Trong những năm qua, hoạt động của Trung tâm đã dần khẳng định được vị trí, vai trò trong thực tế cuộc sống, bảo đảm quyền con người, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo được niềm tin của nhân dân và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Theo số liệu thống kê, trong 9 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (từ 01/01/2007 đến 31/12/2015), Trung tâm đã tiếp nhận 6.749 yêu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh với 7.488 vụ việc. Trong đó, tư vấn 6.989 vụ việc, tham gia tố tụng: 481 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 1 vụ việc, hòa giải 7 vụ việc, hình thức khác 10 vụ việc. Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật khác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, nhất là đối tượng được TGPL.
1. Một số khó khăn
Về mô hình tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý: Công tác kiện toàn Trung tâm còn chậm, do thiếu nguồn cán bộ, số lượng trợ giúp viên pháp lý chưa đảm bảo; viên chức Trung tâm chủ yếu là lực lượng trẻ mới vào ngành còn ít kinh nghiệm khi tham gia tố tụng; chưa có trợ giúp viên pháp lý chuyên trách, chức vụ Trưởng Chi nhánh do trưởng phòng nghiệp vụ kiêm nhiệm; hoạt động của một số Câu lạc bộ TGPL chưa thật sự hiệu quả, còn mang tính hình thức, không duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng, địa điểm sinh hoạt không gần dân, sát dân, nội dung sinh hoạt đơn điệu không phong phú, nên chưa thu hút được nhiều người có nhu cầu được TGPL. Hiện nay, Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án) đưa ra sự thay đổi về mô hình, cách thức hoạt động TGPL khi chưa sửa đổi, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý dẫn đến sự lúng túng cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, trong khi đó mô hình cũ đang đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả tích cực.
Về hoạt động trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý: Hoạt động của trợ giúp viên pháp lý chưa gây được uy tín. Đối với những vụ việc tham gia tố tụng khi gửi thẻ và quyết định cử trợ giúp viên pháp lý sang cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân vẫn gặp phải những khó khăn, lúng túng từ phía điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm phán khi cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; do nhiều cán bộ của các cơ quan này chưa hiểu rõ chức năng và nhiệm vụ của Trợ giúp viên pháp lý. Điều này một phần cũng thể hiện công tác phối hợp quán triệt thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh còn chưa tốt. Số lượng trợ giúp viên pháp lý ít, chưa chuyên môn hóa, chưa bảo đảm mỗi lĩnh vực pháp luật đều có trợ giúp viên pháp lý, nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ cộng tác viên tuy đông, nhưng chất lượng chưa đồng đều; kỹ năng tư vấn pháp luật, TGPL còn hạn chế, thời gian tham gia hoạt động TGPL lưu động chưa nhiều, nhất là cộng tác viên công tác tại các cơ quan, ban ngành của tỉnh. Đội ngũ luật sư tham gia cộng tác viên TGPL chiếm tỷ lệ ít (10/28 luật sư). Trong việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, một số cộng tác viên không đảm bảo đầy đủ thủ tục hoàn tất hồ sơ vụ việc TGPL theo quy định, kê khai thanh toán không phù hợp với thực tế công việc.
Về giao chỉ tiêu vụ việc trợ giúp pháp lý: Hằng năm, Trung tâm thụ lý khoảng 40 vụ việc tố tụng, do đó không đảm bảo số lượng vụ việc cho 7 trợ giúp viên pháp lý thực hiện theo chỉ tiêu[1], trong khi đó chưa kể đến các luật sư là cộng tác viên cũng phải thực hiện TGPL. Như vậy, việc giao chỉ tiêu cho trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm là rất khó hoàn thành ở mức độ đạt chỉ tiêu.
