Báo cáo tại cuộc họp thẩm định, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012 thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế. Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do. Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Bên cạnh các kết quả tích cực, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; cần bổ sung quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; thiếu các quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời để đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân xung quanh nơi đặt quảng cáo…
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
Tại cuộc họp thẩm định, cơ bản các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự chủ động nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ của cơ quan chủ trì soạn thảo với các bộ, ngành, địa phương và hội nghề nghiệp để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với pháp luật chuyên ngành và sát hơn với thực tiễn đối với nội dung, điều kiện, kiểm duyệt, quản lý hoạt động quảng cáo. Đồng thời, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tham gia góp ý một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là các nội dung liên quan đến quảng cáo ngoài trời, diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, thời lượng quảng cáo trong chương trình phim truyện…
Về phía Bộ Xây dựng, thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ lý do đề xuất bãi bỏ quy định cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp “xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn”, theo đại biểu, đây là một quy định quan trọng, cần đánh giá kỹ bởi các kết cấu quảng cáo này thường xuyên chịu các tải trọng, trong điều kiện tự nhiên (gió, bão, động đất…) có ảnh hưởng đến an toàn công trình, công trình lân cận và an toàn đối với cộng đồng trong quá trình khai thác, sử dụng. Đồng thời, nội dung này cũng đã được quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), do đó, đề nghị rà soát, đảm bảo phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu Bộ Xây dựng cũng đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định về chế độ, thời hạn báo cáo quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước để tận dụng các thông tin, số liệu và kết quả tổng kết hàng năm của các cơ quan, tổ chức tránh phát sinh yêu cầu mới gây khó khăn và phát sinh nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Đại diện Đài truyền hình Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc sửa đổi về quy định quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo trên các nền tảng số (bao gồm cả hoạt động quảng cáo xuyên biên giới) để có cơ chế quản lý và kiểm duyệt nội dung và hoạt động quảng cáo. Cùng với đó, đại diện VTV đề nghị cần bổ sung quy định, cơ chế tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý hoạt động cấp phép quảng cáo cho các doanh nghiệp.
Hoạt động quảng cáo cần hướng đến nhu cầu của người sử dụng
Đại diện Bộ Công an đề nghị cân nhắc Điều 19a Dự thảo Luật vì một số nội dung đã được quy định tại các nghị định chuyên ngành, việc quy định tại Luật này sẽ trùng lặp và không linh hoạt khi sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất quy định về “diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí” tại khoản 10 Điều 1 Dự thảo Luật tăng gần gấp đôi so với quy định hiện hành; cần đánh giá tâm lý của người xem về quy định thời lượng quảng cáo “Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 05 phút”. Theo đại diện Bộ Công an thì hoạt động quảng cáo cần dựa trên tâm lý, nhu cầu người xem hơn là phục vụ mục đích về tăng nguồn thu cho nhà đài, tránh bức xúc cho người xem.
Đại diện VCCI cho rằng một số quy định tại Dự thảo Luật như phạm vi, nội dung quảng cáo trên nền tảng số đã được quy định tại pháp luật hiện hành như Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát Dự thảo Luật, tránh trùng lặp, chồng lấn với các quy định đang có hiệu lực.
Về phía Hiệp hội quảng cáo, đại diện tham dự đề nghị quy định chi tiết trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo cho các cơ quan, đơn vị; bổ sung thêm các quy định về hình thức, phương tiện quảng cáo mới như quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo số, quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong phim điện ảnh…
Đảm bảo tương thích của Dự thảo Luật với pháp luật chuyên ngành
Tham dự Hội đồng thẩm định, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã tham gia góp ý nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật, như: Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý một số nội dung trùng lặp với các quy định tại pháp luật chuyên ngành như Luật Xây dựng năm 2014, Luật Dược năm 2016, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015…; đề nghị bổ sung đánh giá về tác động thủ tục hành chính phát sinh trong Dự thảo Luật, nhất là các thủ tục liên quan đến cấp giấy phép sản xuất kênh chương trình chuyên quảng cáo (khoản 11 Điều 1 Dự thảo Luật); trình tự, thủ tục, hồ sơ và cách thức thực hiện việc cấp mới, sửa đổi bổ sung đối với các thủ tục hành chính được đánh giá ở trên…
Về biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng vi phạm (khoản 6 Điều 1 Dự thảo Luật), các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật quy định về quy trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng, tuy nhiên, chưa xác định rõ các biện pháp ngăn chặn. Trong khi đó, liên quan đến quản lý hoạt động trên môi trường điện tử, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định về hệ thống lọc phần mềm độc hại thiết bị để thực hiện việc ngăn chặn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng. Luật An ninh mạng năm 2018 quy định các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin… Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung để làm cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên môi trường mạng trong việc có các biện pháp ngăn chặn trẻ em tiếp cận với các quảng cáo không phù hợp.
