1. Sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Sau hơn 07 năm triển khai thi hành, Luật Đấu giá tài sản đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc đấu giá các loại tài sản, phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần phát triển hoạt động đấu giá tài sản ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản, nhất là tài sản công; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
2. Một số nội dung cơ bản của Luật
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản kế thừa quan điểm của Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức. Nội dung cơ bản của Luật quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; các nội dung khác thuộc giai đoạn trước và sau khi đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan, đồng thời quy định một số thủ tục riêng đối với một số loại tài sản đặc thù; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản; phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản giữa Nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gồm 03 điều, cụ thể: Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành và Điều 3 về quy định chuyển tiếp. Luật đã sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản với các nội dung cơ bản như sau:
2.1. Về đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
Để tạo điều kiện phát triển số lượng, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đấu giá, thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định như sau:
Thứ nhất, bãi bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá gồm 02 đối tượng: Người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên và người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với tính chất hành nghề đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nội dung này được quy định cụ thể tại điểm a khoản 46 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản), đồng thời bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với đấu giá viên, theo đó, ngoài 06 nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 gồm: Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Luật này; tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện; chịu trách nhiệm về các công việc do người tập sự hành nghề đấu giá mà mình hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này; tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định tại Điều 20 của Luật này; các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, đấu giá viên còn có nghĩa vụ phải tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đấu giá theo quy định (nội dung này được quy định cụ thể tại điểm b khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản) nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, người có tài sản đấu giá như: (i) Cấm đấu giá viên lập danh sách khống về người tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá (nội dung này được quy định cụ thể tại điểm a, b khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản); (ii) Cấm tổ chức đấu giá tài sản lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá; giả mạo hồ sơ hoặc cố ý cung cấp thông tin làm sai lệch hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác; (iii) Cấm người có tài sản đấu giá thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, kết quả đấu giá tài sản; hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật; (iv) Cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản; tham dự phiên đấu giá trong trường hợp vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó; tham dự phiên đấu giá trong trường hợp công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó… nhằm tăng cường tính độc lập, khách quan, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động đấu giá (khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản).
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc đấu giá tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, cụ thể: Tại khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã sửa đổi, bổ sung một số quyền như sau: Sửa đổi quyền quy định tại điểm a về “cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định của Luật này” thành “cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản”, đồng thời bổ sung thêm một số quy định, cụ thể: Bổ sung điểm a1 quy định “thỏa thuận với người có tài sản đấu giá về việc áp dụng một, một số hoặc toàn bộ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật này đối với tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này”; điểm i1 quy định “thu, quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật”; điểm i2 quy định “được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác để tổ chức việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này”. Việc sửa đổi, bổ sung này đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.
2.2. Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản
Để bảo đảm tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định như sau:
Thứ nhất, một số nội dung chính của quy chế cuộc đấu giá quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 được sửa đổi, bổ sung như sau: Điểm a được sửa đổi thành “tên tài sản hoặc danh mục tài sản, lô tài sản hoặc tài sản riêng lẻ, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá”; điểm c được sửa đổi thành “ngày, giờ bắt đầu, hết hạn bán hồ sơ mời tham gia đấu giá; ngày, giờ bắt đầu, hết hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; địa điểm bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá”; điểm đ được sửa đổi thành “tiền mua hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiền đặt trước; ngày, giờ bắt đầu, hết hạn nộp tiền đặt trước”; đồng thời bổ sung thêm 03 nội dung vào khoản 2 gồm: (i) Bước giá, việc áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá trong trường hợp cuộc đấu giá có bước giá và các vòng đấu giá; giá trả hợp lệ, giá trả không hợp lệ trong trường hợp đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại phiên đấu giá hoặc đấu giá bằng hình thức trực tuyến; phiếu trả giá hợp lệ, phiếu trả giá không hợp lệ trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại phiên đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; (ii) Quy định về cách ghi phiếu trả giá, thời hạn nộp phiếu trả giá, trình tự, thủ tục niêm phong, mở niêm phong thùng phiếu trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; (iii) Giá trả của từng loại tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng thời là người có quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Như vậy, những nội dung chính của quy chế cuộc đấu giá không chỉ dừng lại ở 09 nội dung mà nay đã trở thành 12 nội dung được quy định cụ thể tại điểm a, b, c, d khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, xem tài sản đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá, tiền đặt trước, trình tự, thủ tục thực hiện hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp… nhằm tạo điều kiện thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá, bảo đảm trình tự, thủ tục đấu giá chặt chẽ, khách quan, minh bạch được quy định cụ thể trong các khoản từ 20 đến 27 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thứ hai, bổ sung 02 điểm mới về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến, trong đó quy định việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến, các nguyên tắc chung thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến… góp phần nâng cao tính khách quan, công khai, minh bạch, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản được quy định cụ thể tại khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thứ ba, bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như về thời gian niêm yết việc đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường, việc người có tài sản đấu giá trực tiếp tham gia xét duyệt, yêu cầu, điều kiện của người tham gia đấu giá, cách thức xác định tiền đặt trước đối với một số trường hợp cụ thể… Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù này trong thời gian qua, góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản công được quy định cụ thể tại khoản 23, 24, 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
2.3. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá tài sản
Để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định như sau:
Thứ nhất, bổ sung một số quyền của người có tài sản đấu giá mà khoản 1 Điều 47 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 chưa quy định như: Quyết định áp dụng bước giá hoặc không áp dụng bước giá đối với cuộc đấu giá. Trong trường hợp quyết định áp dụng bước giá thì bước giá được xác định là mức chênh lệch cố định hoặc mức chênh lệch có tối thiểu và có tối đa hoặc mức chênh lệch tối thiểu; yêu cầu tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, đấu giá viên tạm dừng, dừng, hủy bỏ cuộc đấu giá, phiên đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự trong trường hợp đấu giá tài sản thi hành án; thỏa thuận với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản về việc áp dụng một, một số hoặc toàn bộ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật này đối với tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này.
Nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá tại khoản 2 Điều 47 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cũng được sửa đổi, bổ sung, cụ thể: Điểm d khoản 2 được sửa đổi thành “báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và việc giám sát quá trình tổ chức thực hiện đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này”, đồng thời, bổ sung thêm 05 nội dung như sau: (i) Xác định giá khởi điểm, mức giảm giá của tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá đó; (ii) Không được cung cấp thông tin của người tham gia đấu giá cho người tham gia đấu giá khác trong quá trình thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá cho đến khi kết thúc cuộc đấu giá; (iii) Thanh toán chi phí đấu giá tài sản, giá dịch vụ đấu giá cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản; (iv) Phối hợp với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản đấu giá theo quy định tại Điều 36 của Luật này; (v) Thông báo bằng văn bản về việc áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và quy định trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp quyết định áp dụng bước giá. Những nội dung này được quy định cụ thể tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Điều 70 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan theo hướng quy định chế tài đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm, qua đó, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng hoạt động đấu giá để trục lợi. Nội dung này được quy định cụ thể tại khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định một số nội dung khác gồm việc đấu giá đối với biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bổ sung một số trường hợp và thủ tục liên quan đến việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản; cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản; bổ sung các trường hợp bị cấm tham gia đấu giá như công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp./.
Thùy Dung
Ảnh: internet