Về kết quả công tác tư pháp năm 2014, Bộ Tư pháp đã nhận định: Công tác tư pháp năm 2014 đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội, Chính phủ đề ra, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập.
Có thể nói, Hội nghị triển khai công tác tư pháp lần này đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp. Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, một số bộ, cơ quan, ban, ngành trung ương và lãnh đạo nhiều địa phương đã tới dự.
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015 dù diễn ra trong thời gian ngắn nhất từ trước đến nay (01 ngày), nhưng lại bao hàm được nội dung toàn diện nhất, với khối lượng đồ sộ nhất. Những vấn đề được đưa ra trong Hội nghị không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực tư pháp thuần túy, không chỉ trong phạm vi các cơ quan tư pháp như Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự, Phòng Tư pháp... mà lồng ghép cả công tác pháp chế của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành Tư pháp. Đồng chí nhấn mạnh, tư tưởng của Hiến pháp cần được thể hiện trong mọi công việc của mỗi cán bộ tư pháp; đất nước trông chờ rất nhiều vào đội ngũ làm công tác pháp chế và chúng ta cần xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, hiện đại và chuyên nghiệp.
Đại diện một số bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương đã trình bày thực trạng cũng như bất cập, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục liên quan đến lĩnh vực, ngành, nghề do mình quản lý, thực hiện. Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng nêu lên nhiều vấn đề về công tác tư pháp của địa phương mình, bên cạnh kết quả đạt được, cũng thẳng thắn nhận diện những điểm còn tồn tại cần khắc phục. Mặc dù không đủ thời gian để các đại biểu có thể nêu lên được hết những tâm tư, nguyện vọng, tuy nhiên, Hội nghị đã ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2014 và đưa ra được những vấn đề là điểm nóng, vướng mắc chung và vướng mắc đặc trưng ở rất nhiều địa phương, cùng những giải pháp thiết thực, quan trọng, nhằm triển khai công tác tư pháp năm 2015 đạt kết quả tốt. Hội nghị cũng đã được nghe những ý kiến giải đáp của đại diện lãnh đạo các vụ, cục chuyên môn của Bộ Tư pháp đối với những thắc mắc, đề xuất của các đại biểu trong Hội nghị. Dưới đây, xin nêu một số đề xuất và giải đáp:
1. Vấn đề biên chế
Khối lượng công việc của công tác tư pháp ngày càng gia tăng, vì vậy, để giải quyết vấn đề về biên chế, các địa phương có thể thực hiện một số giải pháp như:
- Điều chuyển biên chế từ các công tác khác sang thực hiện công tác tư pháp;
- Cần xem xét đưa ra cơ chế để chuyển ngạch từ viên chức thành công chức;
- Ứng dụng công nghệ thông tin;
- Cắt giảm thủ tục hành chính.
Ngoài ra, có thể dùng cơ chế tài chính để giám bớt gánh nặng cho cơ quan tư pháp (như thuê thêm người làm hợp đồng thời vụ, hợp đồng có thời hạn...).
2. Về công tác thẩm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Trong Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những vấn đề sau đã được đưa vào Dự thảo Luật: Đổi mới quy trình; tăng cường công tác phối hợp; nâng cao chất lượng văn bản. Tuy nhiên, đối với chức danh thẩm tra viên thì chưa thể đưa vào trong Dự thảo mà cần phải được nghiên cứu, đánh giá về cả lý luận và thực tiễn. Vấn đề tiêu chuẩn hóa chức danh chuyên môn trong xây dựng văn bản đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xác định những yếu tố đặc thù trong việc thực hiện nhiệm vụ để xây dựng các chức danh chuyên môn như soạn thảo, thẩm định, thẩm tra viên là chưa đủ cơ sở. Mặt khác, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự thảo này, nhưng không có nhiều ý kiến về việc chuyên nghiệp hóa chức danh soạn thảo viên, thẩm định viên.
3. Về công tác pháp chế
Thứ nhất, về chế độ báo cáo
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, hàng năm, liên quan đến công tác pháp chế, họ phải gửi rất nhiều loại báo cáo khác nhau, trong khi vẫn phải xây dựng 01 báo cáo chung về công tác pháp chế. Tuy nhiên, đây là theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, thời gian tới có thể sẽ thực hiện khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác báo cáo. Qua đó, sẽ giảm bớt được số lượng báo cáo hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, về chế độ phụ cấp đối với người làm công tác pháp chế
Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, để thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, thì việc ban hành chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề sẽ được bố trí trong Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp khi Đề án này được thông qua. Do đó, trước mắt vấn đề này chỉ được đưa vào và thực hiện theo các văn bản pháp luật như: Thông tư số 129/2013/TT-BTC ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính; Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013 của liên bộ Tài chính, Tư pháp; Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014 của liên bộ Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.
Thời gian tới, việc sơ kết triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế sẽ được tổ chức, theo đó sẽ rà soát việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai, thực hiện về lĩnh vực pháp chế.
