Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là lần thứ 2 Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp cùng tổ chức hội nghị phối hợp công tác. Kế thừa các kết quả từ hội nghị lần đầu tiên năm 2022, hội nghị lần này là dịp để hai cơ quan cùng trao đổi, thảo luận và bàn về công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao trong xây dựng pháp luật. Đây cũng là dịp để hai bên tăng cường hiểu biết thông qua việc trao đổi thông tin liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ, chia sẻ khó khăn, vướng mắc để cùng phối hợp tháo gỡ, thống nhất các biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp triển khai công tác thuộc trách nhiệm chủ trì của hai cơ quan, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao của năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, trong năm qua, công tác phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp tiếp tục có nhiều đổi mới tích cực cả về nội dung, phương thức triển khai, thể hiện ở kết quả hiệu suất công việc được lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng có được kết quả này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, chủ động, từ sớm, từ xa giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật cùng lãnh đạo Bộ Tư pháp, giữa Vụ Pháp luật - đơn vị tham mưu giúp việc của Ủy ban Pháp luật với các vụ, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; là kết quả của sự tận tụy, trách nhiệm, tinh thần vì công việc chung của đội ngũ cán bộ công chức của hai cơ quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, để tiếp tục kế thừa và phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được, với mục tiêu phối hợp chặt chẽ từ sớm, từ xa, bảo đảm hiệu quả công tác cả về chất lượng và tiến độ, hội nghị là tiền đề quan trọng để tăng cường phối hợp tốt trách nhiệm chủ trì tham mưu của hai cơ quan trong những tháng còn lại của năm 2023 và cả nhiệm kỳ. Đây cũng là kinh nghiệm để Ủy ban Pháp luật tiếp tục tăng cường mối quan hệ công tác với các cơ quan của Chính phủ.
Tại hội nghị, hai bên đã nghe báo cáo và trao đổi về một số nội dung trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan; thống nhất một số nội dung trọng tâm cần quan tâm nhằm tăng cường công tác phối hợp để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công việc.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, trong năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Thường trực Uỷ ban Pháp luật có nhiều đổi mới và đạt được các kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều mặt, đóng góp vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, hai bên đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các luật, nghị quyết như: Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội và ban hành 5 nghị quyết điều chỉnh chương trình. Tiếp tục đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, bảo đảm thông tin đẩy đủ, chính xác, kịp thời báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ rà soát Luật Thủ đô và đề xuất đưa dự án Luật vào chương trình năm 2023; trình Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ, trong đó có phiên giải trình về “việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”. Thực hiện tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp gắn với các hoạt động kỷ niệm ngày Pháp luật Việt Nam và hướng đến kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam.
Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua trao đổi hai bên nhất trí đánh giá hội nghị thường niên phối hợp công tác là cơ chế hiệu quả cần được duy trì và phát huy, tiến tới luân phiên tổ chức, nghiên cứu xây dựng biên bản phối hợp công tác.