Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá về những điểm đạt được và chưa đạt được qua 05 năm thi hành Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 như một số nội dung chưa được cụ thể hóa bằng luật, một số văn bản pháp luật cụ thể hóa chưa đúng, chưa thể hiện rõ tinh thần của Hiến pháp...
Đặc biệt, Hội thảo không chỉ đề cập, thảo luận việc thi hành các quy định trong Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy mà còn về thực thi các quyền cụ thể. Trong đó, nổi bật là việc đánh giá thi hành quy định về các vấn đề như: Kiểm soát quyền lực nhà nước; quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam; thực hiện quyền lập pháp của Quốc hội; quy định về Chính phủ; chế định chính quyền địa phương; hạn chế quyền con người, quyền công dân; nguyên tắc không phân biệt đối xử; quy định về các quyền dân sự; quy định trong lĩnh vực tư pháp; quyền tự do kinh doanh.
Về chế định chính quyền địa phương, Hội thảo đánh giá cao quy định của Hiến pháp về phân cấp, phân quyền như hé mở về khả năng mô hình chính quyền địa phương đa dạng, không đồng nhất, ghi nhận khả năng phân cấp, phân quyền cho mỗi địa phương, thừa nhận sự tồn tại thẩm quyền riêng của địa phương, tuy nhiên, các đại biểu đều đồng tình cho rằng, việc cụ thể hóa trong luật của vấn đề này chưa thực sự đúng tầm với tinh thần của Hiến pháp. Về cơ chế bảo hiến, nhiều ý kiến thống nhất là cần có thiết chế bảo hiến, cần có Tòa án Hiến pháp thì mới có thể đảm bảo thực thi hiệu quả các quy định của Hiến pháp. Về quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân, không được hiểu theo nghĩa là tất cả các quyền này đều có thể bị giới hạn nhất định bởi vì có những quyền là tuyệt đối, không thể bị giới hạn.