Đến dự Hội nghị có đại diện các cơ quan bộ, ngành, trường học, viện nghiên cứu; đại diện một số tổ chức, hiệp hội, ngân hàng, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; đại diện các tổ chức luật sư - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội và một số cơ quan báo chí.
GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN và ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cùng chủ trì Hội nghị.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành nhằm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của quan hệ pháp luật dân sự, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn liên quan có những vấn đề bất cập, gây nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia về pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật. GS.TS Lê Hồng Hạnh đề nghị các chuyên gia, luật sư, đại diện các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp… trao đổi, chia sẽ những kinh nghiệm xung quanh những vướng mắc của Bộ luật Dân sự liên quan chế định hợp đồng, đặc biệt là trong quá trình thực thi pháp luật về hợp đồng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe một số tham luận của các chuyên gia, luật sư… đến từ các tổ chức pháp chế một số bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức ngân hàng, hiệp hội, công ty và văn phòng luật sư như: Bộ Tư pháp; Bộ Xây dựng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Trung tâm Hòa giải Việt Nam - VIAC; Tổng Công ty lương thực miền Bắc;… trình bày về: (i) Một số vướng mắc trong thực hiện chế định giao dịch hợp đồng và các biện pháp đảm bảo theo Bộ luật Dân sự năm 2015; (ii) Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về hợp đồng về các loại hợp đồng liên quan đến nhà ở, công trình xây dựng và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015; (iii) Pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực bảo hiểm - Phân tích pháp luật và thực tiễn; (iv) Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực lao động từ một số vụ việc tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động - đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật; (v) Thực tiễn áp dụng quy định về hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015… Các tham luận tập trung đề cập những bất cập chủ yếu liên quan đến quá trình thực thi pháp luật về hợp đồng liên quan đến doanh nghiệp như: Bất cập về quy định lãi suất giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và luật chuyên ngành; vướng mắc về quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (giao dịch bảo đảm, thế chấp bằng tài sản của người thứ ba); chưa có cách hiểu thống nhất về việc thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác; xác định hợp đồng vô hiệu trong trường hợp đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch; quy định về pháp nhân và không pháp nhân gây khó khăn cho hoạt động của nhiều tổ chức, doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận, GS.TS. Lê Hồng Hạnh cảm ơn các chuyên gia, luật sư, đại diện cho các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu… đã thu xếp thời gian đến dự Hội nghị, phát biểu và trao đổi nhiều thông tin hữu ích về những bất cập, vướng mắc đã và đang gặp phải trước và trong quá trình thực thi Bộ luật Dân sự năm 2015; những khó khăn của các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch hợp đồng liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, GS.TS Lê Hồng Hạnh cảm ơn Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Tư pháp đã tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, Hội luật gia Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị này và mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp./.