Thay mặt cơ quan chủ trì thẩm định, bà Bùi Thị Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho rằng Dự thảo Luật lần này được xây dựng trên cơ sở 03 chính sách được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 06/10/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2023 (Nghị quyết số 165/NQ-CP). Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) như lấy ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân chịu tác động trực tiếp của chính sách có liên quan; đăng tải trên cổng thông tin theo quy định.
Tuy nhiên, một số nội dung cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 165/NQ-CP, ví dụ như: Thiếu các biện pháp quản lý về để đảm bảo việc tăng thời lượng quảng cáo trên ấn phẩm báo chí không dẫn đến ảnh hưởng tôn chỉ, mục đích của hoạt động báo chí; chính sách, quy định để tạo hành lang pháp lý cho phát triển hiệu quả ngành quảng cáo và các ngành nghề có liên quan...
Về tính hợp hiến, tính hợp pháp, thống nhất của Dự án Luật với hệ thống pháp luật, bà Bùi Thị Nam cho rằng, về cơ bản, các quy định của Dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc và quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quy định trong các luật hiện hành, như: Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Báo chí năm 2016, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015… Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định cụ thể của Dự thảo Luật với các luật có liên quan để bảo đảm hơn nữa tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, theo bà Bùi Thị Nam, nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý khi Luật này có hiệu lực, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung Dự thảo Luật để quy định chuyển tiếp các nội dung bổ sung mới hoặc bãi bỏ như: Bổ sung quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung Điều 23 Dự thảo Luật); bãi bỏ quy định khi xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương…
Thứ trưởng Bộ Văn Hoá, Thể thao và du lịch phát biểu tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng cảm ơn và xin tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật; bổ sung các ý kiến về thành phần hồ sơ, các báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính… trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Cần có cơ chế quản lý và kiểm duyệt nội dung và hoạt động quảng cáo
Phát biểu kết luận tại Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chủ động nghiên cứu của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc rà soát, xây dựng Hồ sơ Dự án. Thứ trưởng nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng công nghiệp văn hóa nói chung và hoạt động quảng cáo nói riêng, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương; cải cách thủ tục hành chính; bãi bỏ một số giấy phép con gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kết luật phiên họp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, bổ sung thuyết minh cụ thể về việc cụ thể hóa các chính sách đã được thông qua tại Dự thảo Luật, lý do, căn cứ bổ sung, điều chỉnh các quy định này trong Tờ trình Chính phủ. Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định cụ thể của Dự thảo Luật với các luật có liên quan để bảo đảm hơn nữa tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
Về tính tương thích của nội dung dự án Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Thứ trưởng cho rằng Dự thảo Luật liên quan đến một số nhóm Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Hiệp định Thương mại WTO, Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - AFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đánh giá về nội dung này. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, thực hiện đánh giá để bảo đảm các quy định tại Dự thảo Luật không gây ra rào cản việc thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính bảo đảm thi hành Luật, Thứ trưởng đánh giá quy định tại Dự thảo Luật có nhiều nội dung mới liên quan trực tiếp tới việc bảo đảm nguồn lực về tài chính, nhân lực để thi hành Luật, như: Quy định về quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó, đưa ra các biện pháp quản lý, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo trên môi trường mạng… Tuy nhiên, tại hồ sơ Dự án Luật chưa có các đánh giá, dự kiến về nguồn nhân lực, tài chính để thi hành Luật. Do đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các nội dung này vào Tờ trình để có đủ cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với các nội dung cụ thể, Thứ trưởng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định, các ý kiến góp ý của các bộ, ngành để hoàn thiện hồ sơ, bổ sung các báo cáo thành phần theo đúng quy định; bổ sung báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính của các quy định tại Dự thảo Luật để làm rõ sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ tục tục hành chính...; bổ sung điều khoản chuyển tiếp để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi sửa đổi, bổ sung các quy định; rà soát các quy định tại Dự thảo Luật để bảo đảm ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các nghị định quy định chi tiết./.
Hiên Lê