1. Đặt vấn đề
Nâng cao chất lượng tranh tụng nói chung và tranh tụng của bị hại trong tố tụng hình sự (TTHS) nói riêng là tư tưởng tiến bộ nhằm phát huy tối đa nền dân chủ trong xã hội hiện đại. Khoản 1 Điều 14 Công ước của Liên Hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước Tòa án và cơ quan tư pháp…”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng nêu rõ: “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) cũng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá…”.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động tranh tụng của bị hại nhằm bảo đảm và bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân, đồng thời giúp cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm kịp thời và có hiệu quả nên việc nghiên cứu và hoàn thiện quy định tranh tụng của bị hại trong TTHS là cần thiết.
2. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tranh tụng của bị hại
Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) quy định: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Từ quy định trên, có thể hiểu, bị hại là người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc tài sản do tội phạm gây ra. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Nếu bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cha, mẹ, người giám hộ của họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại. Trong trường hợp bị hại chết thì cha, mẹ, vợ, chồng, con của bị hại tham gia tố tụng với tư cách là đại diện hợp pháp của bị hại và có những quyền của bị hại. Nếu bị hại là cơ quan, tổ chức thì đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức tham gia với tư cách là đại diện hợp pháp của bị hại. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức không thể tham gia tố tụng được thì cơ quan, tổ chức phải cử người khác làm đại diện hợp pháp của bị hại và có những quyền của bị hại. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền THTT.
Nội dung cơ bản thể hiện quyền tranh tụng của bị hại được quy định ở khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và được cụ thể hóa tại các điều luật liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể như: (i) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; (ii) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh sự thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra, được yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền THTT thực hiện các hoạt động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; (iii) Được trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền THTT kiểm tra, đánh giá về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đó; (iv) Được đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; (v) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án theo các quy định cụ thể tại Điều 232, Điều 235, Điều 239 và Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; (vi) Được đề nghị thay đổi người có thẩm THTT, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật nếu cho rằng họ có thể không vô tư khi thực hiện nhiệm vụ; (vii) Được đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hình sự, áp dụng loại và mức hình phạt đối với người bị buộc tội, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường; (viii) Được tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; (ix) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; (x) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; (xi) Được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền THTT bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa theo các quy định từ Điều 484 đến Điều 490 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; (xii) Được kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo các quy định tại Điều 332, Điều 333 và Điều 335 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; (xiii) Được khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền THTT; (xiv) Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa theo quy định tại Điều 320 và Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, trong quá trình TTHS, bị hại phải thực hiện các nghĩa vụ sau: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền THTT; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền THTT.
3. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
3.1. Giai đoạn khởi tố
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định thời điểm cụ thể được công nhận là bị hại và cũng chưa có một điều luật nào thể hiện Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và bị hại là bên thực hiện chức năng buộc tội trong giai đoạn khởi tố. Do vậy, trên thực tế có nhiều trường hợp khi một chủ thể bị hành vi phạm tội xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ rất thụ động trong tham gia buộc tội để kịp thời xác định sự thật của vụ án. Chính vì địa vị pháp lý chưa rõ ràng nên trong giai đoạn này, bị hại thường chờ lệnh triệu tập của Cơ quan điều tra, về phía Cơ quan điều tra thì cũng chưa có ràng buộc về mặt pháp lý nên có không ít trường hợp xem nhẹ vai trò cung cấp chứng cứ, đồ vật của bị hại. Để giải quyết vấn đề này, theo tác giả, cần bổ sung khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra và được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xác định từ khi khởi tố vụ án hình sự đến thời điểm kết thúc xét xử”.
Mặt khác, khi VAHS được khởi tố theo yêu cầu bị hại đối với các tội phạm quy định tại các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc phân biệt quyền tranh tụng của bị hại so với các VAHS thông thường khác đối với cơ quan THTT cũng gặp nhiều khó khăn. Tác giả kiến nghị bổ sung khoản 2 Điều 155, chuyển khoản 2 và khoản 3 Điều 155 hiện hành thành khoản 3 và khoản 4 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Khoản 2 Điều 155 được bổ sung như sau: “Khi yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, bị hại hoặc người đại diện của bị hại phải cung cấp đầy đủ chứng cứ, đồ vật, tài liệu và văn bản trình bày lời buộc tội cho Cơ quan điều tra”.
