Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP). Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã tích cực xây dựng đề án, tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thành lập Phòng Pháp chế thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo từ tháng 11/2013. Đây là 1 trong 4 phòng pháp chế đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, với 2 biên chế chuyên trách (1 thạc sỹ, 1 cử nhân chuyên ngành Luật) về cơ bản đáp ứng được yêu cầu hoạt động theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, cụ thể là:
Một là, về công tác xây dựng pháp luật
Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Tư pháp đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh; đồng thời tích cực xây dựng dự thảo VBQPPL, tham mưu ban hành từ 2 đến 3 văn bản mỗi năm như: Nghị quyết của HĐND tỉnh về mức thu học phí, học phí nghề, học phí các môn tự chọn đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; Chỉ thị của UBND tỉnh về nhiệm vụ trọng tâm công tác Giáo dục và Đào tạo của tỉnh theo năm học. Các văn bản này được xây dựng theo đúng trình tự quy định thể hiện sự công phu, có sự góp ý của các đối tượng chịu trách nhiệm thi hành, đối tượng liên quan, một số văn bản của HĐND tỉnh còn có đề án thuyết minh cụ thể, tỉ mỉ. Sau khi đưa vào áp dụng, các văn bản này thể hiện sự phù hợp với thực tế, không nảy sinh thắc mắc, được đối tượng thi hành đồng tình chấp hành.
Sở đã giao Phòng Pháp chế thẩm định về mặt pháp lý, thẩm quyền, nội dung, thể thức của tất cả các văn bản của Sở trước khi ký ban hành (trong đó có dự thảo đề nghị ban hành VBQPPL), thẩm định các hợp đồng của Sở ký với cơ quan, đơn vị khác. Qua đó, đã giúp cho chất lượng các văn bản của Sở ban hành ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của lãnh đạo Sở. Từ khi thành lập đến nay, Phòng Pháp chế được Sở giao chủ trì xây dựng các văn bản nội bộ trong cơ quan: Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản, ý kiến chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; quy định về hòm thư góp ý; Quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ tại cơ quan Sở...
Hai là, về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, hàng năm, Sở đều tổ chức rà soát, hệ thống hóa các VBQPPL do tỉnh ban hành có liên quan đến công tác giáo dục và đào tạo. Sở đã tự kiểm tra, đối chiếu với quy định của pháp luật, văn bản của trung ương để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế khi cần thiết. Qua kiểm tra, chỉ phát hiện và xử lý 1 VBQPPL có dấu hiệu chưa đúng quy định của pháp luật (kết quả: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 28/3/2014 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 19/9/2012). Số văn bản còn lại đều phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy, khi có yêu cầu phối hợp của các cơ quan trong tỉnh, việc kiểm tra, xử lý văn bản của ngành được chủ động, triển khai thực hiện nhanh chóng và đạt kết quả tốt.
Ba là, về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Sở đang chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2013 - 2016 theo Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 28/02/2014 của UBND tỉnh Ninh Bình; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án số 07/ĐA-UBND ngày 23/6/2015 của UBND tỉnh về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 22/7/2015 của HĐND tỉnh).
Chỉ đạo các đơn vị phổ biến, quán triệt các VBQPPL mới ban hành, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy..., đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh với nhiều nội dung phong phú như: Tìm hiểu về biển đảo, an toàn giao thông, an ninh, an toàn trường học, phòng chống ma túy, tội phạm, phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội.
Chỉ đạo các trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm túc giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng trong môn giáo dục công dân; chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa cho học sinh theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số nội dung ngoại khóa đã thực hiện như:
- Tổ chức Tuần lễ sinh hoạt đầu năm học trong phạm vi lớp học, trường học với chủ đề “Nói không với hành vi bạo lực” nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, kiên quyết phê phán, bài trừ hành vi đánh nhau. Tổ chức cho học sinh, tập thể lớp ký cam kết với nhà trường không đánh nhau, không mang theo và sử dụng hung khí, vật dễ gây sát thương đến trường.
- Tích cực thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn ma túy giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình hành động quốc gia phòng chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015.
- Chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”. Sở đã triển khai công tác giáo dục kiến thức và pháp luật an toàn giao thông cho học sinh ngay từ đầu năm học mới; các trường tổ chức ký cam kết với gia đình và học sinh về việc chấp hành quy định an toàn giao thông, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường, không để xảy ra ùn tắc giao thông.
- Phối hợp chặt chẽ với Công đoàn ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện “Ngày Pháp luật”. Các đơn vị trong toàn Ngành đã tổ chức hội nghị, học tập cho giáo viên; tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh lồng ghép với nội dung khác phổ biến các quy định của pháp luật.
Trong quá trình quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, công tác pháp chế được Lãnh đạo Sở thường xuyên quan tâm theo dõi sát. Phòng Pháp chế của Sở được cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động; đội ngũ công chức tuy ít, nhưng đảm bảo chất lượng, được cử đi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ theo định kỳ. Sở đã xây dựng Quy chế làm việc của cơ quan một cách chặt chẽ, phân định rõ từng việc, từng lĩnh vực cho phòng ban chủ trì, phối hợp, do vậy, công tác pháp chế được thực hiện đảm bảo thống nhất trong nhiệm vụ chung của Ngành Giáo dục và đào tạo.
Hoạt động pháp chế của ngành giáo dục và đạo tạo Ninh Bình
Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP). Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã tích cực xây dựng đề án, tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thành lập Phòng Pháp chế thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo
Phòng Pháp chế, sở giáo dục và đào tạo Ninh Bình