Về xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã thể hiện rõ quan điểm xã hội hóa TGPL khi quy định đa dạng hóa các chủ thể thực hiện pháp luật TGPL; trong đó, Trung tâm làm nòng cốt và thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và bảo đảm quyền được giúp đỡ về mặt pháp lý cho người được TGPL. Tuy nhiên, các tổ chức đăng ký thực hiện TGPL chưa thể hiện trách nhiệm và sự tham gia tích cực, vai trò chủ yếu vẫn là Trung tâm thông qua các hình thức: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hoạt động khác (kiến nghị, hòa giải…). Điều này cho thấy rõ việc thu hút các nguồn lực chung tay trong công tác TGPL còn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý chủ trương xã hội hóa toàn bộ vào năm 2025, hoạt động TGPL sẽ do luật sư thực hiện là chưa phù hợp vì chất lượng thực hiện dịch vụ TGPL của các tổ chức hành nghề luật sư, còn phụ thuộc vào tâm huyết của luật sư đối với hoạt động TGPL. Chất lượng vụ việc TGPL do luật sư thực hiện so sánh với trợ giúp viên pháp lý thực hiện không có sự chênh lệch. Một phần do trình độ đào tạo nghiệp vụ của trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao, trách nhiệm nghề nghiệp và sự trẻ hóa; một phần do ngoài thực hiện dịch vụ pháp lý, trợ giúp viên pháp lý còn là một chức danh gắn với vị trí công tác và bị ràng buộc bởi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý được giao hàng năm còn thấp: Ngày 17/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, tổng kinh phí cấp cho hoạt động TGPL của Trung tâm trong năm 2016 không tăng so với kinh phí của năm 2015, do đó, nguồn kinh phí cấp cho việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng của luật sư là không đảm bảo chi trả nếu số vụ việc tố tụng bằng mức bình quân hàng năm.
2. Một số giải pháp đặt ra trong thời gian tới
Một là, duy trì và củng cố mô hình tổ chức TGPL theo chiều sâu, bằng cách củng cố mạng lưới thực hiện TGPL hiện có, thông qua việc thay đổi cơ chế quản lý và các nội dung quản lý sao cho có hiệu quả; Trung tâm là đầu mối hướng dẫn nghiệp vụ cho các mắt xích trong mạng lưới thực hiện TGPL; tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND tỉnh giải thể Chi nhánh TGPL, sáp nhập các câu lạc bộ TGPL hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động.
Hai là, tăng cường hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng về tổ chức và hoạt động của TGPL tới tận các thôn, xóm tại các xã, huyện nơi xa Trung tâm trên cơ sở đầu mối là các câu lạc bộ TGPL, trưởng thôn, trưởng xóm, hòa giải viên.
Ba là, nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thông qua việc tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, tổng kết, hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành; cung cấp cho các trợ giúp viên pháp lý các kiến thức thông qua việc cấp phát sách chuyên ngành về các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính...
Bốn là, việc giao chỉ tiêu vụ việc tố tụng hàng năm cho các trợ giúp viên pháp lý phải căn cứ vào thực tế của từng Trung tâm. Không nên ấn định số lượng cụ thể mà chỉ nên giao chỉ tiêu theo phần trăm trên tổng số vụ việc hàng năm.
Năm là, đi đôi với quá trình xã hội hóa TGPL, cần nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ pháp chế, các trợ giúp viên pháp lý, đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật thực hiện TGPL, có chế độ bồi dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL, hướng dẫn, mở rộng và đưa ra quy trình phối hợp cụ thể giữa tổ chức thực hiện TGPL (tập trung nhất là Trung Tâm TGPL) với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tham gia TGPL.
Sáu là, tăng nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động TGPL của tỉnh (đặc biệt là công tác truyền thông và hoạt động TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng) để thu hút được các nguồn lực thực hiện TGPL đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
1. Ngày 05/02/2016, Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 383/BTP-TGPL giao chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý năm 2016 làm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng năm 2016 đối với các Trung tâm và trợ giúp viên pháp lý. Trong đó, mức độ đạt chỉ tiêu của trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm dưới 3 năm thực hiện ít nhất từ 4 đến 7 vụ việc tố tụng/năm.