3.2. Giai đoạn điều tra
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định cho phép bị hại có quyền thu thập chứng cứ để củng cố hồ sơ, đưa ra lời buộc tội của mình. Trên thực tế, có những trường hợp chứng cứ mà bị hại có được hoặc thu thập được bảo đảm tính nguyên vẹn, khách quan và liên quan đến VAHS nhưng Cơ quan điều tra không chấp nhận vì không đúng trình tự và chưa được Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép. Chính điều này đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng tranh tụng của bị hại, nhất là những VAHS khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do vậy, để tương thích với kiến nghị ở giai đoạn khởi tố cũng như quy định chung về thu thập chứng cứ, tác giả đề xuất bổ sung mới khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị hại được quyền thu thập chứng cứ, chuyển khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 88 hiện hành theo thứ tự thành khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nội dung khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nên được bổ sung như sau: “Bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền gặp người làm chứng, bị hại khác và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; tự mình thu thập hoặc đề nghị tổ chức, cá nhân cung cấp đồ vật, thông tin, dữ liệu điện tử để phục vụ cho hoạt động tranh tụng của mình”.
Trong giai đoạn điều tra, quy định việc triệu tập lấy lời khai của bị hại tại Điều 188 được dẫn chiếu theo quy định của triệu tập lấy lời khai đối với người làm chứng từ Điều 185 đến Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là chưa hợp lý, nhất là đối với trường hợp bị hại yêu cầu khởi tố VAHS. Bởi vì, địa vị pháp lý, quyền năng, vai trò, mục đích tham gia tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại bị hành vi phạm tội xâm phạm cũng như đặc điểm, hoàn cảnh tâm lý của hai chủ thể này khác nhau. Theo tác giả, một trong những yếu tố làm tăng tính tranh tụng, nhất là chất lượng buộc tội của bị hại trong giai đoạn này đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại là quy định thêm nghĩa vụ của bị hại. Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Bị hại hoặc người đại diện của bị hại trực tiếp yêu cầu khởi tố vụ án hình sự phải có mặt theo lệnh triệu tập, lấy lời khai của Cơ quan điều tra; trường hợp cố ý vắng mặt, Cơ quan điều tra giải quyết theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 229 của Bộ luật này”. Theo đó, kiến nghị bổ sung điểm d khoản 1 Điều 229, Bộ luật Tố tụng hình sự về trường hợp tạm đình chỉ điều tra như sau: “Bị hại hoặc người đại diện của bị hại cố ý vắng mặt theo lệnh triệu tập, lấy lời khai của Cơ quan điều tra, không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”.
Mặt khác, quy định về đối chất, trong trường hợp có bị hại tham gia thì thứ tự giữa các chủ thể tham gia đối chất lẫn nhau cũng chưa được quy định. Theo tác giả, việc bỏ ngỏ quy định này sẽ đánh đồng địa vị pháp lý và vai trò giữa người làm chứng, đương sự với bị hại. Để phân định rõ địa vị pháp lý, nâng cao vai trò tranh tụng của bị hại và làm cơ sở củng cố thông tin, chứng cứ, hoàn thiện cơ sở pháp lý ngay trong hoạt động đối chất, trong trường hợp những người tham gia đối chất với nhau có mặt bị hại thì bị hại phải được hỏi trước và không giới hạn số lần hỏi. Do vậy, kiến nghị bổ sung đoạn 2 thuộc khoản 3 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Trong quá trình đối chất, điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; trường hợp có bị hại tham gia thì bị hại có quyền hỏi trước và không giới hạn số lần hỏi; câu hỏi và trả lời của những người này phải ghi vào biên bản”.