4. Về công tác hộ tịch, quốc tịch
Đối với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất từ cấp xã, huyện, tỉnh: Thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Luật Hộ tịch, thì đến tháng 6/2015, Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để trước tháng 6/2019 sẽ được hoàn thiện và thực hiện cùng cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý.
Có ý kiến đề nghị thí điểm công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã được trực tiếp ký giấy khai sinh, tuy nhiên, đây là vấn đề khó khả thi vì điều này không phù hợp với quy định của Luật Hộ tịch, đồng thời không tương xứng với loại giấy tờ có giá trị cao như giấy khai sinh.
Đối với quốc tịch của trẻ em sinh ra tại Việt Nam (cha mẹ không rõ hoặc không quốc tịch) thì theo Điều 17, Điều 18 Luật Quốc tịch, những trường hợp này được xác định là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những trường hợp người Việt Nam từ Căm-pu-chia về nước, không còn giấy tờ, sẽ đưa vào Đề án giải quyết các vấn đề quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu do Bộ Tư pháp chủ trì để trình Chính phủ phê duyệt.
Về quyền kết hôn khi đang chấp hành thi hành án phạt tù: Mặc dù quy định pháp luật không cấm kết hôn khi đang chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, về thủ tục, Bộ Tư pháp cũng có văn bản trao đổi với Bộ Công an, nhưng vướng mắc là chưa tìm ra điều kiện bảo đảm để cho những người đó ra ngoài, rồi thực hiện kết hôn. Vấn đề này sẽ được lưu ý trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn liên quan đến đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử lưu động.
Về tình trạng chậm ghi chú kết hôn: Tình trạng này là do người Việt Nam ly hôn ở nước ngoài chiếm số lượng lớn, trong khi quy định thời hạn tại Thông tư 16/2010/TT-BTP ngày 08/10/2010 chưa phù hợp, vì vậy, vấn đề này sẽ được lưu ý khi ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình mới.
5. Về công tác bổ trợ tư pháp
Để chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn Luật Công chứng mới (ban hành ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015), Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 hội nghị và đã tiếp nhận nhiều giải pháp đáp ứng được yêu cầu địa phương. Để hướng dẫn Luật Công chứng sẽ có nhiều văn bản nghị định, thông tư được ban hành và cố gắng sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2015.
Về chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch do Ủy ban nhân dân đang thực hiện sang cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện: Công văn số 4800/BTP-BTTP ngày 21/11/2014 của Bộ Tư pháp về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Về bán đấu giá tài sản: Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2015 để giải quyết nhiều vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong đấu giá tài sản.
Về miễn nhiệm giám định viên tư pháp: Không quy định miễn nhiệm đương nhiên giám định viên tư pháp, vì hiện tại đang thiếu người làm giám định viên, trong khi vẫn cần thu hút những người có kinh nghiệm để thực hiện công tác giám định.
6. Về lĩnh vực lý lịch tư pháp
Việc chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp vẫn diễn ra khá phổ biến (theo thống kê, tỷ lệ này là 21%/toàn quốc), có thể chậm lên đến 03 tháng. Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện tốt giải pháp phối hợp nhịp nhàng giữa 03 cơ quan: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53), Sở Tư pháp. Hiện tại, đã thực hiện giải pháp tin học hóa ứng dụng: Tra cứu, xác minh thông tin qua đường điện tử tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, đã thử nghiệm thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian tới sẽ thực hiện tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành được coi là điểm nóng.
Đối với cấp phiếu lý lịch tư pháp cho những người từ Căm-pu-chia về Việt Nam, khi có giấy xác nhận tạm trú, thẻ tạm trú của công an, thì sẽ được cấp phiếu.
Hội nghị kết thúc, khép lại một năm với nhiều thành quả của Ngành Tư pháp, đồng thời mở ra một năm nhiều khó khăn, thử thách. Chính vì vậy, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, toàn Ngành Tư pháp cần phải hết sức cố gắng, nỗ lực. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015, Ngành Tư pháp cần thống nhất triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, cùng với đó, việc kiện toàn biên chế cũng dành sự quan tâm cho cơ sở. Riêng đối với công chức làm công tác hộ tịch ở cấp xã, cần phải giải quyết được vấn đề kiêm nhiệm - nguyên nhân lớn dẫn đến chuyển biến chậm trong công tác này. Tất cả cán bộ đều phải được chuẩn hóa theo quy định của Luật Hộ tịch (có trình độ trung cấp luật trở lên, được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch). Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, báo cáo, thống kê là giải pháp hữu hiệu cho việc giảm gánh nặng về biên chế.
Tiếp nhận những chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, Ngành Tư pháp tin tưởng, chờ đợi một năm thành công, gặt hái nhiều thắng lợi mới.
Ngô Huyền
Ảnh: dangcongsan.vn