Ngay sau khi kết thúc Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – Nhật Bản do Nhật Bản chủ trì tổ chức vào ngày 5/6/2023, vào ngày 6/6/2023 đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN – G7 tại Thủ đô Tokyo – Nhật Bản dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ken Saito và Bộ trưởng Bộ Pháp luật của Chính phủ Malaysia AZALINA Othman Said - Chủ tịch luân phiên Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM). Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Tư pháp (hoặc đại diện) của Nhật Bản, các nước ASEAN, đại diện một số tổ chức quốc tế/khu vực như EU, UNDP, UNODC, Tổng Thư ký ASEAN. Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long cùng Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) tiếp tục tham gia Hội nghị quan trọng này.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Tư pháp (hoặc đại diện) của Nhật Bản, các nước ASEAN, đại diện một số tổ chức quốc tế/khu vực như EU, UNDP, UNODC, Tổng Thư ký ASEAN. Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long cùng Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) tiếp tục tham gia Hội nghị quan trọng này.
Phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nhật Bản
Tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định “ngoại giao tư pháp” là sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản nhằm góp phần thích ứng với tình hình thế giới đang có nhiều biến động hết sức khó lường hiện nay. Tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiêt lập quan hệ ngoại giao ASEAN – Nhật Bản và thời điểm Nhật Bản đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên G7, cùng ASEAN và các nước G7 là nhằm chia sẻ các giá trị chung về pháp quyền, đảm bảo quyền con người trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và sự khác biệt về chế độ chính trị, truyền thống văn hóa của mỗi Bên. Tiếp nối các kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào tháng 5 vừa qua, Nhật Bản với vai trò Chủ tịch luân phiên G7 đã nỗ lực phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa G7 và các nước ASEAN trong lĩnh vực tư pháp mà việc tổ chức được Hội nghị này là minh chứng rõ nhất. Với một hệ thống pháp luật và tư pháp khá hoàn thiện từ thế kỷ XIX đến nay, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước ASEAN và mong các quốc gia G7 cũng hành động tương tự để hướng tới thúc đẩy pháp quyền, quyền con người, vì lợi ích của người dân trên thế giới nói chung. Thế giới chỉ có thể phát triển nếu các quốc gia đoàn kết, không chia rẽ, giải quyết bất đồng dựa trên trật tự pháp lý quốc tế trên cơ sở ưu tiên đối thoại, hòa giải, tôn trọng sự khác biệt của nhau. Thủ tướng Nhật Bản cũng mong muốn đây không đơn thuần chỉ là một sự kiện quốc tế mà còn là mốc lịch sử mở ra một cơ chế hợp tác mới giữa ASEAN và G7 góp phần tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho thế hệ hôm nay cũng như thế hệ tương lai. Thủ tướng Nhật Bản mong muốn các quốc gia ASEAN và G7 tăng cường các chương trình trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đặc biệt là trao đổi các khóa đào tạo dành cho công chức trẻ của mỗi bên trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Bộ trưởng Tư pháp ASEAN và G7 tại Lễ Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN + G7
Phát biểu của Trưởng Đoàn Việt Nam
Thay mặt Đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã có bài phát biểu tại Hội nghị. Bộ trưởng khẳng định xu hướng toàn cầu hóa và các vấn đề mang tính toàn cầu đang đặt ra những cơ hội và thách thức cho tất cả các quốc gia, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp luật và tư pháp xuyên biên giới. Bối cảnh chưa có tiền lệ hiện tại đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải tăng cường hợp tác, phối hợp hành động với cách tiếp cận mới nhằm bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế thể hiện chủ yếu trong Hiến chương Liên hợp quốc; tôn trọng và bảo đảm pháp quyền, quyền con người, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), ứng phó kịp thời với những thách thức an ninh phi truyền thống. Trong khu vực ASEAN, các quốc gia thành viên đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp thông qua cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM) và Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM). Nhiều Sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự, pháp luật dân sự và thương mại, xây dựng các điều ước quốc tế của ASEAN…đã được ALAWMM thông qua và được các nước ASEAN phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần hoàn thiện và hài hòa hóa pháp luật của các quốc gia thành viên, hoàn thiện thể chế của ASEAN, hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, tự cường, hoạt động dựa trên luật lệ; thúc đẩy liên kết khu vực vì lợi ích của Nhân dân các nước ASEAN. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoan nghênh sáng kiến và nỗ lực của Nhật Bản trong việc tổ chức Hội nghị này nhằm thiết lập diễn đàn để Bộ trưởng/Tổng chưởng lý các nước ASEAN và G7 cùng nhau trao đổi, thảo luận về nhu cầu và tiềm năng hợp tác trong tương lai. Phiên họp này có ý nghĩa mở ra cơ hội mới cho các bên nhằm thúc đẩy hợp tác, nâng cao nhận thức chung về việc tôn trọng các nguyên tắc, giá trị của luật pháp quốc tế; tăng cường sự hiểu hiết, chia sẻ kinh nghiệm về pháp luật, tư pháp giữa các nước ASEAN và G7. Bộ trưởng cũng gợi mở một số đề xuất hợp tác pháp luật và tư pháp giữa ASEAN và G7 trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) đã đi được ½ chặng đường. Trong những năm tiếp theo, việc thực hiện SDGs sẽ gặp nhiều thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải tăng tốc hành động và nỗ lực hơn nữa để đạt được các Mục tiêu này vào năm 2030. Trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, đề nghị các nước G7 và các đối tác phát triển tăng cường nguồn lực hỗ trợ các nước ASEAN trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đặc biệt là Mục tiêu số 16 (Hòa bình, công lý và thể chế mạnh mẽ).
Thứ hai, mong muốn các nước G7, với thành viên là các nước phát triển, hỗ trợ việc thực thi các sáng kiến hợp tác pháp luật và tư pháp của ASEAN, đóng góp vào việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng sau 2025 dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của hệ thống pháp luật trong khu vực ASEAN. Đồng thời đề nghị G7 tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, hoạt động dựa trên luật lệ, cùng phối hợp ứng phó với các thách thức đang nổi lên, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Thứ ba, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, tăng cường tiếp cận công lý cho người dân, bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế; thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp của các nước ASEAN nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra phù hợp với tình hình thế giới và khu vực, kịp thời ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự, tương trợ tư pháp; phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề pháp luật và tư pháp xuyên biên giới. Muốn vậy, với tiềm lực và kinh nghiệm của mình, các nước G7 cần tiếp tục có những hình thức hỗ trợ kỹ thuật phù hợp cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong lĩnh vực hợp tác pháp luật, dựa trên nhu cầu của mỗi các nước ASEAN cũng như những giá trị chung mà các Bên cùng quan tâm.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN-G7
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng khẳng định là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp cùng các quốc gia thành viên ASEAN thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp nội khối cũng như giữa ASEAN với các nước G7, nhằm tăng cường pháp quyền, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, thực hiện thành công các mục tiêu SDGs, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, hợp tác, cùng phát triển, trong đó chủ quyền, lợi ích của mỗi quốc gia cần được tôn trọng.
Phát biểu của Trưởng Đoàn các nước
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Đoàn các nước ASEAN, G7 và đại diện các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Nhật Bản trong việc tổ chức Hội nghị mang tính lịch sử này. Bộ trưởng Tư pháp (hoặc đại diện) của một số nước G7 và các tổ chức quốc tế (như Bộ trưởng Tư pháp các nước Đức, Italy, trưởng Đoàn của Pháp, Cao ủy phụ trách tư pháp của EU, Tổng giám đốc UNDP và UNODC) thông tin về các chương trình, dự án hợp tác với các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đang tỏ ra có hiệu quả, đáp ứng lợi ích, nhu cầu của các bên trong hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư...Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh việc tổ chức được Hội nghị này đã góp phần đánh dấu bước phát triển mang tính lịch sử của ASEAN trong bối cảnh ASEAN đang củng cố liên kết nội khối cũng như mở ra các cơ chế liên kết ngoại khối.
Tuyên bố đồng chủ trì
Sau một ngày làm việc tích cực, Hội nghị đã ra Tuyên bố đồng chủ trì với nội dung cơ bản như sau:
(i) Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – G7 với chủ đề chung là “Tăng cường hợp tác song phương giữa ASEAN và G7 trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Trong suốt quá trình của Hội nghị, ASEAN và G7 đã tham gia trao đổi quan điểm một cách thân thiện và mang tính xây dựng như một phần của bước đầu tiên nhưng quan trọng nhằm hướng tới xây dựng sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp.