3.3. Giai đoạn truy tố
Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng, giai đoạn truy tố VAHS là giai đoạn ít được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về tranh tụng của bị hại nhất. Trong quá trình TTHS thì truy tố là giai đoạn mà Viện kiểm sát là cơ quan đại diện cho Nhà nước chính thức buộc tội, ban hành quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng. Do vậy, kể cả kiểm sát viên và bị hại đều có chung tâm lý rằng, truy tố là giai đoạn Nhà nước buộc tội người phạm tội trong quan hệ pháp luật hình sự nên không đề cao yếu tố tranh tụng của bị hại. Thực tiễn cũng cho thấy, trong giai đoạn truy tố giữa kiểm sát viên và người tham gia tố tụng rất ít gặp nhau; hầu như không có trường hợp nào bị hại được triệu tập, dẫn giải trong giai đoạn này. Theo đó, trong giai đoạn này, bị hại thường chỉ thụ động nhận các thông báo từ Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 2 Điều 239, khoản 2 Điều 240 và khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Để tăng cường hoạt động tranh tụng của bị hại trong giai đoạn truy tố, tác giả kiến nghị bổ sung khoản 2 Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Trước khi ban hành quyết định truy tố bị can bằng bản cáo trạng trước Tòa án, Viện kiểm sát triệu tập bị hại, cho bị hại xem nội dung cáo trạng, hỏi ý kiến của bị hại về nội dung cáo trạng; nếu bị hại đồng ý hoặc không có ý kiến thì Viện kiểm sát ban hành cáo trạng; trường hợp bị hại không đồng ý với nội dung cáo trạng, Viện kiểm sát yêu cầu bị hại nêu rõ lý do, bổ sung đồ vật, tài liệu chứng cứ nếu có và ghi vào biên bản, bổ sung hồ sơ vụ án và ban hành quyết định truy tố bị can”.
3.4. Giai đoạn xét xử
Khi tiến hành thủ tục chuẩn bị xét xử, nếu bị hại hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử có thể hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Quy định này còn chung chung và có thể dẫn đến những quyết định cảm tính, chủ quan và tùy nghi của Hội đồng xét xử; hạn chế trực tiếp đến việc phát huy tính tranh tụng của bị hại tại phiên tòa, nhất là phiên tòa xét xử vụ án mà bị hại là người yêu cầu khởi tố. Để khắc phục hạn chế này, tác giả kiến nghị tách Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thành hai điều luật như sau:
“Điều 292a. Sự có mặt của bị hại hoặc người đại diện của họ
1. Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử khi bị hại vắng mặt trong trường hợp ở giai đoạn truy tố, bị hại đã đồng ý hoặc không có ý kiến với nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát hoặc ở giai đoạn truy tố, bị hại không đồng ý với nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát nhưng có căn cứ khẳng định sự vắng mặt của bị hại không làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án.
2. Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa khi bị hại vắng mặt trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
3. Trường hợp có nhiều bị hại trong vụ án được khởi tố theo yêu cầu bị hại, nếu một trong số bị hại không yêu khởi tố vụ án vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử”.
“Điều 292b. Sự có mặt của đương sự hoặc người đại diện của họ
Nếu đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử và tách phần bồi thường thiệt hại đối với đương sự để xét xử sau theo quy định của pháp luật”.
Đối với thủ tục xét hỏi, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng chưa quy định bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền được trình bày lời buộc tội trước phiên tòa hay không. Có thể thấy, việc bỏ ngỏ quy định này là một thiếu sót không nhỏ khi cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Quan điểm của tác giả là, Bộ luật Tố tụng hình sự cần bổ sung quy định về thời điểm bị hại được quyền trình bày lời buộc tội trước phiên tòa theo hướng sửa đổi khoản 4 Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền trình bày lời buộc tội tại phiên tòa sau khi kiểm sát viên trình bày luận tội”.
Ngoài ra, để bù đắp chi phí và chi tiêu cho sinh hoạt cá nhân trong thời gian tạm ngưng lao động để tham gia tố tụng cũng như khích lệ các bị hại về vật chất, tinh thần và nâng cao trách nhiệm trong quá trình tham gia tố tụng, tác giả kiến nghị sửa đổi điểm o khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Được thanh toán chi phí gấp hai lần so với quy định của pháp luật trong thời gian phải nghỉ lao động để tham gia hoạt động tố tụng”./.
Nguyễn Văn Quý
Trường Sĩ quan Lục quân 2
Tài liệu tham khảo:
1. Công ước của Liên Hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR).
2. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
3. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
4. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
5. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
6. Trần Tuấn Vũ (2020), “Tranh tụng của bị hại: Nghiên cứu so sánh luật tố tụng hình sự Liên bang Nga và Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Phi Hùng (2023), “Quy định về tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự và một số kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/quy-dinh-ve-tranh-tung-tai-phien-toa-so-tham-vu-an-hinh-su-va-mot-so-kien-nghi-hoan-thien9728.html, truy cập ngày 01/3/2024.
8. Lưu Thị Ngọc Lan (2022), “Về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự” Tạp chí Luật sư Việt Nam điện tử, https://lsvn.vn/ve-nguoi-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-bi-hai-trong-to-tung-hinh-su1668447441.html, truy cập ngày 01/3/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 400), tháng 3/2024)