bị buộc tội dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, để bảo đảm cho quá trình thi hành án, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tính toán bổ sung trường hợp các biện pháp: Tạm ngưng giao dịch tài sản đối với những người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trước khi áp dụng biện pháp kê biên tài sản; tạm ngưng giao dịch tài khoản của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố hoặc người có liên quan đúng bằng giá trị tài sản bị tố giác chiếm đoạt hoặc có liên quan trước khi áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản.
TS. Sái Ngọc Hưng
Học viện An ninh nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)