(ii) ASEAN và G7 khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì các giá trị cơ bản như pháp quyền và tôn trọng quyền con người. ASEAN và G7 đã đề cập đến các lĩnh vực có thể hợp tác chung và bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đối thoại trong tương lai.
Các Bộ trưởng Tư pháp ASEAN và G7 chụp ảnh lưu niệm kết thúc Hội nghị
(iii) ASEAN và G7 bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thành lập “Diễn đàn các nhà lãnh đạo tương lai” theo sáng kiến của Nhật Bản - nơi tập hợp các cán bộ chính phủ trẻ tuổi trong lĩnh vực luật và tư pháp của cả ASEAN và G7 để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và xây dựng quan hệ đối tác và hợp tác lâu dài.
Các cuộc gặp song phương dày đặc
Bên lề của hai Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác đã tranh thủ làm việc song phương với các cơ quan của Nhật Bản cũng như hầu hết Trưởng Đoàn các nước tham dự Hội nghị, cụ thể như sau:
1) Gặp Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ nghị viện Nhật Bản và Thống đốc tỉnh Aichi
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ nghị viện Nhật Bản ITO Tadahiko và Thống đốc tỉnh Aichi Omura Hideaki, Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn ông Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ nghị viện tiếp tục ủng hộ cho các chương trình, dự án do JICA hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; đề nghị ông Thống đốc tỉnh Aichi tiếp tục quan tâm tăng cường học bổng cho sinh viên Việt Nam học tập tại Đại học Nagoya cũng như tiếp tục ủng hộ hoạt động của Trung tâm Pháp luật Nhật Bản tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
2) Gặp Chủ tịch JICA và Giáo sư Morishima
Ngày 5/7 tại Trụ sở JICA – Tokyo, Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có cuộc làm việc với ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch JICA Nhật Bản và Giáo sư Morishima, Giáo sư danh dự Đại học Nagoya.
Vui mừng chào đón Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam đúng vào dịp Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch JICA bày tỏ vui mừng vì JICA đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trong các chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực pháp luât và tư pháp liên tục từ năm 1996 đến nay. Với Dự án hiện hành “Nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2020-2025 do JICA hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam (Bộ Tư pháp chủ trì, tham gia có Ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Chủ tịch JICA khẳng định cam kết của phía Nhật Bản nỗ lực đồng hành cùng Việt Nam thực hiện tốt Dự án trong hơn 2 năm còn lại.
Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp làm việc với ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch JICA Nhật Bản và Giáo sư Morishima, Giáo sư danh dự Đại học Nagoya.
Giáo sư Morishima chia sẻ những hoài niệm từ những năm 1992 khi đặt những viên gạch đầu tiên cho hợp tác pháp luật Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời khẳng định với uy tín cá nhân sẽ không ngừng ủng hộ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, đảm bảo tính bền vững của các hoạt động hợp tác.
Tại 2 cuộc gặp nói trên, Bộ trưởng Lê Thành Long cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, JICA và cá nhân Giáo sư đã luôn ủng hộ, đồng hành với Việt Nam trong công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, đồng thời mong muốn hợp tác hai Bên trong lĩnh vực này tiếp tục được duy trì bền vững trong thời gian tới nhằm giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
3) Gặp Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ken Saito
Chào mừng Bộ trưởng Lê Thành Long thăm Nhật Bản đúng vào dịp hai Bên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Bộ trưởng Ken Saito cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ sáng kiến của Nhật Bản trong việc tổ chức hai hội nghị quan trọng nói trên.
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ken Saito
Nhắc lại truyền thống hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực pháp luật với Nhật Bản từ năm 1993 với các thế hệ tiền bối dày công vun đắp, Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn Bộ Tư pháp Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, đồng hành với nỗ lực xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; đề nghị hai Bộ Tư pháp cần quan tâm thực hiện thực chất, hiệu quả Bản Ghi nhớ hợp tác đã ký năm 2020 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide; đề nghị phía Nhật Bản tăng cường hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp Việt Nam nói chung và hoạt động của Trung tâm pháp luật Nhật Bản tại Đại học Luật Hà Nội nói riêng.
