Trên cơ sở các điều ước quốc tế và các văn bản pháp luật của Việt Nam, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sơn La đã tổ chức triển khai thực hiện tất cả các hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó các hoạt động trợ giúp pháp lý dành riêng cho các nhóm đối tượng đặc thù (như phụ nữ) là nạn nhân bị buôn bán, bị bạo lực gia đình. Theo đó, các nạn nhân bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức cụ thể như: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng… được tiến hành qua các tổ chức trợ giúp pháp lý.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10.659 lượt người được trợ giúp pháp lý, trong đó có 2.240 lượt người là phụ nữ[1], điều này cho thấy, vai trò của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật cho phụ nữ.
Bên cạnh hoạt động thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ thì Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sơn La phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh và truyền hình, Báo Sơn La, các đoàn thể chính trị - xã hội trong hoạt động thông tin, truyền thông về bình đẳng giới, các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan đến bình đẳng giới theo đúng quy định của pháp luật; trong các đợt trợ giúp pháp lý liên quan đến bình đẳng giới theo đúng quy định của pháp luật; trong các đợt trợ giúp pháp lý tại cơ sở, các buổi sinh hoạt chuyên đề chú trọng tuyên truyền và phổ biến về Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thường xuyên cấp phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật với nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục… Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sơn La đã quan tâm, chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan đến người được trợ giúp pháp lý là phụ nữ trên báo chí để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ; có sự nắm bắt và trợ giúp pháp lý kịp thời cho các vụ việc có tính nổi cộm, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận quần chúng nhân dân.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác TGPL cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian tới, cần đánh giá những khó khăn, hạn chế để đề xuất các giải pháp cụ thể như sau:
Một là, về hoàn thiện thể chế về trợ giúp pháp lý
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ở Sơn La vẫn còn gặp phải một số khó khăn như: Không phải tất cả phụ nữ đều được trợ giúp pháp lý, mà chỉ những phụ nữ thuộc diện người được trợ giúp pháp lý theo như quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý, Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Điều 1 Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số số 07/2007NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, thì mới được trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, khi nữ giới là nạn nhân của bạo lực gia đình yêu cầu trợ giúp pháp lý, thì trong một số trường hợp lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thụ lý yêu cầu của họ. Trên thực tế, hoạt động trợ giúp pháp lý theo từng vụ việc chỉ diễn ra sau khi người được trợ giúp pháp lý cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh mình là nạn nhân bạo lực gia đình. Do đó, nhiều phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình khi đến với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thường không có giấy tờ, biên bản, xác nhận của cơ quan chức năng như: Công an, Bệnh viện, Ủy ban nhân dân hay Trưởng bản…, nên gặp khó khăn trong việc làm thủ tục cử người tham gia trợ giúp pháp lý, hoặc do họ không biết đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để được yêu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí...
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó cần rà soát, bổ sung những quy định để thực hiện việc lồng ghép vấn đề giới và bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tính toán đến trình tự, thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với trường hợp phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, bảo đảm bình đẳng về thực chất giữa nam và nữ.
Hai là, về tăng cường phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các các cấp chính quyền cơ sở cũng như các đoàn thể xã hội
Hiện nay, nhiều phụ nữ vẫn chưa biết được về quyền được trợ giúp pháp lý, hoặc còn e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý. Những người được hưởng trợ giúp pháp lý là phụ nữ, nhất là phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục… họ thường cam chịu, không dám lên tiếng, nên gây nhiều khó khăn cho những người trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý. Do vậy, cần làm rõ cơ chế phối hợp và tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân và các cấp chính quyền cơ sở cũng như các đoàn thể xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, tham gia phòng, chống hành vi bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống mua bán người, xâm hại tình dục… Mặt khác, tăng cường phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng để trong quá trình tiến hành tố tụng nếu phát hiện phụ nữ cần được trợ giúp pháp lý thì giải thích cho họ về quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước biết để thực hiện vụ việc theo đúng tinh thần của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ ba, về nâng cao năng lực của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý
Hiện nay, nhiều người làm công tác trợ giúp pháp lý ở Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sơn La còn chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng đặc thù. Do vậy, thời gian tới cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý, bảo đảm đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là trong các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan đến đối tượng được cần được trợ giúp pháp lý là phụ nữ nói trung và các đối tượng phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của tội phạm buôn bán người nói riêng
ThS. Bùi Huy Toàn
Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Luật Tây Bắc
Tài liệu tham khảo:
[1]. Một số kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ từ năm 2010 đến năm 2015: Năm 2010: Thực hiện trợ giúp pháp lý cho 97 phụ nữ trên tổng số 396 người được trợ giúp pháp lý (25%); năm 2011: Thực hiện trợ giúp pháp lý cho 193 phụ nữ trên tổng số 695 người được trợ giúp pháp lý (28%); năm 2012: Thực hiện trợ giúp pháp lý cho 328 phụ nữ trên tổng số 904 người được trợ giúp pháp lý (36%); năm 2013: Thực hiện trợ giúp pháp lý cho 372 phụ nữ trên tổng số 1.454 người được trợ giúp pháp lý (26%); năm 2014: Thực hiện trợ giúp pháp lý cho 567 phụ nữ trên tổng số 3057 người được trợ giúp pháp lý (18%); năm 2015: Thực hiện trợ giúp pháp lý cho 728 phụ nữ trên tổng số 4.153 người được trợ giúp pháp lý (18%).
Hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ở Sơn La
Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nói chung và phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của tội phạm buôn bán người nói riêng... là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và thực hiện ngay khi các tổ chức trợ giúp pháp lý được thành lập và đi vào hoạt động.