4) Gặp Bộ trưởng Tư pháp Lào:
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Tư pháp Lào Phây- vi -Sỷ - bua - lỵ - pha, Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn Bộ Tư pháp Lào phối hợp thực hiện tốt các việc chủ yếu như sau: (i) hoàn thành Chương trình hợp tác giữa hai Bộ năm 2023; (ii) hoàn thành mọi thủ tục để đóng Dự án ODA hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào; (iii) đẩy nhanh tiến độ nhập quốc tịch với các công dân Việt Nam đủ điều kiện theo tinh thần Kết luận Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Lào mở rộng lần thứ V; (iv) sớm cử sinh viên sang đào tạo tại Đại học Luật Hà Nội theo diện Hiệp định 2 Chính phủ; (v) chuẩn bị sẵn sàng cho việc tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Lào mở rộng lần thứ VI sẽ diễn ra tại Lào vào 2024.
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp Bộ trưởng Tư pháp Lào Phây- vi -Sỷ - bua - lỵ - pha
Bộ trưởng Tư pháp Lào ghi nhận các ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam, khẳng định quyết tâm kế thừa truyền thống hợp tác hết sức vẻ vang, đưa hợp tác giữa hai Bộ, ngành Tư pháp lên tầm cao mới với phương châm “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
5) Gặp Bộ trưởng Tư pháp Campuchia
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Tư pháp Campuchia Koeut Rith, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị hai Bên thực hiện tốt Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2023 giữa hai Bộ; chuẩn bị kỹ cho việc tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ 3 tại Việt Nam vào cuối năm nay; sớm cử cán bộ sang đào tạo tại Học viện Tư pháp Việt Nam theo diện học bổng hiệp định. Bộ trưởng Tư pháp Campuchia khẳng định quyết tâm không ngừng củng cố hợp tác đặc biệt với Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp Bộ trưởng Tư pháp Campuchia Koeut Rith
6) Gặp Bộ trưởng Tư pháp Canada
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti, Bộ trưởng Lê Thành Long nhắc lại truyền thống hợp tác pháp luật giữa hai Bên từ thời kỳ dự án PIAP (1995), dự án JUDGE (2005), Dự án LERAP (2005) và gần đây nhất là dự án NLD (2014-2018). Bộ trưởng đề nghị phía Canada (i) quan tâm có hình thức phù hợp nối lại hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; (ii) cân nhắc việc hai Bộ Tư pháp thiết lập kênh hợp tác trực tiếp thông qua ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác. Bộ trưởng Tư pháp Canada ghi nhận các ý kiến của Bộ trưởng Lê Thành Long, đồng thời nhấn mạnh với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Canada luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti
7) Gặp Bộ trưởng Tư pháp Italia
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Tư pháp Italia Carlo Nordio, Bộ trưởng Lê Thành Long nhắc lại Bản Ghi nhớ hợp tác đã ký giữa hai Bộ năm 2016 và đề nghị hai Bên tập trung thực hiện tốt MOU này; đồng thời mong muốn phía Italia chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam trong một số vấn đề pháp luật và tư pháp mà Bạn có thể mạnh như bổ trợ tư pháp, đào tạo bồi dưỡng cán bộ tư pháp...Bộ trưởng Tư pháp Italia ghi nhận các ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và khẳng định Italia luôn coi trọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp Bộ trưởng Tư pháp Italia Carlo Nordio
8) Gặp Bộ trưởng Tư pháp Anh
Tại cuộc gặp ngắn với Bộ trưởng Tư pháp Anh Alex Chalk, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị hai Bộ Tư pháp sớm ký MOU hợp tác giai đoạn mới theo tinh thần đã thống nhất tại Ý định thư đã ký giữa hai Bộ vào ngày 30 tháng 6 năm 2022 nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng thời đề nghị phía Anh nghiên cứu có chương trình cụ thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Bộ trưởng Tư pháp Anh ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Lê Thành Long và bày tỏ đồng tình việc hai Bên sớm ký kết MOU hợp tác cho giai đoạn mới.
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp Bộ trưởng Tư pháp Anh Alex Chalk
9) Gặp Phó Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ
Tại cuộc gặp với Phó Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Lisa Monaco, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị phía Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác trong một số lĩnh vực như giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Phía Hoa Kỳ ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Lê Thành Long và khẳng định luôn coi trọng hợp tác pháp luật và tư pháp với Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp Phó Tổng Chưởng lý Bộ Tư pháp Hoa Kỳ Lisa Monaco
10) Gặp Tổng Giám đốc UNODC kiêm Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc UNODC kiêm Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ghada Fathi Waly, Bộ trưởng Lê Thành Long cảm ơn UNODC đã có một số phi dự án hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam nghiên cứu hoàn thiện một số vấn đề như thu hồi tải sản trong các vụ án kinh tế, chức vụ; thu hồi tài sản không thông qua thủ tục kết tội; đồng thời đề nghị UNODC có những hình thức hỗ trợ mang tính “dài hơi” hơn cho Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam. Bà Tổng Giám đốc ghi nhận đề xuất của Bộ trưởng Lê Thành Long, đồng thời tái khẳng định cam kết UNODC luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực như kiểm soát ma túy, phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự.
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp Tổng Giám đốc UNODC kiêm Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ghada Fathi Waly
11) Gặp Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp
Tại cuộc gặp Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp (do ông Olivier Christen, Vụ trưởng Vụ Hình sự và và ông Anthony Manwaring, Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Âu và quốc tế dẫn đầu), Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị phía Pháp thúc đẩy ký mới các chương trình hợp tác hết hạn vào năm nay (như Chương trình hợp tác với Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp, Chương trình hợp tác với Hội đồng thừa phát lại và đấu giá viên Pháp); thúc đẩy việc thành lập Trung tâm pháp luật Pháp tại Đại học Luật Hà Nội; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự. Phía Bộ Tư pháp Pháp khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác pháp luật và tư pháp với Việt Nam, trong đó có việc sớm thành lập Trung tâm pháp luật Pháp tại Đại học Luật Hà Nội.
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp Trưởng đoàn Bộ Tư pháp Pháp
Ngoài ra, vào chiều ngày 7/7/2023, ngay sau khi kết thúc các hoạt động tại Thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác đã tới thăm và làm việc tại Trường Đại học Nagoya – nơi Bộ trưởng đã trải qua chương trình đào tạo tiến sỹ luật từ 1999 – 2003.
Tiếp đón Bộ trưởng Lê Thành Long có 2 Phó Chủ tịch Trường là ông IZUTANI Norimi và ông KIMURA Shogo. Chào đón Bộ trưởng Lê Thành Long, Lãnh đạo Nhà trường bày tỏ niềm tự hào vì có những cựu sinh viên thành đạt như Bộ trưởng Lê Thành Long, đồng thời mong muốn Bộ trưởng với tư cách là Chi hội trưởng Chi hội cựu sinh viên Nagoya tại Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò gắn kết các cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại Trường.
Các giáo sư Đại học Nagoya chào đón Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác
Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc với Ban lãnh đạo Đại học Nagoya
Bộ trưởng Lê Thành Long tặng quà lưu niệm cho Ban Lãnh đạo Đại học Nagoya
Bày tỏ niềm xúc động được về thăm lại ngôi trường nơi đã từng học tập bậc tiến sỹ, Bộ trưởng Lê Thành Long cảm ơn, tri ân các thầy cô giáo và Ban Lãnh đạo Nhà trường, đồng thời mong muốn Trường tiếp tục ủng hộ hơp tác với Đại học Luật Hà Nội trong đó có Đại học Luật Hà Nội.
Ngay sau buổi gặp Lãnh đạo Nhà trường, Bộ trưởng Lê Thành Long đã có buổi gặp mặt với 27 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường (trong đó có 06 cán bộ của Bô Tư pháp) để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em cũng như dặn dò các em phấn đấu học tập thật tốt để trở thành cầu nối góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.
Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác gặp mặt các sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường Đại học Nagoya
Có thể nói, chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Lê Thành Long tại Nhật Bản đã thành công tốt đẹp, đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra. Bộ trưởng cùng Đoàn công tác đã tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm vào hai hội nghị quan trọng là Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – Nhật Bản và Hội nghị lần thứ nhất Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – G7 với hai bài phát biểu ngắn gọn, thực chất, thông điệp rõ ràng, được các nước đánh giá cao. Các hoạt động song phương được thu xếp tối đa nhằm tranh thủ để Bộ trưởng tiếp xúc với lãnh đạo cơ quan pháp luật và tư pháp các nước, qua đó góp phần củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Bộ, ngành tư pháp. Phía Nhật Bản đón tiếp chu đáo, trọng thị, thể hiện sự coi trọng hợp tác với Việt Nam nói chung và Bộ Tư pháp Việt Nam nói riêng. Kết quả từ chuyến thăm này sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN – Nhật Bản và ASEAN – G7 trong lĩnh vực pháp luật, qua đó góp phần vào sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Vụ Hợp tác quốc